Bởi Đức Phật ra đời là đồng nghĩa con đường giải thoát khổ đau được mở ra, khả năng giác ngộ của chúng sinh được xác chứng, Phật tánh trong chúng sinh được hiển lộ, con người giác ngộ trong chúng sinh được đản sinh.
![]() |
Phật đản - Tranh sơn mài |
Con người giác ngộ trong chúng sinh đản sinh thì thế giới hết mê lầm, hết tranh chấp, hết oán thù, hết sầu muộn khổ đau. Kinh văn sớm nhất của Phật giáo nhấn mạnh về sự xuất hiện hy hữu của Đấng Giác ngộ:
“Một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người. Một người ấy là ai? Chính là Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác. Chính một người này, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người.
Sự xuất hiện của một người, này các Tỷ-kheo, khó gặp được ở đời. Của người nào? Của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác. Sự xuất hiện của một người này, này các Tỷ-kheo, khó gặp được ở đời.
Sự xuất hiện của một người, này các Tỷ-kheo, là sự xuất hiện của mắt lớn, là sự xuất hiện của đại quang, là sự xuất hiện của đại minh, là sự xuất hiện của sáu vô thượng1, là sự chứng ngộ bốn vô ngại giải2, là sự thông đạt của nhiều giới3, là sự thông đạt của các giới sai biệt4, là sự chứng ngộ của minh và giải thoát5, là sự chứng ngộ quả Dự lưu, là sự chứng ngộ quả Nhất lai, là sự chứng ngộ quả Bất lai, là chứng ngộ quả A-la-hán. Của một người ấy là ai? Chính là Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác. Sự xuất hiện của một người này, này các Tỷ-kheo, là sự xuất hiện của mắt lớn, là sự xuất hiện của đại quang... là sự chứng ngộ quả A-la-hán”6.
Như vậy, Đức Phật xuất hiện ở đời được xem là sự kiện hy hữu bởi gắn liền với sự ra đời của Ngài là sự xuất hiện của tuệ giác giải thoát xua tan bóng đêm vô minh, sự xuất hiện của ý chí giác ngộ thoát ly nô lệ thần thánh, sự xuất hiện của trí tuệ và tâm từ bi có công năng hóa giải mọi phân biệt và oán thù ở trên cuộc đời. Sự kiện Đức Phật giác ngộ - chứng đắc vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát - dưới cội cây assattha thế kỷ thứ sáu trước Tây lịch đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử văn hóa tâm thức nhân loại. Bởi kể từ thời điểm ấy loài người đã bước sang một tâm thế mới mẻ, hoàn toàn đầy tự tin và sáng sủa liên quan đến vận mệnh của mình, chính thức thoát khỏi cái bóng đêm ám ảnh lâu ngày của các ý niệm lệ thuộc Thượng đế, thần linh hay các ý tưởng siêu hình.
Với sự phát hiện và khai minh nguyên lý về sự khổ và sự diệt khổ (Paticcasamuppāda), Đức Phật là người đầu tiên trong lịch sử nhân loại tuyên bố rằng không ai khác, chính con người là chủ nhân ông của số phận mình. Khổ đau hay hạnh phúc, nô lệ hay tự do, trói buộc hay giải thoát, là hoàn toàn do con người quyết định, không phải là đặc quyền phán xét của Thượng đế hay thần linh, càng không phải là thẩm quyền quyết định của các thế lực nhân danh các chủ thuyết. Con người, và chỉ có trí tuệ của con người mới giải thoát người ấy khỏi các mắt xích nô lệ khổ đau. Đức Phật, sau khi trải nghiệm đầy đủ các đường lối tu tập được đề xướng lúc bấy giờ, đã phải nỗ lực tìm ra cho mình một lối đi giác ngộ bằng chính trí tuệ và kinh nghiệm của mình7. Các thư tịch Phật giáo xác nhận rằng vào thời khắc giác ngộ, dứt sạch mọi tàn dư cấu uế của tâm thức, Đức Phật thấy rõ ở trong mình “nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh8; vô minh diệt, minh sanh, bóng tối diệt, ánh sáng sanh”9, và Ngài thốt lên lời cảm hứng: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, không còn trở lui trạng thái khổ đau sinh tử nữa”10.
Đức Phật giác ngộ xong thì liền tuyên cáo con đường giác ngộ cho nhân thế. Giáo sư M.M. Williams cho rằng Đức Phật đã thoát khỏi khổ đau sinh tử - sự dập tắt lửa tham dục - và lẽ ra có thể tận hưởng niềm an lạc xứng đáng của Niết-bàn tuyệt đối. Thế nhưng tình thương mến đồng loại đã buộc Ngài phải hành động11. Trải qua 45 năm tận tụy thuyết pháp độ sinh, nhân cách giác ngộ đổ đầy từ ái của bậc Chánh đẳng giác càng thể hiện rõ nét đi đôi với niềm tin về con đường giác ngộ được mở ra, không ngừng lan tỏa ngày càng mạnh mẽ trong cộng đồng nhân loại. Khắp nơi mọi người vui mừng chào đón và hân hoan lắng nghe lời Phật dạy; quần chúng các xứ sở mong ước được diện kiến và đảnh lễ Ngài12.
Cựu Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru nêu nhận xét rằng Đức Phật có cá tính rất đặc biệt đến độ ngày nay người ta vẫn còn nhớ như in mỗi khi nghĩ đến Ngài. Ngài là mẫu người hoàn chỉnh của sự uy nghiêm, thanh thản và dịu dàng, vô vàn trìu mến chúng sinh và thương cảm những kẻ bất hạnh, một con người hoàn toàn tự do về tinh thần và không hề có chút định kiến đối với bất cứ ai13.
![]() |
Triết gia S. Radhakrishnan cho rằng Đức Phật có đức khoan dung vô hạn. Ngài xem cuộc đời là tối tăm hơn tội lỗi, khát khao hơn bạo loạn. Ngài đối diện nghịch cảnh với tâm tư tỉnh táo và đầy tin tưởng14. “Đức Gotama không làm hủy hoại đời sống của bất kỳ một sinh vật nào. Ngài là chiến sĩ Kshatriya mà lại bỏ gươm giáo, rất ghét sự tàn bạo, lòng cực kỳ nhân từ. Ngài tỏ lòng ưu ái với tất cả các sinh vật, không khi nào nói xấu, vu oan cho ai. Ngài sống cơ hồ chỉ để hòa hợp những kẻ ly gián, khuyến khích những kẻ muốn hòa hợp với nhau. Ngài yêu hòa bình, phụng sự hòa bình, chỉ thốt những lời hòa bình”15.
Sự nghiệp 45 năm thuyết pháp độ sinh của Đức Phật đã để lại cho nhân loại nhiều bài học lớn về ý nghĩa và giá trị nhân văn sâu sắc liên quan đến đời sống hạnh phúc của con người; đặc biệt, sự xác chứng của Ngài về tiềm năng giác ngộ có mặt trong mỗi chúng sinh mãi mãi là nguồn cổ vũ và động viên to lớn mang lại niềm tin yêu hướng thiện cho nhiều người. Đức Phật đã nỗ lực tự điều phục chính mình để được giác ngộ, chứng đắc vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, và Ngài tin mọi người đều có khả năng thành tựu mục đích giác ngộ giống như Ngài:
“Này các Tỷ-kheo, Như Lai là bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác. Hãy lóng tai, pháp bất tử đã chứng được, Ta sẽ giảng dạy, Ta sẽ thuyết pháp. Nếu sống đúng theo lời khuyến giáo, các ông không bao lâu, sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt ngay trong hiện tại mục đích vô thượng của phạm hạnh mà vì mục đích ấy các thiện nam tử xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, các ông sẽ an trú”16.
Hết thảy mọi người đều có khả năng thấu đạt sự thật, giác ngộ chân lý, chứng quả Niết-bàn. Đó là sự khẳng quyết của Đức Phật trước khi giảng bài pháp đầu tiên cho năm anh em Tôn giả Kiều Trần Như gọi là Chuyển pháp luân (Dhammacakkappavattana). Vì chân lý vốn có sẵn trong mỗi người17. Chỉ cần chú tâm suy xét thận trọng thì chân lý sẽ mở ra, soi sáng cho đời sống giác ngộ của chính mình. Câu nói “tự tri, tự chứng, tự đạt ngay trong hiện tại mục đích vô thượng của phạm hạnh” của Ngài hàm ý rằng mỗi người đều có khả năng giác ngộ chân lý, chứng đắc Niết-bàn, nghĩa là tập trung nhận ra sự thật khổ đau mình đang đối diện (sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não); thấy ra căn nguyên gây nên khổ đau (tham-sân-si); nỗ lực diệt trừ cội gốc khổ đau (tham-sân-si) để được giải thoát, chứng đắc Niết-bàn; chuyên tâm thực hiện con đường đưa đến chấm dứt khổ đau (Bát chánh đạo)18. Đây là những gì mà Đức Phật đã tự thân chứng ngộ và kiên trì khai thị cho nhân thế trong suốt 45 năm với mục đích khai sáng tiềm năng giác ngộ giải thoát cho con người. Như vậy, tùy vào căn cơ và hoàn cảnh cụ thể mà con đường giác ngộ lần lượt được Ngài mở ra cho mọi người, không phân biệt giai cấp hay giới tính, không phân chia chủng tộc hay văn hóa, không tỵ hiềm quốc gia hay dân tộc. Đi đến đâu Ngài đều khuyên mọi người bỏ ác làm thiện; sống chân thật, không gian dối; sống từ tâm, thiện chí và hòa bình. Sử gia Will Durant nói rằng cứ từ từ, dịu dàng, không cần tranh biện, Đức Phật thành lập một tôn giáo không có tín điều và tuyên bố rằng con đường giải thoát mở ra cho mọi người, cả những người không theo đạo19.
Tính chất giản dị, trong sáng, hoàn toàn mới mẻ của đạo giải thoát do bậc Giác ngộ khéo thuyết giảng so với bản chất phức tạp, mơ hồ, già cỗi của các tư tưởng và tín ngưỡng đương thời khiến cho lời Phật dạy có sức thu hút lạ thường. Học giả H.W. Schumann nói rằng đạo giáo do Ngài sáng lập không chỉ đem lại nguồn an ủi cho vô số người mà còn cung cấp nền tảng học thuyết nhân bản cao thượng và một di sản văn hóa vô cùng tinh tế20. Theo Jawaharlal Nehru, Phật Tổ lên án quan điểm siêu hình, các phép mầu, thiên khải và các sự thông đồng với chúng. Ngài kêu gọi logic, lý trí và kinh nghiệm. Ngài chú trọng đến đạo đức, và phương pháp của Ngài là phân tích tâm lý, một thứ tâm lý không có linh hồn. Toàn bộ phương pháp đề cập của Ngài đến như làn gió mát từ các ngọn núi cao sau khi bầu không khí đã bị ô nhiễm bởi các mưu toan siêu hình21. Khi những người Kālāma ở xứ Kesaputta tỏ ý phân vân nghi ngờ, không biết ai nói thật ai nói dối trong số các đạo sư thích khen mình chê người lúc bấy giờ, Đức Phật khuyên nhắc họ không cần phải tin nghe theo ai mà nên lắng nghe chính mình, lắng nghe tiếng nói chân thật từ nội tâm trong sáng của chính mình để hành động:
“– Các ông nghĩ thế nào, này các Kālāma, lòng tham khi khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh cho người ấy?
– Bất hạnh, bạch Thế Tôn.
– Người này có tham, này các Kālāma, bị tham chinh phục, tâm bị xâm chiếm, giết các sinh vật, lấy của không cho, đi đến vợ người, nói láo và cũng khích lệ người khác làm như vậy, như thế có làm cho người ấy bất hạnh, đau khổ lâu dài hay không?
– Thưa có, bạch Thế Tôn.
– Các ông nghĩ thế nào, này các Kālāma, lòng sân… lòng si khi khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh cho người ấy?
– Bất hạnh, bạch Thế Tôn.
– Người này có si, này các Kālāma, bị si chinh phục, tâm bị xâm chiếm, giết các sinh vật... có làm cho người ấy bất hạnh, đau khổ lâu dài hay không?
– Thưa có, bạch Thế Tôn.
– Các ông nghĩ thế nào, này các Kālāma, các pháp này là thiện hay bất thiện?
– Là bất thiện, bạch Thế Tôn.
– Đáng chê hay không đáng chê?
– Đáng chê, bạch Thế Tôn.
– Bị người có trí quở trách hay không bị người có trí quở trách?
– Bị người có trí quở trách, bạch Thế Tôn.
– Nếu được thực hiện, được chấp nhận, chúng có đưa đến bất hạnh, đau khổ không? Hay ở đây là như thế nào?
– Nếu được thực hiện, được chấp nhận, bạch Thế Tôn, chúng đưa đến bất hạnh, đau khổ. Ở đây đối với chúng con là vậy.
– Như vậy, này các Kālāma, điều Ta vừa nói với các ông: ‘Chớ có tin vì nghe báo cáo; chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì lý luận suy diễn; chớ có tin vì diễn giải tương tự; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền; chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc Đạo sư của mình. Nhưng này các Kālāma, khi nào tự mình rõ biết như sau: Các pháp này là bất thiện; các pháp này là đáng chê; các pháp này bị các người có trí chỉ trích; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, đưa đến bất hạnh, khổ đau; thời này các Kālāma, hãy từ bỏ chúng!’. Điều đã được nói đến, chính do duyên này được nói đến.
– Các ông nghĩ thế nào, này các Kālāma, không tham khi khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh cho người ấy?
– Hạnh phúc, bạch Thế Tôn.
– Người này không tham, này các Kālāma, không bị tham chinh phục, tâm không bị xâm chiếm, không giết các sinh vật, không lấy của không cho, không đi đến vợ người, không nói láo và cũng không khích lệ người khác làm như vậy, như thế có làm cho người ấy hạnh phúc, an lạc lâu dài hay không?
– Thưa có, bạch Thế Tôn.
– Các ông nghĩ thế nào, này các Kālāma, không sân… không si khi khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh cho người ấy?
– Hạnh phúc, bạch Thế Tôn.
– Người này không si, này các Kālāma, không bị si chinh phục, tâm không bị xâm chiếm, không giết các sinh vật... có đem lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho người ấy hay không?
– Thưa có, bạch Thế Tôn.
– Các ông nghĩ thế nào, này các Kālāma, các pháp này là thiện hay bất thiện?
– Là thiện, bạch Thế Tôn.
– Các pháp này là đáng chê hay không đáng chê?
– Không đáng chê, bạch Thế Tôn.
– Bị người có trí quở trách hay được người có trí tán thán?
– Được người có trí tán thán, bạch Thế Tôn.
– Nếu được thực hiện, được chấp nhận, chúng có đưa đến hạnh phúc, an lạc không? Hay ở đây là như thế nào?
– Nếu được thực hiện, được chấp nhận, bạch Thế Tôn, chúng đưa đến hạnh phúc, an lạc. Ở đây đối với chúng con là vậy.
– Như vậy, này các Kālāma, điều Ta vừa nói với các ông: ‘Chớ có tin vì nghe báo cáo; chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì lý luận suy diễn; chớ có tin vì diễn giải tương tự; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền; chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc Đạo sư của mình. Nhưng này các Kālāma, khi nào tự mình rõ biết như sau: Các pháp này là thiện; các pháp này là không đáng chê; các pháp này không bị các người có trí chỉ trích; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, đưa đến hạnh phúc, an lạc, thời này các Kālāma, hãy đạt đến và an trú!’. Điều đã được nói đến, chính do duyên này được nói đến”22.
Đức Phật thấy rõ tiềm năng giác ngộ có sẵn trong mỗi chúng sinh nên Ngài chỉ gợi mở cách thức để cho mọi người tự mình nỗ lực vận dụng và phát huy. Ngài hoàn toàn tin tưởng vào khả năng giác ngộ của con người và mỗi người. Ngài khuyên những người Kālāma phải biết nương tựa chính mình, dùng trí năng phán xét của mình để tìm ra chân lý, tìm ra lối đi hạnh phúc an lạc cho chính mình, không nương vào một ai khác. Vì chân lý có sẵn trong mỗi người23 và vì chân lý không phải của riêng người nào24. Hết thảy mọi người phải tự nỗ lực tìm hiểu, cân nhắc và bước đi trên con đường giác ngộ bằng chính đôi chân vững chắc và nghị lực sáng suốt của chính mình.
Vì chân lý có sẵn trong mỗi người và vì chân lý không phải của riêng người nào. Hết thảy mọi người phải tự nỗ lực tìm hiểu, cân nhắc và bước đi trên con đường giác ngộ bằng chính đôi chân vững chắc và nghị lực sáng suốt của chính mình. Đó là thông điệp của hướng đi giác ngộ giải thoát mà Đức Phật muốn gởi đến cho nhân loại khi Ngài đến với thế giới này...
Đó là thông điệp của hướng đi giác ngộ giải thoát mà Đức Phật muốn gởi đến cho nhân loại khi Ngài đến với thế giới này, một thông điệp nói rõ tầm quan trọng về sự hiện hữu của bậc Chánh đẳng giác ở trong cuộc đời. Ngài xuất hiện ở thế gian để giác ngộ chúng sinh, được xưng tán là người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc lối, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc25.
Vây nên, Đức Phật đản sinh là vận hội lớn cho nhân loại, là cơ duyên để cho con người giác ngộ trong chúng sinh đản sinh. Kỷ niệm Đức Phật đản sinh cũng là dịp để người Phật tử hồi tưởng đến sự xuất hiện kỳ diệu của Đấng Giác ngộ trên cõi đời, để cảm niệm công đức thuyết pháp độ sinh hết sức tận tụy của bậc Đạo sư và để sinh khởi tâm hân hoan tự nhắc nhở mình về nhiều vận hội lớn lao liên quan đến sự ra đời đặc biệt của bậc Chánh đẳng giác. Vì Đức Phật đến với thế giới loài người để giác ngộ cho chúng sinh, để đánh thức chúng sinh về tiềm năng giác ngộ, để khuyến khích nếp sống giác ngộ của chúng sinh và để xây dựng một thế giới hòa bình an lạc trên cơ sở sự giác ngộ của chúng sinh.
-------------------------------
1 anuttariya, thù thắng về thấy, nghe, sở hữu, giáo dục, phục vụ, niệm.
2 paṭisambhidā, về ý nghĩa, nhân duyên, định nghĩa và trí tuệ.
3 anekadhātupaṭivedho.
4 nānādhātupaṭivedho.
5 vijjāvimuttiphalasacchikiriyā.
6 Kinh Như Lai, Phẩm Một người, Tăng chi bộ.
7 Đại kinh Saccaka, số 36, Trung bộ.
8 Kinh Thành ấp, Tương ưng bộ.
9 Kinh Sợ hãi và khiếp đảm, số 4, Trung bộ.
10 Kinh Sợ hãi và khiếp đảm, số 4, Trung bộ.
11 M.M. Williams, Buddhism, tr. 41.
12 Kinh Sonadanda, số 4, kinh Kùtadanta, số 5, kinh Lohicca, số 12, Trường bộ; kinh Sàleyyaka, số 41, kinh Veranjaka, số 42, kinh Không gì chuyển hướng, số 60, Trung bộ.
13 Phạm Thủy Ba, Phát hiện Ấn Độ, tập I, tr. 212.
14 S. Radhakrishnan, The Dhammapada, tr. 12-13.
15 Nguyễ Hiến Lê dịch, Lịch sử văn minh Ấn Độ, tr. 78.
16 Kinh Thánh cầu, số 25, Trung bộ.
17 Chân lý (sacca) hiểu theo lời Phật dạy chính là khổ, khổ tập, khổ diệt, con đường đưa đến khổ diệt vốn có sẵn trong thân năm uẩn của mỗi người.
18 Kinh Như Lai thuyết, Tương ưng bộ.
19 Nguyễ Hiến Lê dịch, Lịch sử văn minh Ấn Độ, tr. 84.
20 H. W. Schumann, The historical Buddha, tr. ix.
21 Phạm Thủy Ba, Phát hiện Ấn Độ, Tập I, tr. 190-191.
22 Kinh Các vị ở Kesaputta, Tăng chi bộ.
23 Kinh Như Lai thuyết, Tương ưng bộ.
24 Kinh Cankì, số 95, Trung bộ.
25 Kinh Các vị ở Kesaputta, Tăng chi bộ.