Những nơi khởi nguyên Phật giáo ở Hàn Quốc và Việt Nam

NSGN - Khi nghĩ về vương quốc cổ Baekje nơi mà Phật giáo đã đặt bước chân đầu tiên trên lãnh thổ ngày nay là Hàn Quốc, người Việt Nam không khỏi bâng khuâng nhớ lịch sử xưa nước mình với “mái chùa che chở hồn dân tộc” khởi nguyên từ xứ sở Giao Châu.

VietHan (4).png

Bup-seong-po (Thánh Pháp bến), nơi khở nguyên của Phật giáo ở Baekje4

Baekje và Giao Châu

Phật giáo du nhập bán đảo Hàn từ thời Tam Quốc, sớm nhất vào Goguryeo (Cao Câu Ly) năm 372, kế đến vào Baekje (Bách Tế) năm 384 và cuối cùng tới Silla (Tân La) năm 527. Như vậy trên lãnh thổ ngày nay là Hàn Quốc (South Korea), vùng đất của vương quốc Baekje xưa kia đã là nơi tiếp nhận Phật giáo sớm nhất.

Sớm hơn Hàn Quốc khoảng bốn thế kỷ, Phật giáo du nhập Việt Nam từ khoảng đầu Tây lịch. Khi ấy nhà Hán lấy nước Nam Việt, cải làm Giao Chỉ bộ và chia làm 9 quận, trong đó, quận Giao Chỉ là đất Bắc Bộ ngày nay. Giao Châu chính là nơi tiếp nhận Phật giáo sớm nhất.

Bup-seong-po và Luy Lâu

Người tiên phong mang Phật giáo đến Baekje và Giao Châu đều là nhà sư từ Ấn Độ tới bằng đường biển.

Nhà sư đến Bách Tế tên Marananta. Bách Tế bản ký chép rằng:

“Vị vua thứ 15, Chim Ryu Wang (Chẩm Lưu Vương) lên ngôi năm Giáp Thân (năm 384), tức năm thứ 9 niên hiệu Thái Nguyên của Hiếu Vũ Đế nhà Đông Tấn, thì nhà sư Marananta của Tây Vực từ nước Tấn đến. Nhà vua nghênh đón rồi rước về cung điện kính cẩn tiếp đãi. Năm sau, tức năm Ất Dậu (năm 385) dựng chùa ở Han San Joo (Hán Sơn châu) trong kinh thành mới, chọn 10 nhà sư và cấp giới đao độ điệp. Đây chính là sự khởi đầu của Phật pháp Bách Tế. Lại nữa, A Shin Wang (A Tân Vương) lên ngôi vào tháng 2 năm thứ 17 (năm 392) niên hiệu Thái Nguyên, đã ban thánh chỉ thể hiện sự sùng tín Phật pháp để cầu phúc”3.

VietHan (2).png

Bản đồ thời Tam Quốc với thế cục ba nước lớn trên bán đảo Hàn: Goguryeo (37 trTL-668 TL), Baekje (18trTL-660 TL) và Silla (57 trTL-935 TL)1

Nơi Marananta tới đầu tiên ở Younggwang-gun Bupseong-Myun Jinnae-Ri được đặt tên Bup-seong-po (Pháp Thánh bến, 법성포, 法聖浦), trong đó, Bup có nghĩa “(Phật) Pháp”, Seong tức “thánh” ngụ ý vị cao tăng, còn “po” là “bến”.

Trước đó, Baekje vốn theo tín ngưỡng Shaman giáo. Phật giáo du nhập, được triều đình đón nhận nồng nhiệt, đến đầu thế kỷ VII thì trở thành quốc giáo. Sử sách Trung Hoa từng viết về Baekje như “vương quốc của những ngôi chùa”. Phật giáo Baekje xoay quanh niềm tin vào Phật Di Lặc hiện thân thành con người để cứu độ chúng sinh trong thời mạt pháp và niềm tin vào sự tái sinh nơi Tịnh thổ. Thế kỷ VI, từ Baekje không chỉ có nhiều vị Tăng sang Trung Hoa tu học mà còn có những vị Tăng đến Nhật Bản truyền bá Phật giáo. Năm 552, Thánh Vương [Seong hoặc Myeong (명왕, 明王) hoặc Seongmyeong (성명왕, 聖明王), trị vì 523-554)] đã gửi biếu Thiên hoàng Nhật Bản một tượng Phật Di Lặc cùng những cuốn kinh. Trong khoảng thời gian từ 577 đến 584, vua Uy Đức [Wideok hoặc Chang (창왕, 昌王), trị vì 554-598)] gửi 9 danh tăng đến Nhật cùng những tượng Phật và kinh sách tặng Thiên hoàng. Năm 602, trong thời của Thôi Cổ Thiên Hoàng [nữ Thiên hoàng Suiko, 推古天皇, trị vì 592-628], nhà sư từ Baekje là Kwal-luk đã lập ngôi chùa Gen Ko ở Nhật Bản5.

VietHan (3).png

Bản đồ Giao Chỉ thời Tây Hán (111 trTL-39 TL) và thời Trưng Nữ Vương (40 TL-43 TL)2

Ở Giao Châu, nhà sư Khâu Đà La đã đến Luy Lâu (羸婁) hay Liên Lâu, nay thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Thuở đó, thịnh hành niềm tin và sự thờ cúng những vị thần tự nhiên có ý nghĩa quan trọng với cư dân nông nghiệp. Phật giáo đã hòa nhập cùng tín ngưỡng bản địa Đông Nam Á này. Cuốn Cổ Châu Phật bản hạnh, Phật tích trong chùa Dâu, ghi chép chuyện Man Nương, vốn là con gái một nông phu, theo học kinh sách với Khâu Đà La ở chùa Linh Quang (xã Phật Tích, Tiên Sơn). Một đêm, khi nàng ngủ thiếp đi bên cửa bếp chùa, Khâu Đà La sau giờ nhập thất bước qua người nàng vào lấy cháo ăn. Từ đó, nàng mang thai, rồi sinh một bé gái, mang con đến trả cho sư. Khâu Đà La đặt bé nơi gốc cây, thân cây mở ra ôm bé vào lòng rồi khép lại như cũ. Trước khi lên đường trở về Tây Trúc, Khâu Đà La tặng cho Man Nương cây thiền trượng nếu gặp khi hạn hán đem đến gốc cổ thụ kia, cắm xuống thì lại được mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt. Rồi một đêm mưa lớn, sấm sét, cây cổ thụ ngã xuống trôi trên dòng sông Đuống. Không ai có thể trục cái cây lớn, chỉ khi Man Nương cởi dải yếm thì nhẹ nhàng kéo lên được. Dân làng được báo mộng, đã xẻ cây làm nên bốn pho tượng thờ bốn vị nữ thần: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện thể hiện năng lực Phật pháp đồng nhất với những sức mạnh tự nhiên Mây, Mưa, Sấm, Chớp. Man Nương được tôn thờ như Phật mẫu. Hàng năm lễ hội thờ Phật mẹ, Phật con được tổ chức vào ngày mùng tám tháng Tư âm lịch, đúng ngày Phật đản sinh theo truyền thống Bắc tông.

VietHan (5).png

Chùa Dâu - khởi nguyên của Phật giáo Giao Châu7

Trong cuốn Thiền uyển tập anh ngữ lục (禪苑集英語錄) được biên soạn khoảng đầu đời nhà Trần có ghi chép lại khi vua Tùy Văn Đế (trị vì 581-604) muốn gửi một số danh tăng sang Giao Châu giáo hóa đạo Bồ-đề thì Pháp sư Đàm Thiện đã tâu: “Khi Phật pháp mới tới Giang Đông chưa đầy đủ thì ở kinh đô Luy Lâu của Giao Châu đã có tới hai mươi ngôi bảo sát (chùa), độ được hơn 500 vị Tăng và dịch được 15 cuốn kinh rồi.”6 Như vậy, Phật giáo từ Ấn Độ trực tiếp tới Việt Nam sớm hơn nhiều so với ảnh hưởng Phật giáo từ Trung Hoa sau này.

“Nụ cười Baekje” và “Mẹ ta hoa Phật”

Trên dưới hai ngàn năm đã trôi qua với bao thịnh suy, dời đổi, nhưng còn lại mãi là dấu ấn tốt đẹp của những thông điệp yêu thương con người, theo thiện lánh ác mà Phật giáo đã vun bồi trong sâu xa tâm thức hai dân tộc Hàn Quốc và Việt Nam. Những chùa tháp cổ còn đó trở thành điểm đến cho những hành trình trở về nguồn cội, tìm lại ánh sáng bình an, thanh thản của tâm hồn. Và những pho tượng xưa vẫn lắng đọng giá trị tinh thần văn hóa truyền thống rất đỗi vững bền đồng thời rất đỗi thanh tân.

VietHan (6).png

Tam thế Phật ở Yonghyon-ri: "Nụ cười Baekje"8

Nổi tiếng nhất ở Baekje là tượng Phật Như Lai tạc trên núi đá ở thôn Long Hiền, thành phố Thụy Sơn (Thụy Sơn thị Long Hiền lý ma nhai Như Lai tôn tượng, 서산 용현리마애여래삼존상, 瑞山龍賢里磨崖如來三尊像). Núi đá này đứng bên trái ngôi chùa Powonsa ở Yonghyon-ri, Unsan-myon nằm dưới chân núi Gayasan. Quần thể tượng có niên đại vào khoảng thế kỷ VI-VII. Chính giữa là Phật Thích Ca (cao 2,8m), tay trái kết Thí nguyện ấn (Varada, tượng trưng cho lòng trắc ẩn, từ thiện), tay phải kết Vô úy ấn (Abaya, biểu lộ sự che chở, yên vui, nhân từ, đừng sợ hãi). Bên trái Phật Thích Ca là một vị Bồ-tát, bên phải Người là Phật Di Lặc. Bộ ba bức tượng thể hiện Tam thế Phật (Quá khứ - Hiện tại - Tương lai). Những cánh sen trong vòng hào quang xung quanh đầu họ mộc mạc và mềm mại. Đặc biệt, ba vị Phật đều có khuôn mặt tròn trịa với nụ cười hòa ái, ấm áp. Quy chuẩn tạc tượng học từ Phật giáo Trung Hoa đã thâm nhập tinh tế cùng tâm hồn xứ sở tạo tác nên “Nụ cười Baekje” vĩnh cửu.

VietHan (1).png

Tượng Phật Pháp Vân ở chùa Dâu: "Mẹ ta hoa Phật"10

Nổi tiếng nhất ở Giao Châu là tượng Phật Pháp Vân trong chùa Dâu. Tượng gốc được tạc từ khoảng thế kỷ II, thế kỷ XIII-XIV dựng lại, và tượng còn đến hôm nay có niên đại khoảng thế kỷ XVII-XVIII. Phật Bà đồng thời là Nữ thần Mây được thể hiện trong tư thế tọa thiền trên tòa sen (thân cao 1,57 m), tay phải kết Abaya (Vô úy ấn, không sợ hãi), tay trái (có lẽ9) kết ấn Shuni (tâm nhẫn nại), với thần nhãn trong lòng bàn tay. Khuôn mặt Đức Phật Pháp Vân tròn trịa, đôi mày cong, mắt nhìn xuống nhân từ, miệng mỉm cười đôn hậu. Tượng Phật cùng đài sen được sơn màu mận chín nồng ấm. Phật Pháp Vân nói riêng, hệ thống Phật Man Nương và Phật Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) nói chung đều mang vẻ đẹp bình dị của người nữ, người mẹ đùm bọc, yêu thương mà dân chúng muôn đời đã đúc kết qua câu tục ngữ “Mẹ ta hoa Phật”.

Những nụ cười, những đóa hoa huyền bí ấy như thầm thĩ về những điểm tương đồng đầy ý nghĩa giữa Bup-seong-po ở Beakje và Luy Lâu thuộc Giao Chỉ. Khiến khi nghĩ về những nơi khởi nguyên của Phật giáo Hàn Quốc và Việt Nam như vậy, có lẽ chúng ta không thể không vương vấn một niềm tri ngộ cổ kim.

Phan Thị Thu Hiền

______________

(*) Bài này được đăng lại với sự cho phép của Tạp chí Koreana Văn hóa nghệ thuật Hàn Quốc phiên bản tiếng Việt) * Trưởng khoa Hàn Quốc học, Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP. HCM
(1) “Tam Quốc” https://vi.wikipedia.org/wiki/Tam_Qu%E1%BB%91c_(Tri%E1%BB%81u_Ti%C3%AAn)
(2) Nguyễn Đình Đầu: “Việt Nam - Quốc hiệu và cương vực qua các thời đại”. https://nghiemluongthanh.wordpress.com/2015/01/07/viet-nam-quoc-hieu-va-cuong-vuc-qua-cac-thoi-dai/
(3) Dẫn lại theo Phạm Thị Oanh: “Những người truyền bá Phật giáo vào Hàn Quốc thời kỳ Tam Quốc”. http://cks.inas.gov.vn/index.php?newsid=590
(4) First Arrival Place of Baekje Buddhism, http://www.namdokorea.com/en/tourism/01/view02.jsp?type=&kind=04&tour_id=139&page=4
(5) Sang Taek Lee: Religion and Social Formation in Korea - Minjung and Millenarianism. Mouton de Gruyter, Berlin, New York 1996, tr. 85-86.
(6) Dẫn lại theo Việt Nam Phật giáo sử luận http://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/giang-kinh/viet-nam-phat-giao-su-luan/chuong-01-trung-tam-phat-giao-luy-lau?set_language=vi.
(7) Chùa Dâu nơi khởi nguồn đạo Phật Việt Nam http://www.vptour.com.vn/chua-dau-noi-khoi-nguon-dao-phat-viet-nam/a1335428.html.
 (8) Rock-carved Buddha Triad in Yonghyeon-ri, Seosan https://english.visitkorea.or.kr:1001/enu/SI/SI_EN_3_1_1_1.jsp?cid=1919523.
(9) Phật giáo Việt Nam ngoài thần chú trong khoa nghi thì ít chịu ảnh hưởng Mật giáo, nên có lẽ thủ ấn không tuân thủ chặt chẽ quy chuẩn mà chỉ mang tính biểu tượng chung. Tư thế tay trái của Tứ Pháp đều giống nhau. Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng “tay phải dâng lên làm phép, tay trái ngửa ra cứu độ”.
(10) Phật Âm - Chùa Việt Nam xưa… http://phatam.org/chua-viet/view/chua-phap-van/1/21/462.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày