Nói dối nhau thiệt khổ!

GNO - Sẽ có một ngày, những chàng/nàng "cuội" được nghe câu quả quyết của người thân, người thương, bạn bè mình, rằng: tui hổng tin được mấy người nữa à nha.

Không tin đương nhiên phải quá, vì mình đã gạt người ta nhiều lần rồi, uy tín mình đã về con số không thì làm sao người ta tin cho được.

ca thang tu 2.jpg


Cá tháng tư - Ảnh minh họa

Nói dối nguy hại vô cùng, vì "một lần mất tin thì vạn lần mất tín", người ta sẽ hoài nghi và nếu là người thân, người thương mà không còn tin nhau nữa thì làm sao sống với nhau, làm sao có thể "chia ngọt, sẻ bùi"? Chính vì thiếu niềm tin nên dù mình có nói gì, làm gì đi chăng nữa cũng khiến người ta đặt ra dấu chấm hỏi với mình, do vậy mình sẽ khổ sở vì điều đó.

Mất niềm tin nơi người khác là một nỗi khổ, vì rồi người sẽ hỏi tới hỏi lui, bắt mình phải chứng minh, bắt mình phải trưng ra bằng chứng... đủ hết, mà chưa chắc đã tin vì biết đâu đấy là bằng chứng ngụy tạo.

Mất niềm tin với người khác thì đi làm khó được giao trọng trách, thậm chí bị cô lập. Do vậy, khi mình bị cô lập, dẫu mình chưa bao giờ dối ai thì nhớ nghĩ, chắc đời nào đó mình từng dối gạt người dữ lắm rồi. Nghĩ thế để về lạy sám hối, để ăn năn tội xưa lỗi cũ và quyết giữ mình thanh lương, trong sạch, rồi dần dà sẽ lấy lại được niềm tin đã mất.

Hiểu cái khổ của mất niềm tin do nói dối nên ngay trong năm nguyên tắc đạo đức cơ bản của người học Phật (5 giới), Đức Phật đã chế giới chân thật, không nói dối. Cao hơn là không nói hai lưỡi, không nói lời độc ác, gây chia rẽ... để người tu theo Phật gìn giữ như giữ con ngươi của mắt mình, cho lòng mình sáng, để mắt mình tỏ đặng còn thấy đường chơn chánh mà đi. Đồng thời, từ đó tăng trưởng niềm tin, đạo đức, rồi có thể tuyên bày những lời hay ý đẹp để giúp người bình an, không sợ hãi, không đề phòng.

Có một định đề thế này: Khi một người nói dối một lần thì sẽ nói dối lần thứ hai và nhiều lần nữa để che đậy cho sự không thật ở lần đầu. Chính vì thế, khi đã nói dối thì sẽ càng ngày càng nói dối nhiều hơn, động cơ là để che đậy cho sự bất minh trước đó. Sự "phát triển" kiểu xoắn ốc theo hướng đi xuống của đạo đức như vậy đã được Bậc Giác ngộ nhìn thấy và ngăn đe, hầu giúp người học Phật được an toàn, thân tâm được bảo hộ.

Tất nhiên, thi thoảng ta đành phải "dụng công"... nói dối. Những lời nói dối chứa tình thương, trí tuệ - nói giảm, nói tránh, nói để sự thật đau lòng không trở thành nhác dao chí mạng khiến người nghe chết ngắt tại chỗ hay suy sụp đến mức phải thân hoại mạng chung trong sớm chiều nhanh chóng thì có thể tùy duyên được dùng. Dùng trong thế "dĩ bất biến ứng vạn biến", giữ cho vững cái gốc của tình thương, sự chia sẻ và tâm trí sáng suốt, vô tư... thì sẽ cứu được người, vơi nhẹ bớt nỗi đau thương.

Điều đó cũng giống như... thuốc độc, đôi lúc cũng được dùng trong trường hợp "lấy độc trị độc" nên phải hết sức cẩn trọng, và chỉ được sử dụng trong khi không còn cách nào tốt hơn thay thế.

Đừng bao giờ nói dối nhau. Đó là lời dặn ân cần của những người thương nhau, yêu nhau. Vì sẽ sống với nhau một đời mà dối nhau thì không những mệt cho người nghe mà người nói cũng mệt. Một bên mệt vì phải kiểm chứng, hoài nghi, bên kia mệt vì phải phập phồng lo sợ, suy nghĩ quá trời những điều dối gian để che đậy cũng như phải nhớ quá trời những "dữ liệu" không thật để khi bị kiểm tra có cái mà đối phó, ráp vô cho phù hợp.

Ôi, dối với nhau thiệt khổ. Nên có nói dối (cho vui) thì cứ nói trong ngày này, ngày 1-4 (cá tháng tư), khi cả thế giới đang cùng đùa nghịch với nhau một cách trong trẻo để cuộc sống bớt căng thẳng vì có quá nhiều thứ lo nghĩ!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày