Sâu thẳm tình thương

Giác Ngộ- Sư cô TN.Diệu Ánh, TN.Diệu Thảo là hai người còn rất trẻ cùng quê ở Triệu Phong (Quảng Trị), có những nhân duyên khác nhau rất thú vị trở thành người xuất gia cùng một ngôi chùa, cùng một tâm nguyện chí thành theo Phật. Dù là người xuất gia, hai Sư cô vẫn thực hiện nhân nghĩa ở đời với những người không thân bằng quyến thuộc như một cách thể hiện lòng hiếu thảo đối với các đấng sinh thành, ông bà.

Không ngại những dơ bẩn, thức đêm, những vết lỡ loét của người già bệnh lâu năm nằm một chỗ, hàng ngày hai Sư cô (SC) cùng các SC khác thay phiên nhau tắm rửa, chăm sóc vết thương, cho ăn, uống thuốc … Bởi thế các mệ nói: “Ở đây, hai cô là bác sĩ tận tình lắm, tui thương hai cô lắm…”

Những giọt nước mắt của ba mạ

SC.Diệu Ánh nhớ lại: Chẳng biết nhân duyên thế nào nhưng đó là một dịp rất tình cờ, sau khi thi lớp 12 xong, SC vào Sài Gòn để chờ đi làm, tình cờ có người bạn rủ đi chùa chơi. Đến chùa Lâm Quang (Q.8) rồi những hình ảnh của các cụ già neo đơn ở đây làm tâm luôn nghĩ ngợi, xú động… đi về nhưng chẳng đành lòng.

Sau đó, Sư cô đến chùa xin làm công quả luôn, vì lẽ: “Chẳng biết sao nhìn các mệ già neo đơn ở đây là nhớ đến mệ nội ở quê, thương quá”. Khi về làm công quả ở chùa, Sư phụ trụ trì chùa cứ hỏi lặp đi lặp lại “Ở đây cực lắm, con chịu nổi không?”, ở chùa làm công quả, chăm sóc các cụ và sư phụ cho đi học thêm, rồi nhân duyên xuất gia cũng đến một cách tự nhiên...

DSC_0036.JPG

SC.Diệu Thảo hàng ngày chăm sóc các mệ như người thân - Ảnh: H.Diệu

Ở nhà rất neo người chỉ có ba mạ và bà nội, mấy năm SC không về quê vì phải bận chăm sóc các cụ, tin SC.Diệu Ánh xuất gia sắp rồi cũng đến quê, ba không đồng ý mấy lần gọi về. Nhưng SC nói với ba: “Ở đây con chăm sóc các cụ già không nơi nương tựa như mệ ở nhà. Ba có thương con thì cho con ở lại chăm sóc các mệ”, Sư cô hồi tưởng.

4 năm sau mới về quê với hình tướng là một SC, ba khóc rất nhiều. Mệ nội thì chỉ buồn nhưng rồi cũng thương cháu nên thôi, mệ nói với ba: “Cháu đi tu thì cho đi tu, có bắt buột về thì cháu cũng không về. Thôi nếu có duyên như vậy thì mệ đồng ý”. Ở nhà chưa nóng chỗ, SC lại nhớ các mệ ở chùa, lại quay về. SC.Diệu Ánh cho biết: “Vậy là đã hơn 10 năm rồi, về quê được hai lần, lần đó và lần mệ mất…”

Không như SC.Diệu Ánh, gia đình SC.Diệu Thảo có truyền thống Phật giáo lâu đời, ba là huynh trưởng GĐPT nên trong tâm cô lúc nào cũng rất thương Phật và “yêu thích” được xuất gia theo Phật. Xin ba nhưng ba nói phải học xong phổ thong trung học. Nhớ lại chuyện cũ, dẫn đến nhân duyên đến với Phật  SC cũng “mắc cỡ lắm” vì ở cái tuổi chưa biết gì nhưng cũng có một chút “liều”.

Nghe một chị ở Sài Gòn chỉ dẫn, SC cùng hai người bạn thân cùng chí nguyện, cùng đang học lớp 9 đã lên kế hoạch… trốn nhà đi tu. “Bữa đó, ba người vẫn đi học bình thường, mặc quần áo đi học, xách cặp như bình thường và ra bến xe đi Sài Gòn. Vào đến Bến Bình Đông thì nhờ các chú xe ôm gọi điện dùm, nhờ người chở vô, may mà gặp người tốt. Vào chùa, nhìn thấy ba đứa con gái học trò tay xách cặp ngơ ngác từ tuốt ngoài Quảng Trị vào. Sư phụ khóc, nước mắt ràn rụa… ”, SC nhớ lại.

Ở chùa được một tuần thì ba vào thăm nhưng biết con quyết tâm xuất gia nên ba trở về. Hai năm sau thì Sư phụ mới cho thế phát, ba vào dự và khóc rất nhiều vì thương con gái. “Đó cũng là hình ảnh lần đầu tiên em nhìn thấy ba khóc. Ba nói Đức Phật dạy tự thắp đuốc lên mà đi, nay con đã tự thắp đuốc lên rồi thì phải đi cho đúng”.

SC.Diệu Thảo nhớ lại, hồi nớ lần đầu tiên về thăm nhà với hình tướng mới, mạ cứ khóc hoài, cứ nghĩ rằng con mình đẻ ra thành ra con của người khác, con mình giờ không biết có được ai chăm sóc không, có được ăn no, có phải cực khổ… Vậy là mạ nhớ thương, nước mắt mạ cứ chảy.

Duyên với các ngoại

Mỗi lần tiếp xúc với các cụ, SC.Diệu Ánh một cũng “ngoại”, hai cũng “ngoại”, y như người thân của mình. Chính vì thế, nhìn cách các SC chăm sóc các mệ ở đây ai cũng thương, mỗi buổi sáng các SC thay phiên nhau tắm cho khoảng 30 cụ già nằm một chỗ, không còn tự đi lại, ăn uống và chăm sóc cho mình. Lâu ngày san sẻ tình cảm cho các cụ như người thân nên các SC không đành đi đâu lâu.

Nhu cầu cần kiến thức chăm sóc sức khỏe cho người già, nên Sư phụ ở chùa cho SC.Diệu Ánh đi học y tá rồi tốt nghiệp trung cấp điều dưỡng. Hiện nay, SC.Diệu Ánh ngoài cùng với các SC trong chùa cho ăn uống, tắm rửa cho các mệ còn phụ trách thêm phần y tế như vô nước biển, phân loại thuốc, nhắc nhở uống thuốc…

Nước mắt rưng rưng, bà Hoàng Thị Sê, 78 tuổi, quê Thừa Thiên- Huế, nắm tay SC.Diệu Ánh thân thương nói: “Bác sĩ riêng của tui đó, thương lắm”. Bữa trước bà bị động kinh, té giường nên bị gãy chân, các SC đưa vào bệnh viện, về chùa sức khỏe bà yếu đi nên hàng ngày phải chăm sóc kỹ. Từ đi đứng được, bà trở thành người nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đời thường, thuốc thang, truyền nước biển đều do SC.Diệu Ánh lo. Bà nói mình mắc nợ SC nhiều lắm.

DSC_0042.JPG

SC.Diệu Ánh luôn tâm niệm đem lại nụ cười cho các mệ - Ảnh: H.Diệu

SC.Diệu Thảo thì đang đi học trung cấp điều dưỡng và học cao đẳng Phật học, ngoài thời gian đi học, thời gian còn lại lo kinh kệ và lo đo huyết áp, sơ cấp cứu, chăm sóc vết thương cho các mệ. Những trường hợp nặng phải đưa các mệ đi bệnh viện và dành thời gian chăm sóc trong bệnh viện.

Chùa Lâm Quang hiện nay có 115 cụ già neo đơn được chùa nuôi dưỡng, có 30 cụ già bị bệnh nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều phải nhờ đến các SC, mỗi tháng bác sĩ bệnh viện 115 cũng đến khám bệnh cho thuốc và nhờ vậy các SC cũng đỡ vất vả.

SC.Diệu Thủy cho biết: “Ở đây, chúng em dù có kiến thức y tế, chủ yếu là sơ cấp cứu nhưng chủ yếu trị liệu cho các cụ bằng liệu pháp tinh thần. Tức là phải thật sự yêu thương như người thần, trò chuyện cảm thông… các mệ mới cảm nhận sự gần gũi yêu thương mà quên đi mặc cảm bị bỏ rơi, quên đi bệnh tật, tuổi già. Có những mệ bị liệt nằm một chỗ vết thương lỡ loét được chăm sóc cẩn thận nên các cụ thấy rất an tâm. Cũng có những trường hợp phải đưa các cụ đi bệnh viện vì ở đây không như bệnh viện.”

Trong suốt hơn 10 năm chăm sóc cho các cụ, SC.Diệu Thủy nói vẫn xúc động trước tình cảm của một bà mẹ điên với đứa con của mình. Lúc 26 tuổi, người mẹ này đã vô tình làm rơi đứa con mới vừa được vài tháng tuổi xuống từ nhà tầng, đứa bé chết. Quá đau đớn, người mẹ ấy trở thành điên dại, tâm thần nhưng lại rất hiền. Trải qua mấy mươi năm từ lúc 26 tuổi đến khi 80, lúc nào bà cũng tưởng người nằm kế bên là con của mình, sợ con ngủ không yên giấc, con bệnh, món ngon, có cái tốt cũng để dành, bà nói để cho con.

SC.Diệu Thủy nói, tình cảm mẹ con thiêng liêng ấy giúp người mẹ sống dù có lúc điên dại nhưng trong những lúc điên dại bà vẫn dành những gì tốt đẹp nhất cho con. Khi trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 80 trong cảnh đơn chiếc không người thân bà vẫn sợ đứa con bà để lại ở thế gian sẽ không có người chăm sóc.

Tình thương của những người mẹ bị bỏ rơi ở mái ấm chùa Lâm Quang cho SC.Diệu Ánh, Diệu Thảo những trải nghiệm và những bài học về tình yêu thương. Không chỉ mình đến với các mạ, mệ bằng trách nhiệm mà ở đó còn được nhận rất nhiều tình cảm của các mạ, các mệ như người thân ruột rà.

Bởi tình thương yêu dành cho con của các mạ, các mệ có lúc giận, lúc hờn nhưng là những điều thẳm sâu, trĩu nặng. Các SC cho rằng, những câu chuyện về tình mẫu tử thiêng liêng ấy vẫn sáng đẹp dù ở trong hoàn cảnh nào. Nó vẫn tỏa sáng lung linh và vì vậy những việc nhỏ “như hạt cát” của các SC đã làm cũng vì những điều tốt đẹp đời thường ấy.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày