Ông lão “tóc rồng” mê đạo Phật

GN - Ở làng Lim, xứ quan họ Bắc Ninh có ông lão nổi tiếng với mái tóc kỳ dị, là người thích tìm hiểu về đạo Phật và luôn cảm thấy hạnh phúc vì được sở hữu mái tóc “lạ đời” này.

Đó là ông Nguyễn Văn Long, 74 tuổi, sống một mình trong căn nhà nhỏ, được xét vào diện nghèo nhất xóm 8, thôn Duệ Đông, thị trấn Lim, H.Tiên Du (Bắc Ninh). Ấn tượng đầu tiên khi diện kiến với ông lão là mái tóc vô cùng kỳ lạ với khuôn mặt đầy đặn, nước da hồng hào và chòm râu trắng như những sợi cước.

Thấy chúng tôi tỏ ra ngạc nhiên, thú vị, ông Long nói: “Mấy năm gần đây, nhiều người ở thị trấn này gọi mái tóc của tôi là ‘tóc rồng’, trước đây nó không giống lắm nhưng mới đây, tôi có để thêm chòm râu nữa nên nhìn, thấy cũng hơi giống”.

Anh Xh (4).JPG

Ông Long với mái "tóc rồng" và bức chân dung trên tường với mái tóc hình chim đại bàng

Ông Long kể, năm 1994, vào một ngày hè nóng nực, ông khăn gói lên non thiêng Yên Tử để lễ Phật. Lên đến Yên Tử đúng 12 giờ trưa, trời nóng khiến áo ướt sũng mồ hôi. Trong lúc ngồi nghỉ thở dốc bên một gốc cây cổ thụ, cảm giác có gì đó thôi thúc ông tiếp tục đi… Lễ Phật xong về nhà, thấy trong người có sự thay đổi khác lạ, đặc biệt thấy quý mái tóc của mình hơn.

Kể từ đó, ông để tóc dài. Cứ thế, tóc dài ra và bết lại, dính kết vào nhau tạo thành búi, rồi cứng dần. Sau hơn 20 năm không cắt, mái tóc của ông cũng không thể tách rời ra mà cứ sợi này đan vào sợi kia, tạo ra những hình thù kỳ lạ. Ông Long thích nhất là để mái tóc kiểu đầu rồng, vì khi kết hợp với bộ ria mép và chòm râu dưới cằm, mái tóc trông giống đầu một con rồng trong truyền thuyết.

Thi thoảng, ông Long mới kết mái tóc của mình thành hình con chim đại bàng, con phượng đang sải cánh sà xuống để bắt mồi. Ông bảo: “Mái tóc của tôi rất ít khi bị dính nước, nếu có gội đầu thì chỉ gội mỗi phần chân tóc, chính vì thế mà đuôi tóc ngả sang màu vàng, nhìn thế thôi chứ không hề bẩn”.

Những năm gần đây, mọi người từ khắp nơi về tham dự hội Lim, nghe tin đồn về ông nên bất đắc dĩ ông trở thành người nổi tiếng với mái tóc kỳ dị. Nhưng với ông, niềm vui lớn nhất là mỗi lần ra đường được các cháu nhỏ bám theo và xem ông như “ông tiên, ông Bụt giáng trần”. Chính vì nhiều người thích mái tóc của ông nên mỗi lần ra quán nước, ông đều được uống nước miễn phí.

 “Tôi không thích nói chuyện với những ai khi gặp mình là bảo cắt tóc, còn những ai yêu thích mái tóc này thì có thể ngồi nói chuyện cả ngày. Đặc biệt nói chuyện về đạo Phật thì tôi có thể nói cả tháng không hết”, ông Long hoan hỷ cho biết.

Thích đọc kinh Phật, nghiên cứu về Phật giáo nên những năm gần đây, ông ăn chay, niệm Phật, trong nhà cũng thờ Phật. Sở thích lớn nhất lúc về già của ông là nghiên cứu sách báo về Phật giáo và thong dong đạp xe đi dạo khắp nơi trong làng, phần để cho thoải mái tinh thần, phần để mang lại nụ cười cho cả xóm làng. Ông Long chỉ tay lên mái tóc và nói: “Đây chính là niềm vui của không ít người ở thôn này”.

Khách đến làng, lần đầu được gặp ông Long, có thể sẽ không tin được rằng năm nay ông đã 75 tuổi, đơn giản vì tính tình ông vui vẻ, da mặt lúc nào cũng hồng hào, nụ cười lại trẻ trung. Ông nói sở dĩ ông có được sức khỏe và sự trẻ trung như vậy là nhờ thường ngày ăn chay, niệm Phật và luôn hoan hỷ với cuộc đời. Cuộc sống của ông đơn giản, mỗi bữa chỉ ăn lưng bát cơm với rau, đói quá thì ăn hoa quả.

Có niềm tin với Đức Phật nên mỗi khi nhắc đến Đức Phật là mắt ông lại sáng lên như được tiếp thêm sức lực. Ông ít đi lễ chùa, nhưng mỗi lần đến chùa là ở luôn cả chục ngày chỉ để được nói chuyện với các sư trụ trì và tìm hiểu về đạo Phật.

Với ông, Phật ở trong tâm nên không cần phải xuống tóc đi tu, chỉ cần một lòng hướng Phật là được… Ông đưa tay lên vuốt bộ lông mày dài và trắng của mình rồi khoe rằng: “Nhiều người bảo tôi là dị nhân cũng đúng, tôi còn có đôi mắt chịu đựng kỳ lạ, đó là nhìn thẳng vào mặt trời mà không hề chớp mắt, có thể nhìn tới khi nào chán thì mới thôi”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Hòa thượng Thích Huệ Thông: “Muốn đăng ký con dấu mới phải thành lập Ban Quản trị tự viện”

GNO - Liên quan hướng dẫn về con dấu Ban Quản trị tự viện ngày 24-4-2024 của C06 - Bộ Công an và con dấu của tự viện đang lưu hành còn hiệu lực hay không, Báo Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư GHPGVN, về vấn đề đang được quan tâm này.
Ảnh minh họa

Quan điểm của Phật giáo về tự sát

GNO - Vừa rồi tôi có đọc bài “Cảnh giới của những người tự sát”. Trong sách có luận giải: Khi tự sát sẽ phạm vào 3 tội nặng. 1- Bất hiếu với song thân, 2- Tự hủy hoại hình hài, phụ phúc báu hi hữu có được thân người, 3- Ngu si vô trí. Sau khi tự sát, thần thức sẽ bị chìm trong thống khổ triền miên...

Thông tin hàng ngày