GN - Ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền Hà Nội, ai cũng biết đến Nguyễn Thùy Chi, cựu sinh viên đặc biệt sinh năm 1990 ngồi trên xe lăn của khoa Quản lý xã hội. Bởi lẽ, Thùy Chi đã chinh phục được hoàn cảnh bệnh tật và thể hiện nghị lực phi thường trên suốt hành trình học tập, phấn đấu…
12 năm đi học trên vai ông bà nội
Không may mắn như những đứa trẻ khác, Thùy Chi sinh ra thiếu tháng, nặng 1,3kg. Các bác sĩ cho biết em bị liệt dây thần kinh số 7 - hệ vận động. Gia đình đã đưa Chi đi chạy chữa ở nhiều nơi, nhưng bệnh không khỏi, khiến cho mẹ em không đủ kiên nhẫn đã bỏ đi vào năm Chi lên 7 tuổi. Chi sống cùng ông bà nội đã hơn 80 tuổi, và bố là công nhân khai thác mỏ nhưng bị mất sức lao động nên đã nghỉ việc, thường xuyên ốm đau, bệnh tật.
Nghị lực giúp Thùy Chi luôn vượt qua khó khăn với nụ cười lạc quan
Trước hoàn cảnh khó khăn đó, các bác gái của Chi cùng góp tiền làm mấy gian nhà trọ nhỏ cho thuê trong con ngõ nhỏ số 98B đường Cốc Lếu, thị xã Lào Cai để ông bà và bố Chi có chút thu nhập và có điều kiện chăm sóc cho em. 12 năm đến trường trên đôi vai gầy yếu của ông bà nội là 12 năm vươn lên với nghị lực phi thường của Thùy Chi.
Những bài giảng của thầy cô trên lớp, em phải nhờ bạn chép hộ bằng cách đặt tờ giấy than xuống dưới trang vở ghi bài của bạn để có tư liệu học bài, và những kỳ thi nhà trường dành cho Chi luôn là những kỳ thi đặc biệt với hình thức vấn đáp. Những nỗ lực đó của Chi đã được đền đáp một cách xứng đáng khi 12 năm học Chi đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến và được Trường THPT Lào Cai 1 đặc cách tốt nghiệp trong kỳ thi tốt nghiệp lớp 12.
Chinh phục giảng đường đại học
Khi Thùy Chi quyết định thi tiếp vào đại học, cả gia đình em ai cũng lo lắng bởi việc dự thi với một thí sinh khuyết tật cả tay và chân như Chi là một điều vô cùng khó khăn. Cảm phục trước nghị lực và tinh thần học tập của Thùy Chi, cô giáo chủ nhiệm của em đã tìm cách đề đạt nguyện vọng của em lên với Ban Giám hiệu nhà trường, trường lại chuyển lên Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai, rồi từ đó nguyện vọng của Chi đến được với Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD & ĐT).
Cơ hội đã mỉm cười với Chi khi Bộ GD & ĐT chấp nhận cho em tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2010 với hình thức thi đặc biệt: Thùy Chi sẽ thi trong một phòng thi riêng với 3 giám thị: một người chép bài hộ Chi, một người thu âm và người còn lại quay camera.
Thùy Chi tâm sự: “Em thích học văn và làm thơ từ hồi lớp 4. Khi đó trong lớp có một nhóm các bạn sinh hoạt về thơ, rủ em tham gia cho vui và thật bất ngờ khi em thấy mình có duyên với thơ, có thể dùng thơ để bày tỏ những tâm sự, mơ ước của mình. Chính vì vậy mà em đã chọn thi vào khoa Văn của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, nhưng do thiếu điểm nên em chuyển nguyện vọng 2 sang khoa Quản lý xã hội của Học viện Báo chí & Tuyên truyền Hà Nội và may mắn trúng tuyển”.
Tháng 9-2010, Thùy Chi chính thức trở thành sinh viên của Học viện Báo chí & Tuyên truyền Hà Nội. Nhà trường sắp xếp cho Chi ở trong một căn phòng nhỏ riêng biệt của ký túc xá, miễn hoàn toàn chi phí học tập cho em cũng như dành hình thức thi vấn đáp cho Chi trong tất cả các kỳ thi học phần. “Cô như vầng trăng sáng/ Soi bước đường em đi/ Là ngọn đèn tri thức/ Thắp sáng bao diệu kỳ…”. Đó là những vần thơ Thùy Chi viết dành tặng cho cô Đào Thị Thông, giáo viên chủ nhiệm lớp đại học trước sự quan tâm đặc biệt dành cho Chi.
Cô Thông chia sẻ: “Ban đầu khi mới nhập học, có một người bác gái theo Chi xuống ở cùng. Cả gia đình ở quê quyên góp được hơn 2 triệu đồng, xuống Hà Nội mua sắm một số thứ cần thiết còn lại 1,8 triệu đồng. Vậy mà gần một tháng sau khi tôi hỏi em Chi còn bao nhiêu tiền, em nói vẫn còn khoảng 1,4 triệu mà tôi không tin vào tai mình. Một tháng trời mà hai bác cháu chỉ dám tiêu mỗi ngày 15 nghìn đồng, tiền mua thức ăn, hôm nào “lãng phí” lắm thì mua thêm 3 nghìn hoa quả nữa...
Tôi đã thức gần như trắng đêm với những trăn trở không biết phải làm cách nào để tìm người hỗ trợ em Chi trong sinh hoạt và học tập hàng ngày, rồi nguồn tài trợ cho các chi phí đắt đỏ chốn Hà thành…”. Thật may mắn khi cô Thông và bạn bè trong lớp của Chi liên hệ được với Trung tâm Sống độc lập, giúp Chi học được các kỹ năng cần thiết trong sinh hoạt và cuộc sống, đồng thời tìm được tình nguyện viên hỗ trợ cho Chi trong các sinh hoạt hàng ngày.
Năm 2014, Chi hoàn thành chương trình đại học, và tích cực tham gia các phong trào, sự kiện, hội thảo liên quan đến người khuyết tật để truyền niềm tin và kết nối với mọi người. Nụ cười luôn thường trực trên môi cùng tư duy lạc quan, tích cực của Chi khiến bất kỳ ai một lần tiếp xúc cũng đều ấn tượng.
Lạc quan để chuyển hóa mọi khó khăn
Thùy Chi chia sẻ: “Thực ra với người khuyết tật, không phải mọi thứ đều tồi tệ lắm đâu. Tại sao mình không nhìn vào những thứ tích cực, biết đâu mình khiếm khuyết một mặt nào đó nhưng mình lại có những cơ hội khác, nếu mình biết cố gắng hơn. Em luôn suy nghĩ mọi thứ đơn giản, cố gắng để mọi thứ đang diễn ra nó là như thế thôi. Em luôn tìm thấy những điều nhỏ bé nhưng khiến em vui trong cuộc sống.
Thùy Chi với tấm bằng tốt nghiệp đại học
Nếu như có một từ nói về việc tạo ra em được như ngày hôm nay, có lẽ là từ may mắn. Em cảm thấy mình có được những người bạn rất đáng yêu, có sự quan tâm của các thầy cô những người mẹ, có những người dù gặp rất ít nhưng vẫn luôn dõi theo, động viên em qua tin nhắn, email… Cuộc sống của em gắn liền với chiếc xe lăn, nhưng không có nghĩa là em không thể làm gì, không có nghĩa là em gục ngã trong bốn bức tường. Em nghĩ rằng nếu mình dừng lại, đồng nghĩa với cuộc sống của mình không có một ý nghĩa gì cả”.
Và điều đó không chỉ thể hiện qua ánh mắt, nụ cười lạc quan của Chi. Trên trang Facebook cá nhân của mình, Chi luôn lan tỏa tới bạn bè tinh thần lạc quan, những suy nghĩ tích cực như thế. Ở một chia sẻ đề ngày 18-4-2018, Chi viết: “Hôm nay là ngày Người khuyết tật Việt Nam, nhưng mình xin phép không chúc mừng, vì không ai lại đi chúc mừng cái sự khuyết tật cả. Chúng ta hãy nhớ về ngày này như để nhắc nhở rằng xã hội không quên chúng ta. Và các bạn của tôi ơi, chúng ta hãy cứ vui, cứ làm những gì mình muốn, hòa hợp và nỗ lực trong chính hoàn cảnh của mình. Như thế, mỗi ngày sẽ đều là ngày của chúng ta”.
Rồi cách Chi cảm nhận về bình yên trong cuộc sống cũng toát lên chiều sâu tâm hồn của em: “Bình yên thật ra không có gì là lớn lao và to tát cả. Nó ở ngay trong mỗi chúng ta thôi! Chỉ cần biết yêu chính mình và cho đi tình yêu bằng tình yêu với chính mình. Mọi thứ sẽ theo đó mà tự đủ đầy. Mọi khó khăn rồi sẽ đến lúc nó phải tự đi, không có gì là tồn tại mãi được cả!”.
Hiện Nguyễn Thùy Chi cùng các bạn khuyết tật khác đang thực hiện làm các sản phẩm thủ công như: thú giấy cuốn, thiệp, tranh để bàn… và kết nối các mặt hàng thực phẩm đồ khô là đặc sản khu vực Lào Cai - Tây Bắc tới bạn bè qua trang Facebook cá nhân.
“Những người có sự khiếm khuyết như em, đều mong muốn mình có cơ hội - không phải cơ hội để kêu gọi mọi người: hãy giúp đỡ chúng tôi đi, từ thiện cho chúng tôi đi - mà cho chúng tôi cơ hội để thể hiện là làm được những điều chúng tôi có thể. Đó là cơ hội học tập, cơ hội làm việc, cơ hội tiếp cận tất cả những hoạt động mà người không khuyết tật có thể làm”. Nguyễn Thùy Chi đã bộc bạch như thế về ước mơ của mình, và khẳng định: “Tôi không nói là tôi tài giỏi, tôi không nói là tôi làm được mọi thứ. Nhưng tôi sẽ nỗ lực, và có trách nhiệm, làm việc với tất cả những gì tôi có thể”.