GN - Trước khi trở thành người khai sáng đạo Phật, Thái tử Tất-đạt-đa cũng là một con người như mọi con người. Đã là con người, ai cũng có mơ ước. Ước mơ là chất liệu nuôi dưỡng cuộc sống! Ước mơ là kích thích tố thúc đẩy con người tiến về phía trước để thực hiện hóa ước mơ. Tuy nhiên, ước mơ không bao giờ có điểm dừng, vì con người không bao giờ thỏa mãn ước mơ.
Nói khác đi, đời người là một chuỗi kiếm tìm ước mơ. Ước mơ của một đời người là thành đạt danh vọng, địa vị xã hội, sở hữu của cải, tiền bạc, và quan trọng nhất là một gia đình hạnh phúc. Đây là những mục tiêu chung nhất mà mọi con người đều muốn vươn tới. Nếu thế thì Tất-đạt-đa đã có được mọi thứ mà cuộc đời này mơ ước. Là hoàng thái tử của vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma-da, ngài sẽ kế vị vương quốc Sakya, sẽ trở thành người có quyền lực nhất đất nước. Là con trai độc nhất, ngài được hưởng thụ mọi thứ tối ưu trong cuộc sống hoàng gia, từ phương diện vật chất đến lãnh vực tinh thần. Được nuôi dưỡng trong một nền giáo dục đặc biệt, Tất-đạt-đa sớm trở thành thanh niên xuất chúng, văn võ toàn tài, được mọi người kính mến. Ở độ tuổi trưởng thành, chàng đã chọn được ý trung nhân đức hạnh vẹn toàn, và…! Nói khác đi, những gì Tất-đạt-đa đang có được là mục tiêu lý tưởng mà hầu hết con người trong cuộc đời này mong ước.
Ai mong muốn trở thành tu sĩ Phật giáo cần hiểu rõ ý nghĩa và giá trị xuất gia
bằng chính cuộc đời Đức Phật nhằm học tập, suy gẫm và ứng dụng vào trong đời sống tu hành của tự thân
Theo quy luật tâm lý, khi đạt được bất cứ thứ gì trong cuộc sống, người ta lập tức ôm chặt nó, biến nó thành vật sở hữu, thậm chí xem chúng như là mạng sống của mình! Không dừng lại ở đó, sau khi đạt được cái khổ công tìm cầu, người ta lại khát khao có được cái tốt hơn, đẹp đẽ hơn, giá trị hơn, ưu việt hơn, và cứ thế… Trong nỗ lực kiếm tìm và nắm bắt nắm ước mơ, trớ trêu thay, con người lại tự biến mình thành kẻ nô lệ cho những thứ mà mình là chủ nhân! Con người trở thành nô lệ cho chính dục vọng của tự thân dưới bóng dáng kiếm tìm ước mơ. Có lẽ vì thế mà nhà tâm phân học người Đức, Erich Fromm, đã từng nói rằng khuynh hướng sống của con người trong xã hội hiện nay là “hiện hữu thay vì sở hữu”!1 Rất ít người đủ can đảm rũ bỏ ánh hào quang của năm món ngũ dục “tài, danh, sắc, thực, thùy” này! Bởi theo kinh nghiệm tiền nhân, “giang sơn dễ đổi, bản tánh khó dời”. Vả lại, bản tánh của con người là nắm giữ chứ không phải từ bỏ, chấp thủ chứ không phải buông xả. Do vậy, để buông bỏ những thứ mà cả thế giới này mơ ước là việc làm đi ngược với tâm lý con người. Hơn thế nữa, trong đời sống hàng ngày, việc từ bỏ một thói quen xấu, như rượu chè, cờ bạc, nói dối, nghiện ngập những chất kích thích làm tổn hại trực tiếp đến nhân cách, địa vị, uy tín, sức khỏe… là khá khó với phần lớn mọi người, thì làm sao người ta có thể từ bỏ những thứ mà họ xem như là mạng sống của mình!
Tuy nhiên, Tất-đạt-đa lại hành xử khác với lối tư duy và thói quen của đại đa số quần chúng! Đây là sự khác biệt giữa người phi thường và người bình thường! Đức Phật đã làm một việc mà các sử gia thế giới ngày nay gọi là “Sự từ bỏ vĩ đại”, một sự từ bỏ “không bình thường” trong nhãn quan của con người bình thường. Theo Rabindranath Tagore, nếu Tất-đạt-đa tự hào với những gì đang có, ngủ quên trong ánh hào quang giả tạm của thế giới quyền uy, bị nhận chìm trong ngũ dục tài, danh, sắc, thực, thùy, có lẽ ngày nay Ngài đã bị nhân loại lãng quên. Nếu Đức Phật xuất hiện trước người cùng thời của mình như một ông vua đầy uy vũ, hay một vị tướng với chiến công lẫy lừng, hẳn là Ngài đã có thể dễ dàng gây ấn tượng với thời đại đó và đã gặt hái danh dự cho bản thân. Nhưng niềm danh dự thừa thãi ấy như đã hiện hữu trong sinh thời của Ngài vốn đã trôi vào trong quên lãng theo dòng thời gian.2 Sở dĩ Ngài trở nên bất tử đối với mọi thời đại bởi vì chính Ngài đã làm hiển lộ giá trị ưu việt của con người bằng sự chứng ngộ Phật quả.
Như vậy, khởi đầu cho hành trình xuất thế tìm đạo giải thoát của Đức Phật là sự từ bỏ. Nói khác đi, xuất gia có nghĩa là buông chứ không phải là nắm, là từ bỏ chứ không phải là tom góp. Có lẽ dựa trên căn bản của ý nghĩa này mà chư vị Tổ sư dạy rằng xuất gia có nghĩa là xuất thế tục gia, xuất phiền não gia và xuất tam giới gia. Cần lưu ý rằng xuất gia trong Phật giáo không đơn thuần là ra khỏi gia đình, khoác áo cà-sa, trở thành thầy tu, mà người xuất gia cần phải cắt bỏ mọi sự níu kéo của gia đình, sống một đời sống không quyến thuộc, không thân thích, không sở hữu để xây dựng một tình thương rộng lớn và bao la hơn như Đức Phật đã từng dạy “trời đất là nhà, nhân loại là quyến thuộc”. Nhờ cắt đứt mọi sự ràng buộc như thế mà các loại phiền não, rắc rối bắt nguồn từ “cái này là tôi, là của tôi, là tự ngã của tôi, là gia đình tôi, là dòng họ tôi, là địa vị của tôi, là tài sản của tôi, là chùa chiền tôi, là đệ tử tôi…” không có cơ hội dấy khởi. Có thể nói rằng đời sống tu hành trong Phật giáo chỉ thật sự có giá trị và ý nghĩa khi người xuất gia thật lòng muốn từ bỏ: (a) dục lạc, ham muốn của đời sống thế gian (kammatanha), (b) sự bám víu cuộc sống, chức vụ, địa vị, sự nổi tiếng (bhavatanha), và (c) mong ước sanh về một thế giới khác (vibhavatanha).
Ý nghĩa này đã được Đức Phật đề cập đến trong kinh bộ Tương ưng. Khi thấy một khúc gỗ đang trôi lềnh bềnh trên sông, Đức Phật dạy rằng nếu khúc gỗ ấy không bị tấp vào hai bên bờ, không bị nhận chìm bởi dòng nước xoáy, không bị mắc cạn, không bị trời người vớt, không bị mục nát bên trong thì chắc chắn nó sẽ trôi ra biển cả. Cũng vậy, người xuất gia chắc chắn sẽ thành tựu được mục đích, xuôi về Niết-bàn, chứng đắc giải thoát nếu vị ấy không ái trước mắt tai mũi lưỡi thân ý của tự thân; không bị trói buộc bởi sắc thanh hương vị xúc pháp; không là kẻ nô lệ của hỷ và tham; không cống cao, ngã mạn khen mình chê người; không quá liên hệ với đời sống cư sĩ; không bị năm thứ tài danh sắc thực thùy chi phối; không mong về cõi trời, không sống tà giới, tà mạng, mê tín dị đoan… Đây là những tiêu chí căn bản và quan trọng đối với những ai có ước mong trở thành tu sĩ Phật giáo. Nhưng, con người với đại đa số, giống như khúc gỗ lềnh bềnh trên sông rất khó để trôi về biển cả bởi những chướng ngại mà nó gặp phải trên con đường nó đi qua. Vì vậy, rất hiếm người tu có thể đạt đến mục đích cao cả mà từ ngày đầu xuất gia họ đã phát nguyện; bởi lẽ dục vọng là bản năng của con người, khuynh hướng nuông chiều dục vọng và thỏa mãn dục vọng là thói quen chung.
Trong thực tế, rất ít người trong cuộc đời này vượt qua được sự cám dỗ của ngũ dục; rất ít tu sĩ, đạo sĩ, giáo sĩ… có thể vượt qua được vị ngọt, sự hấp dẫn của dục lạc do vật chất đem lại, đặc biệt là hỷ lạc do chứng đắc các cấp độ tâm linh. Đây là lý do tại sao các đạo sĩ danh tiếng cùng thời Đức Phật, và mãi cho đến ngày nay, không thể tìm ra chân lý, không đạt đến đích giải thoát cuối cùng, bởi vì các vị ấy cũng trói buộc trong cái bẫy chấp thủ, bám víu hỷ lạc mà họ khổ công tu hành có được. Ngược lại, Thái tử Tất-đạt-đa hành động một cách khác thường. Ngài dám buông xả tất cả mọi thứ mà cuộc đời ôm chặt để thực hiện hoài bão. Ngài không chỉ từ bỏ những thứ dục lạc do thế giới vật chất đem lại, mà ngay cả các loại thiền lạc do tu tập chứng được dưới sự hướng dẫn của Alara Kalama, Uddaka Ramaputta… cũng không cột trói được Ngài. Có thể nói rằng đây là một sự từ bỏ vô tiền khoáng hậu! Bằng sự kiên định với mục tiêu tìm cầu chân lý để giải thoát khổ đau cho tự thân và tha nhân, Đức Phật sẵn sàng buông bỏ mọi thứ cho đến khi đạt được mục đích tối hậu. Theo Rabindranath Tagore, “sự từ bỏ này đã khiến Ngài ngồi trong đại định trên ngai vàng của trái tim nhân loại” 4.
Do vậy, ai mong muốn trở thành tu sĩ Phật giáo cần hiểu rõ ý nghĩa và giá trị xuất gia bằng chính cuộc đời Đức Phật nhằm học tập, suy gẫm và ứng dụng vào trong đời sống tu hành của tự thân. Có như vậy người ta mới không cảm thấy xấu hổ và ân hận với cái sơ tâm cầu đạo. Ai đủ nghị lực, trí tuệ và lòng quyết tâm để thực tập hạnh từ bỏ này chắc chắn sẽ thành đạt được đại nguyện xuất gia trong một ngày không xa.
Viên Trí
---
1 Erich Fromm, To Have Or To Be, Abacus, London.
2 Hương Vân, Chuỗi ngọc trai, Nxb Phương Đông, 2011.
3 Sa-di ngũ đức “Nhứt giả phát tâm xuất gia hoài bội đạo cố… Ngũ giả chí cầu đại thừa vị độ nhơn cố”.
4 Hương Vân (dịch) Contribution to World Civilizaton and Culture, S. Chand & Company, New Delhi, 1983, “That is why we see Buddhadeva the Mahayogi seated, today, on the throne of men’s heart…”