Sư núi

Giác Ngộ - Tôi gọi sư là sư núi đơn giản vì… sư tu trên núi. Và cũng vì một lẽ, sư đã quen với cuộc sống đạm bạc trên núi nên khi có duyên sự lên Sài Gòn, được tiếp cận cuộc sống hiện đại, được đi trên nền gạch bóng loáng, được ngủ ấm hơn, ăn ngon hơn nên sư thấy “ngộp”. 

1. Sư có pháp danh là Thích Huệ Từ, đứng hạng nhì trong bảng danh sách khen thưởng giới tử Sa di xin thọ Tỳ kheo tụng thuộc bốn bộ luật tiểu tại Đại giới đàn, thay vì vui mừng thì sư lại… sợ. 

Sư bảo: “Nghe quý thầy công bố danh sách giới tử đạt giải thưởng, trong đó có tôi, thật sự không ngờ được luôn cô ơi. Tôi nghĩ, tham gia giới đàn có rất nhiều giới tử tu học có điều kiện nên họ rất giỏi. Còn tôi, tôi tu ở núi, sư phụ không có thời gian dạy cho học, rất khó khăn trong việc đến với trường lớp học nên nghe nói Đại giới đàn năm nay có nhiều điều kiện cho Tăng Ni trau dồi kiến thức nên tôi xin sư phụ cho đi. Giờ được thế này, tôi thật sự… run lắm”.

Thien than quet la.JPG

Sư Huệ Từ bên các chú tiểu - Ảnh: H.Ý

Nghe sư kể về con đường đến với Phật pháp mà thấy thương cho sư quá đỗi. Sư kể: “Cô biết không, ngày xưa còn nhỏ, lóc chóc không biết gì, trong một lần đi chơi cùng bè bạn, lỡ đánh một đứa chọc ghẹo tôi nên gia đình tôi mang tiếng, người ta nói ba tôi đẻ con côn đồ. Vì thế mà tôi đã lang thang, bỏ xứ Nghệ An đi vào Sài Gòn. Đến lúc nhớ nhà muốn về thì lại hết tiền, khi ấy, trước chùa Huê Nghiêm, tôi gặp cô Phật tử, cô bảo nếu tôi chịu đi tu thì cô cho tiền về xe. Bí quá nên tôi đồng ý. Sau đó trong một lần nghe sư phụ giảng, sư phụ hát, tôi thấy thích rồi xin sư phụ về chùa luôn”.

Sư nói tiếp: “Dẫn tôi về chùa, sư phụ hỏi tôi sao thích về chùa sư phụ, tôi bảo là tại sư phụ hát hay, con thích nên con theo về. Sư phụ nghe chắc buồn cười lắm. Nhưng sống ở am trên núi một thời gian, thấy sư phụ nuôi nhiều chú tiểu có xuất thân là trẻ mồ côi, thấy hạnh nguyện của sư phụ, tôi nghĩ nếu sống mà đem niềm vui cho người khác, giúp ích được người khác thì cuộc đời này đáng sống hơn nhiều. Ngộ được cuộc sống vô thường và chân lý đạo Phật, sau đó không bao lâu tôi xin sư phụ cho xuất gia, rồi ở núi tu luôn với sư phụ và với mấy chú tiểu. Tính ra, tôi tu được gần năm năm rồi đó cô”.

2. Lắng nghe những phút trải lòng chân tình, mộc mạc về con đường đến với Phật pháp, sự tu tập của sư Huệ Từ mà không chỉ riêng tôi, những giới tử đạt số điểm cao trong kỳ thi có nhiều ấn tượng, khâm phục sự bền bỉ trên con đường tu tập của sư. 

Thầy Trung Hiếu, giới tử đạt số điểm cao nhất của bảng danh sách giới tử Tỳ kheo trúng tuyển kỳ thi khảo hạch Đại giới đàn chia sẻ: “Nghe sư ấy kể mà thấy mình may mắn hơn sư ấy nhiều, có điều kiện tu học, có thời gian đến gần Phật pháp hơn sư. Mỗi người có mỗi nhân duyên, con đường tu của sư nhiều nghịch duyên mà sư đạt được kết quả như ngày hôm nay chắc chắn là sư phấn đấu nhiều lắm!”.

Nghe sư kể về chuyện đời, chuyện đạo của sư mới thấy rằng Phật pháp nhiệm mầu bởi khi đã hướng về Phật, một lòng quyết tâm tu để về được với thế giới Phật A Di Đà thì dù ở bất cứ nơi đâu, ngườ i đệ tử Phật vẫn tu tốt. “Tôi ngộ ra rằng, khi mình có lòng từ, muốn cứu độ chúng sinh thì ở đâu vẫn có nhân duyên để nuôi nó lớn dậy, để đạo hạnh của người đệ tử Phật ngày một tăng trưởng”, sư chia sẻ.

Tu hành nếu biết nương tựa Chánh pháp, nương tựa vào niềm tin ấy thì dẫu nơi núi cao, khó khăn, ánh sáng Phật pháp trong nhà sư vẫn sáng ngời. Minh chứng cho điều đó chính là kết quả, giải thưởng và sự vinh danh mà sư nhận được sau thời gian dày công khổ luyện dựa trên niềm tin, sự tinh tấn của bản thân, vượt qua nhiều nghịch duyên của chốn bụi trần và bộn bề công việc… 

Hạnh Ý

Cùng quý độc giả:

Chuyện những Thiên thần quét lá là tiểu mục trên trang PG&TT, bắt đầu khởi đăng từ số báo 583. Đây là chuyên mục dành cho những cây bút chuyên và không chuyên, viết về các chú tiểu, sa di (sa di ni) đã, đang trải qua đời sống tu tập nơi cửa chùa. 

Đó cũng có thể là lời kể của những người trong cuộc chia sẻ về những kỷ niệm tu tập của mình với những niềm vui, những kỷ niệm, kinh nghiệm thực tập để vượt qua chướng ngại, giữ vững sơ tâm. 

Bài viết không quá 1.200 chữ, gửi về Giác Ngộ (85 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3, TP.HCM) bằng thư tay hoặc qua địa chỉ e-mail: phatgiaovatuoitre@gmail.com.

Bài được chọn đăng sẽ có nhuận bút, và cứ sau 3 tháng BBT sẽ chọn ra một bài hay, ấn tượng nhất để trao thưởng, giải thưởng gồm 500.000 đồng và quà tặng sách trị giá 500.000 đồng. Mong nhận được sự hưởng ứng của quý độc giả Báo Giác Ngộ.

Giác Ngộ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày