Pháp cú tập thành

GN - Kinh Pháptinh tuyển những lời dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi Ngài còn tại thế. Trong lời giới thiệu hơn năm mươi năm trước, Trưởng lão HT.Thích Thiện Siêu, học giả và hành giả uyên thâm Tam tạng kinh điển Bắc truyền đã viết: “Suốt trong 45 năm thuyết pháp, Đức Phật đã nói rất nhiều Pháp ngữ, bao gồm nghĩa lý thâm thiết để cởi mở nghiệp khổ cho chúng sanh mà đưa họ đến Niết-bàn an lạc. Những giáo pháp ấy, ngay ba tháng sau khi Phật diệt độ, được các vị cao đồ tập họp đại hội kết tập kinh điển lần đầu tiên, tập thành Tam tạng để truyền lại cho hậu thế noi theo. Đồng thời, những câu dạy ngắn gọn đầy ý nghĩa của Phật trong hơn ba trăm trường hợp giáo hóa khác nhau, cũng được kết tập thành kinh Pháp cú này và lưu truyền mãi cho đến ngày nay”.
BTN_0010.jpg
Ảnh: Bảo Toàn

Mới đây, lần đầu tiên dưới sự chứng minh của Đức Đệ tam Pháp chủ GHPGVN, HT.Thích Chơn Thiện - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN và HT.Thích Hải Ấn - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Văn hóa T.Ư GHPGVN đã chủ trương tập thành với sự biên tập cẩn trọng, đầy đủ, gồm: chánh văn (Pali), bản dịch tiếng Anh, Hán, Việt, cùng các phần phụ lục giá trị về thư tịch các truyền bản/ dị bản cổ và dịch và thuật ngữ Hán Việt-Pali-Anh, rất tiện cho việc nghiên cứu, đối chiếu.

Đặc biệt, trong đây, bản Pali-Anh do Đại Trưởng lão Narada biên tập, chuyển ngữ một bản được đánh giá là trong sáng, chuẩn xác nhất (cùng với bản của Giáo sư Sarvepalli Radhakrishnan, 1950, được đánh giá xuất sắc ở phương diện học thuật) trong hơn 80 bản dịch Pháp cú Anh ngữ, tính đến ngày nay.

Đối với bản dịch Việt, Ban chủ trương đã chọn hai bản dịch sớm nhất tại Việt Nam (1959, 1964), được đánh giá là đáng tin cậy nhất do hai vị tôn túc thuộc truyền thống Bắc tông thực hiện. Theo như đánh giá của HT.Thích Chơn Thiện: “Hai bản dịch này: một rất trung thành với bản Hán, một rất trung thành với bản Pali. Có thể nói rằng, hai bản dịch này như ghi lại một cách trung thành những lời dạy của Đức Phật phản ảnh qua Kinh tạng Phật giáo…” (trích Lời giới thiệu).

Đây là một hợp tuyển do nhóm biên tập Thiện Tri Thức, với sự cộng tác của các học giả trong và ngoài nước thực hiện trong nỗ lực hướng đến một định bản kinh chuẩn mực, trong bối cảnh phồn tạp các bản dịch Pháp cú trên thị trường kinh sách Phật giáo hiện nay.

Trong Lời nói đầu, HT.Thích Hải Ấn, thành viên Ban chủ trương đã viết: “Bổn sư của chúng tôi, cố Đại lão Hòa thượng Thích thượng Thiện hạ Siêu đã có viễn kiến sâu rộng khi là người đầu tiên khởi dịch toàn bộ Kinh Lời Vàng (Kinh Pháp cú, Pàli: Dhammapada) sang Việt ngữ, dựa trên bản Hán văn của Pháp sư Liễu Tham, theo văn xuôi, vào năm 1959.

Tiếp đến, cố Đại lão Hòa thượng Thích thượng Minh hạ Châu trùng dịch từ nguyên bản Pàli, theo văn vần, lập thành thi kệ, vào năm 1966.

Là những bậc long tượng trong nền văn hóa và văn học Phật giáo Việt Nam hiện đại, cho nên công trình dịch thuật kinh Pháp cú của cả hai ngài đều cần phải được trân quý và bảo tồn.

Từ đấy cho đến nay, một loạt nhiều công trình dịch thuật khác (xem phần Thư tịch), hoặc có giá trị như bản của học giả Phạm Kim Khánh đúng sát với chánh văn; hoặc thi hóa như của giáo sư Trần Trọng San, hay khoán diễn thêm thắt ý tư của Tỳ-kheo Giới Đức (Minh Đức Triều Tâm Ảnh), HT.Thích Giác Toàn (Trần Quê Hương) v.v., đã xuất hiện rộng rãi, cho thấy tầm quan trọng của kinh Pháp cú đã thật sự ảnh hưởng lớn mạnh trong nền văn học của Phật giáo Việt Nam.

Ở Tây phương, người đầu tiên dịch toàn bộ kinh Dhammapada sang Anh ngữ là học giả Maxwell Frederick Mueller, vào năm 1881, tạo tiếng vang lớn trong học giới tại đây và ảnh hưởng cho đến độ đến nay đã có gần 80 bản dịch ra đời, xuất hiện dưới nhiều dạng thức theo kỹ thuật tân tiến hiện đại. Tựu trung, có hai bản dịch có tánh cách chánh xác nhất, một được phổ biến rộng rãi là của Đại đức Narada Maha Thera vào năm 1963 và một nghiên cứu thật kỹ lưỡng là của giáo sư Sarvepalli Radhakrishnan năm 1950.

Do đó mà trong kỳ tái bản lần này, chúng tôi quyết định thu tập và trình bày bản văn xuôi của bổn sư và bản thi kệ của Hòa thượng Thích Minh Châu chung nhau, đối chiếu với bản Pàli và Anh ngữ của ngài Narada,  cùng với bản Hán văn, lập thành một quyển Kinh Pháp cú có thẩm quyền nhất, về phương diện tư liệu, văn học, cũng như giáo dục học thuật, cho Phật giáo Việt Nam.

Hiện nay, Phật tử Tây phương - gồm giới nghiên cứu học thuật cùng chư tôn đức hoằng pháp - đã đương nhiên mặc định tôn vinh Dhammapada sutta như là quyển Thánh kinh (Bible) của Phật giáo nói chung, không phân biệt Nam hay Bắc tông. Thánh kinh, là vì Pháp cú kinh bao gồm đầy đủ giáo lý căn bản của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, chính là Lời Vàng Phật Dạy, làm cốt lõi cho tư tưởng Phật giáo phát triển về sau, bất luận là Nam hay Bắc tông. Cho nên, thiết nghĩ chúng ta cũng cần nên cấp tiến để cung ứng cho Phật giáo Việt Nam một quyển Thánh điển biểu trưng đầy đủ thẩm quyền về phương diện chuyển ngữ đúng thật những lời Phật dạy, cũng như về phương diện căn bản đạo đức và tu hành cho toàn thể Phật giáo đồ. Được như vậy là Phật giáo Việt Nam có được một bộ Đại tạng kinh thu nhỏ, dễ cầm tay, làm thủ sách cẩm nang cho mọi giới, bất luận cho tự lợi hay lợi tha, đều có ích. Được như vậy là hoàn thành tâm nguyện buổi ban đầu của bổn sư chúng tôi”.

Sách do Nhà xuất bản Hồng Đức cấp giấy phép xuất bản, với hình thức in ấn đẹp, là tài liệu cần thiết cho người học Phật và muốn tìm hiểu căn bản về tinh hoa giáo lý mà Đức Phật đã thuyết giảng hơn hai ngàn năm trăm năm trước, là kim chỉ nam cho một hướng sống giải thoát, an lạc, hạnh phúc thiết thực hiện tại.

“Thường thường chúng ta thấy trong báo chí, sách vở của các nhà nghiên cứu Phật học hay trích dẫn những câu nói ngắn gọn nhưng rất có giá trị của Đức Phật, là phần nhiều từ ở kinh này mà ra.

Kinh Pháp cú gồm 26 phẩm, 423 câu (bài kệ), là quyển thứ hai trong 15 quyển thuộc Kinh Tiểu bộ (Khuddaka-Nikaya) trong Kinh tạng Pali và  được dịch ra rất nhiều thứ tiếng ở Á châu và Âu-Mỹ. Theo chỗ chúng tôi được biết, những người đầu tiên dịch kinh Pháp cú kể có học giả Đan-mạch Viggo Fausbøll (Fausböll) dịch sang tiếng La-tinh năm 1855, học giả Max F. Mueller sang Anh ngữ năm 1881, sau này được giáo sư Charles Rockwell Lanman (1850-1941) giảo đính và Đại học Harvard tại Mỹ quốc xuất bản; giáo sư Sanskrit Phước Đảo Trực Tứ Lang (Fukushima Naoshiro, 福島直四郎,1899-1979), dịch sang Nhật ngữ, v.v. Ngoài ra, lại còn có các bản Hán dịch rất cổ với danh đề Pháp cú kinh, Pháp tập yếu tụng v.v... Cho đến nay riêng phần Anh ngữ đã có gần 80 bản dịch, ngoài các học giả kể trên còn có những cao tăng tôn túc như Maha Thera Narada, Acarya Buddharakkhita, v.v.

Xưa nay các nước Phật giáo Nam truyền như Tích-lan, Miến-điện v.v., và Phật giáo Tây Tạng, đều đặc biệt tôn bộ kinh này làm bộ kinh nhật tụng quý báu; hàng Tăng giới ít ai không biết, không thuộc, không hành trì, và hàng cư sĩ cũng lấy đó phụng hành để sống một đời sống an lành thanh khiết…”

Trưởng lão HT.Thích Thiện Siêu

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Sà lan chở nước ngọt từ Đồng Tháp về xã đảo Hưng Phong, H.Giồng Trôm, Bến Tre để hỗ trợ bà con vùng hạn mặn

Vận chuyển nước ngọt bằng sà lan để hỗ trợ bà con vùng hạn mặn H.Giồng Trôm, Bến Tre

GNO - Được sự tài trợ của đoàn thiện nguyện tại TP.HCM do anh Huỳnh Trung Nghĩa làm trưởng đoàn, Đại đức Thích Vạn Bình, trụ trì Phước Long cổ tự (H.Giồng Trôm, Bến Tre) đã phối hợp với UBND xã đảo Hưng Phong tổ chức trao nước ngọt và thùng nhựa cho bà con tại địa phương vào ngày 23-4 vừa qua.
Chư tôn đức niệm Phật cầu gia hộ

Khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam năm 2024

GNO - Sáng nay, 25-4, tại Văn phòng II TƯGH - thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), Ban Thường trực Hội đồng Trị sự tổ chức khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam (từ Quảng Trị đến Cà Mau) nhằm triển khai nhiều hoạt động Phật sự quan trọng.
Chư Tăng thực hiện nghi thức Bố-tát tại chánh điện chùa Long Bửu (Q.4, TP.HCM) - Ảnh: Bảo Nguyên

Chư Tăng Ban Trị sự GHPGVN Q.4 Bố-tát, họp triển khai Phật sự

GNO - Ngày 15-3-Giáp Thìn, chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN Q.4 đã trở về chùa Long Bửu - Văn phòng Ban Trị sự để cử hành lễ Bố-tát định kỳ, đồng thời tổ chức phiên họp nhằm triển khai công tác tổ chức Đại lễ Phật đản và An cư kiết hạ Phật lịch 2568.

Thông tin hàng ngày