Phật giáo dấn thân phục vụ cộng đồng giữa đại dịch

0:00 / 0:00
0:00

GN - Cho đến nay, đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, giải pháp phong tỏa kiểm soát lây lan dịch bệnh trong cộng đồng được áp dụng rộng rãi ở các quốc gia, đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và tinh thần của người dân, đặc biệt là các cộng đồng yếu thế nhiều nơi trên thế giới.

 
Trong thời gian qua, các tổ chức Phật giáo quốc tế với tinh thần nhập thế sâu sắc đã liên tục triển khai nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa, giúp xoa dịu tinh thần và kịp thời hỗ trợ đời sống người dân trong cơn khốn khó do bệnh dịch.

1a.png

Các nhà sư và mạnh thường quân thuộc Hội Atish Dipankar (ADS) tặng quà cứu trợ đến người dân khó khăn tại Bangladesh

Tây Tạng: Cộng đồng Phật giáo Tergar, Dự án 84000 giúp an định tinh thần người dân trong dịch bệnh

Các thành viên của Cộng đồng Thiền Phật giáo Tergar (do thầy Yongey Mingyur Rinpoche, truyền thống Phật giáo Nyingma thành lập) trong 11 tháng qua đã cùng nhau nỗ lực, loại giảm khổ đau thông qua các chương trình hành thiền tập thể, lan tỏa và thực hành giáo pháp của Đức Phật.

Những hoạt động mang tính cộng đồng này “giúp mọi người bình tĩnh, có cơ hội tu dưỡng lòng từ bi, nhận diện sự bất an và tách biệt trong thời gian chiến đấu với dịch bệnh một cách đầy đủ và tích cực”.

Lãnh đạo cộng đồng Phật giáo này đã tổ chức nhiều khóa tu trực tuyến, phát hành hàng loạt bài giảng và các video hướng dẫn thực hành thiền, trực tuyến các buổi pháp thoại,… với mục đích giúp đỡ mọi người vượt qua khó khăn hiện tại trên nền tảng trí tuệ và lòng từ bi của nhà Phật.

“Thiền tập là một thành tố quan trọng trong sự thực hành Phật giáo và là suối nguồn mang lại bình yên, trí tuệ, sự chuyển hóa cho vô số người trên thế giới từ hàng ngàn năm qua. Thiền tập giúp chúng ta đạt được sự bình yên nội tâm, định tĩnh và chấp nhận hoàn cảnh để vượt qua bất an và khủng hoảng tinh thần” - thầy Yongey Mingyur Rinpoche nhấn mạnh giá trị của thiền tập trong một video hướng dẫn hành thiền.

Mặt khác, đối diện với dịch bệnh, mỗi người nhận thức rõ ràng hơn về quy luật vô thường. Vị thầy này nhấn mạnh: Dù không ai nhắc nhở chúng ta về vô thường, mọi thứ vẫn liên tục thay đổi. Và mỗi cá nhân trải nghiệm sự thay đổi, biến chuyển trong từng ngày trôi qua. Điều chúng ta cần chính là sự tương trợ; cần có người bên cạnh, cùng bước đi với mình. Chúng ta cần bạn bè xung quanh giúp mình nhìn thấy sức mạnh và trí tuệ bên trong của bản thân để đối diện, xử lý đau khổ; cảm nghiệm sự vô định và dịch chuyển không ngừng của các pháp.

“Chúng ta có thể tự mình đi trên con đường của sự tỉnh thức nhưng thiếu tính tương quan trong cộng đồng, mỗi người có thể bỏ qua nhiều cơ hội học hỏi và phát triển, khuyến tấn nhau cùng tu học. Tình bạn, thời gian cùng trải nghiệm, đối thoại,… mang mọi người lại gần nhau hơn, giúp nhau tỉnh giác và hướng đến cuộc sống ý nghĩa, giảm bớt sợ hãi, lo lắng và sân giận trong mỗi người” - thông điệp từ Cộng đồng Thiền Tergar.

Trong khi đó, Dự án 84000 hướng đến việc chia sẻ tuệ tri và sức mạnh chữa lành của giáo lý Phật-đà với cộng đồng, thông qua chuỗi các bản thu âm những bài kinh được tuyển chọn từ kho tàng kinh điển Phật giáo Tây Tạng. Lắng đọng với các sản phẩm này, người nghe có thể tự mình chữa trị những tổn thương tinh thần, thúc đẩy trạng thái hạnh phúc.

84000 đã bắt đầu sản xuất và phát hành các “ấn phẩm số” trị liệu này từ tháng 6 năm nay. Các bản kinh thu âm bằng tiếng Tây Tạng và tiếng Anh được đọc tụng bởi các vị thầy Phật giáo Tây Tạng (Sakya Trichen, Garchen Rinpoche, Jigme Khyentse và Pema Wangyal Rinpoche).

Các bài kinh được tuyển chọn thu âm phù hợp với bối cảnh khủng hoảng hiện nay, có tiềm năng mang lại sự chữa lành, phục hồi trên nền tảng của trí tuệ và sự bình yên bên trong từ những lời dạy của Đức Phật. Đồng thời, thông qua các tác phẩm này, cộng đồng có thể tiếp cận Phật pháp ở mức độ sâu sắc hơn.

“Chúng tôi hy vọng những thanh âm này có thể truyền chuyển và lan tỏa lòng từ bi, cảm hứng sống tích cực; xoa dịu những ai đang cảm thấy khổ đau, khủng hoảng cũng như nhắc nhở mọi người về sự vô thường. Và trên hết, chúng tôi mong muốn chuỗi sản phẩm tâm linh này trở thành nguồn năng lượng phục hồi, mang lại cảm giác hạnh phúc và bình an trong cuộc chiến chống lại đại dịch nguy hiểm này” - theo 84000.

84000 là dự án Phật giáo phi lợi nhuận dài hơi, với mục tiêu biên dịch và phát hành toàn bộ hệ thống kinh điển Phật giáo từ cổ ngữ Tây Tạng sang các ngôn ngữ hiện đại. Dự án đặt ra kế hoạch biên dịch 70.000 trang kinh trong 25 năm và 161.800 trang luận Phật giáo trong 100 năm.

Các tổ chức Phật giáo tiếp tục hướng đến người yếu thế trong đại dịch Covid-19

Vừa qua, Tổ chức nhân đạo xã hội JTS Hàn Quốc (Join Together Society, Korea) do Thiền sư Pomnyun Sunim sáng lập, phối hợp với Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB, trụ sở tại Thái Lan) đã phân phối số tiền cứu trợ 50.000 USD đến các cộng đồng đang bị ảnh hưởng và nhạy cảm với bệnh viêm đường hô hấp cấp tại khu vực Nam và Đông Nam Á.

1.jpg

Quỹ Kalyana Mitta (KMF) tặng thực phẩm và vật dụng phòng chống dịch tại tu viện Phaung Daw Oo (Mandalay, Myanmar)

Theo đó, các tổ chức này đã phân bổ nguồn tài trợ trên đến 12 tổ chức xã hội tại Bangladesh, Ấn Độ, Myanmar và Nepal - 4 quốc gia châu Á bị virus SARS-CoV-2 tấn công dữ dội trong thời gian qua. Nguồn tài chính này được sử dụng trong cung ứng thực phẩm và các vật dụng vệ sinh cho hơn 4.400 hộ gia đình (khoảng hơn 23.000 người) tại 94 khu vực ở các quốc gia nói trên.

Từ đầu năm nay, INEB đã vận hành và kêu gọi Quỹ cứu trợ khẩn cấp ứng phó với Covid-19 mang tên “Hành động Chánh niệm”, kịp thời hỗ trợ cho người dân nghèo khó nhiều nơi trên thế giới. Quỹ này phục vụ hoạt động tiếp tế khẩn cấp lương thực, thuốc men, vật dụng bảo hộ phòng chống dịch cho các cộng đồng nghèo khó khắp nơi trên thế giới.

Tại Bangladesh, nhiều người lao động thu nhập thấp phải đối diện với tình trạng khánh kiệt thực phẩm từ nhiều tháng qua. Các tổ chức phi lợi nhuận như Hội Atish Dipankar (ADS) và Parbatya Bouddha Mission (PBM) đã cung cấp nhu yếu phẩm (gạo, dầu ăn, muối và khoai tây), xà phòng rửa tay và khẩu trang y tế cho người dân khó khăn ở nước này.

Tính đến giữa tháng 11, theo ghi nhận của Chính phủ Ấn Độ, nhiều công nhân, người thu nhập thấp, người nhập cư lâm vào cảnh mất công ăn việc làm và buộc phải di chuyển về các miền quê với mức sinh hoạt phí thấp hơn. Vấn đề cấp thiết của nhóm đối tượng này chính là thực phẩm để duy trì sự sống. Một số người không có hộ khẩu địa phương không nhận được cứu trợ của Chính phủ; thậm chí việc đi đến các văn phòng cứu trợ quốc gia để xin hỗ trợ trong thời gian phong tỏa cũng là điều khó khăn. Tại nước này, hiện có 6 tổ chức từ thiện xã hội Phật giáo hoạt động rộng khắp, đảm bảo cung ứng thực phẩm và vật dụng bảo hộ phòng dịch cho các khu vực hẻo lánh.

Tại Myanmar, Quỹ Kalyana Mitta (KMF) cung cấp thông tin hướng dẫn phòng chống dịch bệnh; tặng xà phòng, dung dịch rửa tay diệt khuẩn, mùng tránh muỗi, áo mưa và sách cho thiếu nhi, thanh thiếu niên tại các trại tị nan. Tổ chức này cũng lắp đặt nhiều bồn rửa tay cơ động, tặng thực phẩm và vật dụng bảo hộ cá nhân tại tu viện Phaung Daw Oo (thị trấn Aungmyethazan, Mandalay).

Còn tại Nepal, công nhân và người sống ở các thị trấn nghèo cũng đối diện với nhiều thách thức khi nhà nước áp dụng chính sách phong tỏa phòng chống dịch bệnh từ nhiều tháng qua. Mật độ dân số cao và thiếu các giải pháp phòng bị hiệu quả khiến các thị trấn này tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao. Các tình nguyện viên từ Bikalpa và Quỹ Chokgyur Lingpa đã liên tục hỗ trợ thực phẩm và chia sẻ với các phụ nữ cô thế trong dịch bệnh tại nhiều vùng của nước này.

Trần Trọng Hiếu / Báo Giác Ngộ

(tổng hợp từ The Buddhist Door, JTS Korea, inebnetwork.org)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày