Phật giáo Nam tông Khmer, còn đó những ưu tư

GN - Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung hỗ trợ hoạt động của Phật giáo Nam tông (PGNT) Khmer, kể từ năm 2004 đến nay, Ban Tôn giáo Chính phủ và GHPGVN, trực tiếp là Văn phòng II TƯGH, đã phối hợp với các địa phương triển khai các nội dung và tổ chức 7 hội nghị chuyên đề PGNT Khmer mà Hội nghị mới nhất vừa được tổ chức tại Hậu Giang vào các ngày 7, 8-9 vừa qua. Cũng tại Hội nghị này, Giáo hội đã tiến hành tổng kết 12 năm thể hiện sự quan tâm hết mực đối với hệ phái, qua đó tạo nên những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều điều cần hoàn thiện.
H1.JPG
Hội nghị diễn ra ngày 7, 8-9 vừa qua tại tỉnh Hậu Giang - Ảnh: Bảo Thiên

Thực hiện nhiều hỗ trợ

Điểm nổi bật trong 12 năm qua đối với sinh hoạt của PGNT Khmer đều được các đại biểu dự Hội nghị đồng thuận là sự triển khai ngày càng hiệu quả các nội dung liên quan đến hỗ trợ, giúp đỡ hệ phái. Những đề xuất của các đại biểu PGNT Khmer đã được Ban Tôn giáo Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chính quyền các cấp kịp thời nghiên cứu, giải đáp, đưa hoạt động của PGNT Khmer ngày càng sâu sát, gắn bó với đường hướng và phương châm của Giáo hội và hòa mình vào dòng chảy chung của Phật giáo cả nước.

Theo TT.Thích Thiện Thống, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng II TƯGH, một số lượng lớn công tác trọng tâm thuộc 7 nhóm vấn đề được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và tinh thần của Nghị quyết qua các kỳ hội nghị chuyên đề đều đã được thực hiện một cách rốt ráo, tạo được niềm tin của Tăng tín đồ PGNT Khmer đối với Giáo hội.

Theo đó, trong công tác nhân sự, chư tôn đức hệ phái đã tham gia các cấp Giáo hội từ Trung ương đến địa phương các cấp, tăng theo từng nhiệm kỳ. Ngoài ra, Hội đồng Trị sự đã ký quyết định bổ nhiệm thành phần nhân sự 5 Phân ban chuyên trách công việc hệ phái thuộc Ban Tăng sự T.Ư, Ban Giáo dục Tăng Ni T.Ư, Ban Hoằng pháp T.Ư, Ban Văn hóa T.Ư và Ban Thông tin-Truyền thông T.Ư. Ban Trị sự GHPGVN 14 tỉnh, thành phố có PGNT Khmer sinh hoạt, đều cơ cấu chư tôn đức giáo phẩm PGNT Khmer từ cương vị chứng minh cho đến Trưởng ban, Phó Trưởng ban Trị sự phụ trách chuyên ngành, các vị Ủy viên Thường trực và Ủy viên Ban Trị sự. Cũng tại các tỉnh, thành này, Ban Trị sự GHPGVN đã bổ nhiệm 100% trụ trì và Ban Quản trị các chùa PGNT Khmer. Hầu hết các vị trụ trì và Ban Quản trị các chùa đều hoạt động theo Hiến chương GHPGVN và chính sách pháp luật của Nhà nước; đã trao 462 con dấu chùa các địa phương.

Ở lĩnh vực giáo dục, theo HT.Đào Như, Ủy viên Thư ký HĐTS, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.Cần Thơ, việc Giáo hội ghi nhận ý kiến và hỗ trợ kinh phí xây dựng Học viện PGNT Khmer tại TP.Cần Thơ giai đoạn 1, thông qua Ban Chỉ đạo xây dựng, có ra thông báo vận động Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh thành ủng hộ kinh phí xây dựng là một bước tiến giúp cho sinh hoạt của hệ phái bước lên tầm cao mới, đào tạo nên lực lượng kế thừa xứng đáng trong tương lai.

Cũng trong lĩnh vực này, TT.Thích Thiện Thống cho rằng, chương trình giảng dạy các cấp học của PGNT Khmer tương đối đồng bộ. Các lớp học Pali, Vini, các trường trung cấp, sơ cấp, Khmer ngữ và bổ túc văn hóa cấp 1, 2, 3; các lớp Anh văn, tin học cho chư Tăng PGNT Khmer và thanh thiếu niên đồng bào dân tộc Khmer tại nhiều tỉnh, thành được duy trì và đạt được nhiều kết quả. Mỗi năm học, có từ bốn đến sáu ngàn chư Tăng, thanh thiếu niên đồng bào dân tộc Khmer tham gia các lớp học.

“Không những thế, nhiều chư Tăng PGNT Khmer theo học các trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ngành Dân tộc-Tôn giáo Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh, Cao đẳng Anh văn, Cao đẳng Văn hóa Khmer Nam Bộ, Đại học Ngữ văn Khmer Nam Bộ, Đại học Luật, Đại học Công nghệ Thông tin, học các ngành báo chí, kế toán, du lịch và điêu khắc gỗ tại TP.HCM, Cần Thơ, Trà Vinh”, TT.Thích Thiện Thống bổ sung.

Trong khi đó, HT.Chau Pros, Ủy viên BTS GHPGVN tỉnh An Giang khẳng định nhờ sự quan tâm của Giáo hội và chính quyền các cấp, các sinh hoạt tôn giáo vào các ngày lễ, Tết theo phong tục cổ truyền với sinh khí vui tươi, phấn khởi, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc của người Khmer được phát huy. Nhờ vậy đã xây dựng được các thiết chế văn hóa, bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trong cộng đồng.

Những hỗ trợ về văn hóa, đời sống tinh thần có thể kể đến như: trùng tu, xây dựng chùa cảnh trang nghiêm đã được tiến hành tại một số cơ sở; biểu diễn văn hóa Phật giáo dân tộc như đua ghe ngo, trống Sa-dăm và nhạc Ngũ âm trong các lễ hội truyền thống Chool Chnăm Thmây, lễ Dol Ta, lễ Óc om Bóc; in kinh sách PGNT với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng; xây dựng và bổ nhiệm trụ trì chùa Khmer Nam Bộ trong Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc VN tại Hà Nội.

Tổng kết những hỗ trợ này, HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS cho rằng đó là những đóng góp tích cực, cầu thị của của hệ thống Giáo hội nhằm kiến tạo sự phát triển bền vững có chiều rộng lẫn chiều sâu của Hệ phái PGNT Khmer.

Những ưu tư đọng lại

Tuy vậy, trên bình diện chung, hoạt động Phật sự của Hệ phái PGNT Khmer cũng còn những bước đi chậm chạp so với tiềm năng, số lượng tín đồ và sự đầu tư của cả một hệ thống Giáo hội từ nhiều năm qua. Ở tầm nhìn rộng hơn, cuộc sống của đồng bào dân tộc Khmer dù có tiến bộ hơn nhưng đang đối diện với những khó khăn, xa dần các sinh hoạt văn hóa truyền thống, lãng quên tiếng nói, chữ viết của mình.

Nói về thực trạng này, trong phát biểu của mình, HT.Danh Lung, Ủy viên Thường trực HĐTS, Phó Chánh Văn phòng II TƯGH, Trưởng đoàn PGNT Khmer TP.HCM dự hội nghị cho biết nhiều nơi con em người Khmer từ 40 tuổi trở lại không biết hoặc một số ít biết nói tiếng Khmer nhưng không rành, không biết chữ Khmer, nhiều người không biết những nghi lễ, lễ hội của dân tộc. Về học phổ thông, rất nhiều con em chưa học hết bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông, nhiều con em còn trẻ thơ, hồn nhiên phải sớm đi theo cha mẹ lao động nơi xa quê hương, không nơi sinh hoạt văn hóa, không được học tập tiếng nói chữ viết, phong tục tập quán của cha ông tổ tiên để lại, còn nơi được học tập thì lại không được công nhận kết quả như những môn học khác…

Liên quan đến cơ sở thờ tự, HT.Danh Lung đưa ra một thông tin đáng quan tâm khi chia sẻ từ lúc thống nhất đất nước, thống nhất Giáo hội đến nay, chùa Khmer được xây mới đếm chưa đầy ngón tay, còn nhiều nơi mỗi nơi có hàng trăm hộ người Khmer có nhu cầu sinh hoạt, như các tỉnh miền Đông Nam Bộ và một số tỉnh miền Tây còn thiếu chùa để sinh hoạt, ở những nơi đã có chùa bị tàn phá bởi chiến tranh, bị thu hồi, đã nhiều năm xin phục hồi cũng chưa được giải quyết.

H2.JPG


Chư Tăng PGNT Khmer dự Hội nghị - Ảnh: Bảo Thiên

Ở khía cạnh giáo dục, theo TT.Sơn Ngọc Huynh, Ủy viên HĐTS, Phó Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Long khẳng định sự ra đời của Học viện PGNT Khmer đã làm nức lòng giới chư Tăng và Phật tử Khmer nói chung nhưng hiện tại, Học viện vẫn còn đặt ở cơ sở tạm tại chùa Pôthisomrôn (TP.Cần Thơ). Chính vì lẽ đó mà chất lượng đào tạo của Học viện còn khá thấp so với mặt bằng chung, chương trình giảng dạy chưa chuẩn, chưa đáp ứng nhu cầu tu học của sư sãi và dù đi vào hoạt động từ năm 2007 nhưng số lượng Tăng sinh còn ít, khóa I có 69 Tăng sinh, khóa II có 23 Tăng sinh và hiện tại đang đào tạo khóa III với 16 Tăng sinh.

Nghiêm trọng hơn, theo Thiếu tướng Nguyễn Minh Kha, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh - Bộ Công an, đang xuất hiện một số hội, nhóm trong sư sãi trẻ hình thành tự phát, không hợp pháp, dựa vào lý do “Bảo tồn văn hóa dân tộc, giúp đỡ chùa chiền, sư sãi gặp khó khăn, thực hiện lễ nghi tôn giáo” nhưng thực chất không thông qua Ban Trị sự và Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước các cấp, gây khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan chức năng, tạo sự bất ổn trong việc đảm bảo an ninh và phát triển chung.

“Đáng chú ý, một số phần tử xấu trong các hội nhóm này, thường xuyên lợi dụng các vụ việc phức tạp trong đồng bào Khmer để kích động Phật tử chống đối chủ trương, xử lý của chính quyền (như vụ tranh chấp đất đai giữa chùa Mỹ Văn - Cầu Kè, Trà Vinh với hộ dân; vụ cải tạo ao Bà Om ở Trà Vinh…), sử dụng mạng xã hội để đăng tải thông tin xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước” - Thiếu tướng Nguyễn Minh Kha khẳng định tại Hội nghị.

Đó là những ưu tư có thật, cần sự quan tâm đúng mức và toàn diện của xã hội cũng như Giáo hội và các cơ quan hữu quan để sinh hoạt Phật giáo và đồng bào Khmer không bị bỏ lại sau lưng trước sự phát triển của cả nước.

>>
Những đúc kết từ Hội nghị PG Nam tông Khmer lần VII ||

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày