GNO - Trẻ được bú sữa mẹ ít nhất 6 tháng có nguy cơ bị bệnh bạch cầu thấp hơn các trẻ không bú mẹ, theo một phân tích từ nghiên cứu.
Qua xem xét 18 nghiên cứu khoa học, các chuyên gia đã phát hiện ra rằng trẻ được bú sữa mẹ từ 6 tháng tuổi trở lên giảm được 19% nguy cơ mắc bệnh bạch cầu so với trẻ có thời gian bú sữa mẹ ngắn hơn hoặc trẻ không bú sữa mẹ.
Trẻ được bú sữa mẹ ít nhất 6 tháng có nguy cơ bị bệnh bạch cầu thấp hơn - Ảnh minh họa
Dù bệnh bạch cầu khá hiếm ở trẻ nhưng theo thống kê thì mỗi năm đều có ca mắc bệnh này. Tuy nhiên, nguyên nhân gây ra bệnh này thì còn chưa được nghiên cứu làm rõ - theo tác giả Efrat L. Amitay, Đại học Haifa (Israel).
Trong 18 nghiên cứu đó, có đến 10.000 ca mắc bệnh bạch cầu trong thời gian từ năm 1960-2014.
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, tuy bệnh bạch cầu là bệnh hiếm gặp nhưng vẫn thuộc nhóm các bệnh ung thư phổ biến ở trẻ nhỏ, chiếm khoảng 1 trong số 3 ca ung thư ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên. Các nhà nghiên cứu xem xét cả 2 bệnh bạch cầu cấp tính là ALL và AML. Theo đó, có khoảng 85% trẻ mắc ALL sống sót sau căn bệnh nhưng chỉ có 60-70% trẻ hồi phục khi mắc AML.
Nghiên cứu này cho thấy sự liên hệ mạnh mẽ giữa bệnh bạch cầu và dinh dưỡng khi trẻ sơ sinh, có thể được sử dụng cho giới chức y tế và các chuyên gia y tế để giảm nguy cơ trẻ mắc bệnh này.
Cơ chế của mối liên hệ này vẫn chưa được làm rõ nhưng tác giả cho rằng: “Sữa mẹ là dinh dưỡng sống, chứa các kháng thể do người mẹ tạo ra, giúp xây dựng môi trường vi khuẩn đường ruột có lợi cho trẻ và tác động tích cực đến sự hình thành hệ thống miễn dịch ở trẻ”.
Giả thiết khác cho rằng sữa mẹ giúp duy trì nồng độ pH trong dạ dày trẻ ở mức tốt nhất cho việc sản xuất các protein có lợi, được gọi là HAMLET. Các nghiên cứu trước đây trên vật thử cho thấy HAMLET có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư.
Nghiên cứu này được đăng trên Tạp chí JAMA Nhi khoa, ngày 1-6 qua.
Huệ Trần (Theo Live Science)