Paris mênh mông

Giác Ngộ: Paris đầu tháng Sáu, mùa xuân đang còn nấn ná, cho nên nắng vàng tươi, trời dịu mát, thỉnh thoảng một chút gió se se lạnh. Ra đi từ quê nhà trong cái nắng chói chang như đỏ lửa của mùa hạ, tôi như được tắm gội trong mùa xuân, dang nắng giữa trời xuân, đi trong màu xanh của cây, trong màu hoa rực rỡ và hương thơm ngát của mùa xuân. Mùa xuân thiên đường đang ở đây, qua các con đường nhỏ của thành phố L’Hay-les-Roses ở ngoại ô Paris, với những ngôi nhà xinh xắn, những cây cổ thụ, thảm cỏ, những hàng rào cây xanh cắt khéo ngang đầu người, khiến tôi liên tưởng hình ảnh hàng rào chè tàu quen thuộc thuở thiếu thời. Và hoa hồng, tràn lan hoa hồng, khỏe, to, có loại rực rỡ, có loại thùy mị, leo cao lên cửa sổ, hoặc vươn lên từ đám cỏ…

paris-1.gif

Với Paris mênh mông mùa xuân như thế, cách hưởng thụ tốt nhất là đi bộ, dầu là lang thang trên đường vắng, dầu là đi giữa đại lộ tấp nập, hay trên những nẻo đường quanh co của công viên. Hàng ngày, tôi ra khỏi nhà sau giờ thiên hạ đi làm một chút, miên man giữa trời, buổi trưa bỏ qua giấc nghỉ quen thuộc ở quê nhà, đến 8 giờ tối mới về nhà, rã cẳng nhưng lòng vui. À, nhưng 8 giờ tối cũng còn sớm chán, vì trời lúc đó còn chút nắng tà, cho mãi đến 10 giờ mới vào đêm.

Nhưng những gì tôi biết về diện mạo Paris chẳng được bao nhiêu. Paris mênh mông quá. Nếu kể Paris gồm đô thị chính và những thành phố ngoại ô thì diện tích lên đến 2.723 km2 (theo Wikipedia), đâu đâu cũng có cảnh đẹp và công trình rất ấn tượng, cũng như các hoạt động văn hóa, văn nghệ đáng xem. Và ngay chỉ một địa chỉ du lịch, thật là mênh mông để du khách thưởng thức trọn vẹn. Tháp Eiffel chẳng hạn, một biểu tượng của Paris, và cảnh quan xung quanh, tôi đã đi hai lần mới thấy sự hoành tráng: tháp cao hơn 300m giữa trời xanh, người đi lên đi xuống trông nhỏ xíu, công viên phía trước, phía sau đều bát ngát, cây cầu xinh xinh bắc qua sông Seine, đại lộ thênh thang. Tôi vẫn cảm thấy chưa trọn vẹn với nơi này vì tôi không thể kiên nhẫn đợi hai giờ đồng hồ mới mua được vé đi lên tháp, để từ độ cao hàng trăm mét nhìn toàn cảnh Paris vô cùng hoành tráng, nhất là về đêm.

paris-2.gif

Sông Seine soi mình các công trình nổi tiếng suốt bề dày lịch sử: các cung điện nguy nga, dinh thự tráng lệ, nhà thờ vút cao, các danh thắng tầm cỡ thế giới, cơ sở văn hóa, các trường đại học nổi tiếng…

Tôi không thể bỏ qua Viện Bảo tàng Louvre, nếu biết Paris là một kinh đô văn hóa của thế giới, một viện bảo tàng lưu giữ tác phẩm gốc Mona Lisa, với nụ cười bí ẩn, mà phiên bản phổ biến rộng rãi toàn cầu. Louvre là một viện bảo tàng nghệ thuật và lịch sử, bên bờ sông Seine, vốn là một pháo đài được vua Philippe Auguste cho xây dựng vào năm 1190. Cuối thế kỷ XIV dưới thời Charles V, Louvre trở thành cung điện hoàng gia và sau đó tiếp tục được mở rộng qua các triều đại. Từ năm 1672, khi triều đình Pháp chuyển về lâu đài Versailles, bộ sưu tập hoàng gia được lưu trữ tại Louvre. Thời kỳ Cách mạng Pháp, cung điện trở thành bảo tàng. Ngày nay, Louvre là một trong những viện bảo tàng nổi tiếng nhất thế giới, nơi trưng bày các hiện vật về những nền văn minh cổ, nghệ thuật Hồi giáo và nghệ thuật châu Âu từ thế kỷ XIII cho tới giữa thế kỷ XIX. (theo Wikipedia).

Tôi không phải là người am hiểu gì mấy về nghệ thuật hội họa, không biết gì về lịch sử và trào lưu hội họa, nên tôi không cảm nhận sâu xa các tác phẩm tại đây, chỉ biết cái đẹp chung chung vậy thôi; nhưng tôi thán phục những tấm thảm kích cỡ lớn, chiếm cả bức tường, vô cùng tỉ mỉ, màu sắc sống động, linh hoạt, cũng như những tác phẩm điêu khắc ấn tượng, những sản phẩm bằng vàng, bạc, đá quý thật tinh xảo và hấp dẫn, những đồ gốm quá đẹp, với kiểu dáng phong phú, màu sắc pha trộn tinh vi; những sản phẩm từ thế kỷ XV, XVI mà đã tinh xảo như thế, cho ta thấy nền văn minh đã có nền tảng vững chãi như thế nào. Tôi lạ lẫm trước những chứng tích phong phú của các nền văn minh cổ đại của Hy Lạp, La Mã, Ai Cập. Tôi choáng ngợp về sự sang trọng, lộng lẫy của không gian trưng bày, hệ thống ánh sáng êm dịu, những họa tiết, hoa văn, hình đắp nổi trang trí mỹ thuật trên vòm, cột, trần nhà, trụ đèn... Với hai, ba tiếng đồng hồ ở viện bảo tàng mênh mông, đồ sộ như thế, tôi chẳng thu hoạch được là bao, tiếc thì thật là tiếc, mà đi thêm thì đành chịu.

paris-3.gif

Một góc Paris bình yên

Tôi cũng có cảm nghĩ như thế khi đến cung điện Versailles. Đây là nơi ở của các vua Louis XIII, Louis XIV, Louis XV và Louis XVI. Nằm ở thành phố Versailles, ngoại ô phía Tây của Paris, cung điện Versailles là biểu tượng của quyền lực tối thượng của các triều đại phong kiến Pháp với một diện tích và các công trình kiến trúc cực kỳ đồ sộ và lộng lẫy. Với một cung điện rộng 67.000 mét vuông gồm trên 2.000 phòng, một công viên có diện tích 815 héc ta, Versailles là một trong các lâu đài đẹp nhất và lớn nhất châu Âu cũng như trên thế giới, năm 1979 nó đã được UNESCO đưa vào danh sách Di sản thế giới (theo Wikipedia). Phần nào tôi cảm nhận nét vương giả, xa hoa của triều đại các vua Louis, với trang hoàng nội thất, phòng khiêu vũ, tiếp khách, trang điểm, giường ngủ, trướng rủ màn che... Tôi ngắm tượng, tranh vẽ các nhân vật lịch sử một thời tôi đã học lịch sử nước Pháp bậc trung học: các vua Louis XIII, XIV, XV, XVI, hoàng hậu Marie-Antoinette, Napoléon Bonaparte khi còn là đại tướng; tôi có ấn tượng đặc biệt với phòng của hoàng hậu với ghi chú: "Phòng chính thức của các hoàng hậu nước Pháp; 19 đứa trẻ của nước Pháp đã ra đời tại đây, trong đó có vị vua sau này là Louis XV. Ngay tại cửa, dưới màn trướng bên trái của chiếc giường, chính là nơi mà Marie-Antoinette trốn thoát khỏi đám đông những người nổi dậy ngày 6-10-1789". Với một cung điện mênh mông như thế, một buổi sáng đẹp trời của tôi cũng chỉ như thoáng qua, tôi nhìn ra bên ngoài, công viên bao la, xanh tươi, rực rỡ dưới nắng xuân, mà đành tiếc, không kịp tham quan mất rồi.

Du khách đến Paris không thể không đi dạo công viên và rừng cây. Những công viên lớn có thêm rừng cây um tùm xanh tươi, ẩn khuất trong rừng là những lối đi, sâu hun hút, thích hợp cho những người thư giãn, thích cảm giác lạ tại nơi chốn âm u xa lánh cuộc sống bên ngoài, và rất thích hợp cho những người đi xe đạp thể thao. Công viên trong lịch sử hình thành của nó, có thể gắn với một tòa lâu đài của một nhân vật nổi tiếng một thời trong lịch sử như Công viên Sceaux, hoặc có thể là nơi di dưỡng tinh thần, đi kèm với môi trường đại học như Công viên Luxembourg, hoặc cũng có thể nằm trong tổng thể của một nơi đô hội và sang trọng bậc nhất như công viên ở Quảng trường Trocadéro, công viên nhà thờ Notre Dame, nhà thờ Sacré-Cœur, hoặc có thể là công viên gắn với cộng đồng dân cư…; sau này còn có thêm Công viên Disney land với công nghệ giải trí đồ sộ. Công viên nào cũng mênh mông bát ngát, sạch sẽ; nào bãi cỏ, nào vườn hoa, nào suối róc rách, vòi phun nước, hồ nhân tạo, hàng cây cao, lối đi dạo,… vô cùng mỹ thuật dưới bàn tay và khối óc của con người; đặc biệt là tượng đá, tượng đồng và ghế ngồi. Dưới trời xuân nắng ấm chớm hè, bãi cỏ công viên là nơi tha hồ cho dân chúng, nhất là thanh niên và du khách phơi mình, hở đùi, trạc ngực, hưởng thụ đặc ân của trời đất thấm thấu vào da thịt.

Công viên Sceaux là công viên lớn nhất mà tôi đặt chân đến, có đầy đủ tất cả những gì mà mọi công viên đều có. E phải hết một ngày dài mới thẩn thơ dạo hết công viên này, mà chắc cũng không đủ thời gian để đi vào rừng. Đến đây tôi mới thấy công viên là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân, và dĩ nhiên, là một nhân tố vô cùng quan trọng góp phần phát triển ngành du lịch Pháp. Công viên, vừa là địa điểm thư giãn vui chơi chung cho mọi người, lại là nơi thể hiện tự do và riêng tư, không ai quấy phá; mọi người tôn trọng nhau, và tôn trọng triệt để vệ sinh chung.

Có công viên nào như là khung trời kỷ niệm êm đềm cho tuổi thơ của tôi? Hoàn toàn không có, tuổi thơ tôi thiếu thốn công viên nhưng thừa thãi đồng nội dưới nắng hè; thế mà đầu óc tôi lại miên man một công viên đâu đâu bên Tây, vườn Luxembourg, nơi cậu bé đến trường trong ngày nhập học, tung tăng như chim sẻ, lá vàng mùa thu rơi rơi trên vai những pho tượng trắng. Tôi say mê đoạn văn đại ý như thế của Anatole France và tôi đã cảm vườn Luxembourg từ thuở đi học. Lại thêm sau này, qua ca khúc "Mùa thu không trở lại", nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu gieo vào lòng tôi những nốt nhạc bâng khuâng, da diết: "… Ngày em đi, nghe chơi vơi não nề qua vườn Luxembourg, sương rơi che phố mờ, buồn này ai có mua? Từ chia ly…nghe rơi bao lá vàng, ngập dòng nước sông Seine, mưa rơi trên phím đàn, chừng nào cho tôi quên…".

Có ngờ đâu, bây giờ, tôi đang ở vườn Luxembourg vào ngày cuối xuân, không có lá vàng rơi, nhưng vẫn những pho tượng trắng, trầm tư dưới những tàng cây xanh, lấp loáng ánh nắng, xa xa là những hàng ghế, không phải là ghế đá nặng nề, mà ghế dài song gỗ dáng thanh thoát. Khu vườn lớn này nằm gần khu quartier Latin, gần Đại học Sorbonne và các đại học khác, cho nên đây là nơi nghỉ ngơi, đọc sách, học bài của sinh viên, cũng là nơi hàn huyên, tình tự của mọi người, kể cả ông già bà cả. Đây cũng lưu dấu chân của biết bao nhà văn, nhà thơ, và đặc biệt, vì người tạo dựng công viên là một hoàng hậu, nên vua Louis Philippe đã cho dựng tượng của 20 vị hoàng hậu và những phụ nữ nổi tiếng qua các triều đại, và sau này, tượng của các văn nghệ sĩ nổi tiếng cũng có mặt, trong đó tôi có dịp chiêm ngưỡng tượng rất đẹp của George Sand và tượng đài của Stendhal.

Tôi không quên ghi lại nội dung tấm bảng khi bước vào vườn, tạm dịch:

Vườn Luxembourg

Vườn Luxembourg được tạo dựng vào đầu thế kỷ thứ XVII bởi Marie de Médicis. Thượng nghị viện, điều hành và bảo quản vườn, vui mừng đón tiếp quý vị.

Vì sao lại có Thượng nghị viện của Pháp ở đây? Đó là vì ở đây tọa lạc tòa lâu đài của hoàng hậu Marie de Médicis, bây giờ là nơi hội họp của Thượng nghị viện, và chính cơ quan lập pháp cao nhất này có trách nhiệm quản lý Công viên Luxembourg. Những lữ khách xa xôi như tôi cũng ấm lòng khi đọc những dòng lịch sự này.

Nói đến Paris, không thể thiếu sông Seine, cũng như không thể viết về Huế mà thiếu sông Hương. Có bạn hỏi tôi: sông Seine có đẹp như sông Hương? Tôi vô cùng chủ quan và nghĩ rằng: Sông Hương đẹp nhất, sông Seine đẹp nhất, trong đời tôi, nhưng mỗi con sông đẹp nhất theo kiểu cách của nó: sông Hương vốn từ bản thể đã đẹp, đẹp mênh mang giữa đất trời, như thiếu nữ nhan sắc không cần phấn son; sông Seine, vốn nó cũng đẹp, nhưng bây giờ cái đẹp nằm trong tổng thể con sông và kiến trúc hai bên bờ, trong tiến trình phát triển rực rỡ của văn minh nước Pháp, trong sinh hoạt tươi vui, cả ngày lẫn đêm. Hai con sông có điểm giống nhau: trong xanh, hiền hòa, chảy êm đềm vào lòng từng thành phố, chia thành phố ra bờ Bắc và bờ Nam. Cái nhìn ban đầu của tôi về sông Seine có hơi lạ lẫm: sông trong đô thị hẹp thế sao, chưa bằng nửa sông Hương. Bờ kè hai bên sông thật vững chắc, có 2 tầng: tầng trên là lề đường rộng rãi của những con đường loại đẹp nhất Paris, tầng dưới là đường đi bộ im mát với hàng cây xanh, với ghế ngồi lịch sự. Đến với sông là đến với cầu: 36 chiếc cầu nên thơ và kiểu cách đa dạng, mỗi cây cầu là một lối kiến trúc, có cái thanh nhẹ, có cái cầu kỳ, và phần lớn đều trang trí đường nét, hoa văn rất đẹp, cột trụ đèn cổ điển và duyên dáng, rất nhiều tượng đắp nổi như là tác phẩm điêu khắc ấn tượng; trong những chiếc cầu đó, Pont Neuf và Pont Alexandre III là những tuyệt tác mỹ thuật. Đặc biệt, sông Seine soi mình các công trình nổi tiếng suốt bề dày lịch sử: các cung điện nguy nga, dinh thự tráng lệ, nhà thờ vút cao, các danh thắng tầm cỡ thế giới, cơ sở văn hóa, các trường đại học nổi tiếng… Ngồi trên con tàu màu trắng (gọi là bateau-mouche) rộng rãi chứa được 200 người, trôi trên sông xanh, du khách thả tầm mắt dễ dàng thấy cái đẹp bao quát bốn phương, tháp Eiffel thanh thoát hơn, cung điện, dinh thự nổi bật trên trời xanh mây trắng, và những con đường nên thơ hơn.

Paris vốn là một kinh đô của Pháp từ lâu đời, một trung tâm quyền lực của châu Âu và thế giới, ngày nay vẫn giữ được vị trí quan trọng về văn hóa, khoa học và nghệ thuật. Paris tuy đã trải qua nhiều biến động long trời lở đất trong lịch sử, nhưng chiến tranh và bạo động không làm suy suyển một chút kiến trúc nào, cho nên Paris càng ngày càng giàu có về kiến trúc đô thị. Tiền nhân thật là kỳ tài, xuất chúng khi đã tạo dựng biết bao công trình nguy nga cách đây hàng mấy trăm năm, bây giờ ta vẫn chiêm ngưỡng vẻ đẹp và vẫn thấy không kém bề thế bên cạnh kiến trúc hiện đại. Những thế hệ tiếp nối cho đến ngày nay kế thừa, phát huy những công trình đó và tạo dựng những kiến trúc mới xứng đáng với tầm văn hóa cao, và tài tình thay, hài hòa với kiến trúc cũ, tôn lên vẻ đẹp mênh mông muôn thuở của Paris. Tôi có cảm tưởng thủ đô này không cần đến những cao ốc vài chục tầng, không màng những công trình đồ sộ để thi đua với thế giới, không khoa trương, không lòe loẹt; trái lại, vẫn điềm nhiên, kỹ lưỡng trong xây dựng. Con đường trung tâm sang trọng nhất của Paris, đại lộ Champs Elysée, nằm giữa quảng trường Concorde và Khải Hoàn Môn (Arc de Triomphe), vẫn giữ tầm cao vừa phải, tầm cao đồng đều giữa mọi công trình, để cho tầm nhìn thoáng đạt, không đàn áp cây xanh, và cần có một chút chú ý mới nhận ra kiến trúc cũ bên cạnh kiến trúc mới. Chỉ có một nơi tôi nhận ra, cái mới rất rõ bên cạnh cái cũ: đó là nhà hình chóp (pyramide) có đáy vuông, tại giữa sân chính của Viện Bảo tàng Louvre, tạo dựng vào năm 1983; đây là một sự thêm vào rất tài tình, trước hết nó có công năng như là cơ sở bán vé, đón tiếp và hướng dẫn du khách, nó không phải là khối bê tông mà bằng kính và kim loại với tầm cao vừa phải để không che lấp bảo tàng. Thật là một kiến trúc vô cùng độc đáo và thú vị của Paris hiện đại. Một công trình hiện đại nữa là Trung tâm Nghệ thuật và Văn hóa Georges Pompidou (lấy tên của Tổng thống Pháp từ 1969 đến 1974), mà tôi rất tiếc chưa đặt chân đến.

Những người làm chủ Paris tất nhiên trước hết là người Paris, được gọi là Parisien, mà cái tên đã gợi một mẫu người lịch sự, thân thiện, xã giao tốt, văn hóa cao, và gì gì nữa đặc trưng của truyền thống Paris. Tình thế ngày nay đã khác: nước Pháp nói chung, Paris nói riêng giờ đã "bình dân" rất nhiều, dân cư có xuất xứ ở nhiều nơi, có đủ màu da, có nhiều tôn giáo, trong đó người Hồi giáo không phải là hiếm, và Phật giáo - dầu không có nhiều tín đồ - vẫn là một thực thể được nể trọng. Tôi không biết chuyện tứ xứ, đa chủng tộc và đa tôn giáo có làm mất thực chất nét đẹp Parisien không, nhưng chuyện mọi người đủ mọi xuất xứ cùng nhau hối hả lên metro, ngồi kề bên nhau, rồi không biết bao nhiêu cặp trai đen gái trắng, trai trắng gái đen tình tự trên đường phố, trên công viên, là hình ảnh của thế giới văn minh, đại đồng, nói lên tiến bộ vĩ đại của thế giới. Bộ mặt xã hội thật là đa dạng trong một thế giới mà con người dễ gần gũi nhau, tuy nhiên, quốc gia vẫn còn đó, với ngôn ngữ là linh hồn. Tất cả mọi người trong xã hội đa tính cách như thế đều nói tiếng Pháp, và tôi nghĩ rằng người Parisien phải nói một thứ tiếng Pháp chuẩn, một thứ tiếng mà nước Pháp muốn phổ biến ra toàn thế giới, nhưng không phải là dễ, vì tiếng Anh đã trở thành thứ tiếng toàn cầu, và giới trẻ Pháp vẫn bị cuốn hút bởi thời trang, nhạc trẻ và công nghệ giải trí của Mỹ. Nhưng dầu thế nào đi nữa, Paris vẫn như một người chín chắn, lịch lãm, nghệ sĩ, có sức sáng tạo, hấp dẫn mọi người ở mọi châu lục.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày