GN - Binh lính được huấn luyện những kỹ năng chiến đấu, trong đó có những kỹ năng tiêu diệt càng nhiều “kẻ địch” và càng nhanh càng tốt.
Khi chúng ta bị tràn ngập trong nỗi sợ, thù hằn và tuyệt vọng, chúng ta trở nên cực kỳ hung tợn - Ảnh minh họa
Binh lính đã được huấn thị rằng nếu họ không tiêu diệt, họ sẽ bị tiêu diệt. Họ cũng được truyền đạt rằng việc tiêu diệt là đúng đắn bởi vì những người mà họ đang cố gắng tiêu diệt là mối hiểm nguy đối với xã hội; những “kẻ kia” là quái vật và đất nước chúng ta sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu không có những con quái vật như vậy.
Và binh lính cũng được huấn luyện để tin rằng những người, những nhóm người mà họ tiêu diệt không phải là “con người”. Nếu họ xem những người mà họ cho là “kẻ thù” cũng là con người giống như chính bản thân họ thì có lẽ họ không có động cơ để tiêu diệt nữa.
Mỗi người trong chúng ta phải ý thức được việc các binh lính được huấn luyện như thế nào, liệu rằng chúng ta có đồng tình với việc đấu tranh bạo động hay không. Điều quan trọng là không lên án, chỉ trích bất kỳ một quốc gia đơn lẻ nào. Tình huống chúng ta mắc phải phần nhiều liên quan đến phương thức đấu tranh của chúng ta.
Chính bản thân chúng ta cũng có thể bị “tiêu diệt” bất kỳ lúc nào bởi sợ hãi, giận dữ, tuyệt vọng. Khi chúng ta bị tràn ngập trong nỗi sợ, thù hằn và tuyệt vọng, chúng ta trở nên cực kỳ hung tợn.
Mục đích của sự bạo động không chỉ đơn giản như những gì chúng ta nghĩ, mà chỉ là cách chúng ta “xả” sự giận dữ, thù ghét và tuyệt vọng của mình. Bất cứ bên nào đi nữa cũng phải chịu trách nhiệm cho những gì đã, đang và sẽ diễn ra. Chuẩn bị cho những cuộc bạo động chính là chuẩn bị cho toàn thể chúng ta bước vào “cửa tử”.
Có rất nhiều cách để bảo vệ chính mình mà không cần đến bạo động như chính sách ngoại giao quốc tế, tạo dựng những liên minh với các nước khác. Khi chúng ta sử dụng những phương thức tương tự như vậy, sẽ không cần đến binh lính, bạo động. Đây không phải là lý thuyết suông, trong quá khứ các tiền nhân đã làm được như vậy.
Những hành động nhân danh hòa bình phải được thực hiện một cách hòa bình thực sự. Nếu những hành động nhân danh hòa bình chỉ là sự nguỵ trang cho sợ hãi và thù hằn thì mọi hành động như thế đều trở nên vô nghĩa. Những thế hệ trước là thực hiện những hành động vô nghĩa như vậy, chúng ta phải nhìn nhận và học hỏi những sai lầm đó để không lặp lại một vô ích.
Chúng ta tiêu diệt một ai đó, một nhóm người nào đó vì chúng ta nghĩ rằng “họ” là ác quỷ, tiêu diệt họ sẽ mang lại bình yên cho chúng ta. Ta nghĩ như thế, ta hành động như thế bởi vì chúng không có chánh niệm.
Nếu chúng ta có chánh niệm, chúng ta sẽ nhìn được xa hơn để thấy được một cách sâu sắc viễn cảnh của tương lai có gốc rễ chính ở giây phút hiện tại. Nếu chúng ta có chánh niệm vững chãi, tuệ giác sẽ phát sinh: “Người mà tôi muốn tiêu diệt cũng là con người giống như tôi. Liệu có cách nào để hành xử tốt hơn và thay đổi tình trạng hiện giờ? Liệu rằng tôi có thể có những tri giác sai lầm hay không và một ngày nọ tôi hiểu ra rằng họ và tôi đều là nạn nhân của những hiểu nhầm và họ không phải là ác quỷ như tôi nghĩ”.
Chánh niệm giúp chúng ta nhìn nhận và hiểu được để ta không biến mình trở thành công cụ giết người của bất cứ một ai.
Một người có chánh niệm với mọi hành động của mình, người đó có khả năng nhìn sâu. Không cần phải sử dụng vũ khí và có rất nhiều phương cách để giải quyết vấn đề các bên đối lập, và tận dụng mọi con đường giải quyết trước khi sử dụng bạo động.
Người ta thường nghĩ tới hai chiều kích một cách cực đoan: bạo động và bất bạo động. Tuy nhiên còn có nhiều vùng xám giữa hai làn ranh trắng đen này. Sẽ có những con đường ít bạo động hơn. Khi chúng ta có hiểu biết và thương yêu, ta đã có một cơ hội tốt cho vấn đề. Khi chúng ta bị thôi thúc bởi giận dữ và sợ hãi, ta đã trở thành nạn nhân rồi.
Đừng sử dụng binh lính để giải quyết xung đột. Binh lính là để bảo vệ người dân, bảo vệ đất nước trước nạn xâm lược. Cho dù tình trạng xấu nhất xảy ra, ta cũng không nên hoàn toàn chỉ dựa vào binh lính. Chúng ta phải tìm một con đường khác để bảo vệ chúng ta.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Đông Phong lược dịch
(từ Compassion Is Our Best Protection, sách Calming the Fearful Mind - A Zen Response to Terrorism)