“PG thủ đô trân trọng & kế thừa di sản của tiền nhân”

GN - Với thành phần nhân sự trẻ hóa và năng động, nhiệm kỳ VI vừa qua là nhiệm kỳ thành công của Phật giáo thủ đô khi làm sống dậy tinh thần nhập thế và hòa vào dòng chảy của dân tộc trước vận hội mới, qua đó khẳng định vị trí quan trọng của Hà Nội trong việc thúc đẩy các hoạt động Phật sự của các tỉnh phía Bắc xứng tầm với lịch sử và tiềm năng sẵn có. Trao đổi với phóng viên Giác Ngộ về những kết quả đạt được và hướng đến một nhiệm kỳ mới nhân Đại hội Phật giáo Thủ đô, HT.Thích Bảo Nghiêm nhìn nhận:

Nhìn lại quá trình hoạt động Phật sự trong nhiệm kỳ qua, tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng không ai trong chúng ta có thể phủ nhận sự từng bước ổn định và phát triển của Phật giáo thủ đô, càng khẳng định khả năng và uy tín của Phật giáo Hà Nội, đó chính là động lực mạnh mẽ làm cơ sở cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh trong quá trình hoạt động Phật sự.

wwwt8 (8).JPG

HT.Thích Bảo Nghiêm - Ảnh: Bảo Thiên

Năm năm qua, chúng tôi đã triển khai chương trình hoạt động Phật sự phù hợp với tâm tư nguyện vọng của Tăng Ni Phật tử thủ đô, tạo nên sức mạnh tổng hợp nhằm thực hiện có hiệu quả đường lối hoạt động của Giáo hội và Thành hội, được cụ thể hóa qua chương trình hoạt động của các ban ngành: Tăng sự, Giáo dục, Hoằng pháp, Văn hóa, Từ thiện xã hội v.v... Tất cả những thành quả đã đạt được đều dựa trên tinh thần “Phục vụ chúng sinh là thiết thực cúng dàng chư Phật” và cho thấy Thành hội Phật giáo Hà Nội từng bước vươn lên, phát triển vững mạnh về số lượng và chất lượng, tiến kịp xu thế của thời đại, đáp ứng được sự mong mỏi của Tăng Ni, Phật tử, góp phần xây dựng ngôi nhà Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế của đất nước cũng như của Giáo hội.

Cụ thể, Hòa thượng ấn tượng với thành tựu hoạt động Phật sự nào trong suốt nhiệm kỳ qua?

Các thành tựu trong hoạt động Phật sự của Phật giáo thủ đô đều đáng trân trọng, nhưng có lẽ ấn tượng nhất vẫn là công tác giáo dục, đào tạo đội ngũ kế thừa và hoạt động truyền bá Chính pháp.

Ngay sau khi Tỉnh hội Phật giáo Hà Tây và Thành hội Phật giáo Hà Nội hợp nhất thì Trường Trung cấp Phật học Hà Tây và Trường Trung cấp Phật học Hà Nội cũng được hợp nhất, tiếp tục triển khai chương trình học tập năm thứ ba khóa V (2006-2010) cho 170 Tăng Ni sinh ở hai cơ sở đào tạo là cơ sở Bà Đá - Hoàn Kiếm và cơ sở Mỗ Lao - Hà Đông. Khóa này kết thúc vào tháng 1-2010 với 166 Tăng Ni sinh đủ điều kiện tốt nghiệp. Song song đó, nhà trường cũng chiêu sinh khóa VI (2010-2014) với 197 Tăng Ni sinh trúng tuyển.

Có một điều đặc biệt là sau khi tốt nghiệp trung cấp Phật học, Ban Trị sự Thành hội tạo mọi điều kiện giúp đỡ cho các Tăng Ni sinh theo học chương trình Phật học tại Học viện, Cao đẳng Phật học tại các tỉnh, thành bạn. Nhờ vậy mà đến nay toàn thành phố có 3 Tăng Ni có trình độ tiến sĩ, 3 Tăng Ni có trình độ thạc sĩ, 417 Tăng Ni có trình độ cử nhân, 49 Tăng Ni có trình độ cao đẳng, 554 Tăng Ni có trình độ trung cấp; về các chuyên ngành xã hội có 4 Tăng Ni có trình độ tiến sĩ, 18 Tăng Ni có trình độ thạc sĩ và 88 Tăng Ni có trình độ cử nhân.

Nhìn chung, các công tác giáo dục đào tạo Tăng tài trong nhiệm kỳ qua đã được Ban Trị sự quan tâm đúng mức, công tác giảng dạy, học tập của Trường Trung cấp Phật học đã kết hợp hài hòa giữa nội điển và ngoại điển, thái độ học tập chuyên cần, nghiêm túc đã tạo ra kết quả tốt đẹp của sự nghiệp giáo dục.

Về truyền bá Chính pháp, Ban Hoằng pháp Thành hội đã từng bước triển khai các hoạt động có nhiều kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, chương trình thuyết giảng định kỳ hàng tuần tại các lớp giáo lý cơ bản cho Phật tử tại hai cơ sở Mỗ Lao - Hà Đông và Bà Đá - Hoàn Kiếm, cũng như tại các tổ đình, tự viện lớn trên toàn thành phố được duy trì đều đặn, nâng cao chất lượng, đồng thời có sự cải tiến, đổi mới về nội dung và phương pháp diễn giảng nên đã thu hút được đông đảo Phật tử tham gia. Hiện nay, toàn thành phố có 29 giảng đường tổ chức thuyết pháp, tu tập Bát quan trai, niệm Phật v.v... định kỳ cho hàng Phật tử. Mỗi giảng đường có từ 200 Phật tử trở lên đến tham dự. Nhiều nơi như: chùa Bằng, chùa Đình Quán, chùa Hòe Nhai, chùa Pháp Vân, thiền viện Sùng Phúc, chùa Vạn Phúc, chùa Hòa Phúc đã tổ chức các khóa tu với các hình thức như: khóa tu tuổi trẻ, khóa tu sinh viên, khóa tu Báo hiếu, khóa tu cho những bệnh nhân..., qua đó nâng cao trình độ hiểu biết giáo lý đạo Phật cho các Phật tử, góp phần nâng cao trình độ Phật học, từng bước đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, mê tín, thể hiện tinh thần nhập thế với cộng đồng.

Bên cạnh việc thuyết giảng giáo lý, Ban Hoằng pháp còn tổ chức lễ cầu nguyện và tư vấn mùa thi hàng năm cho học sinh, sinh viên con em Phật tử chuẩn bị tốt nghiệp lớp 9, lớp 12 và thi vào các trường cao đẳng, đại học tại chùa Bằng A - quận Hoàng Mai và chùa Sùng Phúc - quận Long Biên; đồng thời phối hợp với Ban Hướng dẫn Phật tử, Ban Văn hóa Thành hội tổ chức các hội diễn văn nghệ Phật giáo quần chúng, hội thi giáo lý Phật tử vào dịp Lễ Phật đản hàng năm. Có thể nói, công tác hoằng pháp tại thủ đô trong thời gian gần đây trở nên sinh động và có chiều sâu.

Qua những gì đạt được, theo Hòa thượng, các kinh nghiệm được rút ra trong hoạt động Phật sự thời gian tới là gì?

Tất cả những thành tựu trên cho thấy một điều rằng, Phật giáo thủ đô luôn biết trân trọng, kế thừa giá trị của các bậc tiền nhân. Truyền thống vô cùng tốt đẹp và quý báu này góp phần to lớn trong việc nâng tầm các hoạt động Phật sự trong thời gian vừa qua và cho chúng ta những bài học to lớn.

Trước hết, làm được các Phật sự thì điều quan trọng tất yếu là nhân tố con người. Do vậy, Thành hội và các Tăng Ni trụ trì cần đặc biệt coi trọng đến việc tiếp nhận người vào tu, đào tạo giáo dục đội ngũ Tăng Ni trẻ có đủ phẩm hạnh và năng lực, có trình độ Phật học và thế học, biết vận dụng Chính pháp một cách khế lý khế cơ, tạo ra một thế hệ Tăng Ni kế tiếp có đủ khả năng đảm trách các công việc Phật sự của Thành hội. Song song đó là cần tăng cường củng cố, kiện toàn tổ chức nhân sự, thực hiện tinh thần dân chủ đoàn kết hòa hợp, thống nhất về ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức trong việc điều hành mọi công tác Phật sự. Ngoài ra, mỗi vị Tăng Ni, Phật tử - những thành tố tạo nên một Giáo hội vững mạnh phải không bao giờ quên mình là người con Phật, luôn luôn trau dồi đạo hạnh, trí tuệ, phải tiêu trừ những tư tưởng vị kỷ thấp kém, phát triển tấm lòng vị tha trong sáng, hiến dâng trọn đời cho lý tưởng giải thoát giác ngộ, phục vụ chúng sinh.

Chân thành cảm ơn Hòa thượng!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 100 em thanh thiếu niên tham gia khóa tu "Tuổi trẻ" lần thứ I tại chùa Long Phước

Chùa Long Phước (TP.Bạc Liêu) khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I

GNO - Sáng 15-12, chùa Long Phước (P.5, TP.Bạc Liêu) tổ chức khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I với sự chứng minh của Thượng tọa Thích Giác Nghi, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Long Phước; chư tôn đức giáo thọ sư, Phật tử và hơn 100 thanh thiếu niên tham dự khóa tu.

Thông tin hàng ngày