Rối loạn dạng cơ thể

Rối loạn dạng cơ thể được xem là các rối loạn thể hiện bằng các triệu chứng dai dẳng, không bình thường của cơ thể, nhưng khi bệnh nhân đi khám chữa bệnh các kết luận y khoa đều âm tính.

Một trong những tư thế luyện thở giúp giảm stress - Ảnh: Minh Đức
Một trong những tư thế luyện thở giúp giảm stress - Ảnh: Minh Đức

Bệnh nhân có thể có các biểu hiện đau ở các vị trí khác nhau như: đau đầu, đau bụng, đau ngực, đau lưng, đau khớp, viêm loét dạ dày, đường ruột,... và một số rối loạn chức năng như rối loạn kinh nguyệt, giảm ham muốn tình dục... Các rối loạn trên thường kéo dài ít nhất hai năm mà không tìm thấy bất cứ một giải thích thỏa đáng nào về mặt cơ thể.

Rối loạn dạng cơ thể hay gặp ở nữ. Người ta cho rằng rối loạn dạng cơ thể là bệnh mãn tính, hay thay đổi và hiếm khi lui bệnh hoàn toàn.

Rối loạn vì stress

Bệnh nhân T. H., nữ, 31 tuổi, là giáo viên cấp II tại TP Biên Hòa, có chồng là cán bộ nhà nước, hai con, một trai 3 tuổi và con gái 6 tuổi đều ngoan và học giỏi. Qua trao đổi H. cho rằng mình có biểu hiện đau ngực, khó thở kéo dài hơn hai năm, thỉnh thoảng có những đợt ho kéo dài 1-2 tháng, mỗi năm 4-5 lần.

T.H. đã được điều trị tại nhiều bệnh viện, trung tâm y khoa. Tuy nhiên H. không có cảm giác hết bệnh, đau ngực và khó thở ngày càng nặng. Bệnh nhân đến khám với nhiều phiếu khám bệnh và xét nghiệm cận lâm sàng liên quan với kết quả âm tính.

H. kể cho nhà trị liệu cách đây hơn hai năm do ông xã thường đi công tác xa, một mình chị phải cáng đáng công việc gia đình với hai cháu nhỏ, cộng với áp lực công việc cơ quan. Các cơn ngộp thở và cơn tức kéo dài dần, tình trạng ngày càng trầm trọng hơn. Cách đây hai tháng, chị bị ngất khi đi làm về, được đưa đi điều trị bệnh ổn định nhưng sau đó tình trạng lại như cũ.

T.H. được chẩn đoán mắc chứng rối loạn cơ thể hóa, một tình trạng bệnh lý cơ thể chủ yếu do căn nguyên tâm lý, stress trường diễn và những áp lực từ cuộc sống, công việc...

Liệu pháp tâm lý

Việc điều trị rối loạn dạng cơ thể thường ưu tiên với các liệu pháp tâm lý. Ngoài ra, việc điều trị hóa dược với các nhóm thuốc giải lo âu cũng có tác dụng rõ rệt.

Với tình trạng bệnh lý trên, liệu pháp tâm lý nhận thức, thư giãn, âm nhạc, các kỹ thuật thân chủ trọng tâm... nhằm phóng chiếu các cảm xúc bất lợi, giúp thân chủ nhận thức rõ hơn tình trạng bệnh lý của mình một cách rõ ràng. Có các bài tập phù hợp để bệnh nhân thay đổi hành vi, tự vượt qua tình trạng stress và những khó khăn tâm lý của bản thân.

Phương pháp luyện thở

Những bài tập này giúp thả lỏng cơ thể, giải tỏa mọi căng thẳng, giúp bạn dễ thư giãn hơn trong lúc luyện thở.

- Kiểu thở nghe thấy được

Kiểu thở này giúp bạn thở đều, trơn tru. Thông thường luyện thở trong tư thế ngồi sẽ giúp bạn tĩnh tâm, tăng cường sự tĩnh lặng, yếu tố quan trọng và cần thiết khi ngồi thiền.

Ban đầu bạn hãy ngồi xếp bằng hay quỳ gối thật thoải mái và hít thở bằng miệng. Hơi đóng cổ họng lại, hít vào và phát ra tiếng “Ahhhh”. Sau đó thở ra, đồng thời phát ra tiếng “Haaaa” thật khẽ.

Khi đã cảm nhận được cách thở này hãy cố gắng phát ra âm thanh tương tự trong cổ họng, nhưng miệng thì khép lại. Vẫn thả lỏng hàm. Điều này giúp bạn hình dung mình đang thở thông qua một lỗ hở ngay phía trước cổ họng. Hãy hít thở thoải mái và chú tâm vào hơi thở vì âm thanh của hơi thở rất nhẹ, chỉ một mình bạn nghe thấy mà thôi.

- Nằm ngửa thở bụng

Phương pháp luyện thở này giúp thư giãn cơ thể và trí não, xua tan mọi sự căng thẳng. Vào cuối buổi tập, bạn có thể cảm nhận được sự nhẹ nhàng của hơi thở, sự tỉnh táo và thư thái trong tinh thần.

Nằm ngửa, đầu gối co, hai bàn chân cách nhau một khoảng bằng hông. Hãy để hơi thở trở nên tự nhiên, trơn tru và nhịp nhàng. Khi hít thở, hãy cảm nhận chuyển động lên xuống của bụng. Cần chú ý để hơi thở ra dài hơn so với khi hít vào.

Để hơi thở ra chậm và trọn vẹn hơn, hãy thóp bụng sát vào trong cột sống khi thở ra. Để cho bụng phình lên khi hít vào và thư giãn. Lặp lại động tác. Hít thở nhịp nhàng.

Trong khi hít vào, hãy giữ cho bụng và cơ sàn chậu co nhẹ. Cảm nhận hơi thở trong lồng ngực khi hít vào. Hít thở vài hơi, sau đó thả lỏng bụng và sàn chậu. Giữ cho hơi thở hoàn toàn thoải mái để tạo cảm giác tĩnh tâm và thư giãn.

Phương pháp thiền

Bạn cần một tấm chăn nhỏ hay manh chiếu nhỏ. Trang phục thoải mái, tạo cảm giác dễ dàng để hít thở.

- Tư thế ngồi thiền: Với người chưa biết thiền, bạn hãy tự chọn một tư thế thích hợp, thoải mái nhất.

Bạn ngồi ngay ngắn, nhắm mắt lại hoặc nhìn chăm chú vào chóp mũi. Giữ cho xương sống, đầu, cổ cân bằng và ngay ngắn.

- Các giai đoạn thực hành việc ngồi thiền.

Việc ngồi thiền được chia làm ba giai đoạn theo trình tự sau:

1. Nhập thiền: Sau khi đã ngồi theo tư thế hướng dẫn ở trên, bạn hãy hít từ từ, nhẹ nhàng để hấp thụ nguồn dưỡng khí làm cho máu huyết lưu thông. Há miệng thở ra để xóa tan những ưu tư, phiền muộn. Lặp lại như vậy ba lần, các lần tiếp theo chỉ dùng mũi để hít - thở.

2. Trụ thiền: Sau khi cơ thể đã ổn định, bạn bắt đầu định tâm bằng phương pháp đếm hơi thở và khi hơi thở đã thuần thục thì bạn bước sang giai đoạn nhận thức, thấy rõ hơi thở của mình. Bạn cần xác định ngồi thiền để có an lạc và hạnh phúc. Bạn hít thở với ý thức rằng tôi thở nghĩa là tôi đang sống và phải làm cho hơi thở luân chuyển, điều hòa để tâm thanh tịnh.

Lúc này, bạn hãy nghĩ đến sự khát khao đem lại hạnh phúc cho mọi người, và điều này chỉ đạt được khi tâm trí bạn hoàn toàn thanh tịnh. Ngồi lâu, cơ thể bạn sẽ có xu hướng bị chùng xuống, lúc này bạn hãy cố gắng điều chỉnh lại cho ngay ngắn, bạn cũng có thể lắc nhẹ đôi vai để giảm bớt sự mệt mỏi.

3. Xả thiền: Khi xả thiền, bạn hãy đọc một câu châm ngôn để tạo cho mình nghị lực sống. Sau đó, bạn xoay nhẹ cổ và vẫn không ngừng chú ý đến nhịp thở của mình. Tiếp theo, bạn dùng tay tự xoa bóp mặt, tay, chân và nhẹ nhàng đứng lên.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày