Nỗi đau của một gia đình

GN - Một mình gánh trên vai nỗi lo cho cả gia đình, có nhiều lúc người đàn ông ấy muốn gục ngã, muốn nhắm mắt cho xong nhưng rồi tình thương với vợ, với con đã kéo người đàn ông ấy quay trở lại. Ông không cho phép mình buông xuôi vì những điều rất con người…

Tổ ấm không vẹn nguyên

Những ngày cuối tháng 10, bạn đọc gửi chúng tôi lá thư, chia sẻ về tấm lòng của người chồng, người cha nuôi cả nhà 3 người bệnh tật. Bao nhiêu gánh nặng, lo toan đổ dồn lên đôi vai của người đàn ông ấy khi từng người trong gia đình lần lượt mắc bệnh. Một mình ông phải mưu sinh bằng nghề bán vé số để nuôi sống cả nhà nhưng chưa bao giờ ông than vãn, hay xót cho phận mình. Càng khó khăn, ông càng trách mình và càng lao động, chắt chiu chạy từng viên thuốc, từng cữ cơm cho cả nhà…


Căn nhà nhỏ của ông Phạm Văn Đức ở ấp 4, xã Bình Lộc, thị xã Long Khánh (Đồng Nai) hầu như lúc nào cũng vang tiếng cười nói. Cứ ngỡ là họ hạnh phúc, nhưng gặp rồi mới biết, những nụ cười đó rất xót xa, chua chát.

Bi kịch bắt đầu xảy ra với gia đình khi người vợ của ông Đức là bà Thủy, 50 tuổi, mắc phải bệnh tim nhưng gia đình không có đủ tiền để phẫu thuật, dẫn tới bị tai biến, mất khả năng lao động. Mổ tim xong, bà bị di chứng, phải nằm một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải có sự giúp sức của chồng con. Cứ mỗi tháng, người chồng còm cõi phải đưa bà vào TP.HCM để tái khám.

Đứa con gái lớn của ông bà là Xuân, từ khi vừa mới chào đời đã bị thiểu năng trí tuệ, trái tim yếu ớt của Xuân đã phải mổ cách đây khoảng 11 năm. Xuân cứ khờ khạo, lúc nào cũng nở nụ cười ngờ nghệch như đứa trẻ mãi không lớn. Tuy đã 20 tuổi nhưng mỗi lần nấu cơm, bố phải canh nước giúp cho để cơm không bị nhão. Em chỉ quanh quẩn trong ngôi nhà nhỏ, chăm sóc mẹ và chơi với em gái của mình.

hinh xh GN 1026.jpg

Cả gia đình ốm đau, bệnh tật


Tưởng đâu mái ấm nhỏ của ông bà đã quá đủ những bất hạnh mà số phận mang lại nhưng ngờ đâu tia hy vọng cuối cùng của cả gia đình bất chợt vụt tắt khi cô con gái út mắc phải căn bệnh động kinh. Thanh, một đứa bé ngoan hiền chỉ mới học lớp 4, là nguồn động viên duy nhất cho cả gia đình, nay chẳng thể theo kịp bạn bè trên lớp vì những cơn đau đầu ập đến bất ngờ, khiến em phải bỏ dở những giờ học ở trường. Ngày nghỉ của em nhiều hơn cả số ngày học.

Trên môi em lúc nào cũng nở nụ cười, nhưng nó lại không giống như những nụ cười vui sướng khi được khen ngợi, được cho kẹo, cho bánh của những đứa trẻ khác. Nụ cười đó chẳng mang theo niềm vui, nụ cười đó chẳng mang theo cảm xúc, chỉ đơn giản đó là dấu hiệu của căn bệnh động kinh.

Cả gia đình đều sống nhờ vào số tiền bán vé số ít ỏi của ông Đức. Hàng ngày, ông Đức phải lặn lội từ 5 giờ sáng để bắt đầu công việc, có ngày bán được khoảng 100 vé, ngày nào khấm khá một chút thì bán được 110, 120 vé. Ông Đức cho biết: “Tiền lời bán vé số để mua gạo, mua đồ ăn. Ăn uống tiết kiệm, sáng nhiều lắm là tôi ăn gói xôi 5 ngàn, còn thường là nhịn cho vợ con”.

Trong bữa cơm gia đình hàng ngày thường chỉ có mì tôm, rau muống xào, sang lắm là thêm vài quả trứng. Nhà lắm lúc chẳng có thức ăn, gạo thì bà con, họ hàng mỗi người cho một ít để ăn sống qua ngày. Hoàn cảnh quá khó khăn, thiếu thốn nhưng người chồng cần mẫn ấy vẫn cố gắng chăm lo cho gia đình không phải nhịn đói, không phải lạnh đôi vai.

Từ ngày bé Thanh bị động kinh, ông Đức phải đi bán thêm buổi chiều để lo tiền cho em đi bệnh viện vì căn bệnh của em có dấu hiệu trở nặng. Nỗi đau của ông cứ càng lớn dần khi thấy đứa con gái bé bỏng của mình chịu những cơn đau cứ ngày càng nhiều. Quệt nước mắt, ông nghẹn ngào: “Chỉ ước gì mình có thể hứng chịu những cơn đau đó thay cho con”.


Hạnh phúc sao quá xa xôi

Hàng xóm kể rằng: “Cuộc sống khó khăn nhiều lúc đã làm cho chú Đức bất lực, mệt mỏi. Nhìn người đàn ông trụ cột của gia đình hàng ngày vất vả, lặn lội quãng đường gần 6km để bán từng tờ vé số lo cho gia đình, gồng gánh cho từng người thân. Có hôm chú bệnh, nằm bệnh viện mà sáng cũng ráng chạy đi bán vé số, mua đồ ăn vòng về nhờ chị nấu giùm cho vợ con, còn chú thì quay lại bệnh viện trị bệnh. Cứ như vậy cho đến hết bệnh…”.

Thương vợ, thương con, để có tiền mổ tim cho hai mẹ con, ông Đức sẵn sàng đi vay nợ. Khó khăn trăm bề, nhưng buộc ông phải vay nợ ngân hàng với khoảng nợ 40 triệu đồng. Ông cũng không biết rồi ngày mai trả như thế nào, lấy gì để trả nhưng lý trí bảo ông phải làm như thế, cố gắng hết sức và làm tất cả những gì có thể để chạy chữa lo cho vợ, con. Ông không tiếc bất cứ điều gì…
Vì thương cho hoàn cảnh của ông Đức, xúc động trước nghĩa tình mà ông đối đãi với vợ, thương con, cho nên bạn bè của ông, ai cho được, giúp đỡ được gì đều giúp. Có anh bạn cho tiền cất lại căn nhà để người bệnh ở cho khuây khỏa, xoa dần những “cơn đau” dịu xuống, có anh bạn của ông cho mượn mười mấy triệu để ông Đức chạy chữa cho đứa con bị động kinh, dù hoàn cảnh của họ cũng không khá giả gì. “Cho mượn nhưng không biết ngày nào Đức trả được, nhưng mà không cho, không chịu nổi”, ông Linh, bạn cùng xóm với ông Đức cho biết.

Hỏi ông Đức, động lực nào để vượt qua được hoàn cảnh này, ông bảo: “Có nhiều lúc tôi muốn bỏ đi cho rồi, nhìn trước nhìn sau tôi không thấy tí ánh sáng nào, cũng không có động lực nào để phấn đấu cho ngày mai. Nhưng lúc đó, nhìn vợ con, suy nghĩ đó không còn, nếu mà tôi tìm đến ngõ cụt thì vợ con lấy ai làm chỗ dựa. Vậy nên, tôi phải cố gắng thôi”.

Bước chân ra về, nhớ đến lời ông nói, chúng tôi trăn trở mãi: “Thấy cây mít trổ hoa, nay mai sẽ kết trái, dù có trái đậu hay không thì nó cũng là hình ảnh đầy sức sống. Bởi vậy, tôi cũng có ước mơ, mơ đủ tiền mua thuốc cho vợ con, để cơn đau không hành hạ. Vợ con đau một, tôi đau gấp chục lần; mơ bé Thanh bớt động kinh, ráng học đến hết lớp 9, thì sau này ví dụ mà mình có chết thì nó bớt khổ; mơ trả được khoản nợ ngân hàng, mở được cái quán tạp hóa nhỏ để con Xuân buôn bán để lo được cho mẹ, cho em lỡ như tôi đi sớm… ”.

Ước mơ nào của ông cũng đong đầy yêu thương, nhưng để chạm được ước mơ, từng cái một, khoảng cách nào sao cũng quá xa xôi

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Vô thường

Lá vàng ắt phải rụng rơi...

GNO - Sớm nay, tôi ghé chùa lễ Đức Quán Âm. Tôi thấy ba vị Tăng cử hành một nghi thức trước đài Quán Âm. Một cỗ quan tài nhỏ, thật gọn, có lẽ bằng ván ép được bốn người khiêng nhẹ nhàng, cúi đầu lễ tôn tượng rồi di chuyển ra khỏi cổng chùa. Ra là một vị cao tuổi ở nhà dưỡng lão của chùa vừa qua đời tối qua.

Thông tin hàng ngày