GN - Đức Phật dạy: “Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một điều gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một điều gì khác” (Kinh Tương ưng V, chương 3, phẩm Ambapàli, phần Bệnh).
Tuy đấng Cha lành của mình dạy như thế, bậc thầy của mình (Bổn sư) dạy như thế, nhưng ít người dám làm theo điều đó, ít người dám tin vào chính mình.
Nương tựa chính mình - Ảnh: FB Nhuận Thường
Chúng ta đã quen nương tựa, dựa dẫm vào những thứ bên ngoài như tiền tài, quyền lực, địa vị, danh tiếng, sắc đẹp… Chúng ta lấy những thứ đó làm chỗ nương tựa, làm sức sống, làm cơ sở, làm mục đích cho sự tồn tại của mình. Chúng ta sẽ không tâm đắc, không dám mạnh dạn tin tưởng và làm theo lời Đức Phật dạy cho đến khi trải qua những biến cố cuộc đời và cảm nhận sâu sắc những điều Ngài dạy. Đó là khi chúng ta đối mặt với chuyện sinh tử, đối mặt với bệnh tật, cái chết, đối mặt với những lo lắng sợ hãi, hoặc khi mất hết quyền lực, tiền bạc không còn v.v…
Thực tế, nếu quán sát, nếu lưu tâm để ý, chúng ta cũng thấy rất rõ dù có quyền lực, tiền bạc, danh tiếng, ăn ngon mặc đẹp, chúng ta vẫn không có được sự bình an, không có được hạnh phúc trong tâm hồn. Đa phần khi có nhiều quyền lực, lắm tiền bạc, khi có danh tiếng, địa vị xã hội, chúng ta càng đối mặt với nỗi bất an, lo lắng, sợ hãi và chịu áp lực nhiều hơn. Chúng ta luôn có tâm lý đề phòng những kẻ đối nghịch, những kẻ ganh ghét đố kỵ, những kẻ dòm ngó địa vị của chúng ta. Chúng ta luôn lo lắng vì sợ quyền lực và lợi ích bị mất. Có nhiều tiền của sản nghiệp khiến chúng ta bất an vì sợ trộm cướp, sợ bị lừa đảo chiếm đoạt của cải, chúng ta sinh tâm nghi ngờ mọi người, mọi việc. Chúng ta luôn muốn gìn giữ gia tài sản nghiệp, gìn giữ địa vị, danh tiếng, ý muốn này đã cầm tù, giam hãm chúng ta, khiến chúng ta mất hết tự do, tự chủ. Những toan tính, lo âu, hoang mang, sợ hãi đã làm cho tâm chúng ta bất an. Thậm chí có người vì muốn bảo vệ quyền lợi, danh tiếng mà bất chấp thủ đoạn, bán rẻ lương tâm, đạo đức.
Ngoài việc cố nắm giữ, chúng ta còn muốn khuếch trương danh tiếng, phát triển sự nghiệp làm cho mọi thứ nhiều thêm. Ý muốn này sẽ thúc giục, kiềm tỏa, sai sử chúng ta, không để cho chúng ta ngồi yên, thanh thản.
Điều gì làm cho chúng ta khổ não triền miên như thế? Chính cái ý muốn chiếm hữu và lòng tham, chính cái nhận thức sai lầm rằng mình có thể sung sướng hạnh phúc, mình có được tự do thoải mái, mình có được sự an toàn khi nương tựa vào những gì mình sở hữu, cụ thể đó là tiền bạc, của cải, danh tiếng, địa vị, quyền lực. Suy nghĩ rằng càng có nhiều những thứ ấy thì mình càng vững vàng hơn, đời sống mình sẽ bình an, vui vẻ và hạnh phúc. Nhưng bản chất cuộc đời là vô thường, sinh diệt đổi khác (biến dị), là bất toàn, bất toại nguyện, vì mọi sự vật hiện tượng do duyên sinh, cho nên không có gì bền chắc, không có gì trường cửu, và con người luôn đứng trước nguy cơ đổ vỡ, mất mát. Chưa nói đến sự thay đổi, biến hoại dưới sức tàn phá của búa thời gian, ngay khi những gì chúng ta sở hữu còn đó thì chúng ta vẫn bất an, khổ não vì những nỗi lo sợ chúng mất đi. Chúng ta khổ vì phải sống chung với quá nhiều nỗi sợ: sợ mất tiền của, sắc đẹp, quyền lực, địa vị, danh tiếng, sợ mất người thân người thương v.v... Càng tham đắm, càng mong cầu và muốn nắm giữ chặt thì càng có nhiều nỗi lo sợ, bất an.
Vậy nương tựa vào đâu, trông cậy vào đâu để chúng ta có được sự bình an, có được tự do, hạnh phúc?
Đức Phật và các vị Bồ-tát, các vị Thánh giải thoát không cần chất chứa vật sở hữu, không cần sử dụng nhiều các phương tiện đời sống, ngay cả phương tiện tối thắng là thần thông diệu dụng nhưng các Ngài vẫn bình an, luôn tự do và hạnh phúc. Không phải các Ngài không gặp những hoàn cảnh, những con người gây khó khăn trở ngại, những điều mà người thế gian cho là nghịch cảnh, chướng duyên. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, tâm các Ngài vẫn an lạc, tự tại, những điều kiện khắc nghiệt bên ngoài không thể tác động được. Đó là vì các Ngài có định lực, có tuệ giác nên không bị ngoại vật lôi kéo, cám dỗ, không bị tác động, chi phối. Tâm các Ngài giải thoát, không còn bị các phiền não sai sử. Dù cho thân các Ngài có ở trong hoàn cảnh khắc nghiệt thì tâm vẫn an nhẫn, không hề dao động, các Ngài có đủ sức vượt qua các trạng thái tâm lý tiêu cực mà không thấy bất cứ khổ não nào. Đây là giá trị cao quý của sự thực hành Chánh pháp, nương tựa Chánh pháp mà người tu học Phật chân chánh luôn hướng đến. Giá trị này không thể dùng vật chất đánh đổi được và cũng không ai có thể ban tặng cho ai. Chỉ có sự tu tập thực hành Chánh pháp mới có được.
Khi trong tâm không còn những lo lắng, buồn phiền, sợ hãi, tâm không còn bị tham muốn thúc giục, sai sử, thì đó mới là bình an thật sự. Khi tâm không còn khổ não thì đó mới thật sự an vui. Vì thế người đệ tử Phật chúng ta hãy bình tâm, tỉnh trí trước sự tác động muôn hướng của dòng đời mà quay về nương tựa chính mình, nương tựa Chánh pháp mà Đức Phật đã truyền trao. Không một ai, không thứ gì có thể mang lại bình an và hạnh phúc cho chúng ta ngoại trừ chúng ta và sự thực hành Chánh pháp. Có tu tập, có thực hành Chánh pháp, chúng ta tự trở thành nơi nương tựa vững chắc cho chính mình.