Phật đản về yên bình nơi đầu sóng ngọn gió

GNO - Hòa trong không khí cả nước đón chào tuần lễ Phật đản PL.2560-DL.2016, nơi đầu sóng ngọn gió - Trường Sa thân yêu của Tổ quốc, có chùa tổ chức Khánh đản trong một tháng, có chùa tổ chức trong một tuần, có chùa thiết trí lễ đài, vườn Lâm-tỳ-ni, trang nghiêm và thực hiện lễ tắm Phật; có chùa đón Phật đản với các thời kinh Khánh đản trang nghiêm, chuẩn bị mâm cổ tươm tất cúng dường Đức Phật.

Tùy theo điều kiện cho phép, trụ trì các tự viện đón mừng ngày Khánh đản theo những cách khác nhau nhưng tất cả đều hướng đến Đức Từ phụ Thích Ca Mâu Ni bằng tất cả lòng thành, đầy hoan hỷ.

sinhton3.JPG
Chùa Sinh Tồn (Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam) bình yên trong mùa Phật đản PL.2560 - Ảnh: Minh Huy

Trang nghiêm lễ đài, vườn Lâm-tỳ-ni mừng ngày Khánh đản

Liên lạc với ĐĐ.Thích Minh Huy, trụ trì chùa Sinh Tồn trong tuần lễ Phật đản, thầy hoan hỷ cho biết: “Phật đản năm nay đến sớm trên đảo Sinh Tồn, từ ngày mùng một tháng Tư là chúng tôi đã thiết trí lễ đài”.

Thầy nói thêm: “Điểm đặc biệt, năm nay các công dân nhỏ tuổi trên đảo đã cùng chúng tôi thiết trí vườn Lâm-tỳ-ni đón mừng ngày Khánh đản. Trong lúc thiết trí lễ đài, các bé và tôi nói chuyện rất rôm rả. Các bé hỏi đủ thứ, nào là vì sao phải trang trí vườn hoa, vì sao trang trí bằng hoa sen, vì sao tượng Phật sơ sanh lại nhỏ hơn tượng Phật trong chánh điện... Chúng tôi vừa làm, vừa trò chuyện cùng nhau, vui lắm. Từ lúc thiết trí lễ đài đến lúc tổ chức lễ chính thức, không khí Phật đản ngày nào cũng vui tươi, rộn ràng”.

Thầy Minh Huy cho biết, đúng 7g sáng ngày mùng tám tháng Tư, công dân trên đảo, các em nhỏ đã về chùa tham gia trang nghiêm lễ tắm Phật, tụng thời kinh mừng Khánh đản, sám hối và nguyện cầu hòa bình dân tộc, thế giới.

Trong thời gian diễn ra tuần lễ Phật đản, mỗi ngày trụ trì chùa Sinh Tồn và công dân trên đảo đều thực hiện các thời kinh mừng Khánh đản. Sau giờ học, các em nhỏ quây quần về lễ đài Phật đản để lễ Phật và xem đĩa VCD do thầy trụ trì trình chiếu các chương trình văn nghệ mừng Phật đản trong đất liền; rồi các em học tập múa, hát theo để có thể biểu diễn, cúng dường Đức Phật trong những dịp quan trọng.

Gửi cho Giác Ngộ hình ảnh Phật đản tại đảo Sinh Tồn, thầy chú thích, “đó là tất cả tấm lòng của tôi; lúc về phép, thời gian ít ỏi nhưng tôi dành một ngày để đi mua hoa giả và các phụ kiện để dành cho ngày Phật đản có mà trang trí. Ngoài này, chỉ có thể trang trí bằng hoa giả, chứ hoa tươi rất hiếm. Chưng hoa giả nhưng nhìn khung cảnh tươi mới, sinh động, mọi người nhìn thấy ai cũng hoan hỷ lắm”.

Hướng đến Phật bằng cả tấm lòng

Không đủ điều kiện để thực hiện lễ tắm Phật như ở chùa Sinh Tồn nhưng chùa Nam Huyên, đảo Nam Yết do ĐĐ.Thích Nguyên Ngọc trụ trì đón mừng Khánh đản và cúng dường lên Đức Từ phụ theo cách thức riêng, chân chất yêu thương của người đệ tử Phật.

Thầy trụ trì Nguyên Ngọc bộc bạch: “Phật đản trên đảo diễn ra trọn một tháng, bắt đầu từ ngày đầu tháng Tư. Từ ngày mùng một, trên đảo Nam Yết đã vang vọng lời kinh, tiếng kệ mừng Khánh đản. Trong tuần lễ Phật đản, bốn thời kinh trong ngày, anh em chúng tôi đều tụng kinh Khánh đản và hồi hướng công đức đó về khắp pháp giới chúng sanh, cầu nguyện hòa bình dân tộc, sự an bình cho nhân loại”.

Mặc dù sóng điện thoại những ngày qua trên đảo rất yếu, có lúc bắt được tín hiệu, lúc không, có lúc tiếng nói bị nhòe nhưng khi hỏi về không khí Phật đản trên đảo, phóng viên cảm nhận rất rõ tiếng nói đầy hân hoan của thầy Nguyên Ngọc.

Thầy cho biết: “Mùa Phật đản năm nay, ngoại trừ buồn một chút vì không tổ chức lễ tắm Phật sơ sanh; còn lại tất cả đều hoan hỷ hơn Phật đản năm rồi. Bàn thờ Phật được thiết trí rất trang nghiêm, chỗ nào cũng có hoa sen vải loại lớn, mới tinh chưng rất đẹp; bánh trái được cúng đầy đủ không thiếu thứ chi. Mâm cơm cúng Phật ngoài chè xôi, còn có đầy đủ thức ăn từ món kho, món chiên, canh và đặc biệt là có rất nhiều rau luộc”.

Thắc mắc vì sao món rau trở thành món đặc biệt trong mâm cơm cúng Phật, thầy giải thích: “Đối với người dân trên đảo, rau xanh được xem như là “báu vật” vì khí hậu nắng nóng, thiếu nước nên rất khó để trồng. Mình quan niệm, thực phẩm cúng dường Đức Phật không có gì quý hơn là tự tay trồng, rồi dâng cúng cho Ngài; trong mỗi cọng rau là công sức, là cả tấm lòng thành nên khi cúng dường được cho Ngài, mình rất hạnh phúc”.

Rồi thầy chia sẻ thêm: “Từ hai tháng trước, tranh thủ lúc công phu chiều xong, hai huynh đệ gieo hạt các loại rau muống, mồng tơi, cải xanh. Mấy tháng nay không có mưa, phải kỳ công, o bế lắm mới có được mấy khóm rau; nhìn những cọng rau xanh ngắt, tươi tốt, lớn lên từng ngày chúng tôi hạnh phúc lắm”.

“Thông thường ở đây, rau mọc lên một gang tay là ăn được rồi nhưng anh em chúng tôi để dành đến ngày Rằm cúng Phật chứ không dám hái ăn trước. Ở đây không có điều kiện như đất liền, không có hoa quả tươi cúng Phật, điều mà chúng tôi làm được là cúng dường Ngài bằng tất cả tấm lòng của mình” - Đại đức Nguyên Ngọc nói.

Vì tấm lòng thành kính đón chào ngày Tam hợp như thế, khâu chuẩn bị diễn ra từ hai tháng nên trên đảo, ai cũng biết tháng Tư là tháng Phật đản. Và khi mùa Phật đản chính thức về, không khí trên đảo ấm áp, người người hoan hỷ, an vui.

Cả đảo đón mừng Phật đản

Hòa trong không khí các chùa trên đảo tổ chức trang nghiêm lễ Phật đản, tuần lễ Phật đản chùa Song Tử Tây - đảo Song Tử Tây được ĐĐ.Thích Nhuận Đạt trụ trì tổ chức từ ngày mùng bảy tháng Tư. Thầy bảo: “Từ ngày mùng bảy, chư Tăng trên đảo Song Tử Tây đã khai kinh mừng Khánh đản Đức Thích Ca. Lễ chính diễn ra vào ngày 15, chánh Rằm. Để chuẩn bị cho ngày quan trọng này, toàn thể bà con trên đảo đã chung tay lau chùi chánh điện, kê bàn ghế thiết trí lễ đài để chuẩn bị tươm tất cho ngày Khánh đản.

Mọi người chia nhau, người cắt thùng xốp ra thành chữ; người dán chữ lên vải đỏ để làm băng-rôn, pa-nô, tạo ra khẩu hiệu chào mừng Phật đản; người treo cờ, người đảm nhiệm nấu các món ăn dâng cúng Đức Phật. Mặc dù lễ Phật đản trên đảo không hoành tráng như trong đất liền nhưng không khí đón mừng ngày Đại lễ rất rộn ràng - mọi người đến tham dự buổi lễ chính thức rất đầy đủ. Phật đản năm nay trên đảo Song Tử Tây rất là vui”.

Thầy Nhuận Đạt cho biết: “Cũng như các chùa khác trên quần đảo Trường Sa, từ lúc khai kinh Khánh đản, mỗi đêm bà con đều nhìn thời gian về chùa tụng kinh và hồi hướng công đức, nguyện cầu hòa bình cho pháp giới chúng sanh, sự bình yên nơi biển đảo. Nhưng tại đảo Song Tử Tây, bà con còn cầu nguyên cầu trời mau mưa, để người dân trên đảo có nước sử dụng”.

Cười hiền, thầy tiếp lời: “Không chỉ có bà con cầu nguyện trời mưa đâu, mà ngay cả bản thân mình, thời công phu nào tụng xong cũng hồi hướng công đức, cầu nguyện điều đó. Nắng nóng, đất nẻ khô cằn, giờ có mưa là mọi người hạnh phúc lắm. Mong những điều mình và bà con cầu nguyện sớm được viên mãn”.

sinhton2.JPG

Các em nhỏ quây quần bên lễ đài chùa Sinh Tồn xem trình chiếu văn nghệ Phật đản trong đất liền

***

Nơi đầu sóng ngọn gió, điều kiện khó khăn, khí hậu khắc nghiệt là vậy nhưng mùa Phật đản vẫn về trên các đảo đầy hoan hỷ với tấm lòng thành kính, hân hoan của quý thầy và bà con, Phật tử trên đảo hướng về. Hoan hỷ thay, giữa cái nắng, cái gió và sự thiếu thốn nơi trùng khơi, mùa Phật đản đã về trên các đảo yên bình, nhẹ nhàng và ấm áp như thế...

Thực hiện: Hạnh Ý

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Quan điểm của Phật giáo về tự sát

GNO - Vừa rồi tôi có đọc bài “Cảnh giới của những người tự sát”. Trong sách có luận giải: Khi tự sát sẽ phạm vào 3 tội nặng. 1- Bất hiếu với song thân, 2- Tự hủy hoại hình hài, phụ phúc báu hi hữu có được thân người, 3- Ngu si vô trí. Sau khi tự sát, thần thức sẽ bị chìm trong thống khổ triền miên...

Thông tin hàng ngày