Phật đản từ miền ngược tới miền xuôi & hải đảo xa xôi

GN - Khắp nơi, từ miền ngược tới miền xuôi, từ thành thị đến nông thôn, lên đến tận Tây Nguyên hay hải đảo xa xôi, ánh sáng của Đức Phật cũng đã đến với tất cả đồng bào Phật tử, ánh sáng ấy mang tên “từ-bi-hỷ-xả” mà Bồ-tát Hộ Minh từ cung trời Đâu Suất đã mang xuống cõi Ta-bà cách đây hơn 2.600 năm…

Từ Hà thành, Lạng Sơn…

Theo đó, sáng ngày rằm tháng 4-Nhâm Thìn (5-5-2012), tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, Đại lễ Phật đản chính thức đã diễn ra với sự chứng minh của Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão HT.Thích Phổ Tuệ cùng sự tham dự của chư tôn giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, THPG Hà Nội và Phật tử.

Hà Nội.jpg

Hà Nội hân hoan đón Phật đản - Ảnh: CTV

Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân; ông Phạm Dũng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ; ông Hà Văn Núi, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL cùng lãnh đạo các ban, ngành Trung ương và thủ đô.

Thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đức Pháp chủ đã gửi Thông điệp nhân Đại lễ Phật đản đến Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước. Ngài cũng khuyến tấn hàng đệ tử Phật tinh tấn tu học và phụng sự trong tinh thần “tốt đạo, đẹp đời”.

Bày tỏ vui mừng được dự Đại lễ Phật đản, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định Đại lễ Phật đản là một trong những lễ quan trọng nhất không chỉ của Phật giáo Việt Nam mà còn của Phật giáo đồ trên toàn thế giới, là dịp để mỗi người con Phật tưởng nhớ về Đức Giáo chủ Thích Ca Mâu Ni và những triết lý nhân sinh sâu sắc của Phật giáo đang hiển hiện trong cuộc sống hàng ngày. Ngay từ buổi đầu tiên với tư tưởng từ bi, trí tuệ, Phật giáo đã được người dân Việt Nam đón nhận.

Trong khi đó, các xe hoa rước Phật tiến qua lễ đài chùa Quán Sứ. Theo thống kê, có 35 xe hoa của 29 quận, huyện trong toàn thành phố đã diễu hành qua lễ đài chùa Quán Sứ. Phần lớn các xe ô-tô rước Phật do Ban Đại diện Phật giáo các quận, huyện, thị thiết kế. Ngoài ra còn do các chùa, đạo tràng, phường, xã tự nguyện cúng dường lên Đức Từ phụ nhân kỷ niệm ngày Đản sinh của Ngài.

Các chủ đề chính trong xe hoa chủ yếu là hình tượng Đức Phật đản sinh. Mô hình chín rồng phun nước tắm Phật được tái hiện nhiều nhất. Các chủ đề khác như: Đức Phật thuyết pháp, thành đạo, Thế Tôn niêm hoa, nhập Niết-bàn, thuyền Bát-nhã, tháp Đa Bảo v.v… được thể hiện khá công phu, ấn tượng - theo mô tả của CTV Giác Ngộ tại Hà Nội.

Cũng theo ghi nhận của CTV Giác Ngộ, việc diễu hành xe hoa rước Phật ở thủ đô Hà Nội được diễn ra đã thành nếp vào mỗi mùa Phật đản. Trong ánh mắt của người phương Tây khi đến Hà Nội - họ đều hoan hỷ chào đón đoàn xe, thể hiện sự tôn kính.

Trước đó, tối 3-5, tại chùa Thành, Ban Đại diện Phật giáo tỉnh Lạng Sơn cũng long trọng tổ chức Đại lễ Phật đản PL.2556 - DL.2012.

Lạng Sơn.jpg

Phật giáo Lạng Sơn diễu hành chào đón Khánh đản - Ảnh: Ch.Thành

Chứng minh Đại lễ có HT.Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Từ thiện xã hội TƯGH, Trưởng ban Đại diện Phật giáo tỉnh Lạng Sơn. Đại diện chính quyền có bà Nông Thị Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Lạng Sơn và các vị lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh, TP.Lạng Sơn. Ngoài ra, còn có các vị nhân sĩ trí thức, các doanh nhân doanh nghiệp cùng hàng ngàn tín đồ Tăng Ni, Phật tử trong toàn tỉnh...

Nhân dịp này, Ban Đại diện Phật giáo tỉnh Lạng Sơn đã trao tặng Quỹ đền ơn đáp nghĩa của tỉnh Lạng Sơn. Cùng ngày, Ban Tổ chức Đại lễ đã đặt vòng hoa kính viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang thành phố; kính viếng Tượng đài Bác Hồ tại Khu tưởng niệm Bác; kính viếng Anh hùng Liệt sĩ Hoàng Văn Thụ.

Đến Tây Đô, Bình Dương…

Ngày 5-5, BTS THPG TP.Cần Thơ long trọng tổ chức Đại lễ Phật đản PL.2556 tại chùa Khánh Quang - nơi đặt văn phòng BTS.

Chứng minh buổi lễ có HT.Thích Giác Nhường, Ủy viên Giám luật GHPGVN; HT.Đào Như, Ủy viên Thư ký HĐTS GHPGVN, Trưởng BTS THPG TP.Cần Thơ; chư vị giáo phẩm Thường trực BTS cùng đông đảo chư Tăng Ni và hơn 1.000 quan khách, Phật tử.

Đến dự còn có đại diện Ban Chỉ đạo Tây Nam  Bộ, Thành ủy TP.Cần Thơ, Ban Tôn giáo - Sở Nội vụ, Công an TP.Cần Thơ cùng các ban ngành, quận huyện.

Hòa chung không khí tưng bừng đó, CTV Ngọc Trinh cho biết, trong 2 ngày 4 và 5-5 (nhằm ngày 14 và 15-4-Nhâm Thìn), THPG Bình Dương đã trọng thể tổ chức lễ Phật đản PL.2556.

Phật đản bình dương4.JPG

Phật giáo Bình Dương đón mừng Đản sinh - Ảnh: Ngọc Trinh

Cụ thể, lúc 17 giờ, ngày 4-5, đoàn xe hoa chào mừng Phật đản các huyện, thị đã bắt đầu diễu hành rộn ràng quanh các con đường nội ô thị xã Thủ Dầu Một. Trong khi đó, đoàn Tăng Ni, Phật tử đã có mặt tại vòng xoay Ngã 6 (trước UBND tỉnh) để chuẩn bị cho chương trình đi bộ rước kiệu Đức Phật đản sanh. Đoàn múa lân sư rồng, đội hình xe đạp, các em thiếu nhi với những gánh hoa sen tươi tắn… tưng bừng thể hiện những cung bậc vui tươi, hạnh phúc đón mừng kỷ niệm ngày Phật đản sanh.

Người dân hai bên đường Yersin, thị xã Thủ Dầu Một (nơi có đoàn đi bộ rước kiệu đi qua) đã không khỏi choáng ngợp bởi sự trang nghiêm và hoành tráng của lễ hội. “Chúng tôi chưa từng thấy Lễ Phật đản nào vui tươi và lớn như vậy”, một người dân nói.

Sau khi kiệu Đức Phật đản sanh được rước về lễ đài, chư tôn giáo phẩm đã long trọng tiến hành nghi thức an vị Phật. Các tiết mục văn nghệ đặc sắc do các nghệ sĩ TP.HCM và Bình Dương biểu diễn còn mang đến cho mọi người nhiều hoan hỷ.

Lúc 6 giờ sáng ngày 5-5, buổi lễ chính thức đã diễn ra trang nghiêm, với sự tham dự của Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - ông Vũ Minh Sang; lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể; đông đảo Tăng Ni, Phật tử.

Buổi lễ diễn ra với đầy đủ các nghi thức Phật giáo. Đại diện lãnh đạo tỉnh, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Phạm Văn Cành đánh giá cao những thành tựu của Phật giáo tỉnh Bình Dương, nhất là vui mừng trước không khí vui tươi, ấm cúng, an lạc của cộng đồng Phật giáo tỉnh nhà đón mừng mùa Phật đản PL.2556. Ông mong rằng, Phật giáo tỉnh nhà sẽ tiếp tục kế thừa và phát triển nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

Nhân dịp mừng Phật đản sanh, Ban đại diện Phật giáo các huyện, thị đều tổ chức viếng nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, diễu hành xe hoa tại các huyện, trao hơn 300 phần quà cho người dân nghèo ở địa phương, trị giá 300.000 đồng/phần. THPG Bình Dương đã vận động trao tặng 30 chiếc xe lăn, trị giá 7 triệu đồng/chiếc cho người khuyết tật và tặng 300 phần quà trị giá 400.000 đồng/phần cho người dân ở phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một. Tổng số phần quà tặng trong mùa Phật đản là hơn 450 triệu đồng.

Dấu ấn Phật đản ở Huế

Cũng trong sáng 5-5, tại lễ đài chính tôn trí tại chùa Từ Đàm, Ban Tổ chức Đại lễ Phật đản PL.2556 Thừa Thiên Huế đã trang nghiêm, trọng thể cử hành lễ chính thức.

Huế.jpg

Phật đản ở Huế: Trang nghiêm, hoành tráng - Ảnh: Võ Văn Ái

Theo tường thuật của CTV Trí Năng, lễ chính thức Đại lễ Phật đản tại Thừa Thiên Huế được cử hành vào lúc 6 giờ 30 với hai phần nghi thức hành chính và nghi lễ truyền thống. Ngoài những nghi thức thống nhất trên tinh thần thông bạch của TƯGH thì Phật đản tại Thừa Thiên Huế có đặc trưng riêng, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng nhiều người.

Trong suốt Tuần lễ Phật đản bắt đầu từ ngày mùng 8 tháng Tư năm Nhâm Thìn, Tăng Ni, Phật tử Thừa Thiên Huế từ các vùng duyên hải đến miền núi, từ các vùng nông thôn đến khắp phố phường của thành phố đã bày tỏ tâm thành của mình, tham gia các hoạt động tâm linh - văn hóa ở các chùa, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường, khuôn hội, các lễ đài Phật đản của các Ban Đại diện PG, Tỉnh hội PG…, tham gia diễu hành thuyền hoa, lễ rước Phật trên sông Hương, Lễ hội Hoa đăng cầu Quốc thái dân an - Thế giới hòa bình - Chúng sanh an lạc. Khoảng 15.000 ngọn nến lung linh cùng ước nguyện cao đẹp đã được thắp lên giữa dòng Hương giang, và nói như HT.Thích Khế Chơn, Phó ban Tổ chức lễ hội hoành tráng, lần đầu tiên tại Huế này chính là: “Thắp hoa đăng để thắp sáng tâm đăng trong mỗi người…”.

Lễ hội đã được báo Tuổi Trẻ tường thuật: “Mở đầu bằng đoàn rước ánh sáng Đức Phật khởi hành từ chùa Từ Đàm theo các tuyến đường Điện Biên Phủ - Lê Lợi - cầu Phú Xuân đến đường Lê Duẩn đoạn Phú Văn Lâu. Một nghi lễ rước ánh sáng từ xe vào an vị tại đài đăng đặt cạnh bờ sông trước Nghinh Lương Đình đã được tiến hành một cách long trọng.

Hoa đăng Huế.jpg

Lễ hội hoa đăng tại Nghinh Lương Đình - Ảnh: TT

19g, nghi lễ tâm linh cầu cho quốc thái dân an, thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc theo nghi thức truyền thống tâm linh Phật giáo mở đầu cho phần chính lễ. Ánh sáng từ đài đăng được truyền sang các ngọn hoa đăng thả trên sông Hương.

Đồng thời trên sông, 52 thuyền hoa đã đồng loạt thả xuống gần 2 vạn ngọn hoa đăng thả đều trên mặt sông. Tiếp đến là các tiết mục âm nhạc đương đại trên nền nhạc truyền thống mang màu sắc Phật giáo diễn ra tại sân khấu nổi trước Nghinh Lương Đình. Lễ hội kết thúc lúc 20g bằng màn pháo hoa nghệ thuật kéo dài 2 phút.

 Toàn bộ không gian của sông Hương thoáng rộng trở nên huyền hoặc, lung linh của hoa đăng, của ánh sáng từ bảy đài sen tượng trưng cho bảy bước chân Phật lúc Đản sinh và giàn đèn hoa giăng giăng trên bờ sông kết hợp với màn pháo hoa nghệ thuật…”.

Cùng với những lễ hội thì các triển lãm tranh “Sen đầu hạ”, đêm biểu diễn văn nghệ công phu, hoành tráng tại Nhà Văn hóa Trung tâm (TP.Huế) vào tối 2-5 - chương trình “Hương sen mầu nhiệm” lần 3 do TT.Thích Minh Hiền (Phó ban Văn hóa TƯGH), Giám đốc sản xuất và chỉ đạo nghệ thuật, Việt Tú làm tổng đạo diễn cũng là món ăn tinh thần mang đậm chất Huế. Các ca sĩ, nghệ sĩ như Mỹ Linh, Tân Nhàn, Đức Tuấn, Tùng Dương, Quang Linh, Ngọc Ký, nhóm Năm Dòng Kẻ, nhóm múa Arabesque, Học viện Âm nhạc Huế, Tăng Ni sinh Trường TCPH Thừa Thiên Huế… cùng góp mặt đã tạo nên đêm diễn lắng đọng, tạo nhiều cảm xúc cho người xem.

Lễ Phật đản đặc biệt

Đó là Phật đản đầu tiên của hơn 500 đồng bào dân tộc được tổ chức tại chùa Đức Bổn A Lan Nhã, huyện Bù Đăng, Bình Phước. Theo tường thuật của CTV Mai Trung, Đại lễ diễn ra vào ngày  30-4, có sự tham dự, chứng minh của HT.Thích Nhuận Thanh, Trưởng BTS PG tỉnh Bình Phước cùng chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử các tự viện và đại diện các cấp chính quyền huyện Bù Đăng. Ngoài ra còn có ông Nguyễn Hữu Luật, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Chí Cường, nguyên Giám đốc Công an tỉnh...

Phật đản ở Bình Phước.JPG

Đồng bào dân tộc ở H.Bù Đăng lần đầu dự lễ tắm Phật - Ảnh: Mai Trung

Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, sau ba hồi chuông trống Bát-nhã, HT.Thích Nhuận Thanh đã tuyên đọc Thông điệp Phật đản PL.2556 của Đức Pháp chủ GHPGVN. Thay mặt cho BĐD, ĐĐ.Thích Đồng Tấn, Chánh đại diện PG huyện Bù Đăng đọc Diễn văn Phật đản của Hòa thượng Chủ tịch HĐTS.

Sau lễ dâng hoa là phút nhập Từ bi quán, niêm hương bạch Phật, cử hành khóa lễ tắm Phật của Phật giáo Bắc truyền. Trước đó, BĐD cũng đã tổ chức dâng hương và viếng nghĩa trang huyện cũng như tặng 1.000 phần quà cho bà con đồng bào nhân dịp lễ.

Bù Đăng là một huyện còn khó khăn của Phật giáo Bình Phước cùng với việc trước đó diễn ra Đại lễ quy y cho hơn 5.000 đồng bào dân tộc thì trong dịp Lễ Phật đản này, BĐD đã tổ chức cho đồng bào về sinh hoạt tại các cơ sở tự viện, đây cũng là Lễ Phật đản đầu tiên của toàn thể đồng bào.

Ngoài ra, đó còn là Đại lễ Phật đản ở huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Như Giác Ngộ Online và nhiều báo đưa tin, sáng 5-5 (15-4 âm lịch, năm thứ 2556 Phật lịch), tại đảo Trường Sa Lớn, thị trấn của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, Đại lễ Phật đản đã diễn ra long trọng.

Phật đản Trường Sa.jpg

Thiêng liêng đón Phật đản ở Trường Sa - Ảnh: Văn Tạo

Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm gián đoạn, Đại lễ Phật đản được tái tổ chức tại Trường Sa. Chủ trì Đại lễ, các Tăng sĩ Thích Giác Nghĩa và Thích Ngộ Thành (trụ trì và phó trụ trì chùa Trường Sa Lớn) cho biết đông đảo Phật tử đang sinh sống và công tác trên đảo rất hân hoan phấn khởi, cảm động dự Đại lễ Phật đản đầy ý nghĩa này.

L.Đ.L tổng hợp

Một vài ghi nhận khác

Ngày 5-5, hòa chung không khí hân hoan chào đón ngày Đản sanh của Đức Từ Phụ, tại chùa Sắc tứ Khải Đoan, BTS PG tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Đại lễ Phật đản PL.2556.

Các doanh nghiệp trong toàn tỉnh cũng về tặng hoa chúc mừng Đại lễ Phật đản và hơn 5.000 Phật tử các giới khắp nơi trong toàn tỉnh cũng về tham dự Đại lễ Phật đản PL.2556.
18g ngày 5-5, 14 chiếc xe hoa được thiết kế độc đáo đã khởi hành tại chùa Tỉnh Hội (Văn phòng BTS GHPG tỉnh Kon Tum) - Phan Đình Phùng - Bờ kè sông ĐăkLa - Trần Phú - Trường Chinh và sau đó tập kết tại chùa Tỉnh Hội (lộ trình dài khoảng 5km, thời gian diễn hành hơn 2g đồng hồ).

Ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Sóc Trăng, Lâm Đồng… cũng đồng loạt diễn ra Đại lễ Phật đản. Riêng, ở Sóc Trăng, CTV Khemrinh cho biết, nhân dịp Phật đản, Ban Tổ chức Đại lễ và Đài PTTH Sóc Trăng tổ chức chương trình ca nhạc “Nhịp cầu nhân ái” để kết nối những trái tim yêu thương đến với nhiều mảnh đời bất hạnh, gia đình đang gặp khó khăn, hoạn nạn cần sự giúp đỡ của cộng đồng…

Ngoài những bài hát ca ngợi Đức Phật do giọng ca ngọt ngào, truyền cảm của thầy Đức Chiếu và nhóm múa An Hồng biểu diễn như: Mừng Đấng Thế Tôn; Sự tích Đức Phật; Mừng Phật ra đời; Phật pháp nhiệm mầu…, còn có sự góp mặt của các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng đến từ TP.HCM như: Hồng Tơ, Phượng Hằng… đã thu hút được sự nhiệt liệt hoan nghênh của các Tăng Ni, Phật tử.

Qua tổng kết, Ban Tổ chức đã công bố tổng số tiền các mạnh thường quân, nhà hảo tâm, công ty… đóng góp trong đêm diễn ra Đại lễ là 1,245 tỷ đồng.

P.V

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày