GN - Vào những ngày trăng tròn, Tan Nisabho (gọi tắt là Tan Po) thường cạo lại tóc, trông khuôn mặt Tan Po hệt như một đứa trẻ lên bảy, với ánh mắt nhìn chăm chăm mà thản nhiên vào tôi, khiến tôi thảng thốt sau khi thằng bé đã rửa mặt sạch và quấn khăn nghiêm chỉnh: “Ôi, bây giờ không thể cứ gọi con như bình thường được rồi. Đây rõ là phong thái của một bậc tu sĩ đây mà!”. Mẹ của tôi đứng cạnh đó cũng cúi nhìn gương mặt của Tan Po và gọi thằng bé bằng: “Người cũ quay về đây mà”.
Tôi biết rằng đây là lần đầu tiên mẹ chào hỏi thằng bé sau nhiều năm cách biệt khi Tan Po sang châu Á với mong muốn tìm kiếm ngôi nhà Chánh pháp để thay thế nơi thằng bé đã được sinh thành.
Tác giả (phải), cùng chồng và con trai đã xuất gia của mình
Tôi không hiểu bằng cách nào Phật giáo có thể tiếp cận đến tư tưởng của con trai tôi, thôi thúc nó có những bước đi quyết liệt vào con đường hành đạo khi chỉ mới ở độ tuổi 20 như vậy? Sinh ra ở hạt Marin (California, Mỹ), từ khi chỉ mới chập chững bước đi, thằng bé đã liên tục đặt ra những câu hỏi đầy tính triết lý mà người lớn chúng tôi cũng khó trả lời: “Làm sao mẹ có thể chắc rằng ước mơ không thể trở thành hiện thực được ạ? Và cuộc sống của chúng ta đây lại không phải là một giấc mơ?”.
Chúng tôi đã nuôi dạy Tan Po bằng những lời dạy của Phật: Bữa tối thanh tịnh với quyển sách hướng dẫn tụng niệm và Thiền từ bi, từ Làng Mai của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Khi thằng bé trưởng thành hơn, chúng tôi cho nó làm quen với Hội tu tập dành cho thanh thiếu niên, chủ yếu bao gồm những người bạn thân của nó, tất cả đều mang theo niềm háo hức bước vào hành trình tìm hiểu những gì chứa đựng trong tư tưởng của mỗi con người và cách vận hành nó. Theo con trai tôi, những lần được tiếp thu giáo lý, thằng bé lại càng nhận ra rằng ba mẹ chính là người bạn tinh thần đã dìu dắt mình nhiều nhất. Song, khái niệm tu sĩ chỉ được định hình trong đầu Tan Po, khi thằng bé đọc được cuốn Tất Đạt Đa của Hermann Hesse lúc vừa tròn 15 tuổi.
Tan Po vẫn giữ tâm mình trụ trong pháp Phật thông qua thiền định, sách vở và vài khóa tu, trong quá trình theo học tại Trường Đại học Reed (tiểu bang Porland, Oregon). Thằng bé cũng tham gia vào những nhóm hát tự tập hợp, thậm chí là những chuyện tình và sự đổ vỡ kéo theo sau, gia nhập những cuộc leo núi và tất cả những hoạt động nào mà vùng Tây Bắc mang lại cho nhu cầu giải trí của bọn trẻ. Tuy nhiên, trong suốt những năm đầu đại học, Tan Po chia sẻ với chúng tôi rằng thằng bé đã được chứng kiến đầy đủ nỗi thống khổ của con người, để hiểu rằng sự bất hạnh dù được xã hội đón nhận thế nào, cũng không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của nó. Rồi thằng bé cảm thấy mình sẵn sàng theo đuổi cuộc đời của một vị tu sĩ. Chúng tôi đã hỏi xem liệu thằng bé có ý định từ bỏ việc học đại học trước không. Vì trong mắt mọi người, Tan Po thật sự là một câu bé hiếm có, giỏi giang, tài năng, uy tín, thông minh, thích hợp để đeo đuổi bất cứ công việc nào ngoài xã hội.
Nhà sư trẻ Tan Po thực hành hạnh khất thực và dừng lại nhất tâm cầu nguyện an lành cho người dân
Giờ đây, sau 5 năm kể từ ngày xuất gia, mái tóc và mọi thứ thuộc về Tan Po đều biến mất, chỉ còn lại một cơ thể khẳng khiu. Chúng tôi ở Spokane (Washington) thường liên lạc qua lại với Tan Po, hiện đang tu tập ở Thái Lan, bằng Skype. Tôi cứ đòi thằng bé quay ngang quay dọc trước máy quay và với con mắt đánh giá của người làm mẹ, tôi nhận thấy rõ sự gầy gò trông thấy của thằng bé. Tôi tự hỏi, còn lại những gì là của Nathan Dale, con trai chúng tôi nữa? Không nhiều. Nhưng đó chính là những gì được gọi là tu tập, sự buông bỏ, từng chút một, những thứ ta cho là bản ngã, những thứ được gọi là của mình.
Thực hành tu tập thật sự là một phần của xu hướng hiện đại, giúp ích cho tinh thần lẫn thể chất. Không phải đơn giản để một mình có thể vượt qua sự bất như ý, mà không bỏ lại sau lưng những họ hàng, bè bạn không cùng ý chí tu tập với mình. Thật vậy, chọn lựa của Tan Po đòi hỏi ở thằng bé một sự khước từ mọi khía cạnh liên quan đến Nathan Dale của trước đây, bao gồm cả cuộc sống ngoài xã hội. Tôi còn nhớ, chuyến về thăm nhà đầu tiên kể từ ngày Tan Po xuất gia, đó cũng là một kỷ niệm khó quên. Một bữa sáng nọ tại khách sạn Settle, vài người bạn thời đại học của thằng bé cũng đến ăn sáng cùng chúng tôi. Bắt đầu với sự thay đổi bề ngoài của Tan Po, mọi người cứ nhìn chằm chằm vào thằng bé, rồi dường như ai cũng cảm nhận được có một khoảng cách xa lạ xuất hiện, trong số đó có cô bé tên Cathy, cô bé ngồi lặng người và nước mắt cứ chực trào rơi xuống đĩa thức ăn mà suốt hai tiếng đồng hồ qua cô bé chưa đụng đến, ở trước mặt.
Theo luật Phật chế, các tu sĩ không thể xuất gia nếu không có sự chấp thuận từ cha mẹ, một vài người thì cần đủ căn nguyên sâu dày mới có thể được xuất gia. Tôi biết có nhiều vị tu sĩ thậm chí dùng cách tuyệt thực để mong tìm sự chấp thuận từ cha mẹ. Ở phương Tây, những bậc cha mẹ không có tôn giáo, không là đạo Phật, họ cần rất nhiều thời gian để có thể tiếp nhận và hiểu biết về đạo Phật, một thế giới quá tách biệt với họ. Tôi cũng từng nghe nói, rất nhiều gia đình có con xuất gia theo Phật, họ đã rất buồn phiền, bối rối, thậm chí là cảm thấy hỗn loạn, nhưng xét cho cùng, các bậc cha mẹ, dù có là Phật tử hay không cũng nên thử một lần, đến gần và lắng nghe suy nghĩ, tâm tư của chính con cái mình. Nhiều bậc cha mẹ người Thái Lan, đặc biệt là tầng lớp thượng lưu, cũng đã phản ứng mạnh mẽ khi con họ quyết định gắn bó cuộc đời mình ở các tu viện. Họ dùng vật chất quý báu như xe hơi, một cuộc hôn nhân đã được hoạch định sẵn, hay một công việc đầy danh vọng như trở thành CEO cho tập đoàn gia đình v.v… để lôi kéo con cái họ ở lại.
Mặc dù Doug và tôi là những người Phật tử nòng cốt và luôn ủng hộ chí nguyện xuất gia của Tan Po, song vẫn không khỏi lo lắng và buồn đôi chút khi thằng bé xuất gia. Hai lần đầu tiên đến thăm con ở Thái Lan, chúng tôi đều thấy không yên lòng: chuyến đi đầu tiên, đến để tham dự lễ xuất gia của Tan Po, giữa khoảng không xa lạ trong một ngôi chùa Thái Lan; và chuyến đi thứ hai là cùng Tan Po đi dọc khắp đất nước để tìm gặp những vị tu sĩ đắc đạo mà thằng bé đã từng được nghe biết đến. Trong những chuyến đi đó, chúng tôi cảm nhận được nỗi buồn thẩm thấu đến thế nào khi vắng mặt Tan Po; đối với Doug, đó là những tiếng nấc lên đầy đau khổ một mình trong phòng tắm, trên chuyến bay khứ hồi đầu tiên về Mỹ. Riêng tôi, tôi đã nghĩ mình ổn cả thôi, cho đến khi thằng bé liên tục hỏi, liệu cuộc sống tu sĩ này của nó có làm tôi cảm thấy khó khăn điều gì không, trong suốt lần viếng thăm thứ hai. Chúng tôi lúc đó đang đi trên con đường dẫn vào tu viện, mặt trời chiếu sáng với những con chim nhiệt đới hót vang. Trước nỗi buồn bất ngờ ấy, tôi thấy mình gần như không thể đứng vững. Tan Po cũng không biết phải làm gì và tôi cũng vậy.
Cuối năm 2016, chúng tôi đã có một cuộc đoàn tụ gia đình ở Thái Lan, sau sự mất mát lớn, mẹ của tôi qua đời ở độ tuổi 93 và chúng tôi đã không gặp Tan Po trong suốt 2 năm. Jamey, con gái tôi cùng bạn trai của nó, Max, không phải là Phật tử, song cũng lên kế hoạch đi cùng chúng tôi trong 2 tuần.
Hai anh em chúng ban đầu thật sự mong chờ cuộc hội ngộ này, nhưng sau đó lại nhanh chóng trở nên mờ nhạt khi các dự định du lịch của chúng không tương thích với nhau. Một người thì muốn tìm hiểu những bí ẩn ở Bangkok sau những khoảng thời gian eo hẹp có được; người kia lại muốn tận dụng thời gian đó cho thiền định và tụng kinh. Cũng bởi vì các quy tắc tại tu viện của Tan Po hạn chế thời gian giải trí, nên chỉ có thể cùng nhau du lịch vào ban ngày đến các di tích thiêng liêng và tu viện khác, cũng như các bảo tàng.
Không có gì ngạc nhiên khi Vinaya, tu viện Phật giáo, làm cho Tan Po không thể hòa nhập với đời sống Phật tử một cách dễ dàng, bởi đó cũng là mục đích của một tu viện, thực hành tu tập cho chính mình. Đi theo lịch trình và dẫn dắt từ một tu sĩ không phải là những gì Jamey hay Max đã hình dung cho chuyến đi đầu tiên của Max ở nước ngoài. Vì vậy, Tan Po, Doug và tôi đã để cho bọn trẻ tự do đi tìm những cuộc phiêu lưu của riêng mình.
Từ bỏ kế hoạch nhóm như dự định ban đầu, chúng tôi quyết định dành tháng kế tiếp cho tudong (một khóa tu di động). Tudong là một từ Thái Lan xuất phát từ hạnh đầu đà Pali, đề cập đến một người “tu khổ hạnh, rốt ráo để buông bỏ phiền não”. Ngày nay, thuật ngữ này chỉ cho một hành giả chân trần lang thang qua vùng nông thôn, kêu gọi lòng từ bi của mọi người. Rất nhiều bậc thầy thiêng liêng vĩ đại của Thái Lan đã từng tu tập tudong trong nhiều năm. Cách thực hành lần này của chúng tôi có phần khác so với sự tu khổ hạnh của của các vị, nhưng cũng có đôi nét tương đồng về sự tập trung tâm, cởi mở đối với cuộc sống và truyền trao giáo pháp, hướng con người đến điều thiện lành. Cứ như vậy, chúng tôi bước xuống đường.
Mọi người xung quanh nhìn chúng tôi lạ lùng, không như những du khách bình thường. Thay vào đó, chúng tôi, bao gồm một bộ ba, đi bộ dọc theo các tuyến đường cao tốc náo nhiệt và cả những cung đường tĩnh lặng. Tôi thấy mình kỳ quặc, như người trên trời bị lạc xuống trần gian. Tôi và Doug mang hai ba-lô lớn trên vai; Tan Po khoác chiếc y vàng mà thằng bé đã khâu lại, mang theo bộ y bát và một túi vải trong đó có ba quyển sách, một tạp chí, vài cái đĩa CD từ các buổi thuyết giảng giáo pháp của thầy mình để gửi đến mọi người. Cứ như vậy, Tan Po bước đi, trong lúc tôi thấy cơ thể mình nặng trĩu. Tan Po nói: “Mẹ à, mỗi bước đi chậm chạp, nặng nề và khó khăn đó mới chính là một phần của sự thực hành tu tập”.
Doug và tôi trông như những du khách bị đi lạc khi đang trên đường đi đến một khu nghỉ mát ở bãi biển vậy. Doug đội một chiếc mũ bóng chày và mọi người nhìn chúng tôi như những người da trắng đáng kính nhiều hơn là những người hành hương tôn giáo. Không ai đi ngang qua chúng tôi mà không nhìn một hồi lâu, dừng lại năm ba phút để cúng dường thức uống và đặt đôi ba câu hỏi.
Trước khi rời khỏi tu viện của Tan Po, chúng tôi quyết định thành tâm đi khất thực ở ngoại ô thành phố Ubon Ratchathani vào buổi sáng sớm. Trong vòng năm phút, trước mắt chúng tôi, con đường được chia làm đôi, một bên là những người nông dân, một bên là thực phẩm để cúng dường cho những tu sĩ đi khất thực. Thực phẩm được đặt dưới những mái nhà nhiều góc cạnh, để tránh mưa nắng. Tan Po chưa ăn bữa nào trong ngày, vì vậy đây có thể sẽ là phần khất thực của thằng bé.
Khi chúng tôi đi qua gian hàng đầu tiên, một số gian hàng tiếp theo đã bắt đầu cúng dường. Tan Po ôm bình bát đi đầu và chúng tôi theo sau. Một tu sĩ từ chối lễ vật, sẽ không được phép ăn bất cứ thứ gì, nên hầu như chúng tôi nhận tất cả những gì được người dân cúng dường. Qua hết con đường, Tan Po đã hô vang như gửi phước lành và sự thịnh vượng đến cho mọi người. Những món ăn này được cho trong im lặng, nên nếu những người cúng dường muốn có được lời phước lành từ vị tu sĩ, họ sẽ xin bằng cách quỳ xuống với đôi chân trần, trên một tấm thảm tre được đặt phía trước, Tan Po sau đó sẽ cầu nguyện: “Hộ pháp sẽ luôn bảo vệ bạn. Bằng tất cả sức mạnh của các Ngài cùng chư Phật, bạn sẽ luôn khỏe mạnh. Bằng tất cả quyền năng của Chánh pháp, bạn sẽ luôn luôn được sáng suốt. Bằng tất cả sức mạnh của Tăng đoàn, bạn sẽ luôn luôn được bảo trợ”. Những người phụ nữ lớn tuổi cúi chào Tan Po trên đường phố và sự cung kính từ khắp nơi dành cho các nhà sư của Thái Lan dường như khiến thằng bé có chút bối rối.
Việc một thanh niên người Mỹ phát tâm từ bỏ đời sống thế tục để trở thành tu sĩ
là biến cố đối với cha mẹ, gia đình. Họ không dễ dàng thông cảm và chấp nhận
Nhìn những gì Tan Po làm, chúng tôi đã có nhiều chuyển biến tích cực, thấu hiểu hơn về những gì thằng bé đã chọn cho cuộc sống của mình. Ở một đất nước Phật giáo như Thái Lan, việc bước đi bằng chân trần khiến chúng tôi nhận ra sự thành kính vô hạn đối với chiếc y mà thằng bé đang khoác trên mình, đó là đại diện cho đức hạnh, sự sẻ chia là lòng từ bi. Khuôn mặt ngời sáng của người dân khi họ chạy đến cúng dường thức ăn, và Tan Po của tôi trong vai trò mới của mình, nhẹ nhàng gửi gắm điều thiện lành đến con phố tấp nập, tôi cảm thấy thời gian như đang dừng lại để tôi chứng kiến những người ở cả hai thế giới khác nhau, họ như cùng tạo ra một sự nối kết thân mật, chia sẻ và thiêng liêng.
Tan Po không ngừng nghỉ khi thằng bé khẳng định rằng không thể có một cuộc sống tươi đẹp hơn hiện tại. Và các bà mẹ khó thở khi tôi chia sẻ cùng họ rằng tôi không được phép ôm con trai tôi (theo luật: phụ nữ không được phép chạm vào chư Tăng). Đó cũng là một trong những thách thức đối với em gái Tan Po, Jamey. Thoạt tiên, con bé có cảm giác như mình bị tước đoạt đi điều gì đó: không còn anh trai nữa, không được hát cùng nhau, không còn lễ giáng sinh hay sinh nhật. Trong sự hờn giận ấy, con bé lại chế giễu anh mình thay vì thể hiện nỗi buồn. Nhưng sau chuyến thăm anh trai vừa rồi con bé nói: “Thấy anh ở tu viện giống như thấy hổ được thả về với rừng vậy”.
Mối quan hệ của tôi với con trai tôi trong 5 năm vừa qua bắt đầu hài hòa hơn. Tan Po và em gái vẫn liên lạc với nhau. Chúng tôi nói chuyện với Tan Po mỗi tuần hai tiếng về giáo pháp. Tôi trở về sau chuyến thăm đầu tiên đến Thái Lan, và như xây dựng một cầu nối liên kết chúng tôi với nhau. Đối với Doug và tôi, chúng tôi thật sự ngạc nhiên khi nhìn con mình trưởng thành, như một vị thủ lĩnh trên con đường hoằng dương giáo pháp của mình vậy.
Giao Hảo lược dịch
(theo Tricycle)
Nguồn: https://tricycle.org/magazine/son-became-monk/