“Phật giáo Nam tông Khmer ổn định trong lòng Giáo hội”

GN - Phật giáo Nam tông (PGNT) Khmer là một bộ phận không thể tách rời trong sinh hoạt chung của Tăng Ni, Phật tử cảớc. Trong nhiều năm qua, thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Nhà nước và Giáo hội, PGNT Khmer được hỗ trợ nhiều mặt để dần ổn định và tạo đà phát triển nhằm duy trì các giá trị văn hóa, tôn giáo gắn liền với hơi thở và cuộc sống người đồng bào Khmer.
htduongnhon.gif

HT.Dương Nhơn

Nhân Hội nghị chuyên đề PGNT Khmer lần VII sẽ được tổ chức tại tỉnh Hậu Giang, trả lời phỏng vấn với phóng viên Giác Ngộ, HT.Dương Nhơn, Phó Pháp chủ HĐCM, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, vị giáo phẩm tiêu biểu của hệ phái đã cho biết:

- Theo báo cáo tổng kết vào cuối năm 2015 của Trung ương Giáo hội, cả nước có khoảng 450 ngôi chùa với gần 8.700 chư Tăng, các vị chức sắc, chức việc thuộc PGNT Khmer. Phần lớn chư Tăng, sư sãi, tín đồ thuộc hệ phái Nam tông Khmer nằm tập trung ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có nét sinh hoạt thuần nhất và gắn bó mật thiết với nhau dù địa hình trải dài ra nhiều tỉnh.

Sau 35 năm sinh hoạt trong lòng Giáo hội, PGNT có những bước hòa mình vào các Phật sự chung, thể hiện sự ổn định và phát triển nhất định khi tập trung vào việc chăm lo công tác đào tạo Tăng tài, củng cố tổ chức Phật giáo địa phương theo đường hướng, tôn chỉ, mục đích của Giáo hội; tham gia thực hiện công tác từ thiện xã hội, chương trình xóa đói giảm nghèo, công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục và tích cực góp phần xây dựng nông thôn mới nhằm phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, tại nhiều tỉnh có đông sư sãi và tín đồ Phật giáo người Khmer, thông qua sự giúp sức của Giáo hội và chính quyền các cấp, đã hình thành nên “Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước” sinh hoạt trong ngôi nhà chung của Giáo hội. Phần lớn các vị trong Ban Chấp hành Hội là Ủy viên trong Ban Trị sự Giáo hội cấp tỉnh thành. Riêng một số vị tôn túc uy tín đều có chức trách trong Trung ương Giáo hội.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tổ chức Hội ở hầu hết các tỉnh ngày càng hoàn thiện về mặt nhân sự, phối hợp tốt với các cơ quan, ban ngành trong việc chỉ đạo chi hội cấp dưới tham gia tổ chức vận động tuyên truyền về chủ trương, chính sách lớn của Giáo hội và đất nước; tập hợp, đoàn kết sư sãi, động viên, giáo dục tín đồ tích cực sản xuất, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc về tiếng nói, chữ viết, lễ hội, phong tục tập quán, nghi lễ tôn giáo.

* Hòa thượng vừa nói về sự hỗ trợ của Giáo hội và Nhà nước trong sinh hoạt của hệ phái. Vậy kết quả của những hỗ trợ đó được biểu hiện như thế nào?

- Phải nhìn nhận rằng, các cấp Giáo hội và các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương đã thể hiện sự quan tâm hết mực đối với sinh hoạt của PGNT Khmer, đối với đời sống và sự phát triển của đồng dân tộc Khmer. Biểu hiện rất rõ là cứ đều đặn 2 năm một lần đều có một hội nghị chuyên đề dành riêng cho hệ phái để đánh giá toàn bộ các sinh hoạt của hệ phái, ghi nhận những ý kiến đóng góp và đề nghị của chư tôn đức hệ phái đối với các hoạt động của hệ phái. Mỗi hội nghị là một diễn đàn với các phát biểu chân tình, thẳng thắn và cởi mở để định hướng sinh hoạt PGNT Khmer ngày một tốt hơn.

Riêng trong công tác giáo dục, vì là một lĩnh vực đặc thù nên chương trình đào tạo dành cho hệ phái luôn nhận sự hỗ trợ, quan tâm từ Trung ương Giáo hội, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Dân tộc Trung ương và Ủy ban MTTQVN các cấp. Hiện tại, hệ thống trường Trung cấp Pali Nam Bộ; các lớp Vini, Pali trung cấp, Khmer ngữ và bổ túc văn hóa dành cho chư Tăng và thanh niên Khmer được mở rộng khắp và được đầu tư nâng cấp nhằm phát triển, bảo tồn tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình. Theo đó, mỗi năm có hàng chục ngàn vị sư, con em người Khmer theo học Pali - Vini cũng như các chương trình giáo dục khác. Ngoài ra, hàng trăm chư Tăng người Khmer đã được tạo điều kiện tốt nhất để du học hoặc tham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài.

Song song đó là các hỗ trợ về trang thiết bị văn phòng, in ấn kinh sách cho việc tu học, sinh hoạt tâm linh tại các điểm chùa; phát triển đời sống văn hóa thông qua việc bảo tồn các lễ hội Phật giáo và lễ hội truyền thống người Khmer; giúp đỡ cả về mặt kinh tế và ổn định đời sống vật chất.

Nhìn chung, thông qua sự giúp sức và hỗ trợ trên mà sinh hoạt hệ phái dần ổn định và phát triển trong lòng Giáo hội, đời sống tinh thần và vật chất của đồng bào người Khmer ngày một thay đổi theo chiều hướng tích cực, tạo nên diện mạo mới trong các phum sóc, xóm làng nơi miền Tây Nam Bộ.

* Có nội dung gì cần điều chỉnh trong các hỗ trợ đó không, bạch Hòa thượng?

- Vấn đề quan tâm của hầu hết chư Tăng, quý sư sãi và đồng bào Khmer hiện tại là mong muốn sớm nhìn thấy cơ sở của Học viện PGNT Khmer được hiện hữu khang trang, phục vụ nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong giới sư sãi làm lực lượng kế thừa để tiếp tục bảo tồn các giá trị tâm linh truyền thống.

Vừa qua, đoàn công tác của Trung ương Giáo hội liên tục có các buổi tiếp xúc làm việc với các cấp chính quyền TP.Cần Thơ và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về việc xây dựng Học viện. Ngoài ra, Trung ương Giáo hội cũng thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Học viện - giai đoạn 1 do HT.Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, Trưởng ban Tăng sự T.Ư làm Trưởng ban đã tạo niềm tin lớn rằng việc xây dựng Học viện sẽ có những hướng đi tích cực và khả thi.

* Từ lâu, ngôi chùa vẫn được xem trung tâm sinh hoạt cộng đồng của người Khmer, vậy trước những đi thay chung, đời sống tâm linh và sự gắn bó đó hiện tại thế nào?

- Đa số bà con dân tộc Khmer đều theo đạo Phật, chỉ một số ít theo đạo khác; mọi sinh hoạt đời sống, văn hóa, tín ngưỡng đều gắn liền với PGNT Khmer, nên vai trò của chùa trong đó có sư trụ trì, ảnh hưởng rất lớn đối với bà con tín đồ Phật tử ở từng địa bàn, phạm vi của từng ngôi chùa. Vào các ngày mùng 8, rằm, 23 và 29 (nếu tháng thiếu - PV) hoặc 30 ÂL (nếu tháng đủ - PV) hàng tháng, quý Phật tử người Khmer đến chùa tu học rất đông. Nội dung được quý sư truyền trao 8 giới, tụng kinh cầu nguyện quốc thới dân an, nghe giảng Phật pháp để ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày.

Ngày nay ngôi chùa vẫn là nơi phát tích các sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng người Khmer. Không những thế, trong tình hình mới, nhờ những nỗ lực và sáng kiến chung mà hiện tại nhiều tỉnh đã dần xây dựng các điểm sinh hoạt văn hóa của người Khmer gắn với ngôi chùa. Điển hình như tại Sóc Trăng, có đến 65 tụ điểm văn hóa tại các điểm chùa trong tổng số 92 tự viện và 38 salatel (nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng - PV). Điều này càng tạo thêm sự gắn bó giữa đạo và đời.

PGNAm tong.jpg


Chư Tăng PG Nam tông Khmer - Ảnh: V.G

* Tại nhiều hội thảo có liên quan gần đây, lại xuất hiện những nghiên cứu cho thấy hiện tượng cải đạo, xa rời sinh hoạt Phật giáo truyền thống của một bộ phận người Khmer, Hòa thượng nhận định về vấn đề này thế nào?

- Đa số đồng bào dân tộc Khmer theo tín ngưỡng Phật giáo lâu đời. Sở dĩ ngày nay có một số người cải đạo là do hoàn cảnh khó khăn, gia đình nghèo nên bị các đạo khác dùng vật chất mua chuộc. Đây là một thực tế cần có sự quan tâm, xem xét hết sức nghiêm túc và tường tận.

* Vậy biện pháp của chúng ta là gì, bạch Hòa thượng?

Để tránh tình trạng trên, chư Tăng và quý sư sãi PGNT Khmer cần phát huy hiệu quả trong các công tác Phật sự, liên tục trau dồi kiến thức, đạo hạnh để làm đúng với vai trò, chức năng là người hướng dẫn đời sống tâm linh của cộng đồng tại mỗi điểm chùa, phum sóc.

Các cấp Giáo hội cần tiếp tục thể hiện sự quan tâm sâu sắc, vận động các nguồn hỗ trợ về kinh tế, đời sống vật chất để thực hiện các chương trình giúp bà con vượt khó, tham gia lao động, sản xuất và phát triển một cách bền vững, ổn định, lâu dài.

* Chân thành cảm ơn Hòa thượng!

Bảo Thiên - Định Hương
thực hiện

Hôm nay, 7-9, diễn ra Hội nghị chuyên đề PGNT Khmer lần VII

Trong hai ngày, 7 và 8-9, tại Hậu Giang, Ban Thường trực HĐTS GHPGVN sẽ kết hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị chuyên đề PGNT Khmer lần thứ VII với sự tham dự của 250 đại biểu gồm: Ban Thường trực HĐTS, Văn phòng II TƯGH, đại biểu PGNT Khmer, Ban Thường trực BTS GHPGVN các tỉnh, thành có PGNT Khmer sinh hoạt, đại diện PGNT Kinh; Ban Tôn giáo Chính phủ; đại diện các cơ quan bộ, ngành Trung ương và địa phương; đại biểu Sở Nội vụ - Ban Tôn giáo, Ban Dân tộc các tỉnh, thành có PGNT Khmer sinh hoạt.

Với chủ đề “Phật giáo Nam tông Khmer ổn định và phát triển”, Hội nghị sẽ tập trung đánh giá những hỗ trợ của Giáo hội và các cơ quan hữu quan nhằm giúp cho PGNT hòa nhịp với sinh hoạt Giáo hội. Đồng thời đây cũng là dịp lắng nghe các ý kiến đóng góp và đề nghị của của chư tôn đức giáo phẩm từ hệ phái.

PV Giác Ngộ đang có mặt tại Hội nghị, sẽ cập nhật các diễn biến tại đây đến bạn đọc trong thời gian sớm nhất...

B.T

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày