GN - Vào mỗi Chủ nhật, một nhóm nhỏ cư dân địa phương và du khách tập trung tại tòa nhà số 37 đường Ohio, thành phố Athens (Hy Lạp) để thiền tập và nghiên cứu Phật giáo.
Phát khởi một phong trào
Trung tâm Thiền Athens KTC có lẽ là thiền đường duy nhất thực tập theo Phật giáo Tây Tạng tại Athens. Mặc dù vậy, bất cứ ai cũng đều có thể đến với các buổi tọa thiền hàng tuần cùng các buổi thiền trà, pháp đàm về văn hóa và tìm hiểu lời dạy của Đức Phật.
Mỗi tháng, vào 3 ngày Chủ nhật, trung tâm cũng tổ chức các buổi pháp đàm với sự hướng dẫn của Thầy Tom Broadwater - cựu Giám đốc Tổ chức Dịch vụ Trẻ em ở Guernsey County, đến từ thành phố Zanesville. Các thiền sinh cũng nhận được sự hướng dẫn của Lama Kathy Wesley - vị hướng dẫn thường trú tại Columbus.
Thầy Broadwater tại Trung tâm Thiền Athens
Trong ngày tu học vừa diễn ra vào giữa tháng 1-2016, Sue Erlewine - vị hướng dẫn của Trung tâm Thiền Athens KTC - kể lại sự khởi đầu của nhóm với các buổi thiền tập trong phòng khách của cô khoảng 10 năm trước. Cô nói chuyện với phóng viên tại khu thờ cúng mà cô và chồng lập ra tại tư gia trên đường Maplewood Drive.
Hiện tại, Trung tâm Thiền Athens KTC thu hút gần 40 thiền sinh thực hành vào mỗi Chủ nhật (truyền thống này bắt đầu khoảng 8 năm trước).
Theo thầy Tom Broadwater - Giám đốc Athens KTC - Chủ nhật vừa qua, số người đến sinh hoạt thường xuyên tăng lên khoảng 75 người. Thầy cho biết, trong 10 năm qua, số lượng thiền sinh tại Athens KTC tăng lên 3 lần.
Broadwater cẩn thận lưu ý rằng ai cũng có thể đến với các buổi thiền tập miễn phí. Theo thầy, họ không nhất thiết phải là người quan tâm đến Phật giáo, bởi những giờ đầu tiên của các khóa thiền, thiền sinh chỉ tập trung vào các bài tập cơ bản của thiền định (trọng tâm là hơi thở và kiểm soát tâm trí).
Sue Erlewine cho biết các thành viên sáng lập Athens KTC cũng đã giúp xây dựng một nhóm nghiên cứu chú trọng về Phật học, tương tự tại Đại học Ohio vài năm trước đây.
"Có rất nhiều người đã đến và sau khi nhận được những gì họ cần (thông qua các buổi thiền tập) đã tiếp tục hòa vào cuộc sống xã hội vui tươi hơn”, Broadwater nói. “Điều này là hoàn toàn hợp lý. Khi những người bị khủng hoảng tinh thần đến và nhận được một điều gì đó từ thiền tập hoặc từ lời dạy của Đức Phật, họ trở về với cuộc sống hàng ngày của mình”.
Broadwater giải thích, trường phái thiền Karma Kagyu mà trung tâm đang áp dụng là một trong những dòng thiền phổ biến của Phật giáo Tây Tạng.
Broadwater tiếp nhận pháp hành này từ một nhà sư 92 tuổi, pháp danh Khenpo Karthar Rinpoche. Sinh năm 1924, ngài Khenpo Karthar Rinpoche là một trong số ít các nhà sư còn sống đã theo học trực tiếp ở Tây Tạng về các truyền thống Phật giáo. Từ năm 1958, ngài rời Tây Tạng và nay đã định cư tại Mỹ, trụ trì tu viện Karma Triyana Dharmachakra ở Woodstock, New York. Tu viện thường xuyên đón tiếp Đức Gyalwa Karmapa đời thứ 17, vị lãnh đạo tinh thần của dòng truyền thừa Karma Kagyu.
Ngài Khenpo đã viếng thăm Athens vài lần. Broadwater kể rằng, bất chấp tuổi tác, ngài không hề cho thấy dấu hiệu ngưng chậm trong việc giảng dạy cũng như đi lại.
Sự chuyển hướng
Khi còn là cư sĩ, trong cuộc sống thường ngày, Broadwater đã sinh hoạt rất giống với một tu sĩ Phật giáo. Broadwater mặc một chiếc áo lễ màu trắng, mà theo thầy, nó biểu thị tính chất “cư sĩ”, chứ không phải là chiếc áo cà-sa màu đỏ của một tu sĩ.
Broadwater hướng về Phật giáo khá muộn, không như nhiều tu sĩ Phật giáo khác. Thầy cho biết mình quyết định trở thành nhà sư sau một cuộc “khủng hoảng tuổi trung niên”. Thầy đã tìm đến với tôn giáo và tâm linh, rồi có nhân duyên gặp ngài Khenpo thuyết giảng ở Columbus và quyết định dự một khóa tu dài ba năm với vị giáo thọ này ở New York. Broadwater thừa nhận rằng việc đó rất khó khăn.
“Bạn phải quen với sự khổ hạnh, phải xoay xở với bất cứ vật dụng hoặc hành lý nào mang theo”, Broadwater kể lại.
Theo Broadwater, thầy chỉ là một trong 50 cư sĩ, tu sĩ Phật giáo đã trải qua 3 năm nhập thất với ngài Khenpo trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Hiện tại, Broadwater thường xuyên hướng dẫn thiền ở Athens, Columbus, Chillicothe và với các tử tù.
“Tại nhà tù, chúng tôi làm việc với hai nhóm. Một nhóm là tù nhân thường và một nhóm đối diện với án tử hình. Những gì tôi biết được trong thời gian làm việc ở đó là ngoài những hành vi tồi tệ nhất mà tù nhân đã phạm phải thì họ vẫn còn nhiều thứ tốt đẹp hơn. Qua đó cho thấy, con người có thể thay đổi và giải cứu bản thân ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn của tù tội”.
Cũng theo Broadwater, thành phố Columbus có một số lượng đáng kể các nhóm Phật tử thường xuyên sinh hoạt và thiền tập Phật giáo.
Stephen Kropf - một vị hướng dẫn thiền khác tại Trung tâm Thiền Athens KTC - cho hay có một “sức cuốn hút kỳ lạ” khi nói đến việc nhóm muốn truyền bá thông điệp của Đức Phật ở Athens cho những người có thể quan tâm đến giáo lý Phật giáo.
Kropf khẳng định các thành viên ở Trung tâm đều là những người “hiếu khách”. Kropf và vợ của ông, Kathy, đều nói rằng việc tìm về đạo Phật và quy y đã có một tác động lớn đến cuộc sống hàng ngày của họ, đặc biệt là kiểm soát và làm dịu tâm trí.
“Chúng ta lái xe trên đường cao tốc và bị cắt ngang bởi một người phụ nữ hoàn toàn không được thông báo. Thế là bạn lập tức rồ ga lên, điều đó không tốt cho bạn nhưng nó vẫn thường diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Đạo Phật dạy bạn phải kiên nhẫn kiểu như không nản lòng khi xếp hàng lúc đi mua sắm vậy”, Kathy Kropf nói.
Sơn thoại - Anh Thư (theo The Athens News)