Tác giả "Bụi đường tuổi trẻ" & góc nhìn về Phật giáo

GN - Cuốn sách du ký Bụi đường tuổi trẻ viết về những cung đường Phật giáo của tác giả Tâm Bùi, vốn là một nhiếp ảnh gia, một travel blogger với lượt theo dõi lớn trên mạng xã hội, đang được chú ý trong thời gian gần đây, khi mà chỉ sau 1 tháng xuất bản đã bán hết gần 5.000 cuốn.

Con số này rất đáng khích lệ giữa nhiều đầu sách du ký của các bạn trẻ đang dần bị rập khuôn. Có lẽ bởi Tâm đã chọn cho mình cách tiếp cận mới lạ so với nhiều bạn bè cùng trang lứa khi viết về những đất nước có nền văn hóa Phật giáo sâu đậm. Cái nhìn của một người trẻ đối với những vùng đất có bề dày tâm linh dưới lăng kính mới khiến cho người đọc dễ dàng được truyền cảm hứng.

Tam Bui 3.jpg


Tác giả trẻ - nhiếp ảnh gia Tâm Bùi - Ảnh: NVCC

Chọn con đường đó, có vẻ như Tâm cũng đã ngầm chọn cho mình một lối sống. Trong một dòng trạng thái trên Facebook cá nhân, Tâm viết: “Đức Phật có dạy đại ý rằng, con đường đi tìm chân lý của Ngài là một con đường không lối (Pathless path), như cánh chim bay ngang trời. Người ta có thể thấy cánh chim đó, nhưng chẳng thể nào tìm lại con đường mà nó để lại. Các đệ tử có thể nghe bài giảng của Ngài, nhưng bài giảng chỉ là chiếc thuyền giúp họ qua sông. Đến bờ rồi, phải vứt chiếc thuyền đi thì mới lên đất liền được.

Mỗi người là một cá thể duy nhất, và họ phải tự tìm ra con đường để hoàn thành sứ mệnh của mình trong cuộc sống”.

Giác Ngộ đã có buổi trò chuyện với chàng trai quê gốc Hậu Giang có nụ cười hiền lành tươi rói mà Tâm tự nhận đó là “vũ khí” để thuyết phục người ta cho mình chụp hình trong những tình huống khó khi ở nước ngoài. Bạn chia sẻ, bắt đầu với việc cầm máy để trở thành một nhiếp ảnh gia:

- TÂM BÙI: Cách đây chừng 8 năm, một anh bạn đồng nghiệp ở công ty cũ là người đầu tiên đưa cho tôi cầm máy chụp hình. Lúc đầu chỉ là chụp hình cho công việc. Nhưng đó lại chính là cột mốc để tôi nhận ra là mình có năng khiếu chụp ảnh. Lần đầu cầm máy ảnh lên, tôi biết thế giới đó thuộc về mình. Thật kỳ lạ! Sau đó tôi bắt đầu tìm hiểu, mày mò, nghiên cứu lâu lắm. Cũng mất 5 năm mới dám tự tin bước vào nghề chứ không phải một bước nhảy nghề. Tôi có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho việc thay đổi này.

* Từ các bức ảnh đến những chuyến đi bụi đường xa ngàn dặm, hành trình đó đến như thế nào?

- Lúc đầu tôi chỉ chụp đơn giản ở trong nước thôi, Việt Nam mình phong cảnh đẹp lắm. Rồi tới chụp những bộ ảnh về con người, về gia đình, vừa thỏa mãn đam mê vừa để làm nghề mà sống… Chụp mãi trong nước thì cũng hết đề tài. Tôi quyết định chuyển hướng ra nước ngoài - bắt đầu tìm hiểu về các vùng đất, thế là sau đó các chuyến đi được thực hiện.

* Một số bạn trẻ đi du lịch rồi ra sách - chọn những nước tiên tiến hiện đại, còn Tâm lại chọn cung đường Phật giáo, bạn là một Phật tử và có tâm nguyện thực hiện chuyến đi này, hay chỉ đơn giản là sự tình cờ?

- Ban đầu tôi đi những nước này chỉ đơn giản là vì nghiên cứu thấy phong cảnh những vùng miền này quá đẹp, đặc biệt cung đường các nước liên quan Himalaya, và tôi muốn chụp được những bức ảnh đó, như một người làm nghề nhiếp ảnh, vậy thôi.

Trước khi đến những vùng đất này, tôi cũng đọc nhiều sách liên quan. Sau đó, từ những chuyến đi, cùng những quyển sách, tôi đã thấy mình thấm quan điểm Phật giáo lúc nào không hay. Tôi không hiểu nhiều về lịch sử Phật giáo hay các kinh điển, nhưng cảm nhận mình ngày càng thích triết lý Phật giáo. Nếu nhìn ở góc độ này thì tôi nghĩ mình là một Phật tử.

* Những triết lý đó giúp ích gì cho Tâm trong những chuyến đi cũng như cuộc sống và công việc?

- Giúp nhiều lắm! Tôi thấy mình dễ dàng chấp nhận mọi thứ, không câu nệ gì hết. Điều gì xảy ra với mình hẳn có nhân duyên, nên không quá chộn rộn. Và vì lẽ đó mình càng phải sống cho đàng hoàng tử tế. Tôi tập trung làm việc để vừa kiếm sống vừa thỏa mãn đam mê của mình, không lăn tăn nghĩ ngợi này kia nhiều. Cuộc sống sẽ có lúc này lúc khác, nhưng khi mình hiểu bản chất sự việc rồi, mình thấy việc gì cũng dễ chủ động giải quyết. Nhìn chung, đạo Phật giúp tôi sống đơn giản hơn, biết bỏ bớt nhiều thứ không cần thiết.

Ví dụ, khi đăng ảnh lên Facebook hoặc internet - tôi xác định là dành cho cộng đồng. Vì vậy không bao giờ đặt logo hay tên của mình lên đó, ai thích lấy dùng thì cứ dùng thoải mái. Người ta chia sẻ nhiều thì ảnh của mình càng được nhiều người biết đến, vậy là vui rồi. Điều duy nhất mà tôi làm để quản lý nguồn ảnh là chỉ post ảnh size nhỏ, ảnh file gốc để dùng được cho mọi trường hợp thì vẫn giữ. Ai cần thì nhắn, tôi sẽ bán ảnh gốc. Vậy thôi, vui vẻ tất cả. Phải xác định rằng không thể kiểm soát nổi mọi việc trên internet, thì vui vẻ chấp nhận việc ấy và tìm cho mình giải pháp riêng, thay vì kêu ca than phiền không được gì mà còn mất năng lượng.

* Xem ra được sống như bạn là thành công. Được làm điều mình thích, kiếm tiền được từ điều đó, tự do tự tại, còn gì hơn?

- Tôi cũng nghĩ vậy! Tôi không dám nói mình thành công, vì cũng có nhiều định nghĩa khác nhau về điều này. Nhưng tôi thấy điều cuối cùng làm cho mình hạnh phúc là được sống tự do. Mình tự do thoát khỏi những nỗi sợ, thoát khỏi cái tôi, thoát khỏi những khuôn khổ của cuộc sống. Những chuyến đi giúp mình được tự do trong tâm trí và sống nhẹ hơn. Giờ tôi thấy thích thì làm, mệt thì nghỉ, nhờ thế mà khi làm thì hết lòng sáng tạo, tận tâm.

tam bui 4.jpg


Tâm Bùi và "Bụi đường tuổi trẻ" - Ảnh: NVCC

* Bạn có tự cho rằng những thành công bước đầu này là một may mắn trong hành trình, hay tất cả đều được chuẩn bị?

- Có thể nhiều người nhìn vào thì thấy tôi suôn sẻ mọi thứ, thậm chí có người bất ngờ, nói tôi may mắn… Nhưng với bản thân mình, tôi thấy đó là một quá trình từ nhỏ đến lớn. Hồi nhỏ, tuy là một người nhút nhát, nhưng trong sâu thẳm tôi luôn nhận ra mình là một người đặc biệt. Tôi nói điều này không phải để tự đề cao bản thân hay gì khác, mà đó là một cảm giác rất thật.

Tôi luôn nghĩ lớn lên mình hẳn phải có một con đường đặc biệt, một cuộc sống khác với cuộc sống quy củ, trong khuôn khổ. Ý nghĩ đó cứ nằm trong tâm trí, lúc đậm lúc nhạt nhưng luôn tồn tại. Kể cả những ngày mới ra trường, thất nghiệp - còn miệt mài đi tìm việc ở Sài Gòn và trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống. Giờ đây, khi đã hiểu phần nào triết lý Phật giáo, tôi nhận thấy chính những khó khăn đó là động lực lớn cho mình tìm thấy con đường hôm nay.

Còn về chuyên môn, thực sự tôi phải học tập và rèn luyện - chuẩn bị mọi thứ trong 5-6 năm, tự tin vào tay nghề của mình rồi mới dám đổi sang nghề nhiếp ảnh, chứ không phải một bước thành công. Tất cả đều là một quá trình tự thân rất dài. Và hành trình này sẽ không có điểm kết thúc. Hành trình trong cuốn Bụi đường tuổi trẻ chỉ là mới bắt đầu.

* Có một kết luận chung gì cho những cung đường Phật giáo mà bạn đã đi qua và thể hiện lại trong Bụi đường tuổi trẻ?

- Điểm chung lớn nhất là đẹp! Phải nói là đẹp mọi góc nhìn. Cứ đưa máy ảnh lên là thấy đẹp, cứ thế mà bấm thôi, không cần suy nghĩ. Văn hóa Phật giáo thấm đẫm trong mọi ngóc ngách của đời sống tại các vùng này, tạo nên một cái đẹp rất sâu, đẹp trong cả những hoàn cảnh khó khăn. Điều thú vị hơn cả là - tuy đều là những xứ sở Phật giáo, nhưng văn hóa Phật giáo tại các nước này rất đa dạng, rất khác biệt. Cái đẹp đến từ sự khác biệt này.

Thật khó để nói rõ khác như thế nào, tất cả đều đã được thể hiện qua các bức ảnh. Một Trung Quốc với Phật giáo Đại thừa đầy lễ nghi, một Myanmar rất nhẹ nhàng lãng mạn, một Tây Tạng hùng vĩ và huyền bí, một Ấn Độ rộn ràng tươi vui nhưng đầy mâu thuẫn tự thân… Mỗi nơi một nét văn hóa Phật giáo riêng khó lẫn vào đâu được.

Tam Bui 1.jpg


Hành trình của chàng trai trẻ được chia sẻ là tiếp cận với với nhiều nền văn hóa,
nhiều truyền thống Phật giáo đã giúp anh sống tốt hơn - Ảnh: NVCC

* Cung đường tiếp theo Tâm sẽ chọn đi theo cách nào?

- Thực ra, những nơi chốn được thể hiện lại trong cuốn Bụi đường tuổi trẻ là không được định dạng trước, cứ đi theo tiếng gọi của trái tim, mục đích chính là bấm máy để có những bức ảnh đẹp. Nhưng sau khi ra sách này, tôi lại có ý tưởng mới cho chuyến đi tiếp theo. Chuyến đi tiếp theo sẽ có định dạng kiểu như đi tìm hạnh phúc. Tôi sẽ đến những nơi được cho là những vùng đất hạnh phúc, hoặc không hạnh phúc, để tự thân tìm hiểu xem người dân ở đó họ có hạnh phúc, hoặc không hạnh phúc như “lời đồn” hay không. Và họ hạnh phúc theo cách nào, điều gì làm cho họ hạnh phúc. Sau đó tôi sẽ đưa ra kết luận riêng của bản thân mình. Chắc chắn sẽ có những xứ sở như Bhutan, Việt Nam, Nhật Bản…, đó cũng là những xứ sở Phật giáo được ưa chuộng.

* Quá hay! Chờ sách mới của Tâm! Chúc bạn mọi việc thuận duyên!

- Tôi chỉ biết làm hết sức mình. Mọi việc cứ để diễn ra tự nhiên.

  Bùi Lan Xuân Phượng
thực hiện

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày