Quý tử lên... chùa 'tu tập'

Quý tử lên... chùa 'tu tập'
Bất lực trước các trò quậy phá, bất trị, nghiện game của con, nhiều bậc phụ huynh đã phải cậy nhờ Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc). Cửa Phật này hiện có hàng trăm “quý tử” tu tập: học thiền, học đạo oai nghi (cách ăn nói, đi đứng, nằm ngồi…).

Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội gần 90 km, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên nằm tách biệt trên núi với rừng thông xanh, khí hậu quanh năm dịu mát. Chỉ  trong vòng chưa đầy hai tháng hè, hàng trăm “quý tử” từ các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nội, TP HCM đã tới đây để  tu tập. Nhiều “tu sĩ” trẻ, sau khi mãn hạn tu tập, “xuống núi” lại xin cha mẹ cho quay trở lại với… bữa cơm chay, mặc áo nâu sồng.

Bó tay dạy con, gõ cửa Phật

“Trăm sự con xin nhờ các thầy dạy dỗ. Cháu nhà con mới chưa đầy 10 tuổi đầu mà ham chơi, không phải chỉ nghiện game đâu, nó còn xem cả phim sex nữa!”. Người phụ nữ với dáng vẻ sang trọng, dắt theo cậu con trai da trắng, mắt cận, mở đầu việc xin cho con vào lớp tập tu với lý do đặc biệt như thế.

Sư thầy Pháp Xương cho biết, nhà chùa không có chủ trương mở lớp, nhưng trước tệ nạn xã hội và nỗi khổ của bậc cha mẹ không dạy được con, phải mang tới nhờ cửa Phật, nhà chùa sẵn lòng tiếp nhận để giáo hóa. “Ở môi trường tốt, những đức tính tốt của các cháu sẽ được phát triển”, sư thầy nói.

Mặc dù  là con gái, nhưng Tú Anh (11 tuổi, ở Phạm Ngọc Thạch, Đống Đa, Hà Nội) lại khiến bố mẹ phải bất lực trước thói cứng đầu, “siêu quậy”. Trước khi lên đây, Tú Anh đã được mẹ gửi qua rất nhiều lớp học tâm lý của các trung tâm, thậm chí còn sang Pháp một thời gian để “cải tạo”, mà cũng không khá hơn được. Ni cô Thích Đàm Đạo kể, ngày đầu đưa con lên đây, bị con gái cào cấu, la hét hỗn hào, mẹ Tú Anh chỉ biết lắc đầu, nói: “Cháu bướng lắm, con không dạy được”. Trong 3 ngày đầu, cô bé mở miệng ra là nói những câu cộc lốc, trống không và thi gan bằng cách không tắm rửa, nằng nặc đòi về. Tuy nhiên, sau những buổi học ngồi thiền, những giờ sám hối, những lời khuyên nhủ thấu tình của sư thầy, chỉ trong 10 ngày, Tú Anh đã thay đổi bản tính của mình. Cô bé học được cách hòa đồng, sống tự lập và đặc biệt đã được “mềm hóa” tính cách ngay trong những câu “thưa dạ”, biết lễ phép cúi đầu chào người trên.

Không phải  “cai quậy” như Tú Anh, cậu bé 12 tuổi Đỗ Kim Sơn (Hoàng Mai, Hà Nội), được gia đình gửi lên Thiền viện để cai… game. Khi phải cách ly với máy vi tính, điện thoại di động, tránh xa thế giới ảo, không ai ngờ Sơn lại “tu” được lâu như thế. Thậm chí, khi hết hạn, Sơn đã 3 lần xin quay trở lại chùa để “tu” tiếp. “Ở đây, cháu được học cách làm người và thích nhất nghe giảng về đạo hiếu, để thấu hiểu công ơn của bố mẹ”, Sơn tâm sự.

Khi quý tử quỳ sám hối…

Các “tu sĩ” trẻ, khi nhập học tại đây, ngoài việc mang theo vài bộ áo quần, đồ dùng cần thiết, sẽ không được phép sử dụng tiền bạc, điện thoại di động, máy vi tính. Một ngày của học viên bắt đầu từ 4g sáng, mặc ào nâu sồng ngồi thiền và kết thúc bằng buổi sám hối sau khi mặt trời lặn.

Ngoài những giờ học giáo lý nhà Phật, các em còn được học hát, diễn kịch và nhiều hoạt động giúp vận động cơ thể thoải mái. “Tu sĩ” nhỏ tuổi nhất, bé Trần Đức Mạnh (7 tuổi, ở Đại Từ, Thái Nguyên), hồn nhiên kể: “Ở đây, cháu thích ăn cơm chay, thích được vận động cho khỏe người”. Sau 5 tuần, Mạnh đã thuộc làu làu nhiều đoạn giáo lý trong đạo Phật,  được các sư thầy khen từ việc ngồi thiền tới học đạo oai nghi. Nhưng bài học chân thực nhất mà cậu bé học được là: không được ky bo, phải biết chia sẻ với mọi người, lễ phép, không nên gây sự với người khác...

Sư thầy Pháp Xương cho biết nhiều trường hợp do được gia đình quá nuông chiều, nên khi tới đây rất khó bảo, phải dùng tới những “hình phạt” để các cháu nhận lỗi. Nặng nhất là “hình phạt” quỳ sám hối trước trai đường đại chúng. Tuy nhiên, rất ít trường hợp mắc tội phải quỳ sám hối, nếu có thì thầy quản chúng (người trông nom) cũng sẽ quỳ chịu hình phạt chung với các em, vì: “lời nói của thầy chưa đủ uy lực dạy bảo các em”. “Nhiều lúc vì thương thầy nên các em đã nhận ra lỗi và thay đổi”, sư thầy nói.

Những đối tượng được gia đình gửi tới Thiền viện hầu hết là thành phần cá biệt, con nhà đại gia, nên công việc quản lý, giáo dục gặp rất nhiều khó khăn. Tệ nạn xã hội, lối quen sống với thế giới ảo đã khiến các em đánh mất thực tại. “Nhà chùa muốn các em học cách cư xử, lắng nghe người khác nói, nhận diện được những điều màu nhiệm ngay trong cuộc sống thực tại”, Sư  thầy Pháp  Xương chia sẻ. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày