GN - Đó là một sự khẳng định, bởi vì ai trong chúng ta cũng từng bị cuốn đi, về phía nào đó, của công việc, học hành, của mưu sinh, đàn đúm, của người con gái, con trai khác…
Thế nên trong Kinh
Vu lan & Kinh Báo ân cha mẹ, Đức Phật mới nhắc tới chuyện bất hiếu của con gái lẫn con trai, người rơi vào “tửu điếm, phố phường ngao du” hoặc “bài bạc với đồ bất chánh”, người thì “đến lúc tòng phu xuất giá, lo bên chồng chẳng sá bên mình” hay “trước còn lai vãng viếng thăm, lần lần nguội lạnh, biệt tăm biệt nhà”…
Con cái thì như thế, nhưng nước mắt thì muôn đời vẫn chảy xuôi. Có đứa con bất hiếu, bỏ cha bỏ mẹ nhưng khi quay về vẫn được đón vào vòng tay yêu thương, bởi cha mẹ hiểu “nếu mình cũng bỏ nó thì ai sẽ còn chấp nhận nó nữa đây, rồi cuộc đời nó sẽ ra sao?”. Câu hỏi ấy đủ để giữ đứa con bất hiếu ở lại với niềm tin tình thương sẽ cảm hóa con mình trở thành người hiền thiện, sống có tình, có nghĩa. Song, một số con cái thường nuôi cha mẹ thì “tính tháng, tính ngày”, còn cha mẹ thì lúc nào cũng “biển hồ lai láng”. Chẳng phải tự nhiên ca dao, dân ca lại rút ra điều đó mà nó là kết quả của một quá trình quan sát, thường thấy như một lẽ trớ trêu, bạc bẽo của con người.
1. Một vị thầy khi giảng về hiếu hạnh đã kết luận rằng “đa số chúng ta là những con người vong bội” bởi “cái ơn lớn nhứt là ơn sanh thành, dưỡng dục mà còn quên, còn phụ thì sao không phải là người vong bội cho được!”. Không nhớ ơn sanh dưỡng thì cũng như người… bỏ đi, hay “không lớn nổi thành người” dẫu vẫn mang hình hài con người. Đấy chính là một điều đáng buồn, không phải cho người đó không, mà cho cả cái nhìn về nhân tình thế thái qua đôi mắt nhân quả, rằng người ấy đã gieo một nhân bất thiện cho quả không lành ở tương lai. Đức Phật dạy, bất hiếu là một trong những trọng tội của chúng sinh và phải đọa đày muôn nghìn kiếp trong chốn địa ngục. Và, Ngài cũng tán dương “tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”. Chính vì lẽ đó mà dân gian mới tụng ca rằng: “Tu đâu cho bằng tu nhà. Thờ cha kính mẹ mới là chân tu”.
Vâng, chỉ cần kính cha, thờ mẹ trong ý nghĩa hiếu đễ thuận hòa, ghi ơn sâu nặng của hai đấng sanh thành mà sống tốt cho mình, cho người là một pháp tu, một sự diệu dụng giáo lý nhà Phật vào cuộc sống một cách mầu nhiệm. Chúng ta đi chùa nhiều mà về nhà không biết thương cha kính mẹ, những bậc đáng kính hiện tiền thì chắc Phật cũng không chứng, vì không hiểu Phật, có khi còn mang tội phỉ báng Ngài, bởi mình đã làm trái lời dạy của Phật, làm cho người thế gian nhầm hiểu về người con Phật là người bất hiếu. Do vậy, quên mẹ, quên cha trong ý nghĩa ấy cũng có nghĩa là quên Phật.
Ta từng quên mẹ, quên trong sự không nhớ tới, đến không ngó ngàng tới, thậm chí là từ bỏ cha mẹ mình vì sợ xấu bởi mẹ già lụm cụm, không được minh mẫn hay hôi thối do bệnh tật. Đó đâu phải là câu chuyện chỉ có trong những câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn dạy người ta lẽ sống, nhấn mạnh về quả báo không lành bởi sự bất hiếu trong vị trí làm người. Thời hiện đại, vẫn có đứa con đẩy mẹ mình vào viện dưỡng lão, vào chùa chỉ vì những lý do tương tự như thế. Sự “quên ân trái đức” như vậy thì làm sao mà “khá” nổi, “lớn” nổi và chắc chắn chẳng thể “thành người”, dẫu bên ngoài, vị trí của anh có là ông gì, bà gì thì vị trí làm con anh mãi chỉ là con số không.
2. Bài học nhân quả, về người con đem mẹ bỏ vô rừng, đứa con kêu cha nhớ đem chiếc xe chở bà nội về để mai mốt cha già con cũng chở ba vô rừng bỏ đủ để ta sực tỉnh, về nguyên lý “gieo gió gặt bão”. Trong trùng trùng nghiệp duyên dẫn dắt ấy, chắc chắn đứa nghịch tử sẽ chiêu cảm mà vào nhà người con từng bất hiếu, cãi cha, đánh mẹ, hay giết chết song thân chỉ vì nghịch ý, không chia tài sản. Đó là lẽ đương nhiên bên cạnh điều tất yếu mà người lớn sẽ “dạy” cho con qua cách ứng xử của mình.
Đứa con sẽ học được hạnh hiếu từ cha mẹ, bằng cách mỗi khi có món ngon vật lạ, hãy thành kính dành cho cha mẹ và bảo con mang sang cho bà ngoại, ông nội. Rồi khi ông bà nội ngoại các cháu về bên kia núi thì hãy thờ phụng đủ đầy, biết làm lành mà hồi hướng phước báo, biết dâng kính tổ tiên bằng cả lòng thành thì bài học sống động ấy tất nhiên sẽ đi vào đầu, vào tim các con, để các con mình mai mốt hành xử y chang, ấm áp với mình.
Do vậy, nếu ta quên mẹ, không hiếu thuận với cha mẹ mình thì cũng có nghĩa là ta sẽ có “cơ hội” chiêu cảm với đứa con bất hiếu ở tương lai, khi một mai ta cũng sẽ trong vai ba mẹ “người ta”. Và nếu, cái cách ta quên ấy được biểu hiện sống động khi mình đang là cha mẹ “người ta” thì ta cũng sẽ “dạy” cho họ bài học về sự bất hiếu, như một sự tiếp nối không đẹp của một quá trình sanh diệt. Và, đến một lúc, ta ngỡ ngàng nhận ra thì có khi đã thật muộn mằn…
3. Để nhớ mẹ, không quên cha, hãy học Phật, hãy ghi nhớ lời Phật dạy về tâm hiếu, hạnh hiếu mà chăm sóc chu đáo, mà sống tử tế giữa cuộc đời này hầu tặng cho cha mẹ mình món quà “yên tâm”. Mình biết lo, biết nghĩ, biết kính trên nhường dưới, biết lắng nghe những tâm tư của cha mẹ, của cuộc đời để sẻ chia, để trang trải tình thương tới muôn nẻo, đó chính là biểu hiện của hiếu, dẫu mình ở thật gần hay hoàn cảnh phải xa xôi.
May mắn, nếu mình biết một con đường đi tới bờ an vui, giải thoát thì đừng có lấy mắt biết hơn của mình mà soi rọi rồi trách cha mẹ sao không hướng thượng, không làm thiện chi cho khổ. Hãy kiên trì như thể khi mình ấu thơ cha mẹ đã kiên trì đút cho mình từng muỗng cháo, từng miếng cơm để tháng ngày qua mình lớn bội, nên vóc nên hình. Cái kiên trì của người đút cơm, đút cháo ấy được thực thi bằng tình thương thì sự hiếu đễ cũng cần được thực thi bằng sự nhẫn nại mà đem lời hay, ý đẹp, đạo lành về cho cha mẹ. Tất nhiên, không phải chỉ là sách vở, chỉ nói bằng lời mà bằng những hành động, những thay đổi tốt đẹp nơi thân-tâm mình, làm cha mẹ mình cảm nhận từ từ rồi bước vô theo ngày tháng…
Điều đó không khó, nếu mình có quyết tâm. Có câu nói rằng, “niềm tin sẽ biến điều không thể thành có thể”, và niềm tin vào sự chánh chơn chắc chắn sẽ được yểm trợ từ những bậc Thánh - lúc nào cũng bi mẫn với chúng sinh.
Nhớ mẹ để sống tốt, đừng quên ba để sửa mình và từ đó giúp cho ba mẹ mình sống tốt, đặt bàn chân vào nẻo thương yêu, hiểu biết. Dân gian gọi đó là “một người tu cả họ được nhờ”. Cái tu (tức là sửa) trong ba nghiệp (ý-khẩu-thân) một cách sống động sẽ là nguồn năng lượng vô cùng lớn chiếu vào tâm người thân, để những đấng sinh thành của mình cũng cùng đi một con đường với mình, con đường sáng, đó chính là báo hiếu vẹn tròn nhất…