Reverend Freakchild với con đường chuyển hóa nội tâm

GN Xuân - Reverend Freakchild, nghệ sĩ dòng nhạc blues nổi tiếng tại Mỹ, nói về âm nhạc, hành trình phục hồi sau cai nghiện, cái duyên với đạo Phật và hiện ông đang theo học thạc sĩ Phật học tại Đại học Naropa, bang Colorado. Xin giới thiệu đến độc giả bài phỏng vấn của Jeff Goldberg trên Tricycle.

Reverend-Freakchild.jpg

Reverend Freakchild trong một tiết mục biểu diễn

Với chất giọng khàn và cách chơi guitar có hồn, Reverend Freakchild từ lâu đã có được bằng “Tiến sĩ soạn nhạc blues”, một nhà phê bình âm nhạc cho hay. Nhưng, rất gần đây, nghệ sĩ nhạc blues 47 tuổi đó cũng đang nỗ lực lấy bằng thạc sĩ chuyên ngành Phật học tại Đại học Naropa ở Boulder, bang Colorado.

 “Tôi đùa với mọi người rằng tôi đang tận dụng tối đa giai đoạn khủng hoảng trung niên”, Reverend Freakchild cười lớn. Đối với Fordam Murdy, tên thường gọi của ông, việc hát nhạc blues và thực hành Phật giáo đã cùng song hành trên con đường tâm linh kể từ khi có cơ hội gặp gỡ Thiền sư Bernie Glassman vào năm 2012. Trên album mới nhất Dial It In, Reverend Freakchild thường kết hợp nhạc blues truyền thống với các bài hát gốc phản ánh giáo lý Phật giáo.

Trở về nhà ở thành phố Boulder phía Bắc Colorado sau một mùa hè đi lưu diễn, ông trò chuyện với tôi về cuộc sống và cách ông mang đến cho nhạc blues một âm điệu độc đáo theo phong cách Phật giáo.

Ông có coi bản thân mình là một nghệ sĩ nhạc blues theo đạo Phật?

- Vâng, đúng. Tôi chơi nhạc blues, học và thực hành Phật pháp. Có rất nhiều nguyên do về nỗi buồn và sự đau khổ của con người trong cả hai.

Đó có phải là điểm mà ông thấy có sự gắn kết?

- Trong Tứ diệu đế, sự thật về khổ đứng đầu, là dukkha, nghĩa là khổ vì bất toại ý. Nhạc blues chính là nói về kiểu đau khổ đó. Sự bất như ý liên tục với cuộc đời bởi vì chúng ta mong muốn có được danh tiếng, tiền tài hay tình yêu và khi ta không có được thứ mình muốn, hoặc có được rồi nhưng lại đánh mất, hoặc khi có được rồi lại nhận ra nó rất tào lao. Chính là tập đế, con người, nguyên nhân của mọi đau khổ khi cố gắng níu giữ những thứ vô thường. Diệt đế là chấm dứt sự đau khổ, và hát nhạc blues có thể xoa dịu nỗi đau, không phải là bạn vứt bỏ nó, mà là bởi vì bạn nhìn sâu vào nó và biết buông bỏ.

Vậy thì, hát nhạc blues có thể là con đường thoát khỏi bể khổ không?

- Có lẽ vậy. Trong Phật giáo, con đường chấm dứt đau khổ là pháp (dharma). Đối với các tiền bối hát blues ngày xưa, thì câu trả lời là tìm lấy một người phụ nữ khác, thêm chút rượu mạnh và, “Này, mọi chuyện sẽ ổn cả thôi!”. Những gì tôi làm chỉ là đi truyền bá nhạc blues mà thôi.

Ý của ông là gì khi nói truyền bá nhạc blues?

- Hồi xưa có nhiều người chơi nhạc blues lắm, như Reverend Gary Davis và Son House, từng là người đi truyền đạo rồi trở thành nhạc sĩ blues, hoặc từng là nhạc sĩ blues rồi thành người đi truyền đạo. Đối với họ thì chả có ranh giới gì giữa tối thứ Bảy và sáng Chủ nhật. Nhạc của họ rất cuốn hút tôi.

Anh vừa trở về từ Seattle. Anh đã làm gì ở đó?

- Tôi tham dự một hội thảo gọi Buddhist Recovery Summit. Đó là một nhóm phục hồi dựa trên tinh thần Phật giáo như nhóm AA dành cho những người quan tâm đến Phật pháp, và những ai đang hồi phục từ nghiện rượu hoặc lạm dụng chất gây nghiện. Tôi đã cai chúng cách đây 13 năm, và tôi đã không đụng đến chúng kể từ khi đó. Các cuộc họp của nhóm AA vẫn là một phần trong thực hành hàng ngày của tôi, cùng với thiền định, nghiên cứu Phật pháp, và chơi nhạc. Giới thứ năm trong ngũ giới Phật giáo nói rằng không dùng những chất gây say và nghiện, và nhóm AA có thể giúp tôi làm điều đó.

Nghe như cuộc đời của anh chỉ xoay quanh tình dục, ma túy, và nhạc rock ‘n’ roll?

- Ô, đúng rồi đó. Tôi chuyển tới New York sau khi tốt nghiệp đại học. Tôi hay chơi nhạc quanh thành phố, hút ma túy, uống rượu, có một cô bạn gái giàu với một căn hộ đẹp. Thoạt đầu cũng vui lắm nhưng rồi lối sống ngày càng tệ hơn. Tôi lúc nào cũng hít cần sa, và khi tôi say thì tôi rất là điên. Cuộc đời của tôi lúc đó như bị thiêu rụi. Đời tôi lúc đó tận cùng tệ hại.

Tệ đến mức nào?

- Một đêm, tôi đi đến một quán bar và uống vodkas. Tôi bắt đầu mất kiểm soát sau bảy chai. Tôi kéo còi chuông báo cháy, lết về căn hộ của bạn gái, và tỉnh dậy khi đang cởi truồng và bị còng, cùng với một mớ cảnh sát bao vây. Tôi đã mở vòi nước rồi ngất đi trong khi nước vẫn đang chảy. Có khoảng nửa inch (tương đương 1,27cm, BTV) nước trên sàn căn hộ, và người sống tầng dưới đã gọi cảnh sát vì có nước nhỏ giọt trên trần nhà họ.

Chuyện gì xảy ra sau khi cảnh sát đưa anh đi?

- Cuối cùng tôi bị nhốt một vài tuần trong trại tâm thần tại Trung tâm Y tế Cabrini. So với những bệnh nhân ở đó, tôi nhận ra mình chả điên chỗ nào cả. Nếu tôi tránh xa ma túy và rượu, tôi thực ra khá bình thường. Tôi tham gia cuộc họp của nhóm AA đầu tiên trong bệnh viện và tiếp tục đi sau khi tôi ra ngoài. Nhìn lại, tôi thấy mình may mắn. Tôi nhận ra nguyên do của sự khổ đau của bản thân hầu hết là do chính mình.

Từ lúc nào anh bắt đầu nghiêm túc về thực hành Phật pháp?

- Chỉ đi AA thôi thì tôi thấy không đủ, rồi tôi dần quan tâm, trước tiên là yoga, rồi sau đó là các thực hành khác ở phương Đông. Tôi phát hiện ra Hội nghị Thượng đỉnh Giáo dục Hòa bình được tổ chức vào năm 2012 tại Newark, bang New Jersey và tham dự một buổi phụ đạo nơi Thiền sư Bernie Glassman đang giảng. Một người phụ nữ trong khán giả bắt đầu phàn nàn: “Tôi không thể thiền được…” và Bernie hét lớn: “Này! Cô đang làm nó tệ hơn đó.” Việc đó làm cô ấy bình tĩnh lại hoàn toàn. Lúc đó tôi không biết Bernie Glassman là ai, nhưng tôi rất ấn tượng. Vài tháng sau, tôi biết được là ông ấy đang dẫn đầu một cuộc hành hương đến thánh địa Phật giáo và quyết định đi. Chuyến đi đó đã khai sáng tôi.

Cụ thể thế nào?

- Chúng tôi đi theo bước chân của Đức Phật - từ vườn Lumbini, nơi mà Ngài Đản sinh, dưới chân đồi của dãy Hy Mã Lạp Sơn ở Nepal; tới Đại tháp Bồ Đề Đạo Tràng ở Bihar, Ấn Độ, nơi mà Ngài đã giác ngộ; đến Sarnath, nơi Ngài dạy những bài pháp đầu tiên; và cuối cùng đến Kusinagara, nơi Ngài nhập diệt. Tôi đã lưu trú ở Jetta Grove (Kỳ Viên), nơi Ngài từng an cư vào mùa mưa. Khi tôi về nhà, nó giống như cú sốc văn hóa ngược. Thay vì cảm thấy lạc lõng khi ở những nơi đó, tôi lại cảm thấy lạc lõng khi trở về New York. Tôi không thể tiếp tục làm mọi việc như cách tôi từng làm trước đây.

Thế, cái gì thay đổi?

- Tôi rút dây điện ra và ngừng coi tivi, tôi bắt đầu nghiêm túc ngồi thiền. Và khoảng một năm rưỡi sau cuộc hành hương, tôi tới Colorado để biểu diễn, và một người bạn đề nghị tôi đến thăm Naropa, và tôi nghe theo cậu ta. Tôi cảm thấy rất thoải mái ở đó, giống như là đang mặc một bộ quần áo vừa vặn. Tôi hẹn với người làm công tác tuyển sinh, và giờ tôi đang theo học ở đây.

Ông có thực tập theo một trường phái cụ thể nào không?

- Tôi thực hành nhiều phương pháp thiền định, shamatha (thiền định), vipassana (minh sát tuệ), Madhyamaka, tonglen (cho và nhận), tùy cách nào mà bạn gọi, nhưng tôi không thực hành theo dòng nào cụ thể.

Cùng lúc học tại Naropa, ông đồng thời cũng đi khắp nơi chơi nhạc. Ông quản lý thời gian thế nào?

- Chúng tôi có lớp vào mùa xuân và mùa thu, và tôi chơi nhạc vào mùa hè. Giống như cách mà Đức Phật dành khoảng thời gian vào mùa mưa ở Jetta Grove, rồi bắt đầu hành trình đi lang thang của mình. Cách của tôi là đi khắp bang trình diễn và nói chuyện trên radio.

Ông kết hợp đạo Phật vào nhạc của mình như thế nào?

- Tôi hát một số bài blues kinh điển, nhưng tôi thêm Phật pháp vào. Kiểu như, tôi sẽ hát bài này của Reverend Gary Davis Rồi sẽ ổn thôi (It’s Gonna Be Alright) theo kiểu với tâm từ bi. Tôi kêu mọi người hát điệp khúc và nói, hát cho những người thân yêu của bạn, hát cho thầy cô của bạn, hát cho những người khó khăn trong cuộc sống mà bạn gặp, hát cho kẻ thù của bạn nghe, hát xuyên qua đại dương và vũ trụ. Tôi cũng có một vài bài hát của riêng mình mang chủ đề Phật giáo.

Một ví dụ về chủ đề Phật giáo trong các bài hát của ông?

- Tôi viết Hippie Bluesman Blues sau một đêm khi tất cả đồ đạc của tôi bị đánh cắp, hai cây guitar, một cây đàn ukulele, hàng hóa, túi đựng đàn có 400 đô-la trong đó. Tôi đã giặt quần áo vào đêm hôm trước, và họ thậm chí còn lấy quần áo sạch của tôi. Điều đó thật tàn nhẫn, tôi đã rất tức giận, nhưng tôi tập buông xả tất cả. Đó là những gì bài hát nói về: “Ain’t no problems, only solutions / think I’m gonna join the revolution” (Tạm dịch: Chả có vấn đề gì, chỉ có giải pháp mà thôi / chắc tôi sẽ có một sự thay đổi lớn). Lời bài hát mượn từ cách thực hành mà Atisha, một bậc thầy Phật giáo sống ở thế kỷ XI, dạy về việc mang trở ngại trên con đường đi đến sự giác ngộ. Album Dial It In nói về: “Giờ đây, ta có thể vượt lên nó, những gì ta phân biệt đúng và sai, được và mất, vui và khổ, khen ngợi và trách móc, vô danh và nổi tiếng”. Nó nói về buông bỏ tám mối lo toan thế tục và thực hành Tứ vô lượng tâm.

Cái tên Reverend Freakchild của anh bắt nguồn từ đâu?

- Nó bắt đầu trước khi tôi cai rượu. Một ngày nọ, tôi đang ngồi trên ghế sofa và đang phê cần, một người bạn của tôi bước vào phòng và nói: “Ê này, mày chả khác gì một thằng quái dị cô đơn, suốt ngày ngồi hút cần”. Tôi đã hát bốn bài bản demo của một số giai điệu blues cũ được gọi là Lonely Freakchild. Nhưng cái tên đã phát triển thành Reverend Freakchild khi tôi hiểu thêm về Reverend Gary Davis và một số nhà thuyết giáo nhạc blues. Cuối cùng, tôi đã có một buổi biểu diễn bình thường với tư cách là Reverend Freakchild tại một câu lạc bộ tên là Đường thuốc lá ở New York. Tôi thậm chí đã gửi đi đến nhà thờ Universal Life, và họ đã gửi cho tôi một chứng chỉ nói rằng Reverend Freakchild là một mục sư đã được thụ phong. Ban đầu nó chỉ cho vui thôi, nhưng giờ nó bắt đầu trở nên nghiêm túc hơn rồi.

Anh đang thích các bài hát của hành giả Tây Tạng thế kỷ XI Milarepa, một người khá “ngầu”, và từng là kẻ sát nhân…

- Đúng rồi đó. Sau khi thân phụ của Milarepa qua đời, chú của chàng thanh niên này đã ngược đãi anh ta và gia đình của anh, vì vậy Milarepa đã theo học một thầy phù thủy và sử dụng một câu thần chú để phá hủy toàn bộ thị trấn. Sau đó, Milarepa dành phần còn lại của cuộc đời để sám hối, thiền định trên núi và chỉ ăn cây tầm ma. Milarepa ăn quá nhiều tầm ma đến nỗi da của ngài biến thành màu xanh lá luôn.

Bài hát của ông ấy nói về vấn đề gì?

- Chúng là những bài thơ về những trải nghiệm hàng ngày của ông trên con đường giác ngộ. Chúng đôi khi được gọi là Trăm ngàn bài hát của Milarepa. Ổng có nguyên một cái kho nhạc bự lắm ấy!

Milarepa có thực sự hát nhạc của mình không?

- Không ai biết chắc cả. Nhưng chắc chắn là có âm nhạc Phật giáo truyền thống. Theo cuốn sách Những ngôi sao trí tuệ (The Stars of Wisdom) của Khenpo Tsültrim Gyamtso, Đức Phật khuyến khích các nhà sư thời xưa hát những bài kinh trong những giai điệu mượn từ những bài hát nổi tiếng thời đó. Tôi cũng làm theo kiểu như vậy.

Lời bài hát yêu thích của ông trong số các bài của Milarepa là gì?

- Nó đơn giản lắm, và tôi đã cài nó thành lời nhắn mỗi ngày khi tôi thức dậy. Nó chỉ nói rằng: “Hãy theo dõi tâm trí của bạn cả ngày lẫn đêm. Theo dõi tâm trí của bạn cả ngày lẫn đêm” (Watch your mind day and night). Nó nhắc nhở tôi rằng những suy nghĩ và cảm xúc đến và đi như những đám mây trên trời. Nếu tôi tập trung quan sát tâm trí của mình, tôi có thể cảm nhận sâu sắc hơn rằng những trải nghiệm của con người là kỳ diệu và quý giá đến mức nào, và sống hết mình với cuộc đời.

Bội Trân

(dịch và biên tập từ Tricycle)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Giải tỏa oan ức

GNO - Tất cả chúng ta sống trên cuộc đời này, ai cũng có nỗi lo, nỗi khổ, nhất là cảm giác bị oan ức là nỗi khổ lớn. Oan ức là những điều mình không làm mà bị người khác đổ lỗi, nên mình cảm thấy ức lòng, đau khổ. Muốn giải tỏa nỗi oan ức này, chúng ta làm cách nào.

Thông tin hàng ngày