Sự lo lắng của cha mẹ cũng “lây” sang con cái

GNO - Nếu cha mẹ trong tình trạng lo lắng sẽ gây ảnh hưởng đến con cái. Nói cách khác, con cái có phụ huynh lo lắng thì bản thân chúng sẽ có nguy cơ lo lắng rất cao - theo báo cáo một nghiên cứu của các chuyên gia Đại học Connecticut.

Nghiên cứu cũng khẳng định rằng, chúng ta cần ngăn chặn sự lo lắng để tránh bất ổn tinh thần này truyền sang con em mình.

a huetran.png


Trẻ có ảnh hưởng rất lớn từ tâm lý của ba mẹ - Ảnh minh họa

Các nhà tâm lý học thuộc UConn Health và người dẫn đầu nghiên cứu Golda Ginsburg thực hiện nghiên cứu này khi các phụ huynh đến gặp để tham vấn cách làm sao để các hành vi, biểu hiện của sự lo lắng của họ không “lây” sang con cái.  

Từ đó, Ginsburg và các cộng sự của cô tại Đại học Johns Hopkins đã làm việc để triển khai một liệu pháp can thiệp kéo dài 1 năm đối với 136 gia đình. Mỗi gia đình có ít nhất một người (là cha hoặc mẹ) trong tình trạng lo lắng và có một con nhỏ từ 6-13 tuổi.

Liệu pháp can thiệp này được dựa trên nền tảng gia đình. Nghiên cứu cho thấy kết quả hứa hẹn từ liệu pháp này. Trong số các gia đình áp dụng liệu pháp này, thì chỉ có 9% trẻ bị phát triển sự lo lắng 1 năm sau đó. Còn các gia đình có sự can thiệp thông qua các hướng dẫn bằng văn bản (sách, tài liệu) thì có 21% trẻ phát triển chứng lo lắng sau 1 năm và 31% đối với các trẻ không áp dụng giải pháp nào.

Kết quả này được đăng trên Tạp chí Tâm thần học tháng 9 qua. Các chuyên gia kết luận, lo lắng là bất ổn tâm lý mang tính thế hệ, có đến 50% trẻ có cha mẹ lo lắng sẽ bị chứng lo lắng về sau. Dù tại Hoa Kỳ, đã có nhiều giải pháp ở trường học để khắc phục tình trạng này nhưng hiệu quả đạt được không cao.

Nhiều yếu tố đóng góp vào sự phát triển biểu hiện lo lắng của trẻ gồm các tác động trước khi trẻ được sinh ra và các trải nghiệm cuộc sống. Theo đó, nếu trẻ có nhiều trải nghiệm cuộc sống tiêu cực trong quá trình lớn lên thì sẽ dễ dàng trong tình trạng lo lắng hơn. Và theo các chuyên gia, sự lo lắng này có thể được “học”. Nếu cha (hoặc mẹ) biểu hiện sự lo lắng, trẻ sẽ bắt chước những điều đó từ cha mẹ mình một cách tự nhiên.

Theo nghiên cứu, liệu pháp này dạy cho con trẻ cách nhận diện các dấu hiệu của lo lắng và ngưng chúng lại. “Chúng tôi dạy con trẻ cách xác định sự lo lắng, sợ hãi và dạy trẻ cách thay đổi chúng”, chia sẻ của Ginsberg.

Ví dụ như: Nếu trẻ sợ mèo và gặp phải mèo trên đường đi thì trước tiên trẻ cần xác định mình có điều lo lắng rằng “Con mèo này sẽ có thể cắn mình”. Sau đó, trẻ sẽ kiểm tra lại suy nghĩ và phán đoán của mình: Liệu con mèo sẽ cắn mình không? - Không, con mèo trông đâu có giận dữ, nó đâu có nhe răng tấn công, nó vẫn đứng yên ở đó mà. À, không sao rồi, mình có thể đi ngang qua con mèo và nó sẽ không làm gì mình đâu.

Như vậy, nếu trẻ học được cách thực tập này thì sẽ giúp giảm được mức sợ hãi ở trẻ một cách đáng kể.

Huệ Trần (Theo Live Science)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày