Tại cô hay tại trò?
Mấy tuần gần đây, dư luận xôn xao vì một đoạn thu âm phát tán trên mạng về những lời lẽ phê phán học sinh của mình trong một tiết dạy Anh văn ở Trường Trần Phú (Hải Phòng). Đoạn thu âm 18 phút, nhưng tôi tin rằng những người còn chút niềm tin nơi những điều tốt đẹp của nền giáo dục chỉ nghe 2 - 3 phút là cảm thấy không thể tiếp tục nghe nữa vì ngôn ngữ "chợ búa" quá!
Thế nhưng trách cô thì cũng phải ngẫm lại trò. Trò đắc thắng vì đã "gài" cô vào bẫy, khiến cô quay cuồng với lời lẽ không có sự kiểm soát mà không hề biết mình đang trở thành một con rối ngây ngô…Thế thì cậu học trò ấy có còn đủ sự tôn trọng dành cho thầy cô hay thậm chí cha mẹ mình để nuôi dưỡng những tình cảm hướng thượng, còn có đủ thiện tâm dành cho tình yêu thương và sự khoan dung (?).
Hình ảnh phản giáo dục trong một chương trình học bổng: các em học sinh tiểu học nhận học bổng, theo hướng dẫn, đã đồng loạt tung hô phong bì vừa được nhận
Đi tìm sự tử tế?
Trong một bài viết trước đây nói về "sức mạnh của sự tử tế", chúng tôi có đề cập đến việc hai tác giả Kaplan Thaler và Koval chứng minh rằng các công ty "tử tế", số lượng nhân viên nghỉ rất thấp, giảm chi phí tuyển dụng, và tăng cao năng suất lao động. Những người tử tế có tuổi thọ cao hơn, sống khỏe hơn, và… có thể làm ra nhiều tiền hơn. Tác giả cũng đưa ra những kế hoạch hành động cho mọi người để "thêm bạn bớt thù", để có thể tiếp tục công việc trong môi trường tạo nhiều hứng khởi hơn và vươn tầm ảnh hưởng của mình cao hơn, xa hơn... Giả như mỗi người trong câu chuyện nêu trên kiềm chế lại, cô không nặng lời, trò không rắp tâm khơi dậy sự tức giận trong cô thì... chúng ta có ít nhất hai người tử tế và còn nhiều hơn nữa - đó là đồng nghiệp, là những học sinh trong lớp. Trong bối cảnh bạo lực học đường không hề suy giảm, đạo đức và bầu không khí thân thiện trong nhà trường cần hơn bao giờ hết vì nói như Xuân Diệu, đó chính là "cái tổ ấm cho hồn ta lấy sức"…
Bắt đầu bằng Ái ngữ
Người Anh hay Mỹ khi giảng dạy về nguyên tắc giao tiếp, luôn đề cập đến chữ "euphemism" (uyển từ) nên thay vì mắng ai đó là "ngu" thì họ sẽ nhẹ nhàng dùng cụm từ "thiếu kinh nghiệm" hay "chưa đúng như yêu cầu"... Còn trong nhà Phật, chúng ta hay dùng "Ái ngữ", những lời nói nhẹ nhàng, chân tình, khích lệ tinh thần hướng thiện và hướng thượng mà chúng ta vì thiếu ý thức hay thiếu quan tâm nên ít khi sử dụng.
Cuộc đời sẽ mầu nhiệm biết bao khi người người đều biết hiến tặng cho nhau những lời nói dễ thương, đầy tình nhân ái như thế. Mỗi lời nói đẹp sẽ thơm ngát như một đóa hoa. Ta hãy trồng vào khu vườn nhân loại thật nhiều đóa hoa ái ngữ để lòng kỳ thị, tranh chấp, hận thù dần dần lắng xuống và tan biến đi, để tình thương mãi luôn hiện hữu và soi sáng trên thế gian này.
"Ái ngữ thật nhiệm mầu Tiếp năng lượng cho nhau Như cam lộ tịnh thủy Xoa dịu những niềm đau".
(Minh Niệm - Hiểu về trái tim)Đó chính là một trong bốn pháp môn có công năng nhiếp phục nhân tâm: bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự. Như trên đã nói, ái ngữ không phải là những lời tâng bốc, xu nịnh, những "sáo ngữ", hô vang như cho đẹp lòng nhau mà không mang ý nghĩa gì, không tác động gì đến cảm xúc, tình cảm hay tư tưởng của người tiếp nhận. Ái ngữ phải xuất phát từ tâm hồn, từ thiện ý muốn đem sự an bình, hạnh phúc đến cho người khác. Chúng ta chứng kiến bao tranh chấp, oán thù xảy ra vì những lời khích bác, gây hấn từ trong công sở, tổ chức, quốc gia và hôm nay đang lan vào cả trường học...
Ngày xưa, cha ông từng dạy:
"Lời nói chẳng mất tiền mua , Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau".
Đó chính là tặng vật mà ai cũng có sẵn nhưng không dễ gì ban tặng dù chẳng phải bỏ tiền, bỏ công, chỉ cần bình tâm ngồi lại, dùng trí tuệ quán sát đối tượng quanh mình, trước mặt mình, nghĩ đến những điều tốt đẹp về họ là có thể đưa ra những lời đầy ân tình. Hiển nhiên chúng ta phải phân biệt những lời đường mật "đầu môi" mang dụng ý xấu như thêu dệt hay lừa lọc, hoặc những câu chuyện "ngồi lê". Ái ngữ chỉ đạt được nếu chúng ta thực hiện những điều chư Tổ dạy "Nội cần khắc niệm chi công. Ngoại hoằng bất tranh chi đức." Nghĩa là phải chế ngự tâm niệm, tránh lăng xăng .
"Lúc đó gọi là "Bản tâm thanh tịnh". Còn thế nào là: Tâm niệm lăng xăng? Đó là tâm niệm: phân biệt kỳ thị, tranh chấp hơn thua, tự cao tự đại, tự đắc tự ái, tự phong tự mãn. Nói chung, những niệm do tâm: chấp ngã và chấp pháp, đều là vọng niệm, lăng xăng lộn xộn. Hiểu biết như vậy, chính là công phu, tu tập thực sự của người Phật tử, tại gia xuất gia" (cư sĩ Chánh Trực).
Thiền sư Nhất Hạnh từng giảng rằng có những bậc cha mẹ vì cuộc đời vùi dập, bạc đãi nên chất chứa trong thâm tâm nhiều oán hờn, bực dọc, thậm chí cả thù hận. Họ không biết cách chuyển hóa những năng lượng bạo động đó nên trút xuống con trẻ hay học trò của mình. Rồi đến lượt những đứa học trò "bất hạnh" ấy khi lớn lên lại trút xuống gia đình, vợ con mình…Đó có thể là một trong những nguyên nhân cùng với những bế tắc khác trong xã hội khiến cho bạo lực gia tăng… mãnh liệt. Chỉ riêng học đường đã có hơn 1.500 vụ trong năm học vừa qua (?).
Khi nhìn lại, nghe lại, chính cô giáo cũng phải kêu lên: "Tôi đã nghe lại băng ghi âm đó và bàng hoàng với chính mình, không nghĩ tại sao tôi lại có thể nói được như vậy. Lẽ ra, trong tình huống vừa qua, tôi không nên có xử sự như vậy. Nếu em học sinh này không tiếp thu kiến thức của mình thì có thể trao đổi với phụ huynh, với chủ nhiệm hoặc với nhà trường".
Nếu chúng ta không biết lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương (chữ của Thiền sư Nhất Hạnh), chúng ta sẽ vô tình tạo ra những rào cản giữa người với người, không thể "nắm lấy hơi thở, ôm lấy niềm đau, duy trì lòng xót thương". Cuộc sống sẽ trở nên đáng buồn và nỗi cô đơn của con người ngày một lớn dần khiến ta trở nên... độc ác. Nói như Ngài Đạt-lai Lạt-ma thì "Chúng ta cần trau dồi lòng yêu thương và từ bi, đây chính là hai yếu tố giúp cuộc sống của chúng ta thật sự ý nghĩa. Đây chính là tín ngưỡng mà tôi chủ trương tán thành, hơn cả Phật giáo. Rất đơn giản. Đền đài của tín ngưỡng này chính là con tim của mình…" (Đạt-lai lạt-ma - Lời khuyên chân thành).
Chúng ta hãy xây dựng lại đền đài ấy vì dường như hoang phế đã lâu…, trong suốt những năm tháng dài đi học... trong suốt cả học trình 12 năm đầy chữ nghĩa, thiếu hẳn phần ngoại khóa tu dưỡng tâm hồn...!