Tạo hình 3D nhằm ngăn ngừa việc trộm cắp tượng Phật

GN - Nhiều sinh viên ở Nhật Bản đang tham gia vào dự án chế tác bản sao tạo hình 3D các tượng Phật với mục đích góp phần ngăn ngừa tình trạng trộm cắp có dấu hiệu gia tăng trong thời gian qua.

PhatgiaoNN940 (2).jpg

Các sinh viên phân tích dữ liệu để tiến hành 3D hóa tác phẩm nguyên bản

Các bạn trẻ miêu tả công việc này như là “một trải nghiệm kỳ diệu và quý giá” trong quãng thời gian học tập và nghiên cứu của mình.

Theo báo cáo, đã từng có 160 tượng Phật đã bị đánh cắp ở Wakayama, Nhật Bản giữa năm 2010 đến năm 2011. Hiện tại, các sinh viên khóa học Thiết kế công nghiệp thuộc Trường Trung học phổ thông và Kỹ thuật Wakayama (Nhật Bản) đang tạo ra các mô hình bản sao 3D của các tượng Phật còn lại. Thông cáo từ nhà trường cho hay, dự án này được đề xuất thực hiện với mục tiêu quan trọng nhất là bảo tồn các bức tượng hiện đang được giữ gìn và tôn thờ trong các cơ sở tự viện Phật giáo Nhật Bản.

“Những gì mà chúng ta có thể biết được trong thời gian qua là tình trạng trộm cắp tượng nguyên bản đang tiếp diễn khá nghiêm trọng trong các ngôi chùa Phật giáo”, một lãnh đạo của Trường Wakayama cho hay.

Nhật báo Yomiuri Shimbun của Nhật Bản còn cho biết, hiện tại các sinh viên đang tạo phiên bản 3D của các mô hình tượng Phật. Công việc này được xem như là một phần yêu cầu trong chương trình đào tạo của trường. Sản phẩm tạo được sẽ hiến cúng các ngôi chùa để thay thế các tượng Phật nguyên bản.

Trao đổi với các cơ quan thông tấn báo chí, giáo viên hướng dẫn khóa học khẳng định, qua dự án, các sinh viên sẽ có cơ hội quý giá để trực tiếp học và thực hành các kỹ thuật một cách thuần thục. Nhờ đó các sinh viên nhận được phản hồi từ các ngôi chùa địa phương về kết quả làm việc của mình. Ngược lại, các cơ sở tự viện Phật giáo có thể tiết kiệm các chi phí cho việc thuê nguồn lực để thực hiện dự án này.

Được biết, vào năm 2015, sau 6 tháng thực hiện với sự chung tay của một tập thể đông đảo, các sinh viên đã từng tạo ra một mô hình đầu tiên là bản sao tương đối chân thật của tác phẩm điêu khắc Aizen Myoo. Từ thời gian đó đến nay, Trường Trung học phổ thông và Kỹ thuật Wakayama đã tạo ra được 25 tượng mô hình.

“Từ các tác phẩm được tạo tác, tôi có thể nhìn cận cảnh và chạm vào các tượng Phật quý giá hiện hữu từ hàng trăm năm trước. Đây thật sự là một trải nghiệm quý giá và huyền diệu trong cuộc đời tôi”, một sinh viên tâm sự với báo giới.

Quy trình tạo mô hình một pho tượng khá phức tạp, bắt đầu bằng việc tạo một bản sao chụp 3D của bức tượng nguyên bản. Đối với các số đo khá nhỏ không thể nắm bắt được từ việc sao chụp, điển hình như khoảng cách giữa các ngón tay của bức tượng hay nếp nhăn trên quần áo, sẽ được các sinh viên đảm nhiệm thêm vào sau khi quan sát kỹ lưỡng tác phẩm nguyên bản. Các dữ liệu này sẽ được kết hợp một cách hài hòa và chỉn chu trong sản phẩm dạng 3D.

Sau khi hoàn tất các số đo và tạo xong sản phẩm 3D, bức tượng phải được tiến hành sơn lại sao cho giống với tượng nguyên bản.

Theo Cục Văn hóa Nhật Bản, chỉ trong 2 năm gần đây, đã có 105 vụ trộm cắp các tác phẩm điêu khắc. Do vậy, các cơ sở tự viện Nhật Bản ngày càng quan tâm đến việc tạo ra mô hình tượng 3D thay thế nhằm đảm bảo an toàn cho việc thờ phượng.

Trong một động thái chống lại hiện tượng trộm cắp này, các nhà chức trách Nhật Bản cũng khuyến cáo các ngôi chùa nên chuyển các tượng Phật khó bảo tồn cho Bảo tàng Wakayama Prefectural để lưu giữ một cách tốt nhất có thể.

Gia Trúc - Nguyệt Bảo An
(theo Lion’s Roar)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày