Quán cháo trắng của Giới Sân (kỳ 12)

Quán cháo trắng của Giới Sân (kỳ 12)
Lần đầu, tiểu nhìn thấy thí chủ họ Khúc, khi đó ông đang ở trong nhóm khách hành hương, mà đoàn khách này rất đặc biệt, nhiều người trong số họ cầm dụng cụ nhiếp ảnh trong tay. Họ là đoàn làm phim, quay ở gần chùa, đang gặp chút sự cố, chỉ còn cách dừng lại vài ngày, rảnh rỗi không có gì làm, nên họ đến chùa du ngoạn.

Sự buông bỏ của ông chủ họ Khúc

Lần đầu, tiểu nhìn thấy thí chủ họ Khúc, khi đó ông đang ở trong nhóm khách hành hương, mà đoàn khách này rất đặc biệt, nhiều người trong số họ cầm dụng cụ nhiếp ảnh trong tay. Họ là đoàn làm phim, quay ở gần chùa, đang gặp chút sự cố, chỉ còn cách dừng lại vài ngày, rảnh rỗi không có gì làm, nên họ đến chùa du ngoạn.

Khi lạy Phật, ông Khúc trông rất thành khẩn, tư thế và động tác đều nghiêm trang, có thể thấy ông thông hiểu Phật pháp, ngoài ra còn cạo đầu trọc giống như các tiểu nữa. Sư phụ Trí Hằng nhân dịp này giáo huấn mấy chú chóp sợ việc cạo đầu hàng tháng rằng: Mấy đứa là hàng xuất gia lại không thành khẩn như hàng Phật tử tại gia, ngày thường tìm mấy đứa cạo đầu cứ trốn tới trốn lui, còn lạy Phật thì nghiêng bên này ngả bên nọ.

Chúng tôi biết trong nhóm nghệ sĩ có không ít người quy y Tam Bảo, lòng rất cảm khái, có lẽ vì họ đóng quá nhiều vai diễn nên cảm nhận được luật vô thường, nhân quả của Phật giáo.

Buổi chiều, sư phụ Trí Hằng nghe mấy đồng nghiệp ông Khúc nói, vì ông Khúc bị đầu hói nên cạo đầu cho dễ coi! Do việc này, Giới Sân có ấn tượng sâu sắc với ông Khúc.

Lần thứ hai ông Khúc đến chùa là vào mùa xuân năm ngoái. Lần này Giới Sân thấy ông ta sao lặng lẽ quá, hình như có tâm sự gì đó.

Ông ngồi trước mặt sư phụ Trí Duyên, sư phụ bảo ông hãy giãi bày tâm sự của mình. Ông nói, ông là một đạo diễn, nhưng không nổi danh lắm, nên luôn muốn đạo diễn một bộ phim hay. Năm trước, cơ hội chợt đến dồn dập, một lúc có đến hai hãng phim cùng muốn hợp tác, ông phải nhận lời một phía. Đối tác của ông là một nữ tiến sĩ, xem ra cũng không đến nỗi nào.

Tuy từ chối đạo diễn cho bộ phim kia, nhưng ông nghĩ là mình chọn lựa chính xác. Trên cuộc đời tuy có nhiều người thấy lợi quên ân nhưng ông vẫn giữ vững nguyên tắc của mình.

Có điều, sự tình lại thay đổi. Hôm ký hợp đồng, nữ tiến sĩ bảo quên đem cái mộc, yêu cầu được đem văn kiện về để đóng dấu. Qua vài ngày, ông Khúc thúc hối đối tác ký ước, nữ tiến sĩ không tiếp điện thoại. Ông Khúc sai người hỏi thăm, hóa ra cô ta đã ký hợp đồng với người khác.

Những đợi chờ chỉ là con số không, cơ hội hiếm có cũng đã lỡ dịp. Thời gian đó, ông Khúc tâm tình trống rỗng, có lúc uống rượu để tìm quên, uống say lại gọi điện mắng chửi nữ tiến sĩ. Đầu dây bên kia có khi không tiếp, có khi nghe mà không nói.

Ông Khúc muốn hỏi sư phụ Trí Duyên rằng, chúng ta có nên giữ nguyên tắc? Và liệu người sống tốt có chắc là sẽ có quả báo tốt hay không?

Sư phụ Trí Duyên trả lời: Có vài việc, nếu như không thể thay đổi thì nên buông bỏ!

Ông Khúc nói: Con đã thử buông bỏ, nhưng cuối cùng lại không thể làm được!

Sư phụ Trí Duyên dẫn ông ra ngoài phòng, chỉ lên đỉnh núi Mao Sơn, nói: Chú hãy leo lên đỉnh núi này, những nghi ngờ của chú sẽ được giãi bày.

Ông Khúc bước về phía trước, chực leo lên đỉnh núi, chợt sư phụ Trí Duyên cản lại, chỉ vào lư hương trong chùa, bảo: Chú hãy vác cái lư hương này lên luôn!

Chiếc lư hương đó rất to, lại được chế tạo bằng đồng, không thể nào dời đi được. Ông Khúc ngơ ngác, đứng trước lư hương, dùng hết sức để dời nó, song lư hương vẫn không động đậy, muốn đem nó lên núi là việc không thể.

Sư phụ cười, nói với ông Khúc: Thật ra, mục tiêu của chú là leo lên núi, không mang theo chiếc lư hương cũng được!

Chiều đó, ông Khúc đứng trước lư hương rất lâu, cuối cùng ông thở dài và cười, cầm chiếc điện thoại gởi tin nhắn cho nữ tiến sĩ, rồi tạm biệt chùa xuống núi.

Có dạo, Giới Sân lại gặp ông Khúc. Lần này ông đội cái mũ, Giới Sân không biết tóc ông đã mọc ra nhiều chưa, nhưng nhìn ra tâm tình của ông đã tốt hơn lúc trước. Đồng nghiệp của ông nói, không lâu trước đó ông đã lãnh được tiền thưởng.

Ông Khúc nhìn Giới Sân cười một cách đắc ý. Giới Sân hỏi xem chuyện lần trước diễn ra như thế nào? Ông Khúc bảo, lúc đó ông gởi tin nhắn cho nữ tiến sĩ, nói: “Tôi không ghét cô nữa, vì mục tiêu của tôi là leo lên đỉnh núi!”. Sau đó, ông bỏ số điện thoại của cô ta.

Chúng ta còn nhiều việc quan trọng để làm hơn là thù hận.

Tâm tùy duyên

Hai tiểu sư đệ Giới Trần và Giới Si rất ham chơi. Mấy chú hay đến Bình Hồ vui đùa, có khi còn kéo cả tiểu Giới Sân đi cùng, nhưng Giới Sân chỉ ngồi nhìn hai chú chơi chứ không tham dự.

Bên bờ Bình Hồ, hai chú đùa rất vui, lúc thì lội xuống chỗ nước cạn để té nước, lúc thì lượm đá trên bờ để ném lia thia, xem viên đá của ai lượn trên mặt nước bao nhiêu lần để tranh hơn thua, (người xuất gia mà còn tâm hơn thua thật là không nên chút nào!).

Nước hồ rất trong. Hồ có nhiều cá, nên có người còn thích ngồi trên bờ câu cá. Hai tiểu thấy họ câu cá, liền hướng mấy viên đá về phía đó, khiến cá sợ không dám cắn câu. Họ thấy vậy liền thở dài, vác cần câu về nhà.

Gần đây, ông Vương dọn nhà đến ở bên bờ Bình Hồ; gia đình ông gồm có ba thành viên, hai vợ chồng và một đứa con trai nhỏ. Chỗ chúng tôi chơi đùa tính ra cũng gần nhà ông, nên họ thường mở cửa sổ ra xem.

Cái kiểu vui vẻ của hai tiểu đã thu hút họ, khiến họ từ trong biệt thự đi ra. Người chồng nhìn chúng tôi rất lâu; vì ông nhìn thấy hai tiểu đùa giỡn nhiều ngày vẫn vui mà không biết chán, lấy làm lạ lùng, nên hỏi Giới Sân: Trò chơi đó có thật là vui hay không? Giới Sân gật đầu bảo, Bình Hồ thật là vui!

Không lâu sau, cạnh chỗ hai chú tiểu chơi đùa, chúng tôi nhìn thấy đứa nhỏ cũng bắt chước chơi trò ném đá, nhưng ném được vài viên, nó liền chán, không muốn ném nữa. Hai vợ chồng tìm đủ mọi cách để kiếm ra trò chơi mới cho đứa con trai nhỏ, nhưng cũng chỉ được vài lần, nó liền không thích. Vài ngày sau, gia đình đó không ra Bình Hồ chơi nữa.

Giới Sân hỏi sư phụ: Tại sao gia đình đó không tìm ra niềm vui bên Bình Hồ?

Sư phụ nói: Cách tìm niềm vui và tìm vật chất vốn không giống nhau. Nếu không có cái tâm tùy duyên, tùy hỷ mà bằng nhiều cách để đạt được niềm vui, thì niềm vui cũng không bền được. Người cố ý tìm kiếm lại cách niềm vui xa hơn. Người vô ý, thuận theo tự nhiên, ngược lại càng tiếp cận được nhiều niềm vui!

Giới Si, Giới Trần không ngừng chạy nhảy tứ tung, trò chơi nào cũng có thể cười vui sảng khoái, vì trong tâm hai chú đã có tâm tùy hỷ, tùy duyên.

Giới Sân ngồi bất động bên bờ hồ, xem mặt hồ nước dợn, đơn giản vậy thôi nhưng vẫn cứ cảm nhận được niềm vui, vì bên trong tiểu đã tiềm tàng tâm thanh tịnh.

Nhiều và ít, giàu và nghèo, động và tịnh… không có liên hệ gì với hạnh phúc, niềm vui. Nếu có được tâm tùy duyên, hài lòng, bất luận chúng ta ở đâu cũng đều có thể tìm được niềm vui, hạnh phúc. (Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày