Phá ngũ ấm ma chuyển hóa thân tâm được lành mạnh

Phá ngũ ấm ma chuyển hóa thân tâm được lành mạnh
0:00 / 0:00
0:00
GN - Đến khi ngộ đạo thì hiểu rằng ma và Phật là một. Nói cách khác, biết là Phật, không biết là ma

GN - Cuộc đời của Đức Phật có bốn việc quan trọng là Đản sanh, Thành đạo, Thuyết pháp và Niết-bàn. Người học Phật phải để tâm đến bốn việc này.

Về Đản sanh của Đức Phật, chúng ta đã xác định Ngài không sanh giống người bình thường, vì Phật thị hiện mang thân người, không phải bị nghiệp dắt dẫn. Trong khi tất cả các loài mang thân hình không giống nhau vì theo nghiệp mà thọ sanh. Và được sanh làm người, ai cũng muốn khỏe mạnh, thông minh, giàu có, nhưng cái muốn đó không tới với chúng ta. Thậm chí dù có được những điều tốt đẹp như vậy thì cái được đó cũng chóng qua. Thí dụ làm vua, làm quan, làm trưởng giả cũng khó giữ được vị trí đó lâu dài. Như vậy chúng ta sanh trong cuộc đời tốt hay xấu đều do nghiệp chủ động tạo ra.

Nhưng Bồ-tát sanh lại nghĩa là thành Phật rồi, vì thương nhân gian mà sanh lại để giáo hóa người hữu duyên giúp họ được giải thoát, an lạc và thành Phật. Đó là Bồ-tát từ quả hướng nhân. Ngược lại, Bồ-tát từ nhân hướng quả là chúng ta thấy quả tu chứng của Phật mà phát tâm tu học và mong ước được thành Phật như Phật.

Khởi đầu từ niềm tin Phật, chúng ta thấy Phật sanh trong dòng họ cao quý, giàu sang, khỏe mạnh, thông minh, đáng lẽ Ngài là Chuyển luân Thánh vương đứng đầu thiên hạ, nhưng Ngài từ bỏ để tu hành làm Phật. Phật tu từ bỏ tất cả để được tất cả là được vua chúa kính trọng, giới trí thức nể phục, hàng trưởng giả quy y, người nghèo khó quý mến. Nếu Ngài không bỏ sự nghiệp vật chất của thế nhân để tu thì Ngài làm vua là cùng, nhưng ngai vàng đó giữ được bao lâu. Cái được của Phật lớn lao vô cùng mà vua Tống Nhân Tông phải kính ngưỡng rằng Phật sống làm Thầy trời người, chết trở về cõi Thánh.

Phải giỏi, thông minh vượt trội hơn mọi người mới làm thầy trời người được. Vì vậy Phật bảo hàng đệ tử rằng những gì loài người biết, đương nhiên mình biết. Những gì người chưa biết, mình cũng phải biết mới dạy họ những điều cao hơn. Ngày nay, nếu chúng ta học không qua tiểu học, trung học, đại học mà tự coi mình là thầy thiên hạ, quả là sai lầm.


Phật biết những gì loài người chưa biết nên Ngài ví hiểu biết của Ngài bao la như lá trong rừng, những gì Ngài nói cho chúng ta ví như lá trong tay. Đừng chấp chặt lời dạy của Phật, vì Ngài nói rằng đó chỉ là pháp môn tu để giúp chúng ta phát sinh trí tuệ thấy được sự thật của cuộc đời. Vì cuộc đời luôn biến đổi không ngừng. Phật muốn chúng ta thấy được những gì diễn biến không ngừng, những gì ngừng lại, có giới hạn được Phật ví như lá trong tay.

Hiểu ý này của Phật, chúng ta học Phật muốn tìm cái bí mật bao la của cuộc đời. Còn biết những cái mà mọi người đã biết chỉ tranh cãi trong sanh tử.

Phật ví cái lưới của Phạm Thiên dù cá cố nhảy lên để thoát ra cũng rớt trở lại lưới. Cũng vậy, tu hành cố gắng ra khỏi lưới sanh tử luân hồi, chúng ta đứng trên bờ giải thoát thấy được các loài trong sanh tử. Còn chúng ta ở trong sanh tử cũng biết như người ở trong sanh tử mà thôi.

Con rùa sống với loài thủy tộc ở dưới nước thì sinh hoạt giống như chúng, nhưng rùa cũng ở trên khô được và cũng biết mọi việc của các loài trên mặt đất. Người tu ví như rùa ở trong sanh tử luân hồi cố gắng bò ra khỏi sanh tử luân hồi. Ý này kinh Pháp hoa gọi là ra khỏi Nhà lửa tam giới. Ở trong Nhà lửa tam giới là ở trong sanh tử luân hồi chúng ta bị khổ não vô lượng, khổ về vật chất lẫn tinh thần. Cái khổ bao vây làm chúng ta không thấy rộng hơn, không thấy đúng đắn.

Muốn dứt khổ, Phật bảo phải dứt nguyên nhân tạo khổ trước thì khổ tự mất bằng cách thực tập 37 Trợ đạo phẩm gọi là Đạo đế. Tu Đạo đế chứng Niết-bàn là quả Vô sanh.

Sanh và tử là cuộc sống của con người. Tôi có cảm giác chúng ta sống trên cuộc đời giống như đi du lịch và kết thúc chuyến đi chơi này là chấm dứt kiếp người để rồi con người này trở về con người thực ở bổn độ. Sang Nhật học, tôi nhận ra lý này rằng nước Nhật không phải là chỗ ở của tôi, học xong tôi về Việt Nam là bổn độ của tôi.

Trải qua 8 năm ở Nhật, tôi luôn nghĩ đó là chỗ tạm bợ mình cố gắng làm được những việc tốt ở đất Phù Tang là hoàn thành trách nhiệm mà thầy giao phó. Vì vậy, sau giờ học, tôi tranh thủ đi đến các chùa, các hội đoàn Phật giáo làm những việc lợi lạc cho họ để gieo ý niệm tốt về nước Việt Nam, về người Việt Nam vào lòng dân Nhật. Nhờ ý niệm tốt và việc làm như vậy mà đến nay đã trải qua hơn 50 năm tôi vẫn có những người bạn tốt hơn 80 tuổi còn tiếp tục làm bạn với tôi. Tôi mong kiếp này họ là những người bạn tốt và kiếp sau cũng là bạn tốt hơn nữa để giúp đỡ nhau trên bước đường tu học cho đến ngày thành tựu Vô thượng Chánh đẳng giác.

Còn ở cuộc đời ngắn ngủi này mà gây thù oán chỉ ôm hận vào địa ngục thôi. Làm tốt chắc chắn đem thành quả tốt về Phật, về trời, về những cõi lành. Muốn được như vậy, Phật dạy phải học và tu miên mật mới thành đạo.

Đức Phật cũng tầm sư học đạo với các đạo sĩ nổi tiếng, sau đó Ngài thực tập để suy nghĩ xem những gì đúng thì giữ lại và loại bỏ khỏi tâm thức những gì sai. Nhờ vậy, tâm thức của Ngài chỉ giữ những hạt giống tốt.

Nói về hiểu biết là nói đến văn minh loài người trong đó có Phật, Bồ-tát và có cả ác ma. Đó là hai thế lực đối nhau luôn song hành. Cũng thông minh, nhưng ác ma mạnh hơn gọi là Phật cao nhứt xích, ma cao nhứt trượng. Nói cụ thể, trên cuộc đời này, người giỏi không nhiều và người tốt, người thánh thiện rất ít. Người ác, người xấu rất nhiều.


Những gì xấu là ác ma mà gốc là phiền não. Ma có phiền não ma, ngũ ấm ma, thiên ma, tử ma. Nếu trong lòng ta có phiền não, thiên ma mới theo đó áp đặt được ta. Lòng không phiền não, thiên ma không vô được. Điều dễ hiểu là ta không tham thì ma tham không tới với ta. Vì chúng ta có lòng tham, ma tham mới đến dụ dỗ và lọt bẫy nó, khó thoát ra.

Ma nhiều gấp vạn lần Phật. Vì vậy, tìm Phật, tìm Đạo sư trên cuộc đời rất khó. Ma ở đâu cũng có, trong lòng chúng ta đã có sẵn ma và bước ra ngoài là có ma liền.

Vì vậy, nếu chúng ta nhận lầm Đạo sư giống như Vô Não nhận lầm Đạo sư trở thành kẻ sát nhân. Thực tế chúng ta thấy những người lương thiện nghe chỗ tốt, linh thiêng thì tìm đến học. Nhưng tà ma, quỷ quái, ngoại đạo luôn quảng cáo họ tốt nhất, thậm chí có người nói theo họ tu sẽ bảo đảm về Cực lạc hay thiên đường.

Nhưng người tu tốt phần nhiều ẩn danh, nên chúng ta tìm được chân sư rất khó. Vô Não gốc là người tốt, chỉ vì muốn tìm học để có thần thông biến hóa giỏi hơn, mạnh hơn người. Ngoại đạo thấy lòng tham của ông như vậy mới dụ ông rằng nếu giết được 100 người sẽ trở thành người mạnh nhất thiên hạ. Nhưng nhờ còn chút phước, khi ông đuổi theo để giết Phật là người thứ 100, ông tiếp nhận được từ trường từ bi vô lượng của Phật khiến ông quăng dao, thoát khỏi cơn mê ngu muội và được Phật giáo hóa, ông trở thành người lương thiện tu hành đắc đạo.

Phật dạy chúng ta nghe xong phải suy nghĩ để loại bỏ điều xấu, giữ lại điều tốt và đem cái tốt đó đến chỗ thanh vắng để suy nghĩ, không phải ôm cái xấu vào hang núi để luyện bùa. Tôi có bạn cũng tu pháp này. Ông nói đã luyện được bùa ẩn thân, khi có cành cây hay hòn đá, ông dựa vào rồi nhập thân xác vào đó thì người khác sẽ không thấy được ông. Tôi bảo ông hãy nhập vào cái cây này cho tôi xem. Nhưng có tôi đứng nhìn chăm chú thấy ông không nhập vô được, vậy là bùa hết linh.

Trước kia, bà Từ Hy thái hậu cũng rất tin mấy ông thầy bùa có thể làm các hạt đậu biến thành thiên binh thiên tướng. Khi tám nước Tây phương kéo sang đánh thì bùa hết linh. Bà Từ Hy phải chạy trốn. Hòa thượng Hư Vân kể chuyện này.

Bùa sẽ có giá trị ở mức độ nào đó, nên Phật cấm không cho học, không cho luyện bùa, vì nó làm mất bản tâm. Xưa kia, Mục Kiền Liên nổi tiếng thần thông đệ nhất, nhưng cuối cùng Ngài đã thị hiện để ngoại đạo lõa thể đánh chết vì thần thông không còn. Đó là bài học Ngài muốn dạy chúng ta không nên nương tựa vào thần thông, không phải Ngài không đủ lực chống trả ngoại đạo.

Phật và các Thánh đệ tử đều có thần thông, nhưng Phật cấm không được sử dụng thần thông. Người tự xưng có thần thông, chúng ta coi chừng họ là ác ma nguy hiểm.

Kinh Pháp hoa dạy nên ngồi suy nghĩ thường trú Pháp thân. Phật có Pháp thân, Báo thân và Ứng hóa sanh thân, nhưng Ngài khuyên chúng ta nên suy nghĩ thường trú Pháp thân. Tôi chuyên tụng Pháp hoa, chỉ suy nghĩ tìm hiểu thường trú Pháp thân.

Phật dạy rằng khởi đầu sanh thân hay thân tứ đại ngũ uẩn có trước. Không có thân này, chỉ là hồn ma bóng quế không làm được gì.

Tôi nhận ra rằng thân tứ đại ngũ uẩn ví như hỏa tiễn nạp đủ nhiên liệu mới đưa phi thuyền vào không gian. Chúng ta tu bằng sanh thân nhưng chứng Pháp thân. Sanh thân ví như hỏa tiễn, Pháp thân ví như phi thuyền. Không nhờ hỏa tiễn đẩy, phi thuyền không bay được. Cũng giống như vậy, không nhờ sanh thân chúng ta không tu được, không chứng Pháp thân được.

Nhờ sanh thân, Phật ngồi ở cội bồ-đề tu hướng về chân linh. Đầu tiên Phật phá ngũ ấm ma là sắc ấm ma, thọ ấm ma, tưởng ấm ma, hành ấm ma và thức ấm ma.

Đến khi ngộ đạo thì hiểu rằng ma và Phật là một. Nói cách khác, biết là Phật, không biết là ma. Con người làm việc tốt và cũng làm việc xấu. Con người cứu đời và cũng hại đời. Người tu phải nhận ra điều này. Người không nhận ra được như vậy mới nói rằng thân này ô uế tội lỗi, nên diệt bỏ thân này.

Thuở nhỏ tôi cũng nghĩ bỏ thân này vì nó gây khó khăn, nhưng may mắn tôi nhờ thiện tri thức khai ngộ rằng nếu không có thân tứ đại thì lấy gì tu. Vì vậy, Phật dạy rằng nhờ thân này mà thấy được mười phương Phật và cứu độ vô số chúng sanh. Không có thân người thì đành chịu thua.

Phật nói ngũ ấm ma chi phối thân này. Nhưng Ngài ngồi ở Bồ Đề Đạo Tràng dùng tuệ giác rọi sáng thì ma này tự mất, ví như ánh sáng rọi đến, bóng tối tự mất. Nếu tâm chúng ta sáng là Phật, tâm tối là ma. Phật cũng ta, ma cũng ta. Nhận ra lý này thì tu mới có kết quả tốt đẹp.

Ở Bồ Đề Đạo Tràng, đầu tiên Phật suy nghĩ pháp Ly sanh hỷ lạc của Kamala. Như tôi đã nói, vì chúng ta sống lệ thuộc xã hội và tình cảm nên chúng ta phải quá khổ. Có người gặp khó khăn vì liên hệ tới sĩ diện, hội hè, đình đám nên phải vay mượn tiền để làm, nếu không, thì bị thua sút người.

Thí dụ ông cụ thân sinh của tôi vì sĩ diện, sợ nghèo, sợ bị xem thường, nên nỗ lực làm việc đến quên thân mới ngã bệnh và nợ chồng chất khiến thân tâm đều khổ cùng cực.

May còn chút căn lành, ông bảo bà cụ đưa ông về chùa để chết. Gặp Hòa thượng dạy ông rằng nợ nần nên khoanh lại, chỉ biết mình thôi, tức là nhận ra thực tế rằng bây giờ mình không làm gì được, chỉ còn một việc nhỏ nhất là niệm Phật rồi chết. Nhưng qua một thời gian niệm Phật, cụ không chết, Hòa thượng mới bảo ông lạy Phật rồi chết. Lạy Phật xong cũng không chết, Hòa thượng lại bảo ông quét dọn chùa, làm vườn rồi chết. Và trải qua một thời gian công quả, cụ không chết mà khỏe mạnh lại, nghĩ là nhờ Phật độ. Bà cụ lên chùa thăm thấy ông khỏe lại liền xin cho nhà con về. Hòa thượng nói nghiệp tới rồi, thôi về đi. Nhưng về trả nợ cũ, đừng tạo nghiệp mới và nhớ đến 39 tuổi thì đi tu, nếu không, 40 tuổi ông chết. Đó là nhờ thiện tri thức khai ngộ mới thấy đúng và làm đúng.

Thực chất tu là phá phiền não ma. Vì thân tứ đại bệnh gây khó cho tâm và tâm phiền muộn lại khiến cho thân bệnh thêm, nghĩa là sắc và tâm hành hạ lẫn nhau làm người ta khổ. Nhưng biết nương theo pháp quy y, mình không cần lợi danh vinh nhục, mà trở lại sống với thực tế thì niệm Phật, lạy Phật, công quả được. Còn vô chùa không làm được gì, dụm lại nói phải trái hơn thua sẽ chuốc lấy quả báo đáng sợ. Ông cụ thân sinh của tôi chỉ công quả ở chùa có mấy tháng mà cuộc đời đã thay đổi tốt đẹp. Nhờ nghe lời Hòa thượng dạy, ông tu hành, thoát được nghiệp lúc 40 tuổi và sống đến 60 tuổi, không bệnh đau, ngủ rồi đi nhẹ nhàng, vì đến tuổi đó là ông hết duyên ở cõi đời.

Nên biết rằng tới Bồ Đề Đạo Tràng không phải là đi đến Ấn Độ, nhưng quý vị chỉ cần hiểu đúng về quy y Phật, Pháp, Tăng và thực hành đúng pháp Tam quy thì đó cũng chính là Bồ Đề Đạo Tràng.

Ngài Duy Ma Cật nói rằng trực tâm là tâm ngay thẳng là Bồ Đề Đạo Tràng. Tu tập tâm ngay thẳng, chấp nhận mọi việc sai lầm mà người ta đổ trút cho mình, đó là tới Bồ Đề Đạo Tràng. Còn chống chế, biện minh là còn cách Phật xa.

Vì vậy, ngồi ở Bồ Đề Đạo Tràng, đầu tiên phá ngũ ấm ma. Tập trung tư tưởng quán chiếu thấy được ngũ uẩn là ma thì ngũ uẩn không làm hại mình được. Còn trước đó, bị ngũ uẩn chi phối nên mình làm nô lệ cho nó.

Thật vậy, cơ thể không đòi hỏi nhiều, nhưng bị ma tham, ma sĩ diện, ma hơn thua, ma ganh tỵ… chi phối khiến người ta làm đầu tắt mặt tối đến chết thành ma. Chỉ vì không có trí tuệ rọi vào mới hành hạ thân một cách vô ích.

Phật tu chỉ có một y, một bát và ngủ dưới gốc cây, nhưng Ngài vẫn sống và sống giải thoát, khỏe mạnh.

Vật chất không cần nhiều như người ta tưởng. Vì lòng tham cứ nghĩ phải ăn nhiều mới tốt. Ở Nhật, tôi có người bạn tốt, nhưng ông này ham ăn. Ông ăn nhiều quá phải uống thuốc tiêu để khỏi bị khó chịu, nhưng uống thuốc tiêu rồi làm bụng đói, lại ăn nữa.

Tôi không ăn nhiều, không tốn kém nhiều, không cần lao động nhiều. Còn thì giờ để quán chiếu tự thân.

Ngồi Bồ Đề Đạo Tràng là quán chiếu thân và tâm để đắc đạo. Đức Phật quán chiếu tứ đại gồm có đất, nước, lửa và khí. Người ta sống là nhờ không khí, thở ra không hít vào là chết. Món ăn cần thiết nhất cho cơ thể là không khí. Đất, nước, lửa lệ thuộc vào không khí.

Phật quán sát, chiêm nghiệm, nhận biết đúng đắn sự vận hành của thân tâm con người cho đến sự kết thúc của thân tâm trong cuộc sống hiện tại và nó sẽ tiếp nối như thế nào trong nhiều kiếp lai sanh mà Phật gọi là trầm luân sanh tử trong sáu nẻo luân hồi. Như vậy, Phật thành đạo ngay trong cuộc sống, từ bỏ cuộc sống trở thành không tưởng mất, chẳng được gì.

Trở lại vấn đề không khí, chúng ta tu cần không khí trong lành, vì nó chiếm đến 70% cuộc sống của chúng ta. Các thiền sư ở trên núi cao hơn cả mây như núi Nga Mi ở Trung Quốc, họ ngồi thiền trên đó hít không khí trong lành đến mức độ không cần ăn cả tuần vẫn khỏe.

Thực tế cho biết trong mùa dịch bệnh Covid-19, không có nhiều xe cộ lưu thông, nên lượng khí CO2 thấp hẳn, làm cho không khí trong TP.HCM tốt hơn trước khi có dịch bệnh.

Không khí quan trọng nhất, nhưng thực tu, không sử dụng không khí trong lành, lại dùng những thứ ô uế, đen tối là ác ma chắc chắn bị đọa. Xưa kia, Phật ngồi thiền định dưới cây bồ-đề, phía trước có dòng sông làm không khí mát và cây bồ-đề nhả khí oxy, không thải khí CO2 . Phật ngồi đó tu, không đói là ăn được không khí.

Không khí trong lành ảnh hưởng tốt cho sức khỏe, cho môi trường sống, thiết nghĩ chúng ta nên tu làm sao cho không khí trong lành. Ngày nay, tuổi thọ của Trái đất bị báo động trầm trọng vì không khí ô nhiễm, nước bị ô nhiễm, tài nguyên trong lòng đất bị khai thác cạn kiệt, tất cả đã ảnh hưởng xấu đến môi trường sống. Loài người tiếp thu tất cả những ô nhiễm này phải gánh chịu nhiều bệnh dịch sanh ra.

Có Phật huệ rọi thấy rõ thực tế này và theo Phật, phá ngũ ấm ma trước tiên là chuyển hóa thân vật chất trở thành thân lành mạnh ăn được không khí và nên dùng những gì lợi cho sức khỏe để không sanh bệnh. Phật dạy không ăn quá nhiều, không ăn quá ít để cân bằng cơ thể. Và chỉ ăn vừa đủ những gì cơ thể cần. Trong khi con người bị ma xúi giục luôn muốn ăn ngon, ăn nhiều. Riêng tôi khi cần mới ăn, thấy đủ thì không ăn, không dại gì ăn cho thành bệnh, đó là tu có trí tuệ khác với ma làm theo sự sai khiến của tham dục.

Ngày nay, có bác sĩ tư vấn về những thực phẩm đủ dinh dưỡng tốt cho cơ thể. Theo tôi, ở một chừng mực nào đó, chúng ta có thể kết hợp tư vấn của bác sĩ với sự hiểu biết về thân tâm mình qua tuệ giác, vì không ai biết rõ mình hơn mình, để chúng ta có được cái thấy đúng.

Bồ-đề là trí giác, nhờ đó đưa vào những gì cần cho cơ thể, không cần thì loại bỏ giúp cho sức khỏe tốt. Đó là thể hiện ý nghĩa ngồi Bồ Đề Đạo Tràng phá ma quân là phá sắc ấm ma. Còn trước kia, nghe ma xúi ăn nhiều, ngủ nhiều. Phật dạy không ngủ nhiều và thực tập thiền thay cho ngủ gọi là nghỉ không ngủ, vì thiền là thức tỉnh giác.

Khi tôi đi Mỹ họp, thấy nhiều người buồn ngủ vì quen hút thuốc lá, nên bị cấm hút thuốc họ buồn ngủ. Tôi giữ cơ thể không mệt mỏi, nên cơ thể không đòi hỏi ngủ. Thực tế cho thấy lao động tay chân nhiều khiến ngủ nhiều ngủ dễ. Không lao động khó ngủ thì ngồi tham thiền thay cho ngủ.

Thiết nghĩ ngồi Bồ Đề Đạo Tràng phá ma quân là để ít bệnh hoạn, làm được nhiều việc tốt, không tiêu xài tốn kém, cuộc sống được nhẹ nhàng, giải thoát. Tu học theo Phật phải áp dụng được kết quả tốt đẹp vào thực tế cuộc sống của chính mình.


HT.Thích Trí Quảng / Báo Giác Ngộ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày