Chúng ta có thể giàu hay nghèo về phương diện của cải vật chất hay phương diện tâm linh. Rõ ràng hai cụm từ này, “nghèo khó” và “thịnh vượng”, có những ngữ nghĩa khác nhau. Trước khi bàn đến những quan điểm của Phật giáo về sự nghèo khó và thịnh vượng, chúng ta cần biết chính xác về ý nghĩa của hai thuật ngữ này.
- “Sự nghèo khó (danh từ): Là điều kiện hoàn cảnh mà ở đấy nghèo nàn về phương diện tiền bạc, hàng hóa, hoặc các phương tiện vật chất; sự bần cùng; sự túng thiếu hoặc thiếu một vài thứ cụ thể nào đó; như là nghèo về ý tưởng, túng thiếu về những yếu tố hoặc những phẩm chất cần thiết; hay như là sự nghèo nàn của đất”(1).
- “Sự thịnh vượng (danh từ): Là trạng thái thịnh vượng; sự thành công trong bất kỳ sự nghiệp nào đó; vận may. (Thịnh vượng: [có triển vọng, may mắn] được diễn tả bởi sự may mắn; thành công; hưng thịnh hoặc phát đạt; giàu có)”(2).
Và đây là một định nghĩa khác về hai thuật ngữ trên từ một nguồn khác:
- “Sự nghèo khó (danh từ): 1. Trạng thái nghèo nàn, thiếu các phương tiện hỗ trợ cho những nhu cầu vật chất cần thiết hoặc những tiện nghi vật chất; 2. Sự túng thiếu về số lượng, sự hạn hẹp, như là sự nghèo nàn về vốn từ vựng; 3. Sự không phong phú, không màu mỡ, như là sự nghèo nàn của đất; 4. Sự từ bỏ quyền sở hữu tài sản riêng của một người thuộc về một tổ chức tôn giáo”(3).
- “Sự thịnh vượng (danh từ): Là điều kiện hoàn cảnh mà ở đấy người ta được thịnh vượng. (Thịnh vượng: 1. Được thành công, phát đạt; 2. Giàu có, sung túc; 3. Có triển vọng)”(4).
Có một vài ý nghĩa hơi khác biệt về hai thuật ngữ này giữa hai nguồn tài liệu đã được nêu ra. Tóm lại, hai thuật ngữ này có hai khía cạnh khác nhau về ý nghĩa, đó là của cải vật chất và vấn đề tâm linh. Rõ ràng khi chúng ta nói đến những quan điểm của Phật giáo về sự nghèo khó và sự thịnh vượng là chúng ta nhất định bàn đến cả hai khía cạnh khác nhau đó.
Theo Phật giáo Đại thừa, đối với của cải vật chất và vấn đề tâm linh, các hành giả phải xem trọng như nhau. Trong thời Phật còn tại thế, Ngài đã từng chỉ trích sự xa hoa vật chất. Ngài đã từ bỏ nỗi đau cùng cực của lối sống khổ hạnh ép xác, một lối sống làm trì hoãn sự thăng tiến tâm linh. Sau sáu năm đau khổ vì thực hành lối sống khổ hạnh, Sa môn Cồ Đàm nhận ra rằng sự giác ngộ không thể nào đạt được với một thân thể hoàn toàn suy kiệt. Thân thể khỏe mạnh là yếu tố quan trọng cho sự thăng tiến tâm linh. Do đó Ngài quyết định nuôi dưỡng thân thể bằng lối sống thanh đạm và ăn một số thức ăn đạm bạc, cả loại cứng lẫn loại mềm(5).
Để có được bức tranh thực về những quan điểm đối với sự nghèo khó và sự thịnh vượng trong Phật giáo, chúng ta nên xem xét đời sống của các hành giả, cuộc sống của người cư sĩ Phật tử và cuộc sống của người xuất gia - Tăng già, những người đã từ bỏ gia đình để tu hành. Đối với người cư sĩ, nếu bị nghèo thiếu về của cải vật chất hay các tiện nghi vật chất thì sẽ khổ đau. Rõ ràng, người nghèo thì thường đau khổ vì họ không có đủ thực phẩm và tiền bạc để trang trải cho những nhu cầu tối thiểu. Đây chỉ là một phần trong ý nghĩa của sự khổ đau trong đạo Phật mà thôi. Tuy nhiên, chúng ta không thể nào tách rời của cải vật chất và các vấn đề tâm linh để nói rằng chúng ta có thể có hạnh phúc. Chúng ta đau khổ không phải chỉ vì chúng ta không có đủ thực phẩm, tiền bạc, mà chúng ta không thể nào tránh được sự đau khổ còn vì bị già, bệnh, chết, vì phải chia lìa những người ta thương yêu, phải sống với những thứ hoặc những người ta ghét, vì không đạt được những gì ta mong muốn…
Dù sao đi nữa, nghèo là một khía cạnh của khổ đau. Làm thế nào để thoát ra sự khổ đau vì nghèo thiếu này? Nghèo có nghĩa là thiếu của cải vật chất. Nhưng khổ đau lại là một trạng thái cảm xúc, thuộc về vấn đề tinh thần. Dường như chúng ta không thể nào tách rời hai sự thật của cuộc sống này để được hạnh phúc. Có một luận đề khác lại nảy sinh ở đây. Chúng ta không thể nói rằng chúng ta hạnh phúc vì có nhiều tiền. Nếu có nhiều tiền là có hạnh phúc thì thái tử Tất Đạt Đa đã không từ bỏ hoàng cung để đi tìm con đường giải thoát, bởi Ngài rất dồi dào của cải vật chất và các tiện nghi khi sống trong hoàng cung.
Hơn nữa, chúng ta cũng không thể nói rằng cuộc đời chúng ta nghèo khó vì chúng ta không tin vào Thượng đế và Thượng đế phạt ta. Nghèo khó hay thịnh vượng là do ở những nghiệp nhân bất thiện và thiện của chúng ta. Theo truyền thống của đạo Phật, chúng ta tin rằng, đời này chúng ta nghèo khó vì trong những đời quá khứ chúng ta đã không bố thí, cúng dường. Trước khi bàn đến vấn đề bố thí, cúng dường, chúng ta cần phải bàn về thuyết Nghiệp báo.
Nghiệp báo được hiểu là một quy luật của tự nhiên, với quy luật này, chắc chắn mỗi người sẽ nhận lãnh những quả báo do chính các hành động mà họ đã làm, và bởi vì sự giàu có, tốt đẹp, là phần thưởng xứng đáng cho những hành động nhân đức, nên thịnh vượng là bằng chứng của sự đức hạnh. Và tất nhiên, hành vi được thúc đẩy bởi những động cơ hiền thiện thì cuối cùng sẽ được đáp thưởng bằng sự thịnh vượng(6).
Người học Phật còn tin rằng, luật nghiệp báo đảm bảo rằng những hành động vị tha chắc chắn sẽ được đền đáp và tất cả đều sẽ được đáp trả xứng đáng. Hơn nữa, theo quan điểm của Phật giáo Nguyên thủy, luật nghiệp báo là một quy luật kiến tạo hiện thực cuộc sống, cho nên những việc làm đúng theo lời Phật dạy và những việc làm trái với lời Phật dạy luôn có kết quả có thể dự đoán được về vị thế trong tương lai của một người ở trong thứ bậc của xã hội, nó tiếp nối hiện thực luân hồi sinh tử bình thường(7).
Ở đây, khái niệm Phật pháp (dhamma) đóng một vai trò rất quan trọng trong niềm tin của người Phật tử. Theo luật nghiệp báo, giàu và nghèo, như trong ví dụ đã đưa ra, là những hậu quả tương ứng với việc thực hành theo hay không thực hành theo những lời dạy trong giáo pháp của Phật. Nói một cách khái quát, giàu và nghèo được cho là sự phân bổ một cách công bằng dựa trên căn bản của sự thực tập giáo pháp ở trong các kiếp trước.
Bên cạnh việc tin rằng nghiệp báo là một quy luật tự nhiên, chúng ta có thể giải thích rằng, phần thưởng hay sự trách phạt của chúng ta được dựa trên khái niệm Duyên khởi. Đây là một giáo lý của đạo Phật nói về sự cộng sinh và phụ thuộc lẫn nhau, nó khẳng định rằng chất lượng cuộc sống của một xã hội là kết quả của đức hạnh bởi những thành viên trong xã hội ấy, và khi mỗi cá nhân tạo sự ảnh hưởng tốt hay xấu đến những người khác thì người tạo ra đó sẽ gặt hái những kết quả từ chính tất cả những ảnh hưởng ấy(8). Dường như khó để hiểu được giáo lý này và rất khó để giải thích cách mà luật nghiệp báo tác động vào cuộc sống của chúng ta. Tại vì trong đời này chúng ta tặng quà cho người nghèo và có thể đến đời sau chúng ta mới nhận được quả tốt. Chúng ta có thể được giàu sang. Không khó để giải thích một thứ mà chúng ta có thể làm và nhìn thấy ngay trong cuộc sống hàng ngày của mình. Ví dụ, khi chúng ta trồng một cây hoa hồng, nếu chúng ta chăm sóc tốt, tưới nước đầy đủ, đem đến cho cây những điều kiện tốt nhất cho sự sinh trưởng của nó thì cây hoa hồng ấy sẽ nở ra rất nhiều bông hoa hồng tươi đẹp. Nếu chúng ta có thể liên hệ việc trồng cây hoa hồng với thuyết duyên khởi thì những hành động của chúng ta có thể được hiểu như là nguyên nhân, và việc nở ra những bông hoa hồng có thể được hiểu như là kết quả. Ý nghĩa này có thể được nhìn thấy rõ ràng, nhưng luật nghiệp báo chi phối đến cuộc sống của chúng ta lại vẫn vượt ra ngoài sự nhìn nhận của đôi mắt trần tục.
Theo những người thuộc phái Nguyên thủy, luật nghiệp báo vận hành theo phương thức những hành động đúng theo giáo pháp của Phật thì luôn luôn đưa đến một địa vị cao hơn trong thứ bậc tồn tại của vũ trụ và xã hội, do vậy mà có được sự sở hữu và sự tận hưởng lớn hơn về số lượng trong sự giàu có về vật chất. Ngược lại, quy luật đáp trả của nghiệp báo đảm bảo chắc chắn rằng những hành động trái với những nguyên tắc đạo đức mà Đức Phật dạy sẽ dẫn đến địa vị thấp hơn trong thứ bậc tồn tại của vũ trụ và xã hội, vì thế mà sự đau khổ, nghèo khó và đói khát cũng nhiều hơn(9).
Để thoát ra khỏi sự nghèo khó, để được giàu có, chúng ta cần phải thực hành pháp bố thí, cúng dường. Khái niệm cúng dường, bố thí khẳng định rằng, số lượng của cải mà người ta sở hữu và sự phân phát của cải đó không liên quan về mặt đạo đức trong sự định hướng của người ta đối với của cải và cách mà họ sử dụng nó. Như tất cả chúng ta đều biết, những lợi ích của sự thực tập giáo pháp được xem là cho cộng đồng cũng như cho cá nhân. Đây là một trường hợp đặc biệt của sự cúng dường thuộc về tôn giáo. “Cúng dường chư Tăng là điều lành tối thượng nhất trong các việc bố thí, bởi vì việc làm ấy hỗ trợ về mặt vật chất cho sự truyền bá Chánh pháp. Niềm tin của người Phật tử đối với năng lực của Chánh pháp cho rằng, sự truyền bá Chánh pháp sẽ nâng cao đức hạnh của cộng đồng nói chung, và đem đến sự gia tăng tương ứng trong sự thịnh vượng về vật chất của cộng đồng. Như Retnolds đã viết: “Sự cúng dường trực tiếp đến chư Phật và chư Tăng được cho là điều quan trọng nhất trong việc duy trì Phật pháp ở trong xã hội và trong thế giới tự nhiên, và vì thế nó cũng có vai trò quan trọng trong việc duy trì hoặc phát triển của cải của xã hội"(10).
Đối với Đức Phật và chư Tăng, theo tôi nghĩ, họ không cần quá nhiều của cải vật chất. Những nhu cầu của họ rất căn bản và giản đơn. Theo truyền thống, có 4 thứ vật dụng căn bản mà một vị Tăng sĩ cần, đó là: ba y, một bình bát, túp lều để ở và thuốc men. “Một vị Tăng sĩ bằng lòng với một cái y đủ để bảo vệ thân thể, bằng lòng với thực phẩm khất thực được đủ để no bụng. Dù vị ấy du hành nơi đâu, vị ấy cũng chỉ mang theo y và bình bát. Ví như con chim với đôi cánh, dù nó bay đi đâu thì nó cũng bay với sức bật của đôi cánh của nó. (E.g,. A.II.209).
Thế thì tại sao người cư sĩ phải cúng dường Phật và chư Tăng quá nhiều tiền của, đất đai và vàng bạc…? Nếu người cư sĩ giàu có thì họ nên cho người nghèo khó, vì người nghèo cần sự giúp đỡ. Lợi ích của việc cúng dường đến Đức Phật, chư Tăng so với việc giúp đỡ những người bình thường có gì khác nhau? Chắc chắn là kết quả của hai việc làm đó sẽ khác nhau. Khi Đức Phật và chư Tăng nhận phẩm vật cúng dường của chúng ta, họ sử dụng chúng như là những phương tiện để truyền bá Chánh pháp. Chánh pháp được hiểu là con đường cao thượng mà Đức Phật đã tìm ra và chư Tăng có trách nhiệm truyền bá rộng rãi nhằm đem đến niềm an vui, hạnh phúc cho tất cả chúng sanh. Khi một người bình thường nhận những thứ mà chúng ta cho họ, họ không sử dụng chúng như Đức Phật và chư Tăng mà sử dụng để phục vụ những lợi ích cá nhân. Họ sẽ lại phải đau khổ nếu như họ không thực hành giáo pháp. Một bên thì vị kỷ còn một bên thì rộng lượng. Vì thế, cúng dường Đức Phật và chư Tăng tối thắng hơn nhiều so với việc giúp đỡ những người bình thường.
Đối với người bình thường, không có một ví dụ nào mà ở đó sự nghèo khó được khuyến khích. Ngược lại, nhiều đoạn kinh Pali khuyến khích người tại gia tìm kiếm và tích lũy tài sản một cách chân chính. Sự giàu có là một trong những thuận lợi hay thiện quả của thiện nghiệp(11). Thuật ngữ “sự nghèo khó” đôi khi bị hiểu sai lệch. Trong Phật giáo có những khái niệm tương tự với “sự nghèo khó”, đó là “ít ham muốn” và “biết vừa đủ”. Sự nghèo khó không bao giờ được khen ngợi hay khuyến khích trong đạo Phật. Đức Phật dạy rằng: “Nghèo khó là một sự đau khổ trong cuộc đời đối với người tại gia”. Ngài cũng đã từng dạy: “Buồn đau trong cuộc đời là nghèo khó và nợ nần”. (A.III.350, 352). Mặc dù chư Tăng nên ít ham muốn và biết vừa đủ, nhưng sự nghèo khó cũng không bao giờ được khuyến khích ngay cả đối với chư Tăng(12).
Việc sở hữu tài sản đối với một vị vua hay đối với một người trung lưu bình thường luôn được khen ngợi và khuyến khích trong kinh điển Pali. Hay nói cách khác, sự giàu có là thứ cần được tích lũy hoặc là theo đuổi. Trong những đệ tử tại gia của Đức Phật, có một vị nổi tiếng, giúp ích rất nhiều và thường được khen ngợi là một trong số những người giàu có nhất, đấy là trưởng giả Cấp Cô Độc. Đối với chư Tăng, mặc dầu họ không mưu cầu của cải, nhưng vị nào thường nhận của cúng dường thì được xem như là người có phẩm hạnh tốt. Hai vị Tăng có thể tương đương nhau về các phẩm hạnh và đạo đức, nhưng vị nào nhận được nhiều phẩm vật cúng dường hơn thì vị ấy được khen ngợi. Ngay Đức Phật cũng đã khen ngợi một vị Tỳ kheo nhận được sự cúng dường nhiều nhất trong hàng đệ tử của Ngài: “Người đứng đầu trong số những đệ tử được nhận phẩm vật cúng dường nhiều nhất ấy là Sivali”. (A.I.24).
Tuy nhiên, những lời nhận định trên cần phải được bổ sung và làm rõ thêm. Nội dung chính trong những đoạn văn ấy cho rằng, tự thân của cải không có gì đáng ca ngợi hay là lên án cả, mà quan trọng là ở cách người ta có được nó và sử dụng nó. Đối với các vị Tăng sĩ, như đã nói ở trên, không phải có nhiều của cải là bị lên án, và cũng không phải nghèo nàn là được khen ngợi. Điều đáng lên án ở đây là lòng tham muốn lợi lộc, sự keo kiệt, sự dính mắc, chấp thủ đối với lợi lộc và sự tích trữ của cải. Sự giàu có được chấp nhận nếu nó hữu ích trong việc thực tập con đường cao thượng hoặc đem đến lợi ích cho những người đồng tu trong Tăng đoàn. Sự thực hành đúng đắn là không sở hữu gì cả, ngoại trừ những vật dụng thiết yếu căn bản của cuộc sống. Ở đây, vấn đề không phải là giàu hay nghèo, thịnh vượng hay nghèo khó, mà là ít chăm chút đến bản thân, di chuyển dễ dàng, tinh thần biết vừa đủ và ít ham muốn, và tại vì cuộc sống của người tu sĩ phụ thuộc vào sự chu cấp vật thực của người khác, cho nên tu sĩ tự biết tiết chế, không gây khó khăn cho người hỗ trợ mình. Với tính lưu động cao và hầu như không lo lắng đến bản thân, các vị tu sĩ có thể dành tất cả thời gian và năng lượng của mình vào công việc, dù đấy là vì sự hoàn thiện cá nhân hay là vì sự tốt đẹp của xã hội(13).
Dù ở cấp độ thế gian, sự nghèo khó cũng là điều nên tránh. Vì người nghèo thì không có bất kỳ phương tiện gì để làm điều tốt cho bản thân và cho xã hội. Trong mười cách để làm điều tốt hoặc tạo phước thì khởi đầu là bố thí, cúng dường, nhưng trong đó cũng bao gồm cả nhân cách đạo đức, sự phát triển những phẩm chất tâm lý và trí tuệ, cử hành các nghi lễ, và giảng dạy giáo pháp. “Vì nghèo khó nên người ta có thể quá bận tâm với sự đấu tranh sinh tồn, do vậy mà không thể làm bất cứ điều gì cho sự hoàn thiện bản thân. Thậm chí họ có thể gây rắc rối cho xã hội và gây khó khăn cho người khác trong sự cố gắng hướng đến việc hoàn thiện bản thân họ. Nhưng khi những nhu cầu sống cơ bản được thỏa mãn, nếu một người có phẩm chất đạo đức tốt và nỗ lực phấn đấu thì không có gì có thể gây trở ngại cho họ trong sự hoàn thiện bản thân(14).
Theo truyền thống của Phật giáo, bố thí và cúng dường là một pháp tu để tạo phước. Pháp hành này đã được thực tập trong quá khứ và duy trì cho đến ngày nay ở nhiều quốc gia theo đạo Phật ở Đông Nam Á. Nếu chúng ta quá nghèo, làm sao chúng ta thực hành bố thí, cúng dường? Không cần phải bàn, chúng ta biết rằng pháp thí là cao quý hơn tất cả những quà tặng thuộc về của cải vật chất. Tuy nhiên, chúng ta tin rằng, đời này chúng ta nghèo khó là bởi vì chúng ta đã không biết bố thí, cúng dường trong những kiếp trước; chúng ta đã không cúng dường thực phẩm, y phục, nơi ở và thuốc men đến chư Tăng hoặc cho những người đang cần. Ta có xu hướng chấp nhận khái niệm này để giải thích tại sao đời này ta nghèo khó. Tôi không biết chính xác tôi là ai trong kiếp trước, nhưng có một điều chư Tổ đã dạy mà tôi luôn ghi nhớ và tin tưởng, rằng ta có thể nhìn vào những điều kiện sống trong kiếp hiện tại để đoán biết kiếp trước của ta, và có thể nhìn vào những gì chúng ta làm trong hiện tại để đoán biết được kiếp sống trong tương lai của mình.
Nếu tôi muốn được giàu có trong kiếp sau thì bây giờ tôi nên thực tập bố thí, cúng dường. Theo luật nghiệp báo thì kết quả tốt đẹp sẽ đến với tôi. Nhưng hiện tại tôi đang rất nghèo, tôi có quá ít của cải vật chất để cúng dường chư Tăng và bố thí cho người nghèo khổ. Phải chăng tôi sẽ ít hạnh phúc trong kiếp sau bởi vì kiếp này tôi ít cúng dường, bố thí? Nếu đấy là quy luật của nghiệp báo thì thật là bất công cho tôi. Có lẽ là tôi sẽ không bao giờ được giàu có. Trong lịch sử, chúng ta vẫn thấy nhiều ví dụ điển hình cho việc thực tập pháp hành này. Sự rộng lượng của trưởng giả Cấp Cô Độc và của vua A Dục được ngợi ca rất nhiều trong Phật giáo. Có phải đấy là sự thực hay chỉ là ý tưởng của chư Tăng, những người có thẩm quyền điều khiển niềm tin của tín đồ? Nếu thế thì thật là bất công cho tín đồ Phật tử. Tất cả chúng ta đều muốn không bị ràng buộc bởi công việc, tại vì làm việc để kiếm tiền là điều không dễ chịu tí nào. Vậy thì tại sao chúng ta lại đau khổ, mệt mỏi làm việc trong việc kiếm tiền để mua sắm các vật dụng rồi lại cúng dường chư Tăng để giúp họ không phải làm việc mà chuyên tâm hành thiền, rồi tận hưởng niềm hạnh phúc trong trạng thái thiền định?
Có một ví dụ rõ ràng về ý nghĩa này trong truyện tiền thân Đức Phật và nó trở thành một bài học đạo đức cho tất cả các hành giả, câu chuyện về sự cúng dường phẩm vật của Vesantara trong Jataka. Có điều gì đó không đúng lắm trong câu chuyện này. Để đạt được hạnh phúc của sự thành tựu, Vesantara đã bố thí tất cả những gì ngài có, thậm chí bố thí cả vợ và con. Có phải đấy là điều đau đớn cho vợ và con của ngài khi họ bị hành hạ hay bị giết hại chỉ vì hạnh phúc của ngài? Nếu trường hợp này xảy ra thì thật là bất công cho vợ và con ngài. Tôi không thể chấp nhận lối giải thích này. Điều này phải được hiểu theo một cách khác. Trong đạo Phật, từ bỏ những của cải vật chất mà chúng ta có là sự thực hành pháp tu không chấp trước. Chúng ta có thể có mọi thứ và chúng ta có thể cho đi mọi thứ, nhưng chúng ta không chấp trước vào những gì chúng ta có và những gì chúng ta đã cho đi. Nếu chúng ta có được thái độ này đối với của cải vật chất thì tôi tin rằng chúng ta thoát khỏi sự đau khổ trong vấn đề lệ thuộc vào vật chất.
Có một nhân vật nổi tiếng khác, đó là vua A Dục, một người đã để lại cho chúng ta một di sản tuyệt vời mà chúng ta có thể học hỏi và thực tập từ chính sách độ lượng của vua. Ngày nay vua A Dục nổi tiếng bởi những chỉ dụ và những lời khắc trên đá mà vua đã để lại ở rải rác nhiều nơi trên lãnh thổ Ấn Độ. Vua A Dục trở thành một mô hình mẫu cho tất cả các vị vua Phật tử ở khắp nơi. Theo truyện kể về vua A Dục, cho đến cuối đời thì vua đã xây dựng được 84.000 ngôi tháp thờ xá lợi Phật và tổ chức pháp hội lớn 5 năm một lần(15). Những ghi chép trong Mukhopadhyaya cho thấy rằng vua rất thành tâm: “Trong truyện kể về vua A Dục, vua đoán biết trước sự tham dự của đông đảo chư Tăng, nên vua chuẩn bị thực phẩm ngon tốt, thức uống, dầu thơm, vòng hoa, tiền bạc và quần áo để cúng dường họ. Chuẩn bị xong, vua leo lên thượng lâu của cung điện để tiến hành nghi thức thỉnh mời chư Tăng từ bốn phương đến tham dự lễ hội. Hầu như ngay lập tức 300.000 vị Tăng tụ hội và an trụ trước mặt đức vua. Khi mọi người đã vân tập đông đủ, vua đích thân tiến đến cúng dường tất cả các vị Tăng, từ các vị trưởng lão cho đến các chú tiểu, với tư cách là một người cư sĩ tại gia, và đích thân vua cúng dường y phục đến toàn thể chư Tăng. Rồi vua bày tỏ mong ước là muốn cúng dường 100.000 miếng vàng đến chư Tăng(16).”
Những sự cúng dường của Đại đế A Dục rất thượng diệu, không bao giờ có thể so sánh với bất kỳ một vị vua Phật tử nào trong lịch sử Phật giáo thế giới. Tuy nhiên, có một điều cần phải được xem xét lại. Có công bằng không khi vua dùng tiền và vàng mà vua thu gom từ người dân bằng hình thức thu thuế để cúng dường chư Tăng? Nếu như thế là công bằng thì thiện nghiệp sẽ không đến với đức vua mà là đến với toàn thể dân chúng, những người đã đóng thuế. Như thế là vua đại diện cho nhân dân trong nước để thực tập hạnh bố thí, cúng dường với sự không chấp trước và tìm cầu giác ngộ. Không có gì bất ổn khi kết luận rằng, trong việc mở pháp hội cúng dường chư Tăng của vua A Dục và con trai, ít nhất thì đấy cũng là biểu tượng cho việc từ bỏ lối sống trần thế để gia nhập Tăng đoàn nhằm truyền bá Chánh pháp, để đem lại lợi lạc cho tất cả chúng sanh.
Cuối cùng, khái niệm nghèo khó và thịnh vượng trong Phật giáo được hiểu như là kết quả của những nghiệp nhân đã tạo ra. Những điều kiện của sự nghèo khó và thịnh vượng không hề đến với chúng ta từ sự trách phạt hay ban thưởng của Thượng đế, bởi vì chúng ta không tin vào Thượng đế. Sự nghèo khó và thịnh vượng cũng không thể đến một cách ngẫu nhiên. Những gì chúng ta có thể có hoặc không thể có thì có thể được hiểu theo giáo lý duyên khởi, nhân quả và thuyết nghiệp báo. Rõ ràng đời này chúng ta nghèo là bởi vì chúng ta đã không bố thí, cúng dường trong kiếp trước. Ngược lại, đời này chúng ta giàu là bởi vì chúng ta đã bố thí, cúng dường trong kiếp trước. Nếu chúng ta tiếp tục thực hành bố thí, cúng dường trong đời này bằng cách cúng dường đến chư Tăng và giúp đỡ những người nghèo khó thì trong kiếp sau chúng ta lại được giàu có. Đấy là luật nghiệp báo tự nhiên. Vấn đề chính để chúng ta không bị đau khổ khi chúng ta có nhiều tiền bạc và của cải vật chất là chúng ta đừng quên thực tập pháp không chấp thủ.
Tài liệu tham khảo
1- The American Heritage Dictionany, Second College Edition, Houghton Mifflin Company, Boston, 1985.
2- E.g., A.II.204; cf. the Cūlakammavibhanga Sutta in M.III.
3- John S. Strong, Rich Man, Poor Man, Bhikkhu, King: Quinquennial Festival and the Nature of Dāna, University of South Carolina Press, 1990.
4- Frank E. Reynolds, Ethics and Wealth in Theravāda Buddhism, A Study in Comparative Religious Ethics, University of South Carolina Press, 1990.
5- Nārada Mahā Thera, The Buddha and His Teachings, B.M.S. Publication, 1973.
6- Noah Webster, New Webster’s Dictionary of the English Language, The Delair Publishing Company, Inc, 1971.
7- Phra Rājavaramuni, Foundation of Buddhist Socical Ethics, Mahachulalongkorn Alumni Assoc., 1984.
8- Russell F. Sizemore and Donald K. Swearer, ed., Ethics, Wealth, and Salvation (A Study in Buddhist Social Ethics), University of South Carolina Press, 1990.