GN - Một lớp học chỉ vỏn vẹn sáu học sinh, một cô giáo trong chiếc áo lam giản dị tận tay chỉ các em viết từng dòng chữ trên bảng chữ nổi, rồi cầm tay các em lần từng hạt nhựa tính phép tính cộng, trừ. Em nào cũng thích học, vừa chỉ bài cho em này xong, em khác lại kêu “cô, cô ơi” cho đến khi nào cô lên tiếng và đứng cạnh bên, chúng mới thôi… Lớp học đặc biệt ấy mang tên lớp hai chuyển tiếp của Trường Phổ thông đặc biệt (PTĐB) Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM và SC.Thích nữ Quảng Châu là giáo viên chủ nhiệm.
Lớp học không bảng đen, phấn trắng
Không bảng đen, phấn trắng, không phải trường không đủ kinh phí trang bị mà là vì học sinh học ở ngôi trường đặc biệt này không thể dùng tới. Cùng học lớp hai như nhau nhưng có em chỉ có thể thực hiện phép tính trong phạm vi số 5, có em thì thực hiện được phép toán trong phạm vi số 20; có em viết được, có em không thể viết; có em nói được, có em không thể nói được câu tròn vành rõ chữ, chỉ có thể nói o o o, ơ ơ ơ.
Để giảng dạy cho các em, Sư cô phải soạn đến 6 giáo trình; mỗi em một giáo trình riêng. Quả thật, dạy trẻ bình thường, để trẻ nào cũng hiểu bài đã khó; dạy trẻ khuyết tật, khiếm thị càng khó khăn hơn; dạy trẻ đa tật thì khó gấp trăm lần.
SC.Thích nữ Quảng Châu đang giảng dạy học trò của mình - Ảnh: Vũ Giang
Với em bị thiểu năng trí tuệ, để thực hiện phép toán hai cộng hai, Sư cô đưa cho em lần lượt hai chiếc que, rồi hai chiếc kế tiếp để em đếm; em đếm xong đọc cho Sư cô kết quả, kết quả đúng, cả lớp cùng hoan hô. Nhưng niềm vui đó chỉ hiện hữu trong giây phút đó, chỉ cần Sư cô vòng qua các bạn khác, hỏi lại thì em đã quên. Lúc đó, Sư cô ân cần chỉ lại cho em như từ đầu.
Trong lớp học, tất cả các em đều viết được chữ nổi nhưng riêng em Hiếu thì không. Em chỉ sử dụng được một ngón tay duy nhất. Em bị bại não nên giọng nói của em rất đặc biệt, nếu không phải là người thân của em thì rất khó nghe… Vậy mà chỉ tiếp xúc với em vài tháng, mỗi khi em nói, Sư cô điều hiểu hết ý. Mỗi lần đến giờ học nhận biết con chữ, dấu câu, Sư cô phải nặn đất sét riêng cho em, để em có thể sờ và cảm nhận. Khó khăn, vất vả là vậy nhưng Sư cô vẫn cố gắng tạo mọi phương tiện để em có thể học.
Sư cô Quảng Châu bảo: “Bé Hiếu chỉ nói không được rõ thôi, nhưng nếu muốn nghe em nói thì người bình thường vẫn có thể nghe. Điểm cộng ở em ấy là trí não của em khá nhạy. Điều đó có nghĩa, em chỉ bị khuyết vài chỗ nhưng còn có rất nhiều điểm em vẫn ổn. Em đã muốn học, thích học, thích đến với trường lớp thì không có lý do gì để mình từ chối và nhiệm vụ của người thầy, cô giáo là phải dạy, khơi dậy những ưu điểm của em để sau này em có một chỗ đứng trong xã hội, có thể tự làm một việc gì đó để nuôi sống chính mình”.
Để dạy cho 6 em học sinh cá biệt, ba tháng nghỉ hè, Sư cô miệt mài soạn giáo án, nghiên cứu chương trình, đổi mới phương thức để dạy các em có hiệu quả. Suy nghĩ nhiều, đắn đo nhiều, Sư cô quyết định dạy theo bản tính tự nhiên của các em. Có nghĩa là, các em có ưu điểm gì, Sư cô sẽ khơi dậy trong các em ưu điểm đó để tài năng của các em được phát huy.
Với tâm niệm: “Nếu các em không thể học toán, lý, hóa thì mình linh hoạt dạy các em những bài học về đạo đức, cách nói chuyện lịch sự hay những bài học kỹ năng sống, cách quét nhà, lau nhà, quậy nước chanh, làm đậu… dù chỉ học được một trong số những điều trên thì mình cũng đã giúp các em có thêm niềm vui trong cuộc sống”.
Bằng tấm lòng, cái tâm, đôi tai biết nghe, đôi bàn tay chịu khó đến từng bàn chỉ dẫn từng em, giọng nói dịu dàng đầy yêu thương, Sư cô đã đến được với 6 em học sinh và đặt mục tiêu dạy cho chúng những điều mà chúng cần, chúng muốn học, thích học chứ không phải chú trọng dạy những kiến thức mà Sư cô có.
Phát tâm dạy trẻ khiếm thị, đa tật
Nói về lý do dạy trẻ khuyết tật, cô chia sẻ: “Năm 2005, tôi xa thầy tổ lên Sài Gòn học ở Học viện Phật giáo để sau này có kiến thức về hướng dẫn Phật tử tu học, giảng dạy cho các em thanh thiếu niên. Ngày học xong, tưởng rằng sẽ về với sư phụ hẳn nhưng khi thấy gần chùa Pháp Hoa, thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, nơi tôi tu học có nhiều em khiếm thị mà chưa có nơi nào để dạy cho các em. Nặng lòng và muốn làm điều gì đó cho các em, vài tháng sau, tôi phát nguyện và xin sư phụ cho trở lại Sài Gòn học ngành giáo dục đặc biệt để vài năm sau sẽ về dạy cho các em, giúp các em vượt qua bóng tối cuộc đời và có thể đến với Phật pháp dễ dàng hơn”.
Bốn năm đèn sách, nhọc công học chữ nổi, năm 2014, tốt nghiệp ra trường, SC.Thích nữ Quảng Châu trình đơn xin Ban Giám hiệu Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu cho dạy tại đây với lý do “học kinh nghiệm để về dạy cho các em khiếm thị ở tỉnh Bình Thuận”. Lòng nhiệt tình, tình thương và cái tâm muốn cống hiến của Sư cô đã nhận được sự chấp thuận. Và, Ban Giám hiệu trường đã tạo nhiều cơ hội để Sư cô giảng dạy những lớp khó nhất, để có nhiều kinh nghiệm vì thời gian Sư cô lưu lại Sài Gòn chỉ được 2 năm.
Lớp hai chuyển tiếp là chương trình mới và lần đầu tiên được giảng dạy tại Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu, nói về lý do bổ nhiệm Sư cô chủ nhiệm lớp, cô Hà Thanh Vân, Hiệu trưởng trường cho biết: “Chương trình chuyển tiếp là chương trình rất khó, tuy SC.Thích nữ Quảng Châu mới ra trường nhưng tôi rất tin tưởng và muốn giao lớp này cho sư cô.
Để dạy 6 em đa tật này thì người dạy ngoài có sự am hiểu, tình thương thì cần lắm sự nhẫn nhịn, kiên trì. Tôi biết, những yếu tố này Sư cô có đủ. Chỉ giảng dạy vài tháng nhưng nỗ lực của Sư cô đem lại kết quả khá khả quan, các em rất thích thú với phương pháp học mới, lớp học lúc nào cũng có tiếng cười, các em học tinh thần thoải mái, vậy là đã thành công rồi”.
Không chỉ lấy tình thương của người thầy để giảng dạy các em, mà cô còn lấy lòng từ của người xuất gia để dìu dắt các em.
Với cô, “mỗi một em đặc biệt đang học tại đây đều có quyền được học nên lỡ các em có làm sai điều gì, chậm hiểu điều gì tôi phải lấy tình cảm của người mẹ để nói với các em, phải nói thế nào để các em học thêm được bài học hay, sửa được lỗi mà tinh thần vẫn vui vẻ. Vì bản thân các em đã chịu nhiều thiệt thòi, mình phải thương, bao dung các em thì mới giúp các em được”. Đó chính là bí quyết và phương châm dạy học mà SC.Thích nữ Quảng Châu đã và đang áp dụng.