Những ngôi chùa đang xuống cấp

GN - Trên khắp dải đất hình chữ S thiêng liêng này, những ngôi Tam bảo đã theo thời gian xuất hiện với công sức của biết bao người cùng chung tay đóng góp. Tuy vậy, qua bao thời gian vẫn còn nhiều vùng hẻo lánh, khó khăn, những ngôi chùa đang xuống cấp trầm trọng, từng ngày từng giờ mong mỏi những bàn tay cùng chung sức góp những viên ngói, viên gạch để trùng tu ngôi chùa trang nghiêm hơn, không bị sớm sụp đổ. ..

Từ ngôi chùa sắp sập nơi vùng biên Kon Tum

Trong một lần đi thiện nguyện, chúng tôi về thôn 5, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Những anh em trong đoàn gợi ý đến thăm ngôi chùa Sơn Linh ngụ tại địa phương này. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là một dãy nhà tường gỗ, lợp tôn đã cũ kỹ và dãi dầu sương gió. Nếu không có những lá cờ ngũ sắc của Phật giáo treo trước cửa và những tôn tượng Phật an vị trong dãy nhà, không ai dám nghĩ đây là một ngôi chùa. Bởi lẽ, ngôi chùa còn thua xa một ngôi nhà bình thường của những người dân nơi đồng bằng.

ANH TG (1).jpg

Chùa Sơn Linh lợp tôn đã cũ kỹ và dãi dầu sương gió

Tiếp chúng tôi, ĐĐ.Thích Đồng Quang, trụ trì chùa Sơn Linh cho biết, ngôi chùa nằm trên địa bàn quá nhiều khó khăn, là vùng giáp ranh biên giới của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Năm 2009, trong một lần về Ngọc Hồi, Kon Tum để cứu trợ đồng bào gặp thiên tai, ĐĐ.Thích Đồng Quang thấy dân tình nơi đây vẫn còn chìm trong lạc hậu, khó khăn, mà ánh sáng của Phật pháp chưa về tới được. Ngay khi ấy, Đại đức đã phát nguyện xây dựng nên một ngôi chùa tại đây để mong chư Phật hộ trì cho vùng đất biên giới này.

Nói là ngôi chùa nhưng chỉ là những mảnh ván ghép lại làm tường, tôn cũ lợp lên để làm mái mà thôi. Nhưng từ ấy, người dân nơi đây cũng đã có một ngôi Tam bảo nương tựa tinh thần, sau những lúc mưu sinh vất vả.

Đến nay đã hơn 6 năm trôi qua, ngôi chùa Sơn Linh đã xuống cấp trầm trọng, nhiều chỗ dột nát và đang đứng trước nguy cơ sụp đổ, dù thầy trụ trì Thích Đồng Quang cùng các Phật tử cũng đã cố hết sức chèn chống, tu bổ bằng những vật liệu có sẵn ở địa phương. Khổ nhất là những ngày mưa rừng gió núi tạt vào cả tượng Phật, ướt cả nơi ở của thầy trụ trì, nhưng mọi người cũng không biết làm sao.

Lực bất tòng tâm, niềm mong mỏi có một nơi để thờ Phật, để Phật tử và người dân về đây tu học đàng hoàng trở nên quá xa vời với chùa Sơn Linh. Ngay cả chi phí đào một cái giếng nước để thầy trụ trì dùng hàng ngày cũng quá khó, phải uống nhờ giếng của người dân xung quanh.

Tiễn chúng tôi ra về, thầy Đồng Quang đăm đăm nhìn vào làn sương núi. Thầy bảo rằng tâm nguyện trùng tu ngôi chùa giữa vùng heo hút này của thầy không biết bao giờ mới thành hiện thực. Dân tình và Phật tử thì không thể góp được nhiều vào việc trùng tu, mà kêu gọi các mạnh thường quân thì cũng là một việc không phải dễ.

Thư kêu gọi do đích thân thầy soạn ra cũng đã được gửi đi một số nơi, nhưng chưa biết thế nào. Với chùa Sơn Linh bây giờ, một viên gạch, một bao xi-măng ủng hộ từ mọi người cũng là một hy vọng, một niềm vui cho vùng đất và người dân nơi đây hướng tới một ngôi chùa sớm được trùng tu, đủ để che mưa che nắng.

… đến, ngôi chùa làng đang trùng tu ở Quảng Nam

Cuối tháng 12 năm 2014, từ một cơ duyên, tôi được đến với một ngôi chùa quê có tên là Quang Minh, tọa lạc tại thôn Tân Vinh, xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Vừa lúc thầy trụ trì và các đệ tử trong chùa đang phát tâm và kêu gọi trùng tu, xây dựng lại ngôi Tam bảo được xây dựng từ năm 1957. Nhân dịp này, tôi cũng xin phép đăng hình về chùa và có mấy lời chia sẻ.

Chùa Quang Minh, theo thư kêu gọi của thầy trụ trì Thích Đồng Duyên và trong lời kể của các bậc tiền nhân các làng xung quanh thì được xây dựng từ năm 1957 với hình thức hết sức sơ sài, trên một vùng đồi hoang vắng. 

ANH TG (2).jpg

ĐĐ.Thích Đồng Duyên cùng các đệ tử, Phật tử trước chùa Quang Minh

Chưa được bao lâu thì do vùng nằm trong tình hình chiến sự, dân làng bỏ chạy tản cư, chùa bị đốt cháy trụi. Sau năm 1975, nhân dân trong vùng với lòng ngưỡng vọng Phật pháp, đã dần dần xây dựng lại, nhưng cũng hết sức sơ sài và chưa có trụ trì. Qua nhiều lần tu sửa nhưng do đời sống người dân chủ yếu là nông nghiệp nên không thể đủ sức xây nên ngôi Tam bảo vững vàng trước mưa nắng.

  Đến năm 2008, ĐĐ.Thích Đồng Duyên phát nguyện (được sự đồng ý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Nam) về chùa Quang Minh làm trụ trì. Ngày thầy về chùa, hầu hết ngôi chùa đã xuống cấp, ngói và cột kèo cũng đã mục nát theo nắng mưa nhiều năm. Nhưng không nản chí, thầy đã khích lệ các Phật tử trong vùng vượt lên khó khăn, làm cho đạo pháp được sáng hơn trên vùng đất nghèo này. Sau khi về chùa một thời gian, thầy cũng đã cùng Phật tử và các đệ tử tu sửa một số phần của ngôi chùa nhưng không được bao nhiêu, phần còn lại tiếp tục xuống cấp.

Từ khi ĐĐ.Thích Đồng Duyên về nơi đây, Phật pháp trong đời sống người dân được lan truyền rộng rãi, số Phật tử từ vài chục người đã lên đến hàng trăm người, tinh tấn tu học vừa sáng đường đạo, vừa an lạc đường đời. Chùa thì càng ngày càng xuống cấp nên thầy trụ trì phát nguyện quyết tâm trùng tu lại ngôi Tam bảo.

Ngày 1-1-2014, chùa Quang Minh đã làm lễ đặt đá xây dựng. Nhưng do kinh phí quá eo hẹp, dự kiến giai đoạn 1 là làm móng, chùa vẫn chưa đi vào quá trình thi công được, hiện chỉ mới xây được một gian tạm nhỏ để đặt tượng Phật và làm nơi để quần chúng nhân dân và Phật tử chiêm bái và lễ bái cũng như tu học.

Rằm tháng 11-Giáp Ngọ này, chùa Quang Minh bắt đầu khởi công phần móng chùa mới nhưng kinh phí của chùa vẫn không có là bao. Nhân dân trong vùng thì đời sống còn rất khó khăn nên không thể đóng góp được nhiều cho việc trùng tu ngôi Tam bảo. Dự kiến kinh phí cho đợt 1, làm móng sẽ lên đến 300 triệu đồng.

Nhưng với quyết tâm có được ngôi Tam bảo cho Phật tử và nhân dân trong vùng tu học, thầy trụ trì quyết định vẫn khởi công. Bên cạnh khởi công, thầy cũng kêu gọi mọi người trên cả nước, thậm chí là bá tánh khắp năm châu, nếu có lòng, xin cùng chung tay với thầy một viên gạch, một bao xi-măng để cùng cho sự phát triển của Phật pháp nơi này!

Bản thân tôi nhận thấy rằng sự trường tồn của đất nước, của văn hóa, của truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam chúng ta thường đi cùng với những mái chùa quê. Chính nơi đó lưu giữ và làm sống dậy những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam.

Tôi xin được góp một tiếng nói cùng các thầy trụ trì Thích Đồng Duyên, Thích Đồng Quang mong các tổ chức, cá nhân, Phật tử, chư tôn đức ở mọi nơi, nếu có lòng giúp đỡ xin cùng chùa Quang Minh, chùa Sơn Linh một chút sức để những ngôi Tam bảo sớm được xây dựng, trùng tu; để người dân có điều kiện hơn trong việc tu học, chiêm bái.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày