GN - Ở tuổi bát thập, “ông lão Biển Hồ”- Quách Ngọc Hoan chỉ mong mình được… “thất nghiệp”. Cái nghiệp cứu người đuối nước, vớt xác người chết đuối trên Biển Hồ (Pleiku, Gia Lai) lão chẳng còn muốn làm nữa, dù cái nghiệp ấy nó cứ “vận” vào lão một cách tình cờ.
Người có gần 300 đứa con nuôi
Ngồi trò chuyện với ông vào buổi chiều cuối năm, cơn gió đông miền cao nguyên đủ lạnh để bàn tay gầy guộc từng bao lần cứu người run run. Ông lão bưng ly nước chè ngọt lịm, nhìn vào nơi xa xăm. Lão bảo, người ta viết về lão nhiều rồi, đừng viết những chuyện người đuối nước hay cuộc đời của lão nữa.
Thì đúng, báo chí và truyền hình đã viết khá nhiều về lão, người đàn ông trên Biển Hồ, hễ muốn nhảy hồ tìm cái chết nếu gặp ông thì… được sống. Tên tuổi của lão cũng đã vượt xa, ra khỏi vùng đất cao nguyên rộng lớn này rồi, lan sang cả Lào, Campuchia rồi kia mà. Bởi, người ta biết tiếng lão, mời lão sang tận Lào, Campuchia để giúp đỡ công việc cứu người trên sông nước.
Lão bảo hình như đó là cái nghiệp cứu người đuối nước, vớt xác người chết đuối cứ “vận” vào lão mãi không dứt. Số người lão cứu sống đã lên tới vài chục, số người chết đuối lão vớt được lên cũng đã cả trăm. Mỗi lần như thế, cứu được người còn sống thì lão mừng; khi không cứu được, lão khóc thầm. Lòng lão thắt lại mỗi khi lão cứu không kịp, hoặc khi thấy người thân của nạn nhân vật vã bên mép nước. Lão bất lực với chính bản thân mình, giận trời đất, giận mình một bước.
“Ông lão Biển Hồ”- Quách Ngọc Hoan chỉ được… “thất nghiệp”
Giờ, lão vẫn sống trong căn nhà nhỏ bên mép nước ở Biển Hồ, nơi lão đã từng sống mấy chục năm qua. Lão có bốn người con đều thành đạt, vợ con ở trong thành phố. Dù ở đây lão sống một mình nhưng không cô đơn vì có nhiều người hàng ngày tìm đến. Lão khoe, lão có tới gần 300 người con nuôi. Nhiều đứa chán đời định tự tử, nhảy xuống Biển Hồ tìm cái chết, lão cứu lên, rồi khuyên giải nên thành con nuôi, có đứa vì nghèo khó quá, lão giúp đỡ mà thành gắn bó.
Lão sống đơn sơ, bình dị, những đồng tiền dành dụm được đều để làm việc tình nghĩa. Nhiều người trong vùng đồng bào thiểu số quá nghèo, lão giúp đỡ họ, có khi lão dành tiền lo cưới vợ cho một đứa con nuôi mồ côi, xem nó như con mình. Lão tìm thấy niềm vui trong những việc làm tình nghĩa ấy. Cũng vì thế mà đồng bào nơi đây thương và kính trọng lão như người thân. Đó là những người lão cứu sống, hay là những người vì cảm kích việc ân, việc nghĩa mà nhận lão làm cha.
Lão bảo, đời người, thêm được là tốt. Lão nhận tình cảm ấy của mọi người, như cách lão trả ơn cho cuộc đời, cho lời hứa “nếu được sống” trong quá khứ. Và đời, và người cũng không phụ, năm 2011, lão vinh dự được nhận giải thưởng Kova do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình ấn ký. Đây là một giải thưởng lớn tôn vinh những tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội có những việc làm nhân văn, cao thượng, qua đó, nhằm nhân rộng hơn nữa các nghĩa cử này, góp phần làm cho cuộc sống ngày càng tươi đẹp. Sự công nhận ấy của Nhà nước là một nguồn khích lệ vô cùng lớn, lão tự hào vì điều đó.
Niềm mong ước cuối…
Nâng chén trà ấm trong buổi chiều mùa đông gió lạnh, lão nghẹn lời kể về chuyện vừa cứu được một cô bé 15 tuổi mới cách đây hơn một tháng cũng ở Biển Hồ này. Trong lời lão, dường như có những điều xót xa. Lần nào lão cũng khuyên người ta bỏ ý định dại dột tìm tới sự giải thoát kiểu đó, bởi lẽ sẽ khiến người ở lại chỉ thêm đau lòng. Lão không muốn thấy cảnh đó nữa, lão không muốn mình lại phải bận rộn với công việc như thế này nữa. Hơn 35 năm ngụp lặn ở Biển Hồ này, lão đã phải chứng kiến biết bao đau đớn như thế.
Ở cái tuổi bát thập rồi, dù không còn sức khỏe như xưa, nhưng lão vẫn còn rất minh mẫn và tráng kiện. Cuối đời rồi, lão chỉ mong những buổi sáng chèo con thuyền nhỏ thong dong trên mặt nước hồ phẳng lặng, lãng đãng đầy sương kia. Lão sẽ có được những giây phút thảnh thơi của tuổi già. Chứ không phải mỗi lần vung mái chèo là để làm cái công việc vớt người chết đuối không mong muốn kia nữa.
Nhớ lại ký ức năm 1968, trên đường tiến quân về TP.Pleiku, ở mảnh đất ác liệt B3 (chiến trường Tây Nguyên, giáp với Campuchia), đơn vị của ông Hoan trúng phục kích của địch. Ông bị thương nặng và được 2 bộ đội địa phương cõng lên vai rút chạy. Khi đi đến gần khu vực có tôn tượng Đức Bồ-tát Quán Thế Âm ở Biển Hồ, ông đề nghị đồng đội thả mình xuống.
Lão Hoan khi ấy đã phủ phục trước tôn tượng cầu nguyện, và thề nếu còn sống trở về sau ngày đất nước thống nhất, lão sẽ quay về Biển Hồ để làm việc thiện. Dù vậy, ở cái tuổi “về chiều”, lão không muốn chứng kiến Biển Hồ (nơi lão chọn để thực hiện lời thề năm xưa suốt 35 năm qua), còn có những con người vô vọng tự lao mình xuống dòng nước lạnh để kết thúc một cuộc đời với bất kỳ lý do gì.
Giờ, lão chỉ muốn an yên với tiếng kinh kệ, ngày ngày dâng hương, niệm Phật cầu nguyện cho bá tánh bình an, để lão an lành làm một Phật tử chí thành cho thỏa niềm ao ước. Tôn tượng Phật đã được dựng lên ngay trước căn nhà nhỏ của lão bên mép nước Biển Hồ, ngày ba bận lão thắp hương tụng niệm.
Lão bảo bao năm trời hướng Phật, giờ lão mới chính thức có được pháp danh là Quang Hỷ, đúng nghĩa là một Phật tử. So với cuộc đời của lão, cái tên pháp danh ấy đến có chậm, nhưng âu cũng là cái số cái mệnh của lão. Lão xem đó là niềm vui to lớn lắm.
Trời chiều trở lạnh, lão móm mém cười, nụ cười hiền thoang thoảng nét từ bi, đôn hậu. Lão ngồi lặng bên mép nước, mong con nước cứ êm đềm mãi như buổi chiều này. Đừng ai có chuyện gì giữa dòng nước Biển Hồ này nữa. Cuối đời rồi, lão chẳng còn mong gì hơn ngoài chuyện lão được “thất nghiệp”. Lão chỉ mong được điều bình dị đó thôi.
Tôi ngồi bên lão, nghe ngơ ngẩn trong gió đại ngàn những lời “vô ngôn” từ mênh mang dội về. Tôi cũng mong lão không còn bận rộn vì việc vớt người, cứu người nữa, cũng mong đừng ai dại dột trầm mình xuống hồ, để lão được nghỉ ngơi. Trời chiều cao nguyên xanh và lộng gió, lão trang trọng thắp nén hương thơm lên bàn thờ, trước tôn tượng Đức Phật, rồi thắp nén hương lên những am nhỏ trong vườn nhà, nơi lão bao ngày qua vẫn làm thế. Tôi mong lão được an yên.