Rau lang

GN - Nhà trồng vài thửa khoai lang trên chân ruộng cao ở cánh đồng phía sau làng, và năm nào cũng vậy, chính những thửa khoai lang ấy là nguồn cung cấp rau xanh cho sinh hoạt hàng ngày của gia đình tôi.

Ngày trước, khoai lang được trồng vào khoảng cuối thu và thu hoạch vào lúc giáp Tết khi tiết trời bước vào cuối đông. Thế nhưng, những năm gần đây, khoai lang được những nhà nông quê tôi trồng quanh năm, bởi cùng với một số loại cây rau màu khác thì cây khoai lang cho giá trị kinh tế tương đối cao, đã vậy lại dễ trồng, tận dụng được cả phần củ, thân lá.

rau lang.jpg

Rau lang - Ảnh minh họa từ internet

Mẹ tôi thường tranh thủ hái rau lang vào mỗi buổi sớm mai ra đồng làm việc. Chỉ một loáng thoăn thoắt tay là mẹ đã hái đủ một chặp (một bó) to đùng đủ để dùng cho cả nhà ăn hai bữa trong ngày. Mẹ thường dặn, rau lang chỉ nên hái đoạn ngắn để dây còn có sức lực nuôi củ ở dưới đất. Nếu hái đoạn dài, dây bị “đau”, và củ khoai sẽ bị ảnh hưởng lâu lớn, ít củ. Chẳng vậy mà công việc hái rau lang chẳng mấy khi mẹ nhờ tới anh chị em chúng tôi. Họa lắm khi những vồng khoai đã già, chuẩn bị tới kỳ thu hoạch mẹ mới để cho các con đi cắt rau mang về cho lợn, trâu bò ăn.

Một vụ khoai lang thường kéo dài tới 3 tháng, vì vậy trong vòng khoảng 2 tháng, khi những vồng khoai còn xanh non, dây khoai chưa già thì các bữa cơm của nhà đều đặn xuất hiện món rau lang. Cũng như rau muống, rau lang được chế biến thành các món khác nhau để không bị trùng lặp, khi ăn thấy lạ miệng và ngon hơn. Đơn giản nhất là món rau lang luộc. Khi rau lang hái về, trước khi chế biến phải bứt khoảng 1 đốt tay phần đỉnh ngọn rau để cho nhựa trắng trong thân rau ra bớt, ăn không bị chát. Khi luộc cũng cần phải khéo, nghĩa là cho lửa to, nồi nước sôi bồng lên và như vậy những ngọn rau lang luộc sẽ xanh, nhìn bắt mắt. Nếu cho lửa nhỏ liu riu, khi rau lang chín sẽ có màu vàng, nhìn không được ngon cho lắm.

Rau lang ăn ngon nhất là chấm với tương. Bát tương dùng chấm rau lang mẹ tôi bao giờ cũng phải nêm nếm đủ thứ gia vị như: đường, tỏi đập nhuyễn, ớt, mì chín. Một bữa cơm đạm bạc nơi thôn dã của những ngày tôi thơ bé chỉ cần món rau lang luộc chấm tương, bên cạnh đĩa cà ghém muối chua là đã quá tuyệt vời. Ăn rau lang luộc độ vài bữa, muốn đổi khẩu vị, mẹ tôi mang rau lang xào cho đỡ ngán. Món rau lang xào bao giờ cũng phải được kèm theo với tỏi, vì thiếu vị tỏi là coi như đĩa rau xào mất hết cả sự hấp dẫn, cũng như vị ngon. Một đĩa rau lang xào ít nhất phải kèm theo 2 củ tỏi. Các tép tỏi được giã, hay bằm nhuyễn, một nửa cho vào phi vàng và thơm đến khét cả mũi hàng xóm rồi mới cho rau vào xào. Khi rau gần chín thì nửa số tỏi còn lại được nêm vào nốt rồi mới sắp đĩa bày lên mâm.

Ở làng tôi, thi thoảng có nhà còn mang rau lang chế biến thành món canh chua nấu với mẻ. Cách chế biến món canh chua rau lang nấu mẻ cũng đơn giản, nghĩa là rau lang được cho vào nồi đảo qua cho ăn mắm, ăn muối rồi đổ nước, nêm mẻ vào đun cho nhừ lên. Món này ăn vào mùa hè cũng mát. Khi ăn có thể ăn kèm với cà muối chua, hay ăn không với cơm cũng được.

Khi lớn lên và xa gia đình để đi học nơi thành phố, trong các bữa cơm sinh hoạt của cuộc đời sinh viên, tôi vẫn thi thoảng mua rau lang về chế biến. Người thành phố thời nay không còn coi ăn rau lang là nghèo như quan niệm của ngày xưa nữa, mà thay vào đó mọi người đều biết được sự hữu dụng của món rau xanh dân dã này là không chỉ cung cấp các dưỡng chất vitamin có lợi cho sức khỏe, mà còn có tác dụng nhuận tràng, hỗ trợ cho hệ tiêu hóa rất tốt.

Hơn nữa, trong thời đại mà quá nhiều loại rau bị “tắm” hóa chất độc hại, chất kích thích tăng trưởng, thì món rau lang được xem là sạch sẽ lại càng được người tiêu dùng ưu ái…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn chủ trì hội nghị sáng 20-4 tại thiền viện Quảng Đức

Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự thống nhất sẽ mời các bên liên quan từng sự việc để trao đổi

GNO - Đó là giải pháp giải quyết những khó khăn của Phật giáo tỉnh thành được Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự chấp thuận tại hội nghị báo cáo quý I - năm 2024 của Văn phòng II T.Ư, diễn ra tại thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), vào sáng 20-4.
Ảnh minh họa

Con bất hiếu cha mẹ phải làm sao?

GNO - Tôi năm nay 45 tuổi, chỉ có một đứa con gái đang học lớp 11. Từ lớp 8 cháu bắt đầu ương bướng và liên tục ngỗ nghịch với cha mẹ cho đến bây giờ. Vợ chồng tôi ngày đêm nuôi hy vọng cháu lớn lên sẽ biết phải quấy mà ngoan hiền hơn nhưng càng ngày cháu càng tệ.

Thông tin hàng ngày