“Pagoda view”

“Pagoda view”
GNO - Những ý kiến trong buổi nói chuyện dưới đây có thể được tán thành, có thể không. Điều đó, có lẽ, tùy thuộc vào từng bạn đọc. Và dẫu sao, cũng vì đây là ý kiến từ một người nước ngoài. Nhưng dù sao, tôi vẫn thấy những ý tưởng được nêu ra có phần bổ ích, nên xin phép ghi lại cuộc nói chuyện dưới đây với một người bạn nước ngoài trong một chuyến đi chùa, để chia sẻ cùng bạn đọc một ý tưởng...

Lần đó là một chuyến đi chùa ở Đại Ninh, Lâm Đồng. Tại đây, bên cạnh nhiều ngôi chùa lớn, như Hương Nghiêm, Vĩnh Minh, còn có đến khoảng 100 chùa, am, cốc, thất… hình thành một quần thể chùa rộng lớn. Các ngôi chùa, tượng Phật, phong đình… thấp thoáng sau những rặng cây đủ loại, giữa một vùng đồi cao thấp chập chùng, thơm ngát mùi hoa cỏ. Trên những con đường nhỏ quanh co cao thấp, thấp thoáng sau những lùm cây là bóng những vị Tăng Ni áo lam, áo nâu…, tạo nên một khung cảnh thanh tịnh, an lạc và thoát tục.

Sau khi lễ Phật qua một vài chùa, thất, khi dạo quanh vườn của một ngôi chùa, tôi thấy trên một triền đồi xanh cỏ, lốm đốm hoa bướm, một cặp thanh niên người phương Tây, da trắng trải một tấm nhựa mỏng và… nằm nhìn vào chùa!

Vì chỗ đôi bạn đang nằm là chỗ đẹp nhất hướng về ngôi chùa và ngôi vườn xinh đẹp chung quanh chùa, tôi buộc phải tới gần họ để có một vị trí tốt để chụp ảnh chùa.

Điều ngạc nhiên là đôi bạn người phương Tây đang nằm ngắm chùa không lấy làm phiền vì có người đến quấy rầy sự riêng tư của họ, mà trái lại người con trai, tuổi gần 30, đến bắt chuyện với tôi. Anh ta tự giới thiệu tên là Jimmy và mượn việc hỏi về chiếc máy chụp ảnh cơ dùng phim nhựa của tôi để đi vào câu chuyện. Cuộc trò chuyện kéo dần gần 1 giờ bằng tiếng Anh nói rất chậm.

Jimmy:

- Tại sao anh vẫn còn dùng loại máy ảnh kiểu này, trong khi việc rửa ảnh giấy làm cho việc chụp ảnh bằng phim phải tốn nhiều tiền hơn là máy ảnh kỹ thuật số xem ảnh trên màn hình vi tính?

Minh Thạnh:

- Vì tôi thích rửa những ảnh chùa, ảnh Phật trên giấy, ép nhựa và dán lên khắp tường phòng để lúc nào cũng thấy chùa, thấy Phật, là những cảnh đẹp tâm linh. Các thầy tôi ở trường điện ảnh luôn nói không cách gì mà ảnh giấy kỹ thuật số qua được chất lượng ảnh in từ phim nhựa.

Jimmy:

- Tôi rất thích ngắm chùa. Tôi chụp nhiều ảnh bức ảnh chùa ở nhiều nước, rồi làm slide show, xem trên TV lớn rất đẹp. Chùa Việt Nam, chùa Trung Quốc mỗi chùa có những nét đẹp riêng. Trong chuyến đi Đà Lạt lần này tôi đã chụp mấy trăm bức ảnh chùa.

(Jimmy bấm cho tôi xem một loạt những bức ảnh chùa đã chụp trên máy ảnh số. Trong đó, có nhiều bức ảnh rất đẹp, cỡ có thể làm lịch, đặc biệt là ảnh chụp Thiền viện Trúc Lâm)

Jimmy nói tiếp:

- Nhưng ngắm chùa qua màn hình hay qua ảnh giấy như anh không thể nào bằng ngắm trực tiếp như thế này.

Minh Thạnh:

- Hai bạn ngắm chùa này từ lúc nào?

Jimmy:

- Từ sáng đến giờ (lúc này đã khoảng 4g chiều).

Minh Thạnh:

- Ồ, anh chị ngắm chùa như vậy có khi đã đến 8 tiếng?

Jimmy:

-Tôi cảm thấy chưa đủ. Vì khi ngắm chùa và vườn cây ở đây tôi cảm thấy rất dễ chịu và bình an. Rất tiếc, trời sắp tối, chúng tôi phải trở về Đà Lạt. Ở Hàn Quốc có Templestays, nhưng ở Việt Nam không có. Tôi ước ao có một resort hay một khách sạn ở đây để ngắm chùa cả tháng.

Minh Thạnh:

- Chùa ở Việt Nam cũng có Templestays, nhưng không phải để cho khách du lịch ngắm chùa, mà để Phật tử tu tập, và chỉ một số ngày nhất định.

Jimmy:

- Vâng, tôi hiểu ở chùa như thế là một kiểu làm “bài tập” (anh dùng chữ “exercise”), không phải nghỉ dưỡng. Điều đó rất tiếc vì nghỉ dưỡng ở gần chùa để ngắm chùa cũng là một kiểu tu tập.

(Khi đó, chiều đang xuống. Ánh nắng chiếu thành những tia xẹt rọi qua những bóng cây cao xuống sân chùa sáng rực trong khói đốt lá vàng. Từ chùa văng vẳng tiếng niệm Phật êm nhẹ. Tôi nhìn lên tượng Phật lộ thiên, chợt nghĩ, anh này nói thế cũng đúng, tĩnh tâm ngắm chùa, ngắm Phật nghe kinh như thế, thì cũng là một kiểu tu).

Minh Thạnh:

- Ở Mỹ và nhiều nước châu Âu có những resort rừng rất đẹp, có cả sông hồ.

Jimmy:

- Đúng vậy, nhưng không có chùa! Anh thử lấy ngôi chùa và tượng Phật ra khỏi ngọn đồi này, chỉ còn khu vườn, thì cảnh vật đã chẳng những mất đi 70% vẻ đẹp, mà nó không còn mang dáng vẻ tâm linh nữa. Cảnh núi đồi thì có khắp cả ở Đà Lạt, nhưng núi đồi ở Thiền viện Trúc Lâm là đẹp nhất.

Minh Thạnh:

- Anh thấy thế nên trải tấm nhựa nằm ngắm chùa thế này suốt cả ngày à?

Jimmy:

- Nếu có sunbed [tức là một kiểu giường nằm ở bãi biển, hồ bơi, thường thấy ở các resort - chú thích của “MT”] đặt dưới bóng cây để thưởng thức cảnh chùa [anh dùng cụm từ “pagoda view” để chơi chữ với “sea view”, từ thường dùng ở các resort chỉ khu vực hạng sang ở sát bờ biển, với phòng nghỉ có cửa nhìn ra biển] thì tuyệt vời.

Minh Thạnh:

- Ở Việt Nam có một thú chơi liên hệ đến chùa, là non bộ. Đó là núi giả, có cây xanh, có cảnh chùa trên núi thu nhỏ, để ngắm. Tôi nghĩ, anh có thể chơi non bộ.

Jimmy:

- Tôi có biết. Nhưng ngắm mãi cảnh một hòn non bộ thì không bằng ngắm nhiều cảnh chùa trên màn hình 50 inches. Mà ngắm cảnh chùa trên màn hình 50 inches thì chỉ bằng 1% ngắm chùa tại chỗ như thế này.

Minh Thạnh:

- Nhưng ở Việt Nam không có tập quán nằm sunbed mà ngắm chùa như thế! Chắc cũng ít chùa cho 2 bạn nằm ngắm như thế này. Chùa ở đây nằm ở khu vắng vẻ…

Jimmy:

-Không. Chúng tôi đã đi từ miền Bắc, qua miền Trung, và đã nằm ngắm nhiều ngôi chùa ở thôn quê, nhất là chùa núi. Sướng như ở trên cõi tiên. Tôi mang sách Phật và triết học Đông phương theo đọc.

(Tôi thoáng thấy cô bạn của anh Jimmy cầm một quyển sách có hình Đức Dalai Lama).

Jimmy nói tiếp:

- Ở trong vườn chùa Bắc hay Trung thì có thể ngắm vào mùa đông hay mùa xuân. Còn ở Đà Lạt, cũng như ở đây, thì khí hậu mát mẻ, có thể nằm từ sáng tới chiều, lúc nào trong năm cũng được, trừ những ngày mưa.

Miền Nam có nhiều chùa rất đẹp, nhưng khí hậu nóng, chỉ có thể thăm qua, hay ngồi ghế đá ngắm trong vài mươi phút.

Minh Thạnh:

- Làm sao anh biết nhiều chùa để đến thăm và ngắm như thế này?

Jimmy:

- Guide book cũng có chỉ dẫn. Nhưng tôi có một “catalogue chùa”, tác giả là ông Võ Văn Tường, một nhiếp ảnh gia. Tôi chụp được nhiều ảnh đẹp theo góc đặt máy của tác giả này.

(Chiều xuống. Sương bắt đầu lãng đãng trong hoàng hôn chùa tịch mịch. Trước khi chia tay, tôi giới thiệu mình là người viết báo Phật giáo).

Jimmy thắc mắc:

- Tại sao các Phật tử không tu tập bằng cách ngắm  chùa? Tôi thấy ngắm chùa như tôi đang làm đây cũng là một cách làm cho tâm hồn thanh tịnh, quên hết mọi chuyện thế sự phiền não và đến được rất gần với Đức Phật.

(Tôi không biết nói sao, vì thực ra cái kiểu nằm ngắm “pagoda view” như “sea view”, “lake view”, “garden view”… lần đầu tiên tôi mới gặp. Không lẽ đây là một kiểu “tu” của người Tây và họ phải qua Việt Nam để “tu”?)

Minh Thạnh:

- Với anh, đến chùa nằm ngắm như thế này, là hưởng thụ hay tu tập [tôi dùng từ “exercise” theo anh, nhưng cảm thấy kỳ kỳ vì chỉ là nằm].

Jimmy:

- Được cả hai. Vì mỗi khi có chuyện phiền não, bực mình, tôi mở máy tính xem slide show chùa, thì cảm thấy dễ chịu trở lại. Còn nằm tại chỗ như thế này giờ nào thì hưởng thụ và cũng tu tập hết trọn giờ đó.

Trời chiều rồi, chúng tôi phải về khách sạn ở Đà Lạt. Theo Minh Thạnh, đến khi nào ở Việt Nam có resort “Pagoda view”, hay “Templestay” như ở Hàn Quốc (ý nói chỉ ở, không vào khóa tu)?

Tôi bối rối, trả lời:

- Ở Việt Nam, chưa có tập quán này, nhưng tôi sẽ kể lại câu chuyện với anh hôm nay trên những tờ báo Phật giáo, biết đâu cũng có Phật tử chia sẻ?

(Jimmy và bạn gái cuốn tấm trải nhựa và bóp nhỏ chiếc gối cát nhét vào ba lô, lưu luyến chào tôi rồi bước xuống đồi, chậm rãi từng bước một. Nhìn họ đi trong vườn chùa, tôi cảm thấy đúng là “an lạc từng bước chân”).

Họ đi rồi, tôi thử nằm xuống bãi cỏ nơi họ đã nằm ngắm chùa. Ôi ngôi chùa và tượng Phật đẹp làm sao! Đúng là một cõi cực lạc trần thế. Chắc họ cũng mất nhiều thì giờ để chọn góc ngắm này. Bóng chùa huyền hoặc trong ráng chiều cao nguyên trầm mặc. Gió chiều đưa nhẹ mấy chiếc lá vàng đáp xuống bên tôi. Tôi vừa “thụ hưởng” vừa “tu tập” trong sự an lạc yên bình khó tả. Tôi cứ nằm ngắm chùa trong yên lặng đến khi màn đêm buông xuống.

Trên đường về Bảo Lộc, tôi ghé mua 1 tấm nhựa trải như đôi bạn vừa rồi, với ý định ngày mai sẽ vào tu viện Bát Nhã gần thác Damb'ri để “hưởng thụ” và “tu tập” bằng “Pagoda view” (1).

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Hòa thượng Thích Huệ Thông: “Muốn đăng ký con dấu mới phải thành lập Ban Quản trị tự viện”

GNO - Liên quan hướng dẫn về con dấu Ban Quản trị tự viện ngày 24-4-2024 của C06 - Bộ Công an và con dấu của tự viện đang lưu hành còn hiệu lực hay không, Báo Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư GHPGVN, về vấn đề đang được quan tâm này.
Ảnh minh họa

Quan điểm của Phật giáo về tự sát

GNO - Vừa rồi tôi có đọc bài “Cảnh giới của những người tự sát”. Trong sách có luận giải: Khi tự sát sẽ phạm vào 3 tội nặng. 1- Bất hiếu với song thân, 2- Tự hủy hoại hình hài, phụ phúc báu hi hữu có được thân người, 3- Ngu si vô trí. Sau khi tự sát, thần thức sẽ bị chìm trong thống khổ triền miên...

Thông tin hàng ngày