Phật sự luôn chờ giới trẻ góp sức

Được trao tấm bằng cử nhân Phật học là kết quả của quá trình học, để rồi từ đây quý thầy, sư cô cử nhân có phương tiện dấn thân cho lý tưởng của mình! - Ảnh: ĐÌNH LONG
Được trao tấm bằng cử nhân Phật học là kết quả của quá trình học, để rồi từ đây quý thầy, sư cô cử nhân có phương tiện dấn thân cho lý tưởng của mình! - Ảnh: ĐÌNH LONG
Niềm vui tốt nghiệp chưa trọn vẹn thì những suy tư về cánh cửa phía trước đã xuất hiện trong suy nghĩ của những “tân cử nhân”. Tạm biệt ghế nhà trường với cái bằng cử nhân thì phải làm gì để gọi là báo tứ trọng ân đây?

Ai cũng suy tư và trăn trở, không ít thì nhiều thoáng hiện những suy tư về một trọng trách nữa lại đè nặng trên đôi vai bé bỏng của những con người còn quá trẻ cả tuổi đời lẫn tuổi đạo.

Mới hôm nào đây, niềm say mê khi ngày hai buổi đến trường, lập cập ê a với những câu chào bằng tiếng Hoa, tiếng Pali, Sanskrit..., những bỡ ngỡ còn đâu đó với cái nhìn xa lạ từ những bạn bè đến thể chế học tập, những vị giáo thọ tiến sĩ trao đổi về kinh nghiệm học tập và những Thánh tích nơi đất Phật mà mình đã từng chiêm bái. Niềm háo hức khi được vinh dự ngồi vào chiếc ghế giảng đường Học viện, ôi sung sướng và tự hào làm sao khi có ai hỏi: “Thầy/cô học gì?”. Không cần suy nghĩ, vụt miệng trả lời ngay “Nay sư học đại học Phật giáo ấy!”. Thế mà nay, những dòng cảm xúc ấy hầu như chựng lại khi trên tay cầm một tấm bảng đỏ với dòng chữ “Cử nhân Phật học”. Và kể từ đây phải làm gì khi tương lai phía trước còn dài... Du học? Về quê làm Phật sự...? Những câu hỏi đặt ra khiến các tân cử nhân như muốn vỡ óc! Một thoáng suy tư vụt qua đi, lấy lại bình tĩnh và chọn ra cho mình một con đường đúng nhất, phải làm một cái gì đó để gọi là đền ơn giáo dưỡng.

Con đường phía trước còn đầy dẫy những cam go. Chắc chắn mọi khó khăn kia cũng chỉ là thử thách mà thôi, bởi lẽ, cái danh từ “cử nhân” đã phần nào trang bị cho người học một nền tảng kiến thức vừa thực tế lại vừa hàn lâm, hy vọng các bạn sẽ vững vàng hoàn thành trọng trách mà “cử nhân” giao phó.

Mình thì cũng không khác gì huynh đệ, chưa kịp “cử nhân” thì cũng đã đôi phen leo trèo lên bục giảng. Diễm phúc khi Học viện cho phép thành lập nhiều câu lạc bộ, bên cạnh đó một nhóm sinh viên cùng với thầy Thích Phước Huệ đã thành lập nên Câu lạc bộ Hoằng Pháp Trẻ.

Nhắc đến đây, mình chỉ muốn chia sẻ với huynh đệ rằng địa hạt tâm thức của chúng mình đã được gieo trồng bởi những hạt giống Phật rồi. Nhớ lần đi đảnh lễ Hòa thượng Thích Trí Quảng nhân Ngày Nhà giáo, Hòa thượng có nói: “Tôi lúc trước khi còn làm Sa di, nhưng có khiếu và chút kiến thức, nên đã từng mượn cái “hậu vàng” của quý thầy Tỳ kheo để thăng tòa thuyết pháp”. Vậy quý huynh đệ còn ngại gì khi nay mình đã học, đã phần nào hòa mình trong biển Phật pháp rồi, việc dấn thân không còn là nặng nề nữa, mà đó là việc mà cả thảy chúng ta cần làm và nên làm. Phật pháp bao giờ cũng thỏa mãn nhu cầu tri thức của xã hội, chúng sanh đang khát khao nguồn giáo pháp của Phật, chỉ có điều người truyền giảng Phật pháp có chịu dấn thân hay không mà thôi. Mình nghĩ, dầu hình thức nào, dầu bất cứ nơi đâu, công việc Phật sự vẫn luôn chờ giới trẻ chúng ta góp sức. Chúng ta không nên thấy thỏa mãn để rồi tự hào với cái “cử nhân” mà mình có, mà hãy thấy rằng đó là giai đoạn mà chúng ta đã đi qua mà thôi. Hãy mạnh dạn lên, hãy năng động lên, hãy hết lòng dấn thân vì một thế giới an bình trong tương lai, huynh đệ ạ!

Chắp tay nguyện cầu cho nhân loại luôn thấm nhuần Phật lý và tuổi trẻ huynh đệ chúng ta luôn là những cánh én góp phần tạo nên mùa xuân. Mùa xuân của đất trời, mùa xuân của Giáo hội Phật giáo Việt Nam .

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.

Thông tin hàng ngày