Tăng cường ảnh hưởng của GHPGVN đối với việc xuất bản sách Phật giáo

Tăng cường ảnh hưởng của GHPGVN đối với việc xuất bản sách Phật giáo
Giác Ngộ - Hiện nay, với việc cởi mở trên lãnh vực xuất bản nói chung, việc xuất bản sách Phật giáo cũng đã khởi sắc trong nhiều năm qua. Sách Phật giáo, ngoài Nhà xuất bản Tôn giáo, còn được nhiều nhà xuất bản liên kết với tác giả, với các đơn vị truyền thông, văn hóa tư nhân xuất bản. Có thể kể đến các nhà xuất bản như Tổng hợp TPHCM, Phương Đông...

Hiện nay, sau khi biên soạn một quyển sách có nội dung Phật giáo, các khâu kế tiếp là xuất bản và phát hành đều rất dễ dàng.

Việc này, có 2 mặt, vừa lợi, vừa hại. Cái lợi là sách Phật giáo được xuất bản nhiều. Có nhiều nhà sách chỉ chuyên bán sách Phật giáo, và sách Phật giáo không đủ chỗ trưng bày.

Còn nhiều nhà sách lớn tổng hợp dành hẳn nhiều dãy kệ để bày bán sách Phật giáo. Có nơi gắn bảng “Sách Triết học”, nhưng sách triết học và các tôn giáo khác chỉ chiếm khoảng 10 – 20%, còn lại đều là sách có nội dung liên hệ đến Phật giáo. Sách Phật giáo khởi sắc như “trăm hoa đua nở”.

Nhưng cái hại cũng có. Ai cũng viết sách Phật giáo và liên kết xuất bản được, thì đương nhiên không tránh khỏi có một số sách có chất lượng biên soạn không cao, thậm chí, có thể mang nội dung đi ngược lại giáo lý Đạo Phật ở các mức độ khác nhau. Trường hợp chệch hướng tương đối là tác giả trình bày nhiều suy diễn chủ quan, tùy tiện.

Nhiều sách của những tác giả nước ngoài, chỉ đề cập qua về Đức Phật, sơ lược một số điểm trong giáo lý của Ngài, còn lại là bàn luận riêng của tác giả được thể hiện lẫn lộn với giáo lý Phật giáo, cũng được một số tu sĩ phiên dịch. Hẳn nhiên, là đọc những sách như vậy, người mới theo đạo Phật có thể sẽ có những ngộ nhận.

Biên tập viên các nhà xuất bản chỉ chú trọng biên tập những nội dung có liên hệ đến chính trị, thời cuộc, ngữ pháp, chính tả. Họ đương nhiên không thể có trình độ Phật học cần thiết để biên tập, trao đổi ý kiến với tác giả về những nội dung giáo lý. Vì vậy, phần nội dung sách nói là Phật học, không đụng chạm đến các vấn đề nhạy cảm, thường chỉ được biên tập về ngữ pháp, chính tả, lỗi đánh máy. Các ý tưởng được cho là của Phật giáo đều được giữ nguyên.

Vì vậy, trở lại vấn đề như đã nêu trên, có sách gọi là sách Phật giáo, nhưng chỉ vay mượn một số từ ngữ, còn lại xa lạ với Đạo Phật, thậm chí có thể có những quan điểm không đúng với đạo Phật, là hiện trạng không tránh khỏi.

Khác với những năm trong thập niên 1990, hiện nay, ảnh hưởng của các cơ quan trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), cụ thể như Thành hội Phật giáo TP.HCM, hay Báo Giác Ngộ chẳng hạn, lên hoạt động xuất bản sách Phật giáo ngày càng giảm đi. Một số đối lượng lớn sách được gọi là sách Phật giáo được biên soạn xuất bản, phát hành theo những kênh riêng, không còn một chút liên hệ gì đến GHPGVN.

Vậy, vấn đề được đặt ra là làm sao để gia tăng ảnh hưởng của GHPGVN đối với hoạt động biên tập xuất bản, phát hành sách Phật giáo, nâng cao mặt bằng chất lượng sách Phật giáo, mang đến cho bạn đọc những tác phẩm Phật học thật sự có chất lượng, giảm thiểu trường hợp có những nội dung không phù hợp với đạo Phật, nhưng lại mang danh sách Phật?

Giải pháp nào trong hoàn cảnh việc xuất bản sách Phật giáo do rất nhiều nhà xuất bản đảm nhiệm và không thể đòi hỏi có việc biên tập viên phải là những vị tôn đức tinh thông Phật pháp để thực hiện công việc biên tập có chất lượng cao đối với sách Phật giáo?

Dưới đây, xin đề xuất 2 giải pháp:

1. Xin phép thành lập “Nhà xuất bản Giáo hội Phật giáo Việt Nam” hoạt động như các nhà xuất bản có chuyên môn hẹp khác, thuộc hội đoàn, cơ quan (như Nhà xuất bản Hội Nhà văn thuộc Hội Nhà văn Việt Nam). Các cơ quan của GHPGVN trực tiếp quản lý nhà xuất bản, có thể là Ban Hoằng pháp, Ban Truyền thông, hoặc Báo Giác Ngộ kiêm nhiệm.

Biên tập viên của Nhà xuất bản GHPGVN có thể là tu sĩ, có thể là cư sĩ, nhưng phải có trình độ Phật học, thể hiện qua kiểm tra, hoặc qua thực tế làm việc, qua văn bằng, hoặc qua những cơ quan, chức sắc có thẩm quyền của GHPGVN tuyển, giới thiệu

Điều hiển nhiên, là trong bối cảnh như hiện nay, Nhà xuất bản GHPGVN không thể đảm nhiệm 100% công việc xuất bản sách Phật giáo.

Tuy nhiên, sách do Nhà xuất bản GHPGVN xuất bản đương nhiên 100% phù hợp với tinh thần Đạo Phật, bảo đảm chánh tín, chánh kiến, hạn chế tối đa việc sai sót có liên hệ đến giáo lý đạo Phật (có thể hình dung như so sánh mức chất lượng và độ tin cậy của trang Giác Ngộ Online với trang web từ các chùa, các tu sĩ, các cư sĩ thành lập).

Chỉ dấu “Nhà xuất bản Giáo hội Phật giáo Việt Nam” là một chỉ dấu bảo đảm về mặt giá trị Phật học đối với độc giả.

Những quyển sách có nội không đạt chất lượng yêu cầu về mặt giáo lý, có nội dung không phù hợp với tinh thần đạo Phật nhưng không thể biên tập, sửa chữa, thì nhà xuất bản GHPGVN sẽ từ chối xuất bản.

Khi đó, tác giả hoặc đơn vị liên kết xuất bản vẫn có thể xuất bản qua một nhà xuất bản khác.

Tuy nhiên, như thế, mặc nhiên sự bảo đảm về giá trị Phật học của những quyển sách đó sẽ giảm thiểu đi rất nhiều (dĩ nhiên trừ trường hợp sách được viết bởi những tác giả Phật giáo có tên tuổi, được nhiều người biết đến về trình độ Phật học cũng như công phu tu tập).

Nhà xuất bản GHPGVN có vai trò tăng cường ảnh hưởng của GHPGVN lên hoạt động xuất bản sách Phật giáo, hình thành một dòng sách Phật học “chính thống”, có giá trị tin cậy cao, có tác dụng định hướng đọc sách Phật giáo đối với đông đảo bạn đọc.

2.Hình thành phương thức khuyến khích đọc đối với bạn đọc rộng rãi

Có thể hình dung phương thức này là việc biên tập lần thứ 2 do các biên tập viên Phật học với tiêu chuẩn như trên thuộc các đơn vị được GHPGVN phân công đảm nhiệm.

Việc biên tập lần 2 có thể do các nhà xuất bản liên hệ, các tác giả hay các đơn vị liên kết xuất bản đề nghị với đơn vị có trách nhiệm của GHPGVN. Những quyển sách thông qua việc biên tập lần 2 từ các biên tập viên Phật học do Giáo hội phân công, đạt yêu cầu nhất định sẽ được in dòng chữ lớn trên bìa sách, có thể là “GHPGVN khuyến khích bạn đọc tìm hiểu Phật giáo đọc quyển sách này

Có thể so sánh việc làm này là việc cấp “dấu hợp chuẩn”, “dấu đạt chuẩn” về nội dung Phật học đối với quyển sách đã thông qua lần thứ 2 với yêu cầu cao.

Cũng tất nhiên, những quyển sách Phật học không có dòng chữ khuyến khích đọc như trên vẫn được xuất bản và phát hành. Nhưng với phương thức này, GHPGVN cũng tạo ảnh hưởng nhất định đối với việc biên tập, xuất bản, phát hành và định hướng độc giả đối với sách Phật học.

Hai phương thức trên cũng có thể được áp dụng đối với các dạng xuất bản phẩm khác, như dĩa hình, dĩa âm thanh, cũng như mọi phương thức phát hành hình ảnh, âm thanh có liên hệ đến Phật giáo.

Trong tình trạng như hiện nay, nếu không thực hiện được một trong hai phương thức như đã trình bày ở trên, thì ảnh hưởng của GHPGVN đối với các xuất bản phẩm giảm dần, theo tỷ lệ ấn bản ngày càng thu hẹp của những xuất bản phẩm do các cơ quan Giáo hội thực hiện việc liên kết xuất bản.

Cách giải quyết vấn đề được đề xuất như trên hướng đến việc GHPGVN chủ động nắm lấy phần cơ bản trong việc biên tập sách, và các xuất bản phẩm Phật giáo, cung cấp một mạng lưới biên tập có độ tin cậy cao, bảo đảm giá trị tác phẩm Phật học. Điều này ngoài tác dụng nâng cao vị thế, vai trò của GHPGVN trong hoạt động một văn hóa truyền thống là xuất bản, trên hết, nó có tác dụng gia tăng yếu tố chánh tín, chánh kiến trong việc hoằng pháp bằng phương tiện sách và các xuất bản phẩm.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày