Quỷ mẹ

Quỷ mẹ

Lúc Đức Phật thuyết pháp ở nước Đại Đâu, có một quỷ mẹ sinh được rất nhiều con. Quỷ rất thương yêu con của mình nhưng lại tàn ác bắt cóc con của người khác về ăn thịt. Điều này khiến các bậc cha mẹ ở nước Đại Đâu rất lo sợ con của mình bị bắt cóc.

Chuyện đến tai Đức Phật, Ngài bảo một vị Tỷ-kheo, thừa lúc quỷ mẹ vắng nhà, bắt đứa con út mà nó thương yêu nhất đưa về tinh xá.

Khi quỷ mẹ về nhà, không thấy đứa con út bé bỏng của mình, đau đớn bỏ ăn uống, khóc lóc không ngừng như muốn hóa điên.

Đức Phật liền đến gặp nó, hỏi rằng:

- Ngươi có việc gì mà khóc lóc thảm thương như thế?

Quỷ mẹ nhìn thấy Đức Phật, tạm ngừng khóc một lúc, quẹt nước mắt trả lời:

- Thưa Ngài, lúc con đi vắng nhà, không biết ai lẻn vào bắt cóc mất đứa con dễ thương nhất của con.

- Ngươi không ở nhà giữ con, để cho người khác lẻn vào bắt cóc, vậy chứ lúc đó ngươi đi đâu, làm gì?

Nghe Phật hỏi như thế, quỷ mẹ giật mình, vì lúc con của nó bị mất cũng chính là lúc nó đi bắt cóc con của người ta, đó là một quả báo nhãn tiền.

Ngay đó, quỷ mẹ nhận thấy mình sai lầm, sinh tâm hối hận, liền đảnh lễ Đức Phật. Thế Tôn lại hỏi:

- Ngươi có thương con của mình không?

- Nó là đứa mà con thương yêu nhất. Con không thể nào sống mà không có nó.

Đức Phật liền khai thị:

- Ngươi thương con của mình ra sao, thì người khác cũng thương con của họ như vậy. Ngươi đau khổ vì mất con, thì người ta cũng đau khổ không khác gì ngươi. Bây giờ ngươi có muốn tìm thấy con của mình không?

- Nếu có ai tìm được thì bảo con làm gì con cũng làm!

Đức Phật nói:

- Ta có thể giúp ngươi tìm con, nhưng ngươi có thật sự ăn năn về tội ác của mình không?

- Con rất ăn năn! Thế Tôn, Ngài dạy con làm gì con sẽ làm y như vậy!

Đức Phật nói:

- Từ nay trở đi, ngươi phải giữ 5 giới của người Phật tử tại gia và phải lấy tình thương của một người mẹ hiền mà lo lắng cho con trẻ trên thế gian này.

- Không cho con ăn thịt trẻ con thì con ăn gì? Quỷ mẹ hỏi.

- Ta sẽ bảo các Tỷ-kheo trích ra một phần thức ăn bố thí cho ngươi.

Quỷ mẹ vô cùng vui mừng, nhận lãnh lời giáo huấn của Đức Phật. Ngài đem đứa con trả lại cho nó, quỷ vui mừng khôn xiết, phát nguyện từ đây trở đi sẽ hộ trì cho tất cả trẻ con trên đời.

Ngày nay, khi ăn cơm, các Tỷ-kheo trước khi ăn thường trích ra một phần thức ăn để bố thí cho quỷ thần là do sự tích này vậy.Theo Phật giáo cố sự đại toàn)

Bài Học đạo lý:

Dù bất cứ loài nào, trời người hay quỷ thần, dù hiền lành hay hung dữ đến đâu thì họ cũng đều yêu thương con của mình. Đó là thiên tính của mẹ, thương con, có thể làm bất cứ điều gì vì con, cho con.

Quỷ mẹ cũng vậy, tuy tàn ác với loài người (bắt cóc và ăn thịt trẻ con) nhưng rất yêu con của mình, thẫn thờ điên dại khi mất con. Sai lầm lớn nhất của quỷ mẹ là rất thương con của mình nhưng lại không thương quý con của người khác.

Sự lầm lạc này không phải chỉ riêng quỷ mẹ mắc phải mà bất cứ người mẹ nào nếu nghĩ đến cái tôi quá nhiều, chỉ biết vun vén cho lợi ích của riêng mình thì cũng có thể vương vào.

Phải biết cảm nhận niềm đau và hạnh phúc của mình để thương yêu, tôn trọng hạnh phúc an vui của người khác là chìa khóa mở ra viễn cảnh sống chung an lạc.

Từ một dạ xoa hung ác, vì thương con, muốn cứu con mà trở thành Hộ pháp với tâm Bồ tát cứu giúp và bảo hộ trẻ con là điều ít ai có thể ngờ được.

Tâm từ vô lượng của Thế Tôn đã giúp dạ xoa thức tỉnh, biết ăn năn hối cải những lỗi lầm và đem hết tâm lực phụng sự chúng sanh. Vì con mà mẹ có thể làm các điều ác, nhưng cũng vì con mà mẹ có thể làm tất cả những việc lành. Mới hay, con đối với mẹ mãi mãi là tất cả.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).
Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày