Ôm tay lái, xuyên đất Lào

Lào không phải là thiên đường du lịch, chí ít là đối với người Việt Nam. Từ Hà Nội mỗi ngày chỉ có một chuyến bay duy nhất của Vietnam Airlines tới Vientiane và Luang Prabang, khách công vụ là chính, giá vé tương đương vé tour năm ngày bốn đêm đi Thái! Còn từ TP.HCM qua Lào phải bay đường vòng, transit tại Campuchia, Thái Lan hoặc Malaysia, dĩ nhiên là phức tạp và đắt đỏ.

“Ở đó có gì shopping không?” - Cô bạn tôi, một “tín đồ shopping” thắc mắc. Chẳng có gì, chẳng có shopping mall như Bangkok, Singapore, Kuala Lumpur, hàng second-hand giá rẻ bèo như ở Phnom Penh cũng không. Nhưng ở Lào có một thứ không phải mua, mà nhiều người trong chúng ta cố gắng cả đời để có nhưng chưa chắc được, đấy là cái sự NHÀN.

Đường đi

Phong cảnh ở Nam Khaw - Bắc Lào
Phong cảnh ở Nam Khaw - Bắc Lào

Tôi quyết định đi Lào theo đường bộ, theo cách ít người cho là nhàn: bằng xe tự lái, nhưng hóa ra đó lại là cách khám phá đất nước Triệu voi một cách thú vị và nhàn hạng nhất!

Do Việt Nam đã ký hiệp định vận tải đường bộ với Lào nên việc làm “passport” cho ôtô cá nhân (xe máy thì chưa được phép) qua Lào tiện lợi, nhanh gọn và rẻ tiền… nhất thế giới. Chỉ mất 50.000 đồng lệ phí và hai ngày nộp hồ sơ ở Sở Giao thông Công chánh TP.HCM (63 Lý Tự Trọng, Q.1) là được cấp phép ngay. Đi Lào cũng không cần hội đoàn, cứ một mình mà đi, xe qua cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum), cán bộ cửa khẩu hai bên chỉ liếc qua biển số là xong, chẳng buồn mở cửa xe kiểm tra xem có ai “đi nhờ” trong đó không nữa!

Từ Việt Nam có thể qua Lào bằng nhiều cửa khẩu. Nhưng nếu từ TP.HCM, thì đẹp nhất là từ Bờ Y (Kon Tum), cửa khẩu cực Nam của Lào. Tiếng là cửa ngõ mở ra phía Tây của Tổ quốc, con đường ngắn nhất nối liền Tây Nguyên, ven biển miền Trung và Đông Nam bộ với Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan, Campuchia và Myanmar, giữ vị trí chiến lược nơi ngã ba Đông Dương, song Bờ Y giờ này vẫn thua xa sự sầm uất so với Mộc Bài (cửa ngõ Tây Ninh sang Campuchia).

Buổi sáng, khi chúng tôi tới làm thủ tục xuất cảnh, có chừng hai ba chục người dân vùng biên làm thủ tục qua lại, xe hơi chỉ đúng hai chiếc! Bởi vậy mà hai cán bộ hải quan có vẻ nhàn rỗi, chiếc máy soi hiện đại đặt trong phòng chắc chỉ để… làm oai. Phía bên bạn xem chừng vui nhộn hơn một chút, vì chẳng có nhà xây, máy soi lẫn vi tính. Toàn là nhà sàn gỗ, chỗ này nộp hộ chiếu, chỗ kia nộp giấy tờ xe, thêm một bàn bán bảo hiểm, một chỗ đổi tiền.

Cán bộ hải quan viết giấy tờ thủ tục bằng bút bi, và viết rất chậm rãi từng tờ một. Với người Lào thì không đi đâu mà vội, “nhanh tức là chậm” (làm nhanh dễ làm sai, phóng nhanh dễ gây tai nạn, và như thế kết cục là chậm còn gì). Kiên nhẫn một chút, cuối cùng thì mọi thứ cũng xong. Thong thả thế, chứ ký giấy, đóng dấu vèo vèo với mấy người khách thế này, rồi cả ngày ngồi chơi không à? Tôi bắt đầu học cách “vặn” chậm lại nhịp tim và tốc độ cuộc đời của mình…

Vắng vẻ đường xuyên Lào
Vắng vẻ đường xuyên Lào

Nhưng chậm một chút ở cửa khẩu thôi, xong thủ tục giấy tờ thì cứ lên xe mà… phóng. Lái xe ở Lào vô cùng nhàn hạ! Đường quốc lộ xuyên suốt từ Nam tới Bắc (do một số nước giúp, trong đó rất nhiều đoạn do Việt Nam xây dựng) chất lượng khá tốt, một số đoạn tuyệt vời, như từ Bờ Y băng qua những thung lũng rừng của tỉnh cực nam Attôpeu đến Paksé, thủ phủ tỉnh Champasak, với chiều dài chừng 600 km, mà chúng tôi đi mất chừng sáu giờ đồng hồ, bằng đúng một nửa thời gian để lái quãng đường dài tương tự từ TP.HCM lên Kon Tum.

Rất ít người và xe trên đường, nhà cửa thì tuyệt nhiên “lánh” xa quốc lộ. Nếu có xe, thì những xe lớn sẽ nhanh chóng nhường đường, chưa cần bạn nháy đèn xi-nhan, còn người đi xe máy hoặc đi bộ bên đường sẽ dạt vào lề, thậm chí… dừng lại, dù chuyện ấy thật ra chẳng cần thiết. Còi xe hoàn toàn không. Ngoài quốc lộ, hay trong thành phố như thủ đô Vientiane, cố đô Luang Prabang cũng vậy. Không vội vã, không sốt ruột, không tranh giành.

Thêm khác biệt một trời một vực với trên đường ở ta, ấy là trạm soát vé quốc lộ ở Lào. Không hề có các trạm soát vé “hoành tráng”. Ở Lào, “trạm” chỉ đơn giản một chiếc barie, giống trạm kiểm soát đường vào làng ở Việt Nam, với một người vừa bán vé vừa soát vé luôn, sẵn sàng nhận cả tiền kip (Lào) hay baht (Thái) và cả đô (Mỹ). Suốt từ Nam Lào lên Bắc Lào gần 2.000 cây số chỉ có sáu trạm soát vé như thế (bằng số trạm soát vé nằm trên địa phận tỉnh Bình Dương!).

Từ Paksé đến Vientiane

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là Paksé, thủ phủ tỉnh cực nam Champasak. Thành phố nhỏ bé và êm đềm này có gì đó giống với thị trấn Châu Đốc, tỉnh An Giang. Nằm ngay bờ con sông Mêkông, bên kia là đất Thái Lan (chỉ mất một giờ chạy xe từ cửa khẩu là có thể đặt chân tới Ubon Ratchatani), trung tâm Paksé là khu phố cũ thời thuộc địa, một số villa được cải tạo thành khách sạn phong cách Indochina, bảng lảng không khí của gần một thế kỷ trước, giá chỉ 25 USD cho một apartment có cả phòng khách, phòng ngủ thênh thang!

Paksé không có gì nhiều để chơi. Thú tiêu khiển thú vị nhất có lẽ là… uống bia Lào và ăn cá nướng bên sông Mêkông. Từ Paksé, con đường xuyên Lào cứ men theo bờ Mêkông mà đi, các thành phố đều nằm kề bên sông và bất cứ chỗ nào có sông là có thể uống bia Lào với cá nướng. Riêng đoạn Mêkông chảy qua Paksé ở đoạn rộng nhất của con sông tạo cho khách lãng du một nỗi buồn mênh mông, nhất là khi chiều xuống, có lẽ điều đó khiến các quán bên sông ở đây có sức hấp dẫn lạ lùng. Chứ còn bia Lào thì… cả nước Lào đều uống có mỗi thứ bia ấy, hương vị thơm ngon chẳng kém gì bia tươi Hoa Viên!

Nếu có thời gian, thì từ Paksé phải xuôi xuống phía nam về thị trấn Champasak, cố đô của đất nước Champa, để thăm Wat Phou, ngôi đền cổ xưa tạo tác hoàn toàn bằng đá, được xem là nơi phát xuất của quần thể Angkor, hiện đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, để ngắm ngọn thác lớn nhất Đông Nam Á Khone Phapheng, và khám phá thiên đường hoang dã ở khu “bốn ngàn hòn đảo” Si Phan Don…

Nhưng chúng tôi vẫn vội vàng (tập chậm lại không đơn giản) ngược tới Vientiane và Luang Prabang. Con đường băng qua miền Trung Lào bằng phẳng có phần đơn điệu này sẽ ghé qua hai thành phố khá gần gũi với người Việt, có đông Việt kiều sinh sống, là Savannakhet và Tha Khek.

Chùa cổ Vientiane
Chùa cổ Vientiane

Vientiane có lẽ là thủ đô nhỏ bé và êm đềm nhất tôi từng biết dù vẫn có đường lớn, có nhà lớn, phương tiện giao thông trên đường chủ yếu là… ôtô (ôtô khá sang, đa phần là Toyota Prado, ở Lào tiêu chuẩn mỗi cán bộ được mua một xe ôtô miễn thuế). Đây có lẽ cũng là thủ đô duy nhất mà tôi biết không có kẹt xe và cũng hiếm chỗ… trông xe. Xe máy, xe hơi cứ đậu thoải mái bên lề đường, trước cửa khách sạn, qua đêm cũng chẳng hề hấn gì.

Nhiều nhất trên đường phố Vientiane là đền, chùa. Những ngôi đền hàng trăm năm tuổi, đền Chanthabuli, In Paeng, Si Saket, Si Muang,… nằm ngay bên đường lớn giữa thành phố nhưng vẫn vắng vẻ, tịch lặng. Không có hàng quán trước cổng chùa, không có ai níu tay nhờ mua nhang. Đi ở phố Vientiane cứ một chốc lại thấy chùa, hoặc đền, thậm chí đi từ đường này qua đường kia, có thể băng qua sân chùa thênh thang.

Thậm chí, khu chùa Sok Pa Luang ở Vientiane còn nổi tiếng trong dân du lịch balô là điểm sauna và massage theo kiểu dân gian truyền thống với giá vé khoảng 100.000 đồng (50 kip). Rất đông khách du lịch Tây, ta tới đây để thưởng thức “đặc sản”, và có người ra về lắc đầu lè lưỡi: “Thôi lần sau chẳng dại!” vì… đơn giản quá.

Nhưng bên cạnh đền chùa truyền thống và lối sống dân dã thì ở Vientiane còn rất nhiều khu phố… Tây. Nhiều khu phố còn giữ khá nguyên vẹn kiến trúc Pháp thời thuộc địa: Lan Xang, Setthathirat, Francois Nginn… Quán ăn, quán rượu, cà phê phong cách Tây sang trọng không hiếm và quan trọng là đồ ăn, đồ uống đều rất ngon và khá rẻ.

Khop Chai Deu là một địa chỉ “nằm lòng” của khách du lịch, xúp kem kiểu Pháp ăn với tam-màa-hung (một loại salad đu đủ) và món rất Lào - Lab (món trộn thịt bằm với lòng vịt hay lòng gà cùng các loại gia vị, ăn với xôi nếp Lào), thêm một chai bia Lào nữa, tại đây chỉ có giá khoảng 250 ngàn đồng (15 USD). Còn cửa hàng rượu trên đường Setthathirat thì anh bạn tôi khẳng định như đinh đóng cột là cả Hà Nội và TP.HCM cũng không có một quán rượu lớn và hấp dẫn như thế. Quán có tới vài trăm loại rượu, được trình bày rất chuyên nghiệp và khách có thể thử trước khi mua. Vì thích khung cảnh bán hàng thú vị này mà chúng tôi quyết định chất lên xe tới ba hộp vang Pháp!

Đừng quên Luang Prabang

Ôm tay lái, xuyên đất Lào ảnh 4
Chùa cổ Luang Prabang

Tuy nhiên, xem nhiều chất “Tây” nhất thì phải lên Luang Prabang, cố đô của nước Lào Lan Xang, thành phố Di sản thế giới. Dù đường lên Luang Prabang (ở độ cao 1.200 mét so với mực nước biển) khá vất vả, chỉ 380km từ Vientiane nhưng ngốn hết gần trọn một ngày lái xe vì đường nhiều đèo dốc, khúc cua ngặt nghèo, nhưng đấy là một nơi không thể không tới, một khi bạn đã đặt chân đến Lào.

Luang trong tiếng Lào có nghĩa là Hoàng gia, mặc dù thủ đô đã dời về Vientiane từ năm 1545 nhưng giờ đây Luang Prabang vẫn là kinh đô của Phật giáo Lào. Trên những con phố, con dốc ở thành phố quanh co này, màu áo vàng của các tăng lữ trở thành một phần không thể thiếu. Và tinh mơ, khi mặt trời chưa ló rạng, các tăng lữ bắt đầu nghi lễ khất thực của một ngày, một cách chậm rãi và kiên nhẫn, đúng như nhịp sống ở thành phố này.

Ngôi đền cổ xưa nhất ở Luang Prabang
Ngôi đền cổ xưa nhất ở Luang Prabang

Tây du lịch ở Luang Prabang rất đông, nhiều người đi cả gia đình, ngoài thời gian thăm thú các đền chùa (nằm san sát trên phố) thì chủ yếu “ngồi thiền” tại các phố cà phê, phố nhà nghỉ tập trung xung quanh ngọn đồi Phu Si (nơi cao nhất của Luang Prabang, từ đây có thể phóng tầm mắt xuống con sông Nam Khan và sông Mêkông bao quanh thành phố).

Các phố cà phê và phố nhà nghỉ có thể được xem là một khám phá thú vị của Luang Prabang chứ không phải các đền chùa! Mỗi nhà một phong cách, nhưng đều xinh xắn, độc đáo và tinh tế đến độ chúng tôi muốn được “thử” tất cả. Có những khách sạn sang trọng cỡ 5 sao, phong cách Indochina, giá 200 USD/đêm. Có những villa vườn quanh co, kín đáo như một thiên đường nhỏ dù nằm ngay trên phố, giá thấp hơn một chút.

Lại có những nhà nghỉ xây dựng hoàn toàn bằng gỗ, mộc mạc và riêng biệt, giá 20 USD, thậm chí chỉ 15 USD/đêm. Đặc biệt, chúng giống nhau ở sự êm đềm, tĩnh lặng nhưng không vắng vẻ - một cảm giác ở phố mà như ở chốn thiền! Đấy có lẽ chính là điều kỳ diệu của Luang Prabang.

Phố Luang Prabang êm đềm buổi sáng
Phố Luang Prabang êm đềm buổi sáng

Nhân nói chuyện khách sạn của Luang Prabang, chúng tôi có một kỷ niệm khó quên. Vì không đặt trước phòng, nên mấy địa chỉ chúng tôi nhắm sẵn đã hết chỗ, mệt mỏi sau một ngày đường, chúng tôi quyết định vào một guest-house nhỏ xinh nằm ngay cạnh ngôi đền Wisunarat cổ kính nhất ở đây (xây dựng từ năm 1513). Nhân viên lễ tân là một cậu thanh niên nhanh nhẹn, rành tiếng Anh, tiếng Pháp, có bố rất giỏi tiếng Việt (khi biết chúng tôi từ Việt Nam, cậu giới thiệu thế, và cho biết bố mình có thời gian học tập tại Việt Nam).

Đầu tiên cậu cho chúng tôi biết chỉ còn một phòng trống hôm nay, là phòng dành cho ba người, và cậu rất xin lỗi vì chúng tôi chỉ có hai người nhưng sẽ phải trả tiền cho ba người, nhưng ngay ngày mai, cậu sẽ chuyển chúng tôi tới phòng hai người, với giá rẻ hơn! Xin nói ngay, đó là phòng khách được làm và trang trí hoàn toàn bằng gỗ, sàn gỗ, có terrace, đầy đủ máy lạnh, phòng tắm nước nóng... và có giá… 18 USD/ngày đêm đối với phòng ba người và 15 USD (phòng hai người)! Chúng tôi nhớ mãi cậu thanh niên này, không phải vì cậu ấy đã tìm cách bớt cho khách 3 USD/ngày, mà vì cái câu “xin lỗi” rất đặc biệt của cậu, ở đó không có chỗ cho sự tham lam tồn tại.

Một điểm độc đáo nữa của Luang Prabang mà bạn không thể bỏ qua, ấy là đi chơi chợ đêm. Chợ bán chủ yếu đồ thủ công Lào, từ đồ chạm khắc gỗ đến vải lụa, thổ cẩm… Hàng hóa thì không thật đặc sắc, nhưng nhìn cách người ta đi chơi chợ thì thật sướng! Người tới chợ lên tới cả ngàn, hàng bày bán la liệt, màu sắc thật thích mắt. Đặc biệt ở đây bạn sẽ thấy cảnh nhiều gia đình cùng đi chợ, con nhỏ ngủ ngay trên sạp hàng. Người bán đông hơn người mua, mà người bán vẫn không bỏ đi chợ, đi chơi mà!

Đi Lào với tâm thế ấy thì thú vị. Người bạn đồng hành với tôi bảo đi Lào là chuyến đi “về lại ngày xưa”, cái ngày xưa mà nhiều lúc, trong sự mệt mỏi của thời cuộc, của đua chen, của tranh đấu, của giành giật…, chúng ta vẫn nhớ về nó đầy nuối tiếc. Nếu bạn đã có đôi lần như vậy, tin tôi đi, hãy thử đi Lào một chuyến. Ở đó, bạn sẽ học được cách “quẳng gánh lo đi” để kiếm một chữ… NHÀN.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày