HT.Thích Giác Toàn tặng quà tới chư tôn hành giả an cư tại chuyến thăm của Ban Hoằng pháp T.Ư
tới các tỉnh miền Trung. Trong ảnh, tại hạ trường do GHPGVN TP.Đà Nẵng tổ chức - Ảnh: Thanh Nam
Trong dịp này, đoàn đã đến Thừa Thiên Huế, nơi có truyền thống an cư kiết hạ nghiêm túc, bố-tát chung và quá đường tập trung. Tại chùa Từ Đàm, Trụ sở Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, đoàn có nhân duyên được HT.Thích Hải Ấn đưa vào hậu liêu đảnh lễ Đại lão HT.Thích Trí Quang đang ẩn cư tịnh dưỡng ở đây từ đầu năm nay. Biết được mục đích của chuyến Phật sự, “Ôn” ân cần dặn dò, rằng cần khuyến tấn Tăng Ni phải hướng đến việc “cấm túc an cư”, nghĩa là gác hết mọi việc, chuyên tâm cho sự tu tập, trau dồi giới thân huệ mạng.
Nhân đó, “Ôn” đã từ ái kể lại chuyện xưa, thời Ôn còn là Tăng sinh. Hễ đến mùa An cư, từ chiều ngày 14 tháng Tư âm lịch, các Tăng sinh ai có xe đạp đều gỡ ra, bó lại và treo lên, đến qua rằm tháng Bảy âm lịch - sau khi mãn hạ, mới lấy xuống để sử dụng (thời bấy giờ, vào những năm 1935-1945, xe đạp là phương tiện đi lại được cho là quý). An cư kiết hạ là thời gian chỉ dành cho việc tu và học, tuyệt đối không bị tác động bởi các ngoại duyên. Và như thế sự tu tập, việc an cư mới có kết quả.
Ngày nay, GHPGVN sau 32 năm thành lập, hoạt động. Về mặt tổ chức có thể nói gần như hầu hết các tỉnh, thành đều có các điểm an cư kiết hạ cho chư Tăng Ni. Nhưng thiết nghĩ, chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến việc làm thế nào đẩy mạnh được sự tăng trưởng song song từ hình thức đến nội dung là điều rất cần thiết. Đó là sự tăng thượng Tam vô lậu học (Giới, Định và Tuệ).
Làm thầy Tỳ-kheo, Sa-môn khác một người thế tục là được truyền giới luật Phật chế và nghiêm mật hành trì giới luật đã thọ. Thời gian an cư kiết hạ ba tháng, nếu “cấm túc an cư” là điều kiện tốt nhất để người xuất gia tự kiểm soát, soi chiếu, thanh lọc mọi suy nghĩ, lời nói và hành động theo hướng tịnh hóa, an bình. Nhờ đó mà Giới được tăng thượng.
Một hành giả tu hành, khi tự mình lắng dịu, không còn bị hành động, lời nói, ý tưởng xấu ác quấy chi phối thì thân khẩu ý sẽ được tịnh định và nâng cao phẩm chất thiện lành. Nhận thức tỏ rõ mọi điều tốt xấu, phải quấy trong cuộc sống, biết điều nào nên làm và không nên làm, không còn bị ác ma, ác pháp quấy nhiễu bao gồm cả 2 mặt đạo - đời. Theo đó, Định lực được tăng thượng.
Soi quán, đối chiếu, thấy biết rõ mọi quy luật thành trụ hoại không, sanh trụ dị diệt… của các pháp trong đời và thường lạc ngã tịnh của đạo. Tự biết gìn giữ chân tánh của mình trước mọi biến dịch của thế gian để phụng sự Chánh pháp. Tuệ từ đó được tăng thượng.
Thực hiện nếp sống an cư kiết hạ nghiêm mật, hay thực hiện nếp sống thiền gia “an cư cấm túc” là trách nhiệm và sứ mạng thiêng liêng của người xuất gia, trau dồi nội lực để xứng đáng là “Sứ giả Như Lai”, “Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”, góp phần thành tựu định hướng “Kế thừa - Ổn định - Phát triển” mà Giáo hội đã đề ra.