Rong ruổi cùng “Bố bánh cam”

GN - Trong một chuyến từ thiện, tôi làm quen với chị, người phụ nữ có dáng người thô ráp đã dày dạn gió sương, với nghề bán bánh cam dạo. Chúng tôi đã rong ruổi cùng nhau và “bắt gặp”những câu chuyện thú vị xung quanh chị, người mà mọi người hay gọi thân thương là “Bố”.

Cuộc mưu sinh với tâm sáng

Trong câu chuyện sáng sớm bên ly cà-phê trước chợ, anh bán cá kế bên nói với tôi, “Tôi thấy Bố là người có cái tâm sáng”. Tôi mới ngạc nhiên hỏi tâm sáng là sao ạ? “Là cái tâm tốt, cái gì cũng làm tốt, làm thiện hết. Khi họ có tâm sáng họ nói, hay làm việc gì cũng thiện lành”, anh bán cá nói.

Anh bán trái cây than ế quá, nói do tháng Bảy - tháng cô hồn. Bố chỉnh lại liền: “Tháng nào cũng như nhau chớ cô hồn gì, bán được, hay ế là mình tạo chớ đổ thừa cô hồn gì”.

Đó là câu chuyện lúc sáng sớm, đầy trong trẻo liên quan đến Bố, tên thật của chị Phạm Thị Hạnh - Pháp danh Trường Thoại (sinh năm 1961), mà ở đây ai cũng gọi bằng cái tên đầy yêu mến là Bố. Tôi cũng rất thắc mắc và hỏi tại sao chị lại có tên cái tên ngộ thế. Bố trầm ngâm, nhớ về hồi ức câu chuyện đời đầy nhọc nhằn của mình.

hinh xh GN968 (2).jpg

Bố đi bán bánh dạo và ăn chay trường hơn 10 năm

Hồi xưa, Hạnh là con rơi, sống ở Q.11, TP.HCM, từ nhỏ mẹ không thương nên hay đánh đập. Lớn lên, Hạnh mới biết sự thật. Hạnh xin mẹ ra ở riêng, mẹ đồng ý nên đi tới giờ. Hạnh ở cùng với đứa bạn thân. Bạn ấy có chị gái “đi bước nữa”, để lại ba đứa con. Vậy là, Hạnh cùng bạn nuôi mấy đứa nhỏ đến khi chúng trưởng thành mới chuyển chỗ, để nhà lại cho tụi nhỏ. Và, từ đó ai cũng gọi Hạnh bằng Bố (với ý nghĩa như là người cha).

Tôi biết đến Bố trong buổi kết nối đi phát quà cho những người khó khăn ở phường An Lạc (Q.Bình Tân, TP.HCM). Bố đi vòng qua tất cả các khu nhà trọ nhỏ xíu, chật chội, người lớn trẻ nhỏ nào cũng chào Bố với nét mặt rất vui như gặp người thân. Rồi hỏi ra mới biết, Bố có chiếc xe đạp nhỏ, đi bán bánh cam, bánh tiêu, nhiều loại bánh ở khu vực Bình Tân, nên hẻm nào ở đây Bố cũng biết. Ấn tượng với hình ảnh đó, tôi xin được rong ruổi cùng Bố một hôm để biết nghề này vất vả như thế nào.

Đó là một sáng sớm, phải dậy từ 2g sáng, chạy qua chợ Cây Da (đường An Dương Vương), tôi gặp Bố lúc 3 giờ sáng. Chúng tôi đi lấy bánh cam và các loại bánh khác. Bố dắt giới thiệu từng loại bánh, nên lấy ở đâu thì bánh ngon. Lấy bánh xong, Bố về phòng trọ ở đường An Dương Vương, phân các loại bánh để lên xe đạp, và bắt đầu khởi hành vào sáng sớm. Trước khi đi bán, Bố mời tôi ăn mì tôm. Bố nói sáng nào cũng ăn mì, “mì này do mấy người đi từ thiện tháng Bảy, họ cho đó”.

Bố nói, mấy tháng qua toàn gặp nhiều chuyện hạnh phúc, vì nhiều người cho quà, ai cho cái gì, Bố cũng khệ nệ chở về. Bữa nào rảnh, Bố lại khệ nệ chở đi cho những người khó khăn quanh những con hẻm quen. Rồi, Bố nhất quyết một câu “Quà đã quyết định tặng ai là tặng cho bằng được, dù nhà có thiếu cũng phải tặng cho họ”. Hỏi Bố, đã khó khăn mà còn chia sẻ cho nhiều người vậy!

“Ở đời mà, cái xã hội nó vậy, nếu mình nhìn lên thì thấy mình khổ nhưng nếu mình dòm xuống nữa, thì mình sẽ ngạc nhiên, trời ơi mình nghèo mà cái bà này bả còn khổ hơn mình nữa. Nên cứ sống chan hòa vậy đi, vì sống với lòng vị tha thì mình sẽ thoải mái”, Bố nói.

Trên con hẻm nhỏ vào phòng trọ của Bố, tôi nhìn thấy một cái bảng nhỏ “Mổ mắt từ thiện, liên hệ gặp Bố”. Hỏi thì Bố mới kể có quen Sư cô Từ Nghĩa (Q.8, TP.HCM) trong một lần dẫn người bạn đi mổ mắt. Bố phát hiện Sư cô bị tật cái chân đi lại khó khăn, mà cô đi xe ôm nên Bố xin phép chở Sư cô về chùa. Bố thấy chùa quá xa nên mới nói, sau này có mổ mắt, Sư cô cứ kêu con đi. Từ cái duyên đó, Bố mới xin phép Sư cô để cái bảng mổ mắt tại hẻm.

Vì lẽ: “Ở đây là dân tứ xứ, ai đăng ký thì vô nói tôi, tôi nói với Sư cô, rồi sau đó Sư cô sẽ xin một người khác nữa. Ngày đi mổ mắt, tôi sẽ nghỉ làm một ngày để dẫn họ đi Bệnh viện Trưng Vương. Tôi không dẫn đi cũng được, nhưng mình không làm vậy được, đã nhận thì phải làm hết lòng”, Bố cho biết.

Chạy xe máy theo Bố loanh quanh các con hẻm ở đường An Dương Vương, đến các xí nghiệp, công ty nhỏ, các công trình đang xây dựng có công nhân để bán bánh. Hỏi dậy sớm chạy xe đạp như vầy có mệt không, Bố nói mệt nhưng “mình làm nuôi mình, phải cố gắng làm chớ”. Đứng trước hẻm ngồi đợi khách mua bánh, Bố hướng dẫn tôi “ngồi đây, con ngồi thẳng lưng thở đều, nở nụ cười hoan hỷ thì cả ngày đó đều vui tươi cả”.

Bố chia sẻ về những rong ruổi của mình về nghề bán bánh dạo, cần phải biết cách bán, biết lựa loại nào ngon, chớ không là ế. Bố phải biết khi nào khách (đa phần là công nhân, người nghèo) cần ăn sáng, để mà đến đúng chỗ, buổi lỡ thì mấy giờ... Ngay cả chi tiết nhỏ nhưng với Bố thì không nhỏ, như khi có rác thì để vô bịch ni-lon mang bỏ vào thùng rác…“Tôi làm nghề được 21 năm rồi, đây là kinh nghiệm nghề đó nghen”, Bố tự hào cười, nói.

Hỏi Bố bán như vầy có khi nào ế không? Bố nói “có chớ, mỗi lần bán không hết là phải bỏ đi đó, đồ khô để lại được, chớ mấy đồ bánh ngọt phải bỏ đi vì để ngày hôm sau là hư, tuyệt đối không bán lại đồ ngày hôm trước nên bỏ hết”. Ế vậy có buồn không Bố? “Thoải mái đi, kệ nó đi”, Bố cười.

Những câu chuyện đời… nghèo

Tới 10 giờ 30, Bố phải về nấu cơm trưa. Bố ăn chay trường đã10 năm nên trưa nào cũng phải về nấu cơm. Buổi chiều, Bố lại đi bán cho tới tối. Trên đường về lại phòng trọ, Bố dẫn tôi ghé qua nhà những người được Bố đưa đi mổ mắt từ thiện để hỏi thăm sức khỏe. Bố giới thiệu gia cảnh, nhà này có bà cô không được bình thường, bà nội thì yếu có đứa cháu đi làm để nuôi hai bà già, thương lắm.

Bố cũng dẫn tôi tới một con hẻm cũng gần đó, là phòng trọ nhà ông Khánh. Hai ông bà già nuôi mấy đứa cháu, “khổ lắm bị cái đầu mổ một lần, mà bây giờ chưa có tiền ghép lại mảnh xương sọ. Ông Khánh đi bán vé số thì có hôm nhớ hôm quên đường về phòng trọ”, Bố giới thiệu.

Ra khỏi con hẻm, đang chạy xe trên đường thì có người gọi to, nhắc với Bố “cuối tuần này có khóa tu đó nha”, Bố cười trả lời “biết rồi”.

Bố kể, hồi trước Bố muốn đi tu nên đi tìm chùa. Ban đầu, Bố đến chùa Hoằng Pháp, sau này có duyên với tu viện Tường Vân và Bố được quy y tại đây. Lúc đầu, tối nào Bố cũng đi chùa nhưng bây giờ một tháng, Bố đến chùa tham dự khóa tu một lần, vì bán hơi ế. Thường tới rằm tháng Bảy, Bố hay treo cờ Phật giáo, học theo sư phụ Chân Tính. “Mình làm vậy, ở xóm họ ngạc nhiên và hỏi, ủa treo cờ làm gì, thì mình phải giải thích cho họ biết. Và, vậy là họ có được cơ hội biết một chút về đạo Phật”.

Cuộc sống của Bố “Tôi nhiều khi cũng buồn tủi, vì mình là con người mà. Nhưng khi học đạo, tôi không quan niệm gì hết, chỉ biết kiếp này mình khổ, nên phải gắng làm điều tốt, giúp đỡ mọi người, để nếu có tái sinh kiếp sau, thì mình cũng được cuộc sống viên tròn hơn”.

Bố cố sống tốt mỗi ngày, làm việc tốt, để hồi hướng phước đức cho mẹ, giờ mẹ của Bố đã 103 tuổi rồi. Bố cố gắng dành thời gian, tuần nào cũng về thăm mẹ, làm tròn bổn phận của người con.

Một chút trầm ngâm, bố nói: “Tôi đăng ký hiến xác lâu rồi tại Bệnh viện Đại học Y Dược. Bây giờ, tôi mong đủ duyên để đăng ký hiến nội tạng. Vì chết rồi cũng hết, chẳng mang theo được gì, mình để lại thân mạng này, mấy đứa nhỏ sinh viên nó lại được học hành thực tế, giúp chữa lành được nhiều người hơn”.

Sau một ngày trải nghiệm với những điều bình thường của cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn cùng Bố. Tôi ngáp dài, mắt không thể mở lên nổi vì trải qua một ngày vất vả, thức dậy trái múi giờ. Vậy mà, Bố đã gắn với nó cả cuộc đời, với tâm thế lạc quan và hồn nhiên đến lạ…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày