Tâm từ của một nữ Phật tử

GN - “Hai mươi năm làm từ thiện tôi mới nhận ra phiền não tức bồ-đề. Khi làm từ thiện tôi cũng gặp nhiều nghịch duyên lắm, sau rồi mới ngộ ra, mới học được bài học về tình thương thật sự. Bây giờ, tôi thấy mọi thứ nhẹ nhàng, khỏe lắm!”. Đó là những chia sẻ từ Phật tử Diệu Thành - Đặng Ngọc Duyên (xã Long Phước, huyện Long Thành, Đồng Nai) khi trải qua nhiều năm làm công tác thiện nguyện…

Giúp được người là làm

Gặp cô Diệu Thành trong một buổi triển lãm thư pháp gây quỹ từ thiện cho các chương trình cô đang thực hiện, tôi khá ngạc nhiên khi chỉ với một gian hàng thư pháp nhỏ mà có rất đông người cùng phụ. Hỏi ra thì được cô cho biết đó là những người có nhiều hoàn cảnh khác nhau, được cô nuôi ăn học, và hiện đang ở nhà của cô với trên 20 người, đủ mọi lứa tuổi, có người đạo Phật, có người không phải đạo Phật.

Cô kể, cơ duyên cô bắt đầu nhận nuôi các em từ năm 2008, khi tự nhiên xuất hiện một đứa bé trước cửa nhà. Lúc đầu, cô Diệu Thành suy nghĩ nhiều lắm, sợ người ta dị nghị nhưng sau đó cô mới trình với sư phụ ở chùa Long Phước Thọ. Thầy khuyên: “Con nên làm những việc con nghĩ tới và mơ ước tới, chứ đừng nghĩ đến và làm những việc không nghĩ tới, hoặc để tuổi già rồi mới làm”.

Từ lời khuyên của thầy, thấy giống với tâm nguyện của mình nên cô Diệu Thành quyết định nhận nuôi.

ND (1).jpg

Phật tử Diệu Thành (thứ 2 từ phải sang) chụp ảnh với các thầy và những người cô cưu mang

Đối với cô, ai có duyên với mình, cô đều trợ duyên giúp đỡ. Có những em bé có cha có mẹ nhưng không ngoan, hoặc gia đình khó khăn cô đều nhận nuôi, kể cả những người lớn tuổi. Cô bỏ tiền ra hoàn toàn, chăm lo cho tất cả. “Đối với tôi, giáo dục một người là điều quan trọng. Tôi không phân biệt người tu hay cư sĩ, đối với tôi, ai có duyên tu thì tôi sẽ hỗ trợ hết mình, còn đối với những người không có duyên tu thì tôi nuôi ăn học, tìm việc làm đàng hoàng” - cô Diệu Thành cho biết.

“Các cháu ở đâu lì, chứ về ở với tôi đều là ngoan, mình lo cho các cháu giống như người mẹ, không cho giữ tiền riêng, rồi không có điện thoại. Ở nhà kể cả ông xã của tôi cũng không có điện thoại. Chỉ có tôi giữ số điện thoại của giáo viên, có gì thì liên lạc trực tiếp” - cô Diệu Thành chia sẻ.

Cách dạy của cô là luôn lấy “tâm chân thật là tâm Phật”, lấy đạo đức làm đầu. Ở nhà có những thời khóa tu liên tục, “sáng sớm dậy là lạy 108 lạy rồi mới đi học buổi sáng và sau 7 giờ có thời chú Đại bi. Còn buổi tối, em nào học xong thì lên lễ tụng, tối thiểu là 108 lạy và 108 biến chú Đại bi, còn muốn tu thêm lên nữa là tùy mỗi em”- cô Diệu Thành nói về các thời khóa tu tập.

Ngoài ra, cô cũng thường xuyên tổ chức các chuyến đi từ thiện tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Cô bảo: “Ban đầu chủ yếu đi miền Trung nhưng sau đó khi ghé lên các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt là Đắk Lắk, thấy bà con ở đây còn nhiều khó khăn và khổ lắm, nên sau đó cô quyết định đến tặng quà ở đây là chủ yếu”.

Cô Diệu Thành thường tặng đến người nghèo quần áo cũ, mì gói, gạo, cúng dường tượng Phật các chùa nghèo… Ngoài tặng quà ở các tỉnh, cô còn tặng quà cho bà con quanh ấp, mỗi ngày cô nấu 6 suất cơm chay tặng đến những gia đình khó khăn xung quanh nhà cô ở và đặc biệt dành riêng 100 phần quà mỗi năm tặng cho bà con nghèo tại địa phương.

Những ngày đầu, mọi công việc thiện nguyện chỉ một mình cô Diệu Thành phải lo toan mọi thứ. Còn bây giờ thì có bạn bè cùng chung tay, khi thấy những việc làm tốt đẹp, cách sống của cô giúp đỡ thiết thực cho mọi người.

Hiện nay, cô Diệu Thành đang giúp các bạn trẻ bằng cách cho ăn ở và giúp học nghề hớt tóc miễn phí tại nhà. Bạn Huy ở Tiền Giang cho biết, vô nhà cô ở là nhờ đứa bạn giới thiệu. “Ở đây, cô Diệu Thành lo hết mọi thứ, em không phải tốn một khoản tiền nào, chỉ tập trung vô học nghề. Cô rất tốt, nhiều khi cũng la mắng nhưng do mình làm sai cô mới la. Ở đây, mọi người sống rất hài hòa, dù từ nhiều nơi đến”. Huy cho biết, mình không theo đạo Phật nhưng thỉnh thoảng rảnh là phụ cô trong các công việc ở chùa.

Còn em Xuân Mai đang học lớp 10 trường cấp 3 Long Phước, nhà ở xã Phước Thái, Long Phước  (Đồng Nai), do hoàn cảnh gia đình không được hạnh phúc, em đến ở và được cô chăm sóc, nuôi ăn học được 2 năm nay. Mai chia sẻ: “Cô Diệu Thành chăm sóc em như một người mẹ, luôn dạy bảo, nhắc nhở, quan tâm cho bọn em, chăm lo rất chu đáo tất cả mọi thứ. Cô cũng hay tâm sự và chia sẻ về những kinh nghiệm, cũng như định hướng nghề nghiệp cho tụi em”.

Đặc biệt với tâm nguyện là hộ người tu nên khi có tu sĩ hữu duyên đến là cô Diệu Thành lo hoàn toàn. Vì thế đối với người tu, cô chăm lo và và trợ duyên nhiều mặt.

Thầy Thích Thông Tuệ hiện đang học ở Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM cho biết thầy có khả năng về thư pháp và tự học, được cô trợ duyên khuyến khích động viên để phát triển khả năng. Cô hỗ trợ về giấy, bút, mực… xin phép mở gian hàng triển lãm để thầy có cơ hội thể hiện khả năng, rồi dùng khả năng đó để phát triển đạo và làm từ thiện.

SC.Thích nữ Diệu Thắng thì cho biết, trước đây cô từ  Duy Xuyên, Quảng Nam đến ở nhờ nhà cô Diệu Thành để ôn thi đại học. Nhưng khi xuống ở cùng, thấy cô Diệu Thành sống rất thanh tịnh, thời khóa tu tập ổn định, cuộc sống rất an lạc, thấy mọi thứ rất đỗi nhẹ nhàng. Từ đó, cô cảm mến với đạo Phật và xin phép gia đình xuất gia. 

Cô Diệu Thắng bày tỏ:  “Cô Diệu Thành là một người rất thẳng thắn, nhân từ, khi mình làm sai cô nói thẳng. Cô như người mẹ, một người rất vững chãi, nơi mà mình có thể tin tưởng vào con đường đạo. Cô hay nói về đạo, về những gì cô thực tập và trải qua để mình biết cách sống thế nào cho đúng...”.

Tu từ những nghịch duyên

Cô Diệu Thành vốn là Phật tử thuần thành từ nhỏ, khi còn ở quê, từng sinh hoạt GĐPT, từng là giáo viên mầm non (Quảng Nam). Sau đó, ông xã của cô vào Nam lập nghiệp nên cả gia đình chuyển vào theo.

“Đạo Phật đã ăn sâu trong máu của tôi, đạo Phật đã hun đúc cho tôi phải làm sao là con người có đạo đức. Nên ngày hôm nay khi dạy mấy đứa nhỏ tôi đều dạy về làm phước. Trong đạo Phật có nhân sẽ có quả, nhân quả rất rõ ràng. Để có cuộc sống nhẹ nhàng thì phải làm phước, và làm từ cái tâm của một người con Phật chân thật. Vì thế, đối với các em, tôi luôn dạy hãy sống có đạo đức và phải biết chia sẻ với khó khăn của người khác” - cô Diệu Thành bày tỏ.

Cô Diệu Thành luôn nhắc nhở mình rằng, làm được những việc phước, phải cảm ơn những người đã cho mình cơ hội để được giúp đỡ. “Cái tốt nhất của chính mình là phải tự mình chia sẻ cái mình có với những người khó khăn. Mình giúp người ta một thùng mì đâu có thể giúp họ thoát nghèo, nhưng ở đây là dịp để mình mở lòng từ, và chia sẻ tình thương của mình đến với họ. Như vậy mình phải cảm ơn những người khó khăn hơn mình mới phải”.

Đó là cách mà cô Diệu Thành chia sẻ, làm từ thiện. Còn đối với việc tu tập thì theo cô, lúc nào cũng nhìn lại mình, sửa từng chút một: “Đối với tôi, sửa cái tâm như sửa đồ đạc trong nhà mình vậy, mình thấy xê ra một chút là phải đẩy vô lại cho ngay ngắn. Lúc nào cũng phải sửa, vì mỗi người mỗi nghiệp lực, mỗi căn tánh”. Cô nói thêm: “Bản tính của tôi là không có hiền đâu, nhưng nhờ đạo Phật mà tôi trở nên hiền hòa hơn”.

Rồi cô cười tươi, chia sẻ bài học lớn nhất của mình: “Hai mươi năm làm từ thiện tôi mới nhận ra phiền não tức bồ-đề. Khi làm từ thiện tôi cũng gặp nhiều nghịch duyên lắm, sau rồi mới ngộ ra, mới học được bài học về tình thương thật sự. Bây giờ, tôi thấy mọi thứ nhẹ nhàng, khỏe lắm!” - cô Diệu Thành bày tỏ. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Pháp niệm Phật nào đúng?

Pháp niệm Phật nào đúng?

GNO - Theo Phật giáo Phát triển (Tịnh Độ tông - Đại sư Ngẫu Ích, A Di Đà yếu giải) , niệm Phật nếu đạt nhất tâm bất loạn (Chỉ) thì thành tựu giải thoát, đoạn trừ các phiền não tham sân si..., mà không cần tu Tuệ (Quán). Theo Phật giáo Nguyên thủy, niệm Phật chỉ là một trong các tùy niệm...
Khóa lễ tụng kinh tại chánh điện chùa Tích Sơn

Vĩnh Phúc: Lễ hiệp kỵ chư tổ sư chùa Tích Sơn

GNO - Sáng 20-4, tại chùa Tích Sơn (P.Tích Sơn, TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), Thượng tọa Thích Giác Minh, Ủy viên Thường trực Ban Pháp chế T.Ư, trụ trì chùa Tích Sơn cùng Phật tử đã trang nghiêm tổ chức Lễ hiệp kỵ chư vị lịch đại tổ sư.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn chủ trì hội nghị sáng 20-4 tại thiền viện Quảng Đức

Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Sẽ mời các bên liên quan để giải quyết tồn đọng của Giáo hội

GNO - Đó là giải pháp giải quyết những khó khăn của Phật giáo tỉnh thành được Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự chấp thuận tại hội nghị báo cáo quý I - năm 2024 của Văn phòng II T.Ư, diễn ra tại thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), vào sáng 20-4.

Thông tin hàng ngày