Nơi ký thác đời con…

GN - Con không biết phải định nghĩa thế nào về mẹ. Mẹ là người đã sinh ra con?

Nếu đơn giản thế, thì cái ống nghiệm cũng có thể làm mẹ. Mẹ không phải là nơi chỉ để ký gửi hình hài phôi thai. Sau khi sinh ra, thậm chí tám mươi năm nữa, con vẫn còn ký thác đời mình cho mẹ. Như nhân gian có câu: Mẹ già hơn trăm tuổi, còn thương con tám mươi. Kinh Báo ân cha mẹ còn thêm: Thương nhớ có ngừng chăng, chỉ hơi thở cuối cùng!

shutterstock_126185132.jpg


Mẹ gánh nhọc nhằn - Ảnh minh họa

Mà đâu chỉ có thế, bởi cha mẹ “lòng mãi thương lo, khóc đến mờ mắt, thương đến phát bệnh. Đến nỗi đến chết, hồn còn theo con”. Với con, mẹ “làm gì cũng theo dõi, ở đâu cũng không rời”. Rồi “dành cơm cho con no, để áo cho con ấm. Kho nấu bao sinh mạng, đủ cách ngon miệng con”. “Con đi đường xa cách, lòng mẹ bóng theo hình. Ngày đêm không thư dạ, sớm tối nào tạm quên. Khóc như vượn khóc con, thương nhớ nát can tràng”.

Mẹ đó, đâu thể nào định nghĩa được.

Đến như Phật còn phải thốt lên: “Chỉ riêng ơn mẹ, Như Lai nói đến, trọn một đời này, cũng khó đầy đủ. Tình thương của mẹ, ví dụ thế nào, cũng không nói hết, không hình dung được” (Kinh Tâm địa quán).

Không hình dung được, nên Phật phải dùng ẩn dụ. Phật dụ nước trong bốn bể không sánh bằng nước mắt mà mẹ đã khóc con trong vô lượng kiếp. Và cũng vô lượng kiếp ấy, sữa để mẹ dành nuôi con nhiều hơn nước cả bốn đại dương gộp lại. “Cao như núi cao, tình mẹ cao hơn; dày như đất dày, tình mẹ dày hơn”.

Phật nói: “Cái khổ mang thai mà mẹ phải chịu, thì miệng con người không đủ để nói”. Thương nhất là hình ảnh mẹ xé thân ra để sinh con, như bị ngàn mũi dao sắc thi nhau hành hạ. Đến khi con ra được, mẹ muốn ngất xỉu. “Thế nhưng nghe được tiếng khóc đầu đời của con phát ra thì như tiếng nhạc, vực mẹ tỉnh lại sau bao đau đớn tưởng như khó thể sống được với con”.

Phật khẳng định: “Giàu nhất là gì: là mẹ còn sống. Nghèo nhất là gì: là mẹ mất rồi. Mẹ còn thì như mặt trời đứng bóng; mẹ mất thì như đêm tối đổ xuống. Vầng trăng vằng vặc, là mẹ còn đó; đêm tối âm u, là mẹ mất rồi”.

Ngài dạy, hiếu dưỡng cha mẹ cũng quan trọng và không khác gì chân thành hiến cúng đối với Như Lai. Rằng, con người dù sinh ra rồi, vẫn có thể chọn được dòng giống của mình. Vì đứa con hiếu thảo “chính là dòng giống cao sang ở trên chư thiên và trong nhân loại”.

Trong mười ân đức của mẹ mà kinh nói đến, có ân đức “đại địa”. Chính trong dạ mẹ, con được ký thác hình hài, như trời che đất chở. Con lớn lên một chút, bị bạn bè ăn hiếp, cũng sà vào lòng mẹ. Rồi trưởng thành, với người là hùm là beo, nhưng với mẹ, con vẫn mãi là con mèo con bé bỏng hiền lành, chỉ thích dụi đầu vào mẹ. Con ký thác đời mình cho mẹ, không chỉ thân xác, mà trọn cả tâm hồn.

Con không hiểu sao trên đời vẫn còn những đứa con bất hiếu với song thân. Chúng gây đau đớn cho mẹ, đau hơn cả cái đau mà mẹ rứt ruột sinh con. Rồi có kẻ thương yêu người dưng hơn thương yêu mẹ, kiểu như Phật nói: “Khác dòng khác họ mà tình sâu nặng, xương mình thịt mình lại thấy dửng dưng”. Trong khi mẹ thì: “Không ghét không mắt mũi, không hiềm què tay chân. Con sinh từ bụng mẹ, còn đổi dạ thương ai”.

Mùa Vu lan về rồi. Một lần nữa con thấy mình giàu thật giàu, vì còn có mẹ. Con tạ ơn Phật vì Ngài đã chỉ cho con thấy điều đó. Tạ ơn Phật đã chỉ cho cách báo ân cha mẹ!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).

Thông tin hàng ngày