GNO - Nhân chuyến thăm và nghiên cứu đề tài về nữ giới Phật giáo Việt Nam, Ni sư Karma Lekshe Tsomo, Phó giáo sư của Phân khoa Tôn giáo học và Thần học tại Trường Đại học San Diego (Hoa Kỳ), Chủ tịch Hội Nữ giới Phật giáo Thế giới (Sakyadhita), ngày 12-8, Ni sư đã có buổi nói chuyện, giao lưu cùng Ni sinh Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Tại buổi giao lưu, PGS.Tsomo chia sẻ về cuộc đời và con đường đến với Phật giáo của mình.
Ni sư Karma Lekshe Tsomo chia sẻ tại Học viện PGVN tại Hà Nội - Ảnh: N.N
Sau phần chia sẻ của PGS.Tsomo, Ni sinh của lớp học đã có phần giao lưu rất bổ ích. Nhiều câu hỏi được đưa ra và mỗi câu trả lời của PGS.Tsomo lại gợi mở cho chư Ni trẻ những chân trời kiến thức mới. PGS.Tsomo đã khích lệ quý chư Ni tập trung học tập tốt để sau này có thể trở thành những người thầy giảng đạo, bởi Phật giáo cần rất nhiều những người thầy để giảng dạy cho những thế hệ tiếp sau.
Buổi giao lưu giữa Ni sư, PGS. Karma Lekshe Tsomo với chư Ni tại Học viện Phật giáo TP.Hà Nội đã rất thành công, đem lại nhiều kiến thức bổ ích cũng như khơi nguồn cảm hứng mới để khích lệ tinh thần học tập và tu hành của chư ni tại Học viện.
Sau đây là chia sẻ của Ni sư tại Học viện PGVN tại Hà Nội:
Tôi cảm thấy thật tuyệt vời khi nhìn thấy rất nhiều nữ tu sĩ trong buổi gặp mặt ngày hôm nay. Trước hết, tôi xin chia sẻ với quý vị về câu chuyện của tôi. Sau đó chúng ta sẽ có những trao đổi và tôi xin sẵn sàng trả lời những câu hỏi của quý vị.
Tôi sinh ra trong một gia đình Thiên chúa giáo ở Mỹ. Khi còn nhỏ, tôi có tên là Zenn. Lúc đó, các bạn học ở trường thường trêu chọc tôi là “Zenn, bạn là một Phật tử Zen à?” Tôi bắt đầu thắc mắc Zen là gì và đến thư viện để tìm hiểu, tôi tìm được 2 cuốn sách về Zen giúp thay đổi cuộc đời tôi. Trong những năm 50, có rất ít sách về Phật giáo ở Mỹ.
Lớn lên trong một gia đình Thiên chúa giáo là một điều khó khăn đối với tôi. Những lời dạy của chúa Jesu rất tốt đẹp, chẳng hạn như chúa khuyên bạn giúp đỡ người yếu thế, từ bỏ sở hữu, không nói dối v.v., nhưng có rất nhiều câu hỏi mà tôi không thể tìm được lời giải đáp từ giáo lý của Chúa. Chẳng hạn, tôi không thể tin vào một Thượng đế mà tôi không thể nhìn thấy, điều đó giống như một sự dối gạt, tôi cũng không thuyết phục với ý tưởng rằng chỉ có một con đường duy nhất. Tôi không thể chấp nhận điều đó. Đặc biệt, tôi không thể trả lời câu hỏi ‘con người sẽ đi về đâu sau khi chết?’ Vì vậy, tôi tiếp tục tìm kiếm.
Khi tôi 19 tuổi, tôi rời trường học ở Mỹ (tôi học cùng trường với Tổng thống Obama) và đi đến Nhật. Ở đó, tôi được đọc một cuốn sách về Zen Buddhism. Và cuốn sách đó đã giúp tôi trả lời câu hỏi trên. Đến với Phật giáo, tôi cảm thấy thỏa mãn và có thể trả lời bất kỳ câu hỏi nào mà tôi thắc mắc.
Ni sinh lắng nghe Ni sư Tsomo chia sẻ những trải nghiệm thú vị - Ảnh: N.N
Tôi tiếp tục tìm thầy học đạo, nhưng tôi không tìm được ai. Tôi đã đi đến Hồng Kông, Singapore, Việt Nam để tìm một tu viện để có thể trở thành một nữ tu sĩ, nhưng tôi đã không thể tìm được nơi nào như thế. Thời điểm đó, không dễ để có thể tìm được một ngôi chùa hay một người thầy cho một người muốn trở thành nữ tu sĩ. Trong những năm 70, có rất nhiều tu viện dành cho các vị Tăng đến học và tu tập, nhưng không có tu viện nào dành cho nữ giới. Sách vở cũng rất khan hiếm.
Tôi phải mất 13 năm để tìm được một tu viện cho nữ tu sĩ ở Ấn Độ. Tất cả các tu viện ở Ấn Độ đều đã đông và chật. Tôi còn nhớ có lần đã hỏi thầy của tôi: “Tại sao tôi không đến tu viện Sera nhỉ? (nơi dành cho Tăng). Và thầy tôi đã trả lời “Con sẽ không thấy vui và họ cũng sẽ không thấy vui”. Thực sự là không có nơi nào dành cho nữ giới, cho nên cuối cùng chúng tôi đã phải xây dựng tu viện của riêng mình. Vì vậy, quý vị ở đây thật là may mắn.
Tôi trở về Mỹ, tiếp tục việc học thạc sĩ về Châu Á học. Sau đó, tôi đến Ấn Độ. Lần này, tôi đã may mắn gặp được Đức Dalai Lama. Ngài có mở những khóa học ở thư viện tại Dharasamla. Lúc đó, để tìm được thầy dạy đã khó, để tìm được một người thầy chấp nhận dạy Ni còn khó hơn. Tôi đã may mắn được Đức Dalai Lama chấp nhận cho học cùng với 80 vị Tăng, và tôi là vị Ni duy nhất. Vì vậy mà trong lớp học tôi thường bắt gặp những cái nhìn chằm chằm hướng về phía tôi.
Tôi còn nhớ buổi học đầu tiên, khi tôi đi xuống núi và chạy đến lớp học. Tôi nhìn thấy một vị tu sĩ nhỏ bé quấn trong lớp vải ngồi ở phía cuối lớp học trên sàn nhà. Vị tu sĩ đang giải thích chính xác điều gì xảy đến với chúng ta sau khi chết. Đó thực sự là những lời giảng giải ấn tượng. Vì vậy, tôi đã ngồi dưới chân thầy trong 6 năm để học về bất cứ điều gì có thể.
Ni sư Tsomo và SC.TN Như Nguyệt (trái) - Ảnh: C.Huê Lâm
Ni sư K. L.Tsomo chia sẻ: “Chúng ta thường phủ nhận thực tế về cái chết, và kết quả là chúng ta thường lãng phí những giây phút quý báu. Phật tử Tây Tạng nói rằng, “nếu chúng ta không thiền định về cái chết vào buổi sáng, chúng ta lãng phí cả ngày. Nếu chúng ta không thiền định về cái chết vào buổi tối, chúng ta lãng phí cả đêm””.
Vì vậy, theo PGS.Tsomo, thay vì nghĩ về cái chết như là cái gì đó bệnh tật, ốm yếu, không lành mạnh (morbid), chúng ta nên xem đó như là cách để nhắc nhở chúng ta rằng cuộc sống là giới hạn. Đó là cái giúp chúng ta ý thức được sự quý giá của mỗi giây phút trôi qua – không chỉ là mỗi ngày trôi qua, mà là mỗi khoảnh khắc trôi qua. Nó liên tục giúp đưa chúng ta trở về thực tại và giúp chúng ta ý thức đầy đủ về mỗi giây phút quý giá, thay vì chỉ tồn tại và sau đó chết đi.
Tôi đã dành 15 năm để học về Phật giáo tại Ấn Độ. Sau đó, tôi bị rắn cắn suýt chết và phải trở về Mỹ. Do sức khỏe yếu, tôi không thể quay lại Ấn Độ mà phải tiếp tục việc học ở Mỹ. Tôi đã học xong tiến sĩ ở Mỹ và tìm được cho mình nghề giảng dạy ở trường đại học. Đến nay, tôi đã giảng dạy về Phật giáo cho sinh viên ở đại học Mỹ được 15 năm.
Đó là câu chuyện của tôi.
Năm 1977, tôi đã may mắn được trở thành một nữ tu sĩ theo truyền thống Tây Tạng. Hệ thống Phật giáo Tây Tạng rất phù hợp với tôi. Tuy nhiên, truyền thống Tây Tạng không có bikkhuni, nữ tu sĩ chỉ được thọ giới Sa-di-ni. Các nữ tu sĩ ở Tây Tạng không được đi học, họ không biết đọc, biết viết. Vì vậy, quý vị ở đây thật là may mắn.
Ni sinh Học viện PGVN tại Hà Nội tham gia giao lưu với Ni sư Tsom - Ảnh: N.N
Năm 1982, tôi đến Hàn Quốc để trở thành một bikkhuni.
Sau đó, tôi đến Ấn Độ và bắt đầu chương trình xóa mù chữ, mở trung tâm giáo dục cho nữ giới vùng Himalaya, tuổi từ 36 đến 63 và dạy cho họ biết đọc và biết viết trong vòng 2 tháng. Chúng tôi phát triển được 13 tu viện tại Ấn Độ. Tôi cũng nhận ra rằng, tình hình cũng khó khăn tương tự với Ni giới ở nhiều nước Phật giáo khác. Vì vậy, chúng tôi quyết định họp mặt để thảo luận về vấn đề này tại Bodhgaya năm 1987.
Để thực hiện ý tưởng về việc quy tụ nữ giới trong một tổ chức rất khó. Ban đầu, chúng tôi không có nguồn tài chính. Sự cúng dường đầu tiên mà chúng tôi nhận được đến một cách thật tình cờ. Một hôm, vào lúc nửa đêm, tôi nghe thấy một giọng Texas gọi bên ngoài căn lều “Giúp tôi với, tôi bị lạc!”
Tôi bước ra ngoài và bắt gặp vị khách lạc đường, tôi đã đưa cô ấy trở về khách sạn. Ngày sau đó, chúng tôi cùng nhau đi vào làng và tôi kể với cô ấy về ý tưởng tập hợp nữ giới trong Phật giáo. Cô ấy bảo “Đó là một ý rất hay. Khi nào thì bạn định thực hiện việc đó?” Tôi trả lời là tháng 1.
Cô hỏi “Bạn có bao nhiêu tiền để tổ chức hội nghị đó?” Tôi trả lời “Chúng tôi chẳng có đồng nào”. Cô ấy bảo “Ồ, nếu tôi cho bạn mượn 5.000 đô có được không?” Tôi nói : “Nhưng bạn thậm chí không biết tôi. Bạn quả là tốt bụng nhưng nếu hội nghị không thành công và chúng tôi không thể trả bạn số tiền thì sao?” Cô ấy nói : “Vậy thì chúng ta sẽ gọi đó là một món quà”.
Ni sư Tsomo cùng chư Ni Việt Nam thăm chùa Việt Nam - Ảnh: H.Diệu
Và với sự ủng hộ ấy, Hội nghị Sakyadhita lần đầu tiên được tổ chức tại Bodhgaya với sự tham dự của vài trăm người. Riêng buổi Lễ khai mạc Hội nghị có sự tham dự của Đức Dalai Lama và khoảng 1.500 người. Hội nghị nữ giới Phật giáo đầu tiên tại Bodhgaya đã được tổ chức thành công và chúng tôi đã có thể hoàn lại khoản tiền 5.000 đô.
Sau đó một tuần, Hiệp hội nữ giới Phật giáo quốc tế, gọi tắt là Sakyadhita, có nghĩa là những người con gái của Đức Phật, đã được thành lập. Những người sáng lập Sakyadhita đặt ra nhiều mục tiêu cho Sakyadhita, bao gồm việc tạo nên một mạng lưới thông tin cho nữ giới Phật giáo, tu sĩ cũng như cư sĩ, từ tất cả các truyền thống và vùng miền;
Thúc đẩy giáo dục cho nữ giới, tạo điều kiện cho nữ giới học tập, thực hành và giảng dạy về Phật giáo; phong trào vì sự thọ giới đầy đủ cho nữ giới; nâng cao sự hiểu biết giữa các truyền thống Phật giáo; và thúc đẩy hòa bình thế giới thông qua những lời giáo huấn của Đức Phật.
Kể từ năm 2000, Sakyadhita tổ chức các hội nghị quốc tế hai năm một lần, chủ yếu tại các nước châu Á, để quy tụ sự tham gia của nữ giới Phật giáo trên khắp thế giới. Sự giao lưu, chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm giữa nữ giới thuộc các nền văn hóa và truyền thống Phật giáo khác nhau tại những hội thảo này nhấn mạnh những vấn đề và mối quan tâm của nữ giới Phật giáo.
Năm 2010, Hội nghị Sakyadhita đã được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh với sự tham gia của 2.400 nữ giới Phật giáo. Tháng 6 vừa rồi, chúng tôi mới tổ chức Hội nghị Sakyadhita lần thứ 14 tại Yogyakarta, Indonesia.
TN Như Nguyệt