Phải tự tin như ông chèo đò

Ảnh sưu tầm từ internet
Ảnh sưu tầm từ internet

GN - Một con đò chở khách qua sông có sóng to gió lớn. Nhiều người lo sợ, nhiều tiếng niệm Phật A Di Đà và Bồ-tát Quán Thế Âm cứu khổ cứu nạn vang lên nho nhỏ. Ông chèo đò bật cười, nói đùa: “Đò khẳm mà chở thêm nhiều Phật và Bồ-tát quá coi chừng chìm bà con ơi!”. Nói xong ông liền trấn an: “Nói chơi chớ bà con yên tâm, tui sẽ không để bà con mất cọng tóc nào đâu, đừng sợ!”. Rồi, bằng kinh nghiệm già dặn và đôi tay khéo léo, ông chèo đò đã đưa con đò vượt qua hiểm nguy vào bến an toàn.

Tôi kể lại chuyện vui này nhằm phản ánh tâm lý yếu đuối, ỷ lại vào Phật và Bồ-tát của hành khách trên đò và thái độ mạnh mẽ, cương quyết, tự tin của ông chèo đò. Tâm lý đó không giới hạn trong một phạm vi hẹp, một tình huống, một nhóm người mà nó phổ biến khắp nơi, trong mọi tình huống và trong quảng đại quần chúng.

Thật khôi hài, lúc bình thường không ai nghĩ tưởng đến Phật pháp, tu niệm nhưng khi hữu sự lại bày lễ vật cúng tế, vào chùa lễ lạy cầu khẩn hoặc kêu gào van xin chư Phật, Bồ-tát phù hộ độ trì. Nếu được như ý thì sung sướng hả hê cho là chư vị hiển linh, còn ngược lại thì buồn bã khổ đau, thở than oán trách chư vị không thương yêu, cứu giúp mình.

Tôi băn khoăn tự hỏi tại sao có tâm lý đó? Có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do từ lâu, người ta đã thần thánh hóa chư Phật, Bồ-tát rồi sùng bái như những bậc siêu nhiên, thiên biến vạn hóa, quyền uy tối thượng, có quyền ban phước giáng họa cho con người.

Đạo Phật tuy không phải là một tôn giáo đa thần nhưng trong tâm thức một số người cũng có nhiều “thần” mà gọi bằng những tên khác như Phật, Bồ-tát, Thiên vương, Hộ pháp… Trên thực tế, chỉ có Đức Thích Ca, các vị đệ tử giỏi của Ngài gọi là Thánh tăng, La-hán, cho đến các vị Tổ sư đứng đầu các tông phái hay dòng truyền thừa là những nhân vật lịch sử. Còn các vị Phật khác cùng Bồ-tát và chư thiên trong kinh điển, dù được Phật Thích Ca nói ra, nhưng không phải những nhân vật lịch sử mà có thể hiểu đó là hình tượng biểu trưng cho chơn tâm, Phật tánh, nhân cách, đức tính, phẩm hạnh… của con người. Đại khái như, A Di Đà là biểu trưng cho thọ mạng, ánh sáng, công đức vô lượng của chơn tâm, Phật tánh, sẵn sàng đưa chúng sinh trở về (Tiếp dẫn) chốn an vui tuyệt đối (Cực lạc) khi chúng sinh nhất tâm tu hành chánh niệm, dứt bỏ được ác tà. Quán Thế Âm là biểu tượng của lòng từ bi, thương yêu, giúp đỡ, chia sẻ khổ đau bất hạnh với chúng sinh. Giả sử chiếc đò trong mẩu chuyện vui ở trên bị chìm, nhiều người ra cứu vớt hành khách thì những người đó là lòng từ bi, là hiện thân của Bồ-tát Quán Thế Âm cứu giúp. Phổ Hiền, Văn Thù là biểu tượng của hạnh nguyện, trí tuệ v.v… dấn thân cứu đời không mỏi mệt. Đây là phép nhân cách hóa phổ biến trong kinh văn Phật giáo nói riêng, của các tôn giáo đa thần nói chung.

Phật Thích Ca chỉ cho chúng ta cách tu hành nhằm giải thoát khổ đau thất vọng, sanh tử luân hồi. Tu hay không là quyền của chúng ta, tu thì tốt, không tu thì thôi, tất cả đều theo nhân quả mà vận hành. Phật là bậc chỉ đường cho chúng ta tu mà không can thiệp, đơn giản là Ngài đã tịch diệt hơn hai ngàn năm trăm năm rồi làm sao đích thân can thiệp được! Ngài cũng không ban phước và giáng họa cho chúng ta vì phước họa do mình tạo ra thì chính mình phải nhận lấy theo luật nhân quả-nghiệp báo.

Do một số người thần thánh hóa, sùng bái chư Phật, Bồ-tát thái quá, xem các Ngài như thần linh nên nhiều người đã đặt niềm tin không đúng chỗ. Thay vì đặt niềm tin vào giáo pháp, vào bản thân để hành trì theo cách “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi” thì lại đặt nó vào nơi chư Phật và Bồ-tát. Lầm lẫn đó khiến chúng ta thiếu tự tin, lơ là, biếng nhác, không kiên nhẫn, tinh tấn tu hành. Trong mỗi chúng ta đều có Phật tánh, thế thì tại sao chúng ta không khai thác, phát huy năng lực ban vui cứu khổ của cái tánh giác đó, như thế có phải thiết thực, hiệu quả hơn không, sao lại đi tìm cầu, van xin chư Phật và Bồ-tát bên ngoài vốn không có chức năng trực tiếp cứu giúp chúng ta?

“Học Phật mà không hành là học suông, tu mà không hành là tu cuội”, một vị tu sĩ đã nói với tôi như vậy.

Hành bằng cách nào? Giáo lý Phật giáo có đến tám vạn bốn ngàn (84.000) pháp môn tu tập, từ thấp đến cao, từ dễ đến khó nhưng rất cụ thể, rõ ràng và chân thật. Chưa vội đề cập đến những pháp môn cao thâm uyên áo mà hãy bắt đầu bằng việc làm dễ nhất là trở về với tâm thái tự do, trong sáng của chính mình trước đã.

Tâm thái tự do, trong sáng là gì? Là tâm ở trạng thái không bị ràng buộc, không bị dẫn dắt nhưng không phải buông lung phóng túng, được sanh ra cùng lúc khi chúng ta cất tiếng khóc chào đời. Tuy nhiên, qua độ tuổi vô tư hồn nhiên, không ai có thể giữ mãi được tâm thái tự do, trong sáng trước cám dỗ của vật chất, đòi hỏi của nhu cầu, thỏa mãn dục vọng. Chính những thứ đó trói buộc, dẫn dắt người ta đến căng thẳng, mệt mỏi, bất an, thậm chí thất vọng đau khổ triền miên.

Làm sao trở về với tâm thái tự do, uyên nguyên của thuở ban đầu? Muốn trở về với nó, chúng ta phải dứt bỏ tất cả dục vọng. Tuy nhiên, do tập khí lâu đời, từ kiếp này sang kiếp khác nên chúng ta không thể dứt bỏ chúng cùng một lúc mà phải dứt bỏ từ từ. Cách tốt nhất là “tri túc thiểu dục”, tức là biết đủ và giảm bớt ham muốn. Trước tiên hãy nhìn lại thân phận và mối quan hệ của chúng ta trong cộng đồng, xã hội và tự hỏi mình là ai? Có thấy mới có biết. Biết những ham muốn nào cần thiết và chưa cần thiết, phù hợp và không phù hợp với thân phận, điều kiện và hoàn cảnh sống thực tiễn của mình để giảm bớt. Biết giảm bớt ham muốn là biết đủ, ngược lại, biết đủ mới biết giảm bớt ham muốn, giảm bớt ham muốn và biết đủ sẽ giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi, bất an và cả khổ đau thất vọng.

“Nhưng tự đặt mình vào khuôn khổ thì đó là thứ hạnh phúc an vui giả tạo, sống mà miễn cưỡng gượng ép như thế thì cuộc sống sẽ trở nên khô khan xơ cứng chẳng thú vị gì hết?”, tôi phản đối.

Vị tu sĩ đưa ra một thí dụ bằng những quân cờ trên một bàn cờ. Chúng hoạt động trong khuôn khổ nhất định, xe liền, pháo cách, mã nhật, tượng điền… nhưng bàn cờ vẫn biến hóa, sôi động, hào hứng chứ có khô khan xơ cứng đâu? Người chiến thắng luôn là người biết sử dụng những quân cờ của mình uyển chuyển linh động theo từng nước đi của chúng trong một ván cờ. Người thất bại thì ngược lại, đi sai nước cờ. Ham muốn của chúng ta cũng như những quân cờ vậy.

Tôi lại bảo: “Đó là thái độ bằng lòng với hiện tại vừa lạc hậu vừa chậm tiến?”.

“Vâng! Nếu dựa vào cuộc sống vật chất thì không ai bằng lòng với hiện tại, còn dựa vào đời sống tâm linh thì đúng vậy, bằng lòng với những gì mình đang có. Tuy nhiên, sự bằng lòng đó không có nghĩa tiêu cực, không phải từ chối hay xa lánh ham muốn mà phải làm chủ lấy nó chứ đừng để nó làm chủ lại mình. Nói cách khác là vẫn tham gia tích cực vào cuộc sống hàng ngày theo dòng chảy của tự nhiên và cuộc đời nhưng không hoài niệm quá khứ cũng không mong chờ tương lai và nhất là đừng để dính mắc vào bất cứ thứ gì thì sẽ được thảnh thơi, an vui hạnh phúc. Phải tự tin như ông chèo đò”. Vị tu sĩ kết luận. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày