Những phận đời mong manh

GN - Họ đã trải qua một cuộc đời đầy bất hạnh và vất vả, ở phía cuối hành trình ấy không còn gì ngoài nỗi xót xa...

Sống tạm

Phải khá vất vả chúng tôi mới gặp được ông lúc ông đang nằm co quắp trong chiếc ghe với phần mái che chỉ vỏn vẹn vài mét vuông. Tại đây, được nghe những lời tâm sự từ tận đáy lòng mà ông Trần Văn Út, sinh năm 1972, hiện trú tạm tại các ghe thuyền trên cảng cá Thọ Quang, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng, chúng tôi không khỏi nghẹn ngào xúc động.

Gạt những giọt nước mắt lăn trên gương mặt hốc hác chỉ còn da bọc xương vì căn bệnh kỳ lạ, ông Út thuật lại cuộc đời đầy cay đắng của mình. Trong quá khứ, ông từng được cha mẹ cho ăn học tử tế, theo tàu ra ngoài biển làm ngư dân, đánh cá như bao người đàn ông khác ở làng biển này.

hinh xh 1068 (2).jpg

Ông Út sống tạm bợ trên những chiếc thuyền cũ của người khác cho ở nhờ

Rồi ông Út lấy vợ, hai vợ chồng tần tảo làm ăn, dành dụm mua được căn chung cư, nuôi hai đứa con gái ăn học. “Vì áp lực kinh tế, tôi lao vào công việc mà quên cả việc chăm lo cho sức khỏe. Tôi đã mắc phải bạo bệnh từ khi nào không hay”, ông Út buồn bã cho hay.

Cách đây chừng 7 năm, sức khỏe ông Út bỗng yếu dần. Chân ông xuất hiện nhiều biểu hiện lạ, cơ thịt cứ co rút dần và không thể làm việc được tiếp. Ông không ra khơi nữa mà chỉ quanh quẩn làm việc nhà. Không kiếm ra tiền, cuộc sống gia đình ông trở nên khó khăn hơn.

Rồi vợ ông bàn với ông bán căn chung cư mà cả gia đình đang ở, chia tiền ra làm mấy phần. Bán nhà, chia tiền xong thì cũng là lúc ông bị vợ con bỏ rơi. Cú sốc quá lớn này đã khiến ông Út ngã quỵ. Từ đó, ông sống một mình với căn bệnh kỳ lạ của mình và nỗi buồn chán.

Thời gian gần đây, ông không còn đi lại được nữa, chỉ nhấc chân chừng mươi bước là toàn bộ cơ thể rã rời. Sức khỏe yếu, cộng với việc không có cái ăn đã khiến ông từ một người đàn ông nặng hơn 70kg, cao hơn 1,7m dần dần chỉ còn da bọc xương. Ông phải tìm đến cảng cá Thọ Quang, nơi ngày trước còn có những bạn đi biển chung nhờ họ thương tình giúp đỡ.

Thương bạn thuyền số phận hẩm hiu lại gặp cảnh bệnh tật, thế nhưng những ngư dân ở đây cũng không khá giả hơn là bao, chỉ giúp đỡ được một phần nào. Người thì cho đồ ăn, người cho quần áo mặc, người cho đường, sữa. Không có chỗ ở, ông tá túc trong những chiếc ghe của người khác.

Cứ vậy, ông sống lây lất từ hết chiếc ghe này đến chiếc ghe khác. Ở ghe này được đôi ba bữa thì người ta lấy ghe đi biển, ông lại phải tìm ghe khác để nằm. Ngày nắng nóng, ông nhờ người quen nhặt giùm những bìa thùng giấy để chắn nắng. Những ngày mưa gió bão bùng, ông đành trân mình chịu trận.

Ông Út đã trải qua không biết bao nhiêu nắng mưa gió bão trên những chiếc ghe tạm bợ ở bến cá này, thời tiết làm sức khỏe ông càng yếu hơn. Những lúc nhớ nhà, nhớ người thân, ông lại cố gắng bò ra mũi thuyền, ngó tìm về hướng phố đông đúc với hy vọng mong manh rằng người thân sẽ tìm đến.

Người mẹ bị ung thư

Mang một hoàn cảnh khác không kém thương tâm khi phải đối diện với “cái bản án tử hình”, chị Hà Thị Sen (SN 1970, trú tại tổ dân phố An Lưu, P.Hương An, TX.Hương Trà, Thừa Thiên Huế) vẫn cố gắng từng ngày lo cho con trai đang tuổi ăn tuổi lớn.

Cuộc sống tưởng chừng như hạnh phúc, an bình của người mẹ đơn thân khi chị ở nhà làm 5 sào ruộng lúa và đậu, nuôi mấy con gà, hai mẹ con hủ hỉ với nhau cuối cùng lại bị đứt đoạn bởi sự nghiệt ngã của số phận.

hinh xh 1068 (1).JPG

Chị Sen gắng gượng vượt qua nỗi đau để tiếp tục nuôi con

Vốn là người khỏe mạnh tháo vát, ngoài việc đồng áng, chị Sen còn đi phụ việc nhà cho các gia đình khá giả để có tiền nuôi con ăn học. Đến một ngày đầu tháng 1-2019, chị bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, uể oải, ăn không ngon miệng, hay vã mồ hôi.

Chị đến Bệnh viện Trung ương Huế để kiểm tra và biết mình bị ung thư vú, cần phải giải phẫu cắt bỏ một bên ngực để cứu mạng sống. Lời của bác sĩ như sét đánh ngang tai, chị Sen gần như suy sụp hoàn toàn.

Chỉ vỏn vẹn hơn một năm rưỡi sau khi phát hiện mắc ung thư, chị Sen phải vào Bệnh viện Trung ương Huế phẫu thuật, 8 lần hóa trị, 25 lần xạ trị và rất nhiều lần ra vào bệnh viện. Đứa con trai nhỏ của chị, cháu Trịnh Việt Trường năm nay lên lớp 5, học Trường Tiểu học Hương An, là học sinh giỏi từ lớp 1 đến nay, trở thành động lực để chị cố gắng vượt qua bệnh tật.

Gắng gượng vượt qua nỗi đau để tiếp tục nuôi con nhưng dường như tai ương vẫn chưa dừng lại. Kinh tế gia đình chị ngày càng sa sút, chị không thể làm nông được, đành phải nương tựa vào sự cưu mang của bà con, xóm giềng.

Mang bệnh tật, nuôi con trong chật vật, niềm động viên lớn nhất của chị chính là đứa con trai nhỏ. Mỗi ngày sau giờ đến trường, cháu thay mẹ phụ việc nhà như nấu ăn, quét nhà, giặt quần áo... Bữa ăn hàng ngày của hai mẹ con chị đều nhờ vào tình thương của bà con xóm giềng, lúc cho bát canh, con cá, miếng dưa.

Chị Sen tự động viên mình phải ráng sống để con nhỏ còn có chỗ dựa mà học hành, hàng tháng chị gắng thực hiện hóa trị, xạ trị theo phác đồ của bác sĩ. Mỗi lần điều trị về, chị đều bị tác dụng phụ của thuốc khiến mệt mỏi, đau nhức khắp người, ăn uống cũng vất vả, cơ thể chị xuống dốc, tóc rụng hết.

Tiền thuốc thang chi phí cho những lần điều trị lâu nay của chị đã lên đến gần 70 triệu đồng nhờ vay mượn của người quen, láng giềng. Các đợt điều trị của chị Sen phía trước còn rất dài, chưa kể đến các khoản tiền đóng góp ăn học cho con khiến chị bế tắc, không còn cách nào để xoay trở…

“Số phận mình đã hẩm hiu, thất học, chỉ cầu mong sao cho con học được cái chữ để sau này đỡ khổ, nhưng trong hoàn cảnh này thì biết phải làm sao…”, chị Sen thở dài tâm sự. Khuôn mặt héo hon, đôi mắt thâm quầng, đỏ hoe, chị thầm mong trời Phật thương cho mình được khỏe mạnh trở lại, làm chỗ dựa cho đứa con thơ.

M.Ngọc - V.Hải - X.Trường

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Không giữ giới có năm điều suy hao

GNO - Sống ở đời ai cũng mong muốn gia đạo bình an, sự nghiệp ổn định và phát triển. Tuy vậy, không nhiều người biết rằng nền tảng của những mong ước thiện lành đó chính là phước đức.
Thờ vong ở trong chùa

Thờ vong ở trong chùa

GNO - Cha tôi vừa qua đời cách nay hơn 5 tháng. Khi cha mất, có người xem giờ cho biết cha tôi đi vào giờ xấu, nên phải gửi vong lên chùa. Sau khi chôn cất xong tôi đã gửi vong cha lên chùa. Tôi có nghe một số người nói trong 49 ngày cha tôi cũng không nhận được lộc. Hiện tôi rất đau khổ và hoang mang...

Thông tin hàng ngày