Ông bầu “mát tay” của dòng nhạc Phật giáo

GN - Hữu Thọ là ca sĩ đoạt giải tư của cuộc thi Ngôi sao Tiếng hát truyền hình năm 2005, dù có ngoại hình ưa nhìn, vóc dáng cao, triển vọng để trở thành một ngôi sao nhưng anh đã không chọn con đường lấn sâu quá sâu vào showbiz.

Anh tâm niệm: “Hạnh phúc của người nghệ sĩ là khi tôi được hát dòng nhạc ý nghĩa và muốn lời ca, tiếng hát của mình có thể mang lại niềm vui cho những hoàn cảnh khó khăn hơn mình”. Với tâm niệm đó, những năm qua anh đã đến với dòng nhạc Phật giáo và phát tâm thực hiện những CD nhạc Phật vì mục đích từ thiện.

>> Quách Tuấn Du & những trái tim hồng
>> Nghĩa cử của một nghệ sĩ đa tài

anh 2, PGTT, GN 771.jpg


Hữu Thọ là người có tín tâm với Phật từ nhỏ - Ảnh: M.Thiện

Bén duyên với nhạc Phật

Hữu Thọ kể, năm anh học lớp bốn thì bà ngoại mất, mẹ thương ngoại nên tối nào cũng đi chùa cầu siêu. Khi đó cứ đi học về là anh lại tranh thủ học bài sớm, để đúng 6 giờ 45 phút là theo chân mẹ vô chùa Thiện Hạnh gần nhà (đường Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP.HCM) tụng kinh. Cậu bé Hữu Thọ khi đó còn có thói quen sưu tầm hình ảnh Phật dán trong phòng, trong tập vở. Các sư thầy thấy vậy, khuyên mẹ anh nên tạo điều kiện cho anh mỗi tối vô chùa tụng kinh.

“Từ đó tôi cứ vậy đi chùa cho tới tận khi lên đại học vẫn còn đi. Giờ đây, dù công việc khá bận rộn nhưng tôi vẫn luôn tranh thủ đi chùa khi có thể”, Hữu Thọ cho biết.

Đi chùa từ nhỏ, nhưng nhân duyên đến với nhạc Phật của Hữu Thọ thì phải tới tận năm 2008 (sau khi đã đoạt giải tư cuộc thi Ngôi sao Tiếng hát truyền hình năm 2005), khi đi quay chương trình cho Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) thì anh quen và được ca sĩ Trung Hậu rủ đi hát chùa. Lúc đó Hữu Thọ mới biết hát chùa là như thế nào.

Những lần đầu đi hát chùa, anh chỉ chuyên hát những bài dân ca. Rồi lần đầu tiên Hữu Thọ hát nhạc Phật là bài Trăng rằm tháng Tư tại chùa Hoằng Pháp (H.Hóc Môn). Chương trình văn nghệ lần đó được chùa Hoằng Pháp ghi hình, phát hành album rộng rãi. Cũng từ đó trở đi, đi tới chùa nào anh cũng được các Phật tử vô cùng mến mộ, thậm chí có giai đoạn tên anh đã chết danh là “Chú Hữu Thọ Trăng rằm tháng Tư”.

Những phát nguyện thành tâm

Khi quen thuộc với niềm vui được đi hát phục vụ bà con Phật tử ở khắp miền xuôi lên miền ngược, tự bản thân Hữu Thọ phát hai nguyện lớn. Thứ nhất là anh nguyện từ nay sẽ được tổ nghiệp phù hộ để mình có duyên theo hát nhạc Phật giáo lâu dài. Thứ hai là sẽ thực hiện được những đĩa nhạc Phật vì mục đích từ thiện.

Để thực hiện tâm nguyện thứ nhất, anh tự ra một nguyên tắc ngầm trong công việc của của mình là trong tháng 4 và tháng 7 âm lịch sẽ từ chối tất cả các chương trình đời, dành toàn tâm toàn ý để nhận hát tại các chùa vì hai tháng này là tháng Đại lễ Phật đản và là mùa Vu lan - Báo hiếu.

Với tâm nguyện thứ hai, hiện tại anh đã cho sản xuất được hai đĩa CD nhạc Phật (mỗi đĩa gồm 13 bài hát) là đĩa Chắp tay niệm Phật (năm 2010) và đĩa Con quy y Tam bảo (năm 2014). Hiện tại anh cũng đang thu âm thực hiện một CD mới, dự kiến sẽ phát hành đúng vào Đại lễ Phật đản năm 2015.

Hữu Thọ cho biết, vì là mục đích làm từ thiện nên anh không thu lại bất cứ đồng vốn nào đã bỏ ra để đầu tư sản xuất. Toàn bộ số tiền thu được sẽ chỉ dành cho công tác từ thiện. Cách thức thực hiện là tại mỗi buổi biểu diễn ở các chùa, Hữu Thọ sẽ tranh thủ giới thiệu mục đích thiện nguyện của việc bán các đĩa CD của mình. Khi biểu diễn xong, ngay tại sân khấu Hữu Thọ liền cho chia làm đôi số tiền thu được từ việc bán đĩa. Một nửa anh sẽ cúng dường cho nhà chùa, nửa còn lại anh sẽ công khai ủng hộ một chương trình thiện nguyện nào đó của bạn bè, đồng nghiệp mình.

“Tôi rất ngại chuyện tiền bạc nên thậm chí tôi không hề đếm số tiền mình thu được từ việc bán đĩa là bao nhiêu. Tôi chỉ chia đại số tiền đó thành hai phần bằng nhau đại khái rồi công bố mình sẽ dùng để ủng hộ một quỹ từ thiện, một chương trình thiện nguyện nào đó đang diễn ra”, Hữu Thọ chia sẻ.

“Ông bầu” không công

Từ vài năm trở lại đây, Hữu Thọ còn sắm vai “ông bầu” không công, chuyên tổ chức các chương trình biểu diễn văn nghệ phục vụ các chùa trong mỗi dịp lễ Tết. Đặc điểm của các chương trình văn nghệ do Hữu Thọ tổ chức là thường mời được những nghệ sĩ có danh tiếng ở nhiều lĩnh vực: ca hát, MC, sân khấu, hài...

anh 1, PGTT GN 771.jpg


Ca sĩ Hữu Thọ thường xuyên tham gia hát
và tổ chức các chương trình ca nhạc Phật giáo ở chùa - Ảnh: M.Thiện

“Không phải nghệ sĩ nào cũng rảnh để đến chùa hát và nhận về những đồng cát-sê chỉ mang tính chất tượng trưng. Vấn đề là mình phải tạo được lòng tin, chương trình mình tổ chức phải tạo được uy tín với họ thì khi mình mời họ mới đến”, Hữu Thọ chân thành chia sẻ.

Anh kể, cũng có lúc anh rơi vào trường hợp bất khả kháng như mùa Phật đản 2014 vừa rồi, anh đã lên kế hoạch, mời nghệ sĩ biểu diễn đầy đủ cho 12 chương trình ở khắp các chùa khác nhau nhưng rốt cuộc anh phải lập cập báo hủy hết chín chương trình, chỉ còn chạy ba chương trình. Lý do là mùa Phật đản vừa rồi có đại tang lễ đột xuất - là sự viên tịch của Trưởng lão HT.Thích Trí Tịnh, Chủ tịch HĐTS GHPGVN.

“Nếu mình không có uy tín thì sau nhiều những sự cố bất khả như vậy, các nghệ sĩ sẽ khó nhận lời tham gia chương trình văn nghệ do mình tổ chức”, Hữu Thọ chia sẻ. Bên cạnh những trường hợp bất khả kháng, anh cho biết mình gặp không ít chuyện “cười ra nước mắt” với vai trò “ông bầu”.

Hữu Thọ kể có lần anh mời một ca sĩ nọ, họ đưa bài hát anh đọc tên bài hát thì tưởng là bài hát dân ca, quê hương. Nhưng khi lên sân khấu hát được nửa bài mới thấy nội dung không phù hợp hát ở chùa. “Nhưng chùa... linh lắm, đĩa hát bài đó tự dưng gặp trục trặc liền. Vậy nên từ đó trở đi tôi phải làm việc rất kỹ lưỡng, thà mất lòng trước được lòng sau”, anh tâm sự.

Tu hạnh Hiếu

Hữu Thọ kể, năm 2010, sau một bữa cơm gia đình vô cùng hạnh phúc, đầm ấm thì 12 giờ khuya đêm đó, mẹ anh đột ngột bị tức ngực, không thở được. Ngay trong đêm, cả nhà phải đưa mẹ vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định. Bảy giờ sáng hôm sau bác sĩ báo với mọi người là mẹ anh bị lao phổi cấp, hiện giờ phổi mẹ anh bị trắng bệch, gia đình nên đưa bà về vì không thể cứu chữa.

Lúc đó ai cũng hoang mang, khóc lóc, còn Hữu Thọ thì sực nhớ là ngoài sân bệnh viện có thờ một tượng Bồ-tát Quan Âm nên anh liền chạy ra đó quỳ dưới chân tượng Ngài vừa khóc vừa nói trong tâm mình là anh nguyện đánh đổi hết mọi phước báu, nguyện giảm tuổi thọ của mình để mẹ được sống. Cho đến ba giờ chiều hôm đó, như một phép màu đã xảy ra, bác sĩ thông báo hiện bệnh viện đã tìm được một loại thuốc rất hiếm, rất mắc tiền, chích vào có thể sẽ giúp mẹ anh còn có một cơ hội nhỏ sẽ qua được. Sau khi mẹ được tiêm, suốt đêm đó Hữu Thọ tiếp tục thức cả đêm chắp tay niệm Phật và cho đến sáng hôm sau, bác sĩ thông báo phổi mẹ anh đã bắt đầu từ từ có dấu hiệu phục hồi trở lại.

Sau khi vượt qua bệnh tật, vị bác sĩ vì cảm mến mẹ anh, cảm mến lòng hiếu thảo của anh nên nhận bà làm mẹ nuôi. Mẹ anh cũng sống khỏe mạnh cho đến nay không tái phát bệnh.

Thành Thuận

________________

Kỳ 3: Phúc Béo và ngôi nhà thiện nguyện Phật Tâm

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).
Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày